Tham luận: Nâng cao nhân thức về hoạt động trải nghiệm sáng tạo

Bài tham luận: Nâng cao nhân thức về hoạt động trải nghiệm sáng tạo là mẫu bài phát biểu trong Hội nghị Công chức viên chức nhằm đưa ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường học. Mời quý thầy cô cùng tham khảo.

Bài tham luận về hoạt động trải nghiệm sáng tạo

Kính thưa quý vị đại biểu! Thưa toàn thể Hội đồng Nhà trường!

Hoạt động TNST là một thuật ngữ chưa tồn tại trong chương trình giáo dục cũ của chúng ta. Nó mới xuất hiện trong đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông (còn gọi tắt là Chương trình mới) và hiện nay chúng ta đang tích cực thể nghiệm. Trong thực tế dạy học - giáo dục lâu nay, chúng ta đã thực hiện, tuy nhiên, ta vẫn chưa định hình rõ về vai trò, đặc trưng, mục đích giáo dục,... của nó. Vậy bản chất của hoạt động này là gì? nó có vai trò, ưu thế gì trong nền giáo dục? để tổ chức tốt hoạt động này cần lưu ý những yêu cầu nào? v..v..

Vì kinh nghiệm thực tế còn ít nên tôi chỉ xin chia sẻ những “vỡ vạc” trong nhận thức của mình khi nghiên cứu lí thuyết và đối chiếu nó với thực tiễn tổ chức hoạt động này ở trường ta.

1. Vai trò - Ưu thế của hoạt động TNST

Hiện nay, TNST đang trong giai đoạn được đốc thúc thực nghiệm. Đến năm học này, riêng bộ môn Ngữ văn, Sở đã chủ trương: khi lập kế hoạch giảng dạy, mỗi khối phải có ít nhất 4 tiết TNST trong chương trình. Tuy nhiên, trong chương trình giáo dục mới, kế hoạch giáo dục được chia thành hai phần lớn: một là các môn học, các chuyên đề học tập (gọi chung là môn học); hai là hoạt động trải nghiệm sáng tạo; hoạt động giáo dục (hiểu theo nghĩa rộng) cũng bao gồm hai hoạt động chính: hoạt động dạy học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Như vậy, “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giữ vai trò rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Hoạt động này giúp cho học sinh có nhiều cơ hội trải nghiệm để vận dụng những kiến thức học được vào thực tiễn, từ đó, hình thành năng lực thực tiễn cũng như phát huy tiềm năng sáng tạo của bản thân”.

Nếu mục tiêu chủ yếu của dạy học trên lớp là phát triển trí tuệ thì mục tiêu chủ yếu của hoạt động TNST là phát triển phẩm chất. Cụ thể là: hình thành và phát triển những phẩm chất, tư tưởng, ý chí, tình cảm, giá trị, kỹ năng sống và những năng lực chung cần có ở con người trong xã hội hiện đại thông qua những trải nghiệm thực tiễn.

2. Đặc trưng và yêu cầu của HĐ TNST:

“Hoạt động TNST là hoạt động giáo dục, trong đó, dưới sự hướng dẫn của nhà giáo dục, từng cá nhân học sinh được tham gia trực tiếp vào các hoạt động khác nhau của đời sống nhà trường cũng như ngoài xã hội với tư cách là chủ thể của hoạt động, qua đó phát triển năng lực thực tiễn, phẩm chất nhân cách và phát huy tiềm năng sáng tạo của cá nhân mình.” Trong đó, khái niệm “trải nghiệm” dùng để chỉ phương thức giáo dục, còn “sáng tạo” chính là mục tiêu giáo dục.

“Trải nghiệm” là thể nghiệm, thực nghiệm. Khi trực tiếp tham gia các hoạt động trong thực tiễn với tư cách chủ thể hoạt động, người học sẽ phát triển về kiến thức, kĩ năng, tình cảm và ý chí nhất định.

Trong quá trình tham gia hoạt động TNST, để giải quyết các nhiệm vụ thực tiễn, học sinh sẽ phải vận dụng kiến thức, kĩ năng đã có để giải quyết vấn đề, ứng dụng trong tình huống mới (không theo chuẩn đã có); hoặc nhận biết được vấn đề trong các tình huống tương tự; hoặc có khả năng độc lập nhận ra chức năng mới của đối tượng; hoặc có năng lực tìm kiếm và phân tích được các yếu tố của đối tượng trong các mối tương quan của nó, hay có thể độc lập tìm kiếm ra giải pháp thay thế và kết hợp được các phương pháp đã biết để đưa ra hướng giải quyết mới cho một vấn đề. Đó chính là sự sáng tạo của học sinh, là mục tiêu giáo dục tích cực mà ta cần đạt được.

Qua nghiên cứu lí thuyết cho thấy: các hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa, sáng tạo KHKT... lâu nay cũng chính là những dạng hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Ở một số nước, hoạt động TNST vẫn thường được gọi là hoạt động ngoài giờ lên lớp. Tuy nhiên, chúng ta cần biết tại sao trong đề án đổi mới chương trình GD VN, chúng lại được gọi bằng thuật ngữ mới – tức gọi là HĐ TNST?

Các nhà khoa học GD cho biết: Việc gọi tên khác cho hoạt động ngoài giờ lên lớp ở Chương trình GD mới, không chỉ là vì nội hàm triết lý giáo dục đã thay đổi, mà còn vì chúng ta muốn nhấn mạnh đến sự thay đổi nhận thức, ý thức về cái mới của hoạt động này: tránh sự hiểu nhầm rằng ngoài giờ thì không quan trọng, không có vị trí xứng đáng; hoặc là đơn giản hóa nội dung, mục đích của hoạt động này,… Trong tên gọi mới, “trải nghiệm” là phương thức giáo dục và “sáng tạo” là mục tiêu giáo dục, phải được làm rõ.

Cụ thể, HĐ ngoài giờ lên lớp lâu nay đang mắc phải một số hạn chế như sau:

- Các hoạt động đó chủ yếu được tổ chức dựa trên các chủ đề đã được quy định trong chương trình với các hình thức còn chưa phong phú; học sinh thường được chỉ định, phân công tham gia một cách bị động, các em chưa được chủ động tham gia tất cả các khâu trong tiến trình hoạt động.

- Giáo viên tổ chức hoạt động cho học sinh nhưng chưa xác định rõ hoạt động đó sẽ hướng tới hình thành những năng lực gì của các em. Điều đó không phù hợp với một chương trình định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, cần phải thay đổi.

Trong Chương trình mới, các hoạt động tập thể, hoạt động ngoài giờ, kể cả dạy học trên lớp sẽ phong phú hơn cả về nội dung, phương pháp và hình thức hoạt động, đặc biệt, mỗi hoạt động phải phù hợp với mục tiêu phát triển những phẩm chất, năng lực nhất định của học sinh; nghĩa là học sinh được học từ trải nghiệm – nhưng không đơn giản chỉ là “trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một làm” mà còn cao hơn nữa.

Ví dụ, thử so sánh “học qua trải nghiệm” (hoạt động trải nghiệm) với “học thông qua làm” (tức: thực hành, thí nghiệm) ta sẽ thấy giống và khác nhau như thế nào?

Hai cách học trên gần giống nhau - giống ở chỗ: người học đều trực tiếp tham gia vào hoạt động và ở tư cách chủ thể hoạt động. Tuy nhiên, “học qua làm” là nhấn mạnh về thao tác kỹ thuật còn “học qua trải nghiệm” giúp người học không những có được năng lực thực hiện mà còn có những trải nghiệm về cảm xúc, ý chí và nhiều trạng thái tâm lý khác. “Học qua làm” chú ý đến những quy trình, động tác và đi đến kết quả là chung cho mọi người học nhưng “học qua trải nghiệm” lại chú ý tới kinh nghiệm, sự sáng tạo và cảm xúc cá nhân. Các em được trải nghiệm, được bày tỏ quan điểm, ý tưởng, được đánh giá và lựa chọn ý tưởng hoạt động, được thể hiện, tự khẳng định bản thân, được tự đánh giá và đánh giá kết quả hoạt động của bản thân, của nhóm mình và của bạn bè,… Từ đó, hình thành và phát triển cho các em những giá trị sống và các năng lực cần thiết. HĐTNST về cơ bản mang tính chất của hoạt động tập thể trên tinh thần tự chủ, với sự nỗ lực giáo dục nhằm phát triển khả năng sáng tạo và cá tính riêng của mỗi cá nhân trong tập thể.

Trong hoạt động TNST, Nhà giáo dục không tổ chức, không phân công học sinh một cách trực tiếp mà chỉ hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát cho tập thể hoặc cá nhân học sinh tham gia trực tiếp; hoặc ở vai trò tổ chức hoạt động, giúp học sinh chủ động, tích cực trong các hoạt động; phạm vi các chủ đề hay nội dung hoạt động và kết quả đầu ra là năng lực thực tiễn, phẩm chất và năng lực sáng tạo đa dạng, khác nhau của các em.

Hoạt động TNST không chỉ hướng đến những phẩm chất và năng lực chung như đã được đưa ra trong Dự thảo Chương trình mới, mà còn có ưu thế trong việc thúc đẩy hình thành ở người học các năng lực đặc thù như:

- Năng lực hoạt động và tổ chức hoạt động

- Năng lực tổ chức và quản lý cuộc sống

- Năng lực tự nhận thức và tích cực hóa bản thân

- Năng lực định hướng nghề nghiệp

- Năng lực khám phá và sáng tạo

Vì vậy đầu ra của hoạt động TNST khá đa dạng và khó xác định mức độ chung, nhất là khi nó lại luôn gắn với cảm xúc, không dễ đánh giá.

Có nhiều cách đánh giá kết quả hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Điều quan trọng nhất của các phương pháp này là cần: quan sát, nhận xét, góp ý để đánh giá và phải ngay trong quá trình hoạt động thực tiễn, dựa trên các biểu hiện cụ thể về phương thức chứ không chỉ dựa vào kết quả hoạt động cuối cùng của học sinh. Thí dụ: Đặt học sinh trước tình huống có vấn đề cần giải quyết, quan sát cách thức và kết quả giải quyết tình huống của học sinh để đánh giá được năng lực giải quyết vấn đề và nhiều năng lực khác. Hồ sơ sản phẩm của một nghiên cứu khoa học hay của một chuyến tham quan thực địa cũng là minh chứng thuyết phục để đánh giá nhiều năng lực khác nhau của học sinh. Nhìn chung, đánh giá năng lực đầu ra của hoạt động trải nghiệm sáng tạo cần sử dụng nhiều hình thức đánh giá, nhiều bộ công cụ đánh giá, coi trọng nhận xét quá trình tiến bộ về nhiều mặt khác nhau của học sinh.

(Như vậy, lâu nay từ cách thức tổ chức cho đến khâu kiểm tra đánh giá hoạt động TNST, chúng ta vẫn chưa thực hiện chuẩn xác yêu cầu, mục đích giáo dục của hoạt động.)

Theo các nhà nghiên cứu GD, ngoài những hoạt động TNST được thiết kế thành hoạt động riêng, trong từng môn học cũng cần coi trọng việc tổ chức, hướng dẫn các hoạt động TNST phù hợp với đặc trưng nội dung môn học và điều kiện dạy học; cần phải lưu ý đến các điều kiện để thực hiện chương trình hoạt động TNST (ví dụ: tăng biên chế giáo viên nếu thiếu, hỗ trợ giáo viên về tài liệu, tổ chức tập huấn hoặc đào tạo cấp chứng chỉ về tổ chức hoạt động TNST…)

3. Một số hình thức tổ chức hoạt động TNST

Có thể kể ra một số hình thức hoạt động TNST như sau:

- Hình thức có tính khám phá: thực địa, thực tế, tham quan, dã ngoại, cắm trại,...

- Hình thức có tính triển khai: dự án và nghiên cứu khoa học, sáng tạo KHKT, hội thảo, câu lạc bộ, ...

- Hình thức các hội thi, cuộc thi: thi viết, thi vẽ, thi tìm hiểu, đố vui, giải ô chữ, thi tiểu phẩm, thiết kế thời trang, kể chuyện, chụp ảnh, thuyết trình, tạo video clip,... về một chủ đề nào đó

- Hình thức có tính trình diễn: diễn đàn, giao lưu, sân khấu hóa, tổ chức trò chơi,...

- Hình thức có tính cống hiến, tuân thủ: thực hành lao động việc nhà, việc trường, lao động công ích, tổ chức sự kiện, hoạt động chiến dịch, hoạt động nhân đạo – hoạt động tình nguyện vì xã hội,...v..v..

4. Một số giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động TNST

Từ lí thuyết đối chiếu với thực tiễn hoạt động này ở trường ta, tôi nhận thấy cần lưu ý một số vấn đề sau:

- 1) Vì chúng ta đang trong giai đoạn thực nghiệm cho Chương trình mới, điều kiện dạy học chưa thuận lợi,... nên cần nghiên cứu kĩ hơn lý luận về tổ chức hoạt động TNST, đúc rút kinh nghiệm sau mỗi hình thức hoạt động.

- 2) Về quy mô tổ chức HĐ TNST, có các quy mô khác nhau như: theo nhóm, theo lớp, theo khối lớp, theo trường hoặc liên trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia GD, tổ chức theo quy mô nhóm và quy mô lớp có ưu thế hơn về nhiều mặt như: đơn giản, không tốn kém, mất ít thời gian, học sinh tham gia được nhiều hơn và có nhiều khả năng hình thành, phát triển các năng lực cho học sinh hơn. Như vậy, để giảm tốn kém và đảm bảo chất lượng giáo dục, những hình thức TNST quy mô nhỏ nên phát huy nhiều hơn, ví dụ như: thuyết trình, xê-mi-na, diễn tiểu phẩm, diễn nhập vai, đố vui, giải ô chữ, thi vẽ,... tại lớp hoặc khối - nhất là trong tiết ôn tập, tự chọn,... ; còn quy mô cấp trường và liên trường nên ít hơn, cần cân nhắc lựa chọn và ưu tiên cho những chủ đề và mục tiêu giáo dục lớn, có tính phổ quát... như: TNST về các vấn đề xã hội như an toàn giao thông, bạo lực học đường, HIV – AIDS, sức khỏe sinh sản vị thành niên,...

- 3) Cần lưu ý: phạm vi các chủ đề/ nội dung hoạt động và kết quả đầu ra của TNST là năng lực thực tiễn, phẩm chất và năng lực sáng tạo đa dạng, khác nhau của các em HS. Vì vậy, giáo viên không làm thay, không tổ chức, không phân công học sinh một cách trực tiếp mà chỉ hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát cho tập thể hoặc cá nhân học sinh tham gia trực tiếp; hoặc GV đứng ở vai trò tổ chức hoạt động, giúp học sinh chủ động, tích cực trong càng nhiều hoạt động càng tốt.

- 4) Khi đánh giá hoạt động, quan trọng nhất là cần quan sát, nhận xét, góp ý và đánh giá ngay trong quá trình hoạt động thực tiễn của HS, dựa trên các biểu hiện cụ thể về phương thức chứ không chỉ dựa vào kết quả hoạt động cuối cùng của học sinh; coi trọng nhận xét quá trình tiến bộ về nhiều mặt khác nhau của học sinh; chú trọng cá tính, sự sáng tạo riêng của các em. Bây giờ có thể hơi sớm nhưng khi TNST đã được đưa vào chương trình như một hoạt động lớn thì cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá riêng đối với kết quả đầu ra của hoạt động này ở học sinh.

- 5) Cần coi trọng việc tổ chức, hướng dẫn các hoạt động TNST phù hợp với đặc trưng nội dung môn học và điều kiện dạy học

- 6) Khi tổ chức HĐTNST cần lưu ý thu hút sự tham gia, phối hợp, liên kết nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường như: giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cán bộ Đoàn, tổng phụ trách Đội, Ban giám hiệu nhà trường, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, Hội Khuyến học, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở địa phương, các nhà hoạt động xã hội, những nghệ nhân, những người lao động tiêu biểu ở địa phương,…

Còn nhiều vấn đề nữa chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu. Trong khuôn khổ thời gian tại Hội nghị, tôi xin tạm dừng ở đây.

Xin chúc quý vị dồi dào sức khỏe, chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!

--------------------

Trên đây là nội dung bài Tham luận: Nâng cao nhân thức về hoạt động trải nghiệm sáng tạo, mời các bạn tham khảo thêm các tài liệu biểu mẫu giáo dục - đào tạo khác đã được hoatieu.vn sưu tầm và đăng tải.

Đánh giá bài viết
3 13.847
0 Bình luận
Sắp xếp theo