Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ 2024

Quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thế nào? Sở hữu trí tuệ là một vấn đề mới mẻ ở nước ta hiện nay. Trong bài viết này, Hoatieu.vn xin gửi đến bạn đọc các quy định liên quan vấn đề sở hữu trí tuệ và Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012

Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

1. Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính là gì?

Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính là thời hạn (khoảng thời gian) mà khi hết thời hạn đó thì các cơ quan chức năng không có quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nữa. Hiểu nôm na thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là khoảng thời gian để các cơ quan chức năng có thẩm quyền ra quyết định xử phạt với hành vi vi phạm và hết thời gian đó thì quyền năng này sẽ bị mất đi.

2. Thời hạn xử lý vi phạm hành chính

Vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là bao lâu?

Theo điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:

  • 02 năm: Vi phạm hành chính về kế toán; thủ tục thuế; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hải sản; quản lý rừng, lâm sản; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khóa ng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước
  • Vi phạm hành chính là hành vi trốn thuế, gian lận thuế, nộp chậm tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế: tính theo quy định của pháp luật về thuế, cụ thể:

- Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, thời hiệu xử phạt đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế là 02 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.

- Thời hiệu xử phạt đối với hành vi trốn thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn là 05 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.

  • Trường hợp còn lại: 1 năm

Để biết thêm cách tính thời hiệu và các vấn đề khác liên quan thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, mời các bạn đọc Tại đây

3. Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Theo danh mục thời gian được đưa ra tại mục 2 bài viết này thì thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là 02 năm kể từ:

  • Từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm đối với vi phạm hành chính đã kết thúc
  • Từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm với vi phạm hành chính đang được thực hiện

4. Xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ?

Xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ? 

Có thể xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự, cụ thể:

4.1. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt hành chính

Điều 211 Luật sở hữu trí tuệ 2009 quy định các hành vi sau sẽ bị xử phạt hành chính:

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt vi phạm hành chính:

a) Thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội;

b) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 5.A.3.3 Chương này hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;

c) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.

2. Chính phủ quy định cụ thể về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính, hình thức, mức phạt và thủ tục xử phạt.

3. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

4.2. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hình sự

Theo quy định tại điều 212 Luật sở hữu trí tuệ 2009, các hành vi sau đây bị xử lý hình sự: Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.

Ví dụ: Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại điều 226 Bộ luật hình sự 2015 với định nghĩa được nêu ra tại khoản 1 như sau:

Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Trên đây, Hoatieu.vn đã giới thiệu cho bạn đọc các quy định của pháp luật về Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Mời các bạn tham khảo các bài viết khác tại mục Hành chính, mảng Hỏi đáp pháp luật

Các bài viết liên quan:

Đánh giá bài viết
2 163
0 Bình luận
Sắp xếp theo