Thông cáo kỳ họp quốc hội lần thứ 8 khóa XIV

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc sáng 21/10/2019 và dự kiến họp phiên bế mạc vào ngày 27/11/2019. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành hơn 60% thời gian cho công tác xây dựng pháp luật.

Sáng ngày 21/10/2019 Quốc hội đã tiến hành khai mạc kỳ họp lần thứ 8 Quốc hội khóa 14 để phân tích, thảo luận kỹ lưỡng nhằm đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp có căn cứ, cơ sở khoa học, phù hợp với tình hình thế giới và trong nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tiếp tục chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân; kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ Quốc gia. Sau đây là toàn văn thông cáo số 1, 2 và số 3 kỳ họp lần thứ 8 của Quốc hội khóa 14, mời các bạn cùng theo dõi.

1. Thông cáo số 01 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Buổi sáng:

Trước phiên khai mạc kỳ họp, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các vị đại biểu Quốc hội đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào 8 giờ 00 phút cùng ngày, Quốc hội đã họp phiên trù bị dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 8. Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình kỳ họp thứ 8; nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Báo cáo về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Hồ Văn Năm thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.

Đúng 9 giờ 00 phút, tại phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội đã diễn ra Lễ khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đọc diễn văn khai mạc kỳ họp. Phiên khai mạc có sự tham dự của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội; các vị đại biểu Quốc hội khóa XIV; các đồng chí nguyên là Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện Lãnh đạo của các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên khai mạc.

Trong diễn văn khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 8 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng giảm; cạnh tranh chiến lược, xung đột lợi ích giữa các quốc gia gia tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro; ở trong nước, vấn đề thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tình hình biển Đông thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp, khó lường và những tác động không thuận khác… đã ảnh hưởng không nhỏ đến nước ta. Mặc dù vậy, tình hình kinh tế- xã hội 9 tháng đầu năm tiếp tục đạt những kết quả khá toàn diện: tăng trưởng đạt khá cao, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện, an sinh xã hội được quan tâm bảo đảm, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội ước đạt và vượt toàn bộ chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao; tạo cơ sở vững chắc để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 5 năm 2016 - 2020. Qua đó, khẳng định sự đúng đắn trong đường lối lãnh đạo của Đảng, là kết quả của sự quyết tâm, đồng lòng, hợp lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước đã vượt qua khó khăn, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; tiếp tục củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh việc xem xét các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Quốc hội còn dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (xem xét, thông qua 12 dự án luật, bộ luật, 04 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 09 dự án luật khác); Quốc hội thực hiện giám sát tối cao, tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và nghe báo cáo về công tác đối ngoại năm 2019, trong đó có tình hình biển Đông; xem xét và phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam – Campuchia và Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân, tập trung trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, có nhiều ý kiến sâu sắc, góp phần vào thành công chung của kỳ họp.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã nghe các báo cáo:

i) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

ii) Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

iii) Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

iv) Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Phiên khai mạc được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp và có sự tham dự đưa tin của các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương tại Trung tâm Báo chí của Quốc hội.

Buổi chiều

Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe các báo cáo:

i) Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 (trong đó có nội dung về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho 02 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai-len cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135).

ii) Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 (trong đó có nội dung về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho 02 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai-len cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135).

iii) Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.

iv) Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.

v) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.

vi) Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.

vii) Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, thừa ủy quyền Thủ tướng trình bày Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

viii) Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến trình bày báo cáo thẩm tra Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Thứ Ba, ngày 22/10/2019:

Buổi sáng, Quốc hội nghe: Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về dự án Luật này.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; Việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015./.

2. Thông cáo số 02 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

- Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

- Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này. Trong quá trình thảo luận đã có 10 ý kiến phát biểu, trong đó đa số đại biểu nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm tính khả thi khi đưa luật vào áp dụng trong cuộc sống, các đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về những nội dung sau: Về tính công khai, minh bạch; điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng; chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng; vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; mô hình và tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam; tổ chức hoạt động và chức năng đăng ký giao dịch của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam …

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng về nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, đồng thời chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở Tổ về các nội dung sau đây:

- Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

- Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

- Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

- Việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.

- Việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.

Thứ Tư, ngày 23/10/2019, Quốc hội họp phiên toàn thể nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)./.

3. Thông cáo số 03 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp. Theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung phiên thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật. Trong quá trình thảo luận đã có 48 đại biểu phát biểu và có 06 đại biểu tranh luận. Đa số các ý kiến đại biểu nhất trí với nội dung Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Bộ luật bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau như: Mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; tăng tuổi nghỉ hưu; tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị tăng thêm 01 ngày nghỉ lễ đó là Ngày gia đình Việt Nam 28/6; về thời giờ làm việc bình thường; về nghỉ lễ, Tết; chính sách tiền lương; bổ sung thêm về việc học nghề, dạy nghề đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về dự thảo Bộ luật.

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu Quốc hội đã tham gia thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến thận trọng, khách quan và thẳng thắn. Về cơ bản các đại biểu Quốc hội đã nhất trí với Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ủy ban thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã lắng nghe và tiếp thu các ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan, các chuyên gia và người lao động khi tiếp thu, hoàn thiện dự án Bộ luật. Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung cao và thảo luận những nội dung còn ý kiến khác nhau, như: việc làm thêm giờ; tăng tuổi nghỉ hưu; tăng thêm một ngày nghỉ có hưởng lương trong năm. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về các nội dung còn ý kiến khác nhau trước khi biểu quyết thông qua.

Thứ Năm, ngày 24/10/2019: Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và thảo luận tại Hội trường về dự án Luật này. Buổi chiều, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Quốc hội họp phiên toàn thể nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Tổ về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1./.

Tham khảo thêm:

Đánh giá bài viết
1 150
0 Bình luận
Sắp xếp theo