Quyết định 622/QĐ-TTg về kế hoạch hành động quốc gia thực hiện nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững

Quyết định 622/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đưa ra quan điểm và mục tiêu phát triển, kế hoạch thực hiện... Quyết định 622/QĐ-TTg gồm 5 phần và 2 phụ lục kèm theo.

Từ năm 2030 Hà Nội sẽ cấm xe máy ở các quận nội thành

Nghị quyết 52/NQ-CP phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030

Quyết định 2161/QĐ-BGDĐT về mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục và đào tạo đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
Số: 622/QĐ-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 2017

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ 2030 VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 98/2015/QH13 ngày 10 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016;

Căn cứ Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12 tháng 4 tháng 2016 của Quốc hội Khóa XIII về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7 tháng 1 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016;

Căn cứ Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Hội đồng quốc gia về PTBV và NLCT;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục: TH, NN, CN, KTTH, QHQT, QHĐP,
ĐMDN, PL, NC, V.I, TKBT, TCCV, KSTT;
- Lưu: VT, KGVX (3).

THỦ TƯỚNG


Nguyễn Xuân Phúc

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ 2030 VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

(Ban hành kèm theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017
của Thủ tướng Chính phủ)

I. QUAN ĐIỂM

1. Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia.

2. Phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các bộ, ngành và địa phương; của các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, các cộng đồng dân cư và mỗi người dân. Huy động mọi nguồn lực xã hội; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và các bên liên quan nhằm đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

3. Con người là trung tâm của phát triển bền vững. Phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững. Đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân; xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế để phát triển bền vững đất nước.

4. Tạo điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung và được tham gia, đóng góp và hưởng lợi, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho những thế hệ mai sau. Không để ai bị bỏ lại phía sau, tiếp cận những đối tượng khó tiếp cận nhất trước, bao gồm trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người nghèo, người khuyết tật, đồng bào vùng sâu, vùng xa và những đối tượng dễ bị tổn thương khác.

5. Khoa học và công nghệ là nền tảng, là động lực cho phát triển bền vững đất nước. Công nghệ hiện đại, sạch và thân thiện với môi trường cần được ưu tiên sử dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất.

II. CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẾN NĂM 2030 CỦA VIỆT NAM

1. Mục tiêu tổng quát

Duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đối với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững.

2. Các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam

  • Mục tiêu 1. Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi
  • Mục tiêu 2. Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững
  • Mục tiêu 3. Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi
  • Mục tiêu 4. Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người
  • Mục tiêu 5. Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái
  • Mục tiêu 6. Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người
  • Mục tiêu 7. Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người
  • Mục tiêu 8. Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người
  • Mục tiêu 9. Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới
  • Mục tiêu 10. Giảm bất bình đẳng trong xã hội
  • Mục tiêu 11. Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn; phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng
  • Mục tiêu 12. Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững
  • Mục tiêu 13. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai
  • Mục tiêu 14. Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững
  • Mục tiêu 15. Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất
  • Mục tiêu 16. Thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp
  • Mục tiêu 17. Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững

3. Các mục tiêu cụ thể

Các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam bao gồm 115 mục tiêu cụ thể nêu tại Phụ lục I kèm theo, tương ứng với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu theo Văn kiện “Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào tháng 9 năm 2015, trong đó:

  • Mục tiêu 1: có 4 mục tiêu cụ thể, từ 1.1 - 1.4
  • Mục tiêu 2: có 5 mục tiêu cụ thể, từ 2.1 - 2.5
  • Mục tiêu 3: có 9 mục tiêu cụ thể, từ 3.1 - 3.9
  • Mục tiêu 4: có 8 mục tiêu cụ thể, từ 4.1 - 4.8
  • Mục tiêu 5: có 8 mục tiêu cụ thể, từ 5.1 - 5.8
  • Mục tiêu 6: có 6 mục tiêu cụ thể, từ 6.1 - 6.6
  • Mục tiêu 7: có 4 mục tiêu cụ thể, từ 7.1 - 7.4
  • Mục tiêu 8: có 10 mục tiêu cụ thể, từ 8.1 - 8.10
  • Mục tiêu 9: có 5 mục tiêu cụ thể, từ 9.1 - 9.5
  • Mục tiêu 10: có 6 mục tiêu cụ thể, từ 10.1 - 10.6
  • Mục tiêu 11: có 10 mục tiêu cụ thể, từ 11.1 - 11.10
  • Mục tiêu 12: có 9 mục tiêu cụ thể, từ 12.1 - 12.9
  • Mục tiêu 13: có 3 mục tiêu cụ thể, từ 13.1 - 13.3
  • Mục tiêu 14: có 6 mục tiêu cụ thể, từ 14.1 - 14.6
  • Mục tiêu 15: có 8 mục tiêu cụ thể, từ 15.1 - 15.8
  • Mục tiêu 16: có 9 mục tiêu cụ thể, từ 16.1 - 16.9
  • Mục tiêu 17: có 5 mục tiêu cụ thể, từ 17.1 - 17.5

III. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU VÀ PHÂN KỲ THỰC HIỆN

1. Các nhiệm vụ chủ yếu thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2020

a) Hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển bền vững; tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách theo hướng điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện Kế hoạch hành động và các mục tiêu phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển bền vững quốc gia.

b) Muộn nhất trong năm 2018 hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch hành động của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức; xây dựng các chương trình, đề án, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030.

c) Thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về các mục tiêu phát triển bền vững và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Từng bước đưa nội dung giáo dục phát triển bền vững, các mục tiêu phát triển bền vững vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục và đào tạo các cấp.

Tăng cường năng lực cho các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện, lồng ghép, giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững.

d) Xây dựng và ban hành chỉ tiêu và lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Xây dựng và ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững, cơ chế thu thập thông tin dữ liệu phục vụ giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Nghiên cứu và xây dựng các công cụ thu thập và phổ biến số liệu có tính sáng tạo. Tăng cường năng lực cán bộ làm công tác thống kê để đảm bảo việc giám sát, đánh giá, báo cáo các mục tiêu phát triển bền vững.

đ) Lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, các chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan. Đến năm 2020, lồng ghép đầy đủ các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào nội dung Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025, các quy hoạch phát triển của ngành và địa phương giai đoạn 2021 - 2030.

e) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước theo các mục tiêu phát triển bền vững ở mọi lĩnh vực, chú trọng đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo, hoạch định chính sách.

g) Giám sát, đánh giá, báo cáo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

  • Chậm nhất ngày 15 tháng 12 hằng năm, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Báo cáo tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và Kế hoạch hành động gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Chính phủ, Quốc hội. Đến năm 2020, đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2017 - 2020 Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
  • Xây dựng Báo cáo đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững gửi Liên Hợp Quốc.
  • Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về các mục tiêu phát triển bền vững.

2. Các nhiệm vụ chủ yếu thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030

a) Triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch hành động để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030.

b) Tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tập trung nguồn lực nhằm giải quyết những vướng mắc, các lĩnh vực gặp khó khăn trong quá trình thực hiện Kế hoạch hành động.

c) Hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu các mục tiêu phát triển bền vững, cơ chế thu thập thông tin dữ liệu phục vụ giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững; vận hành hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu về các mục tiêu phát triển bền vững; công khai thông tin về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để chia sẻ với các bên liên quan nhằm khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu này và để phục vụ công tác hoạch định chính sách.

d) Tiếp tục phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao ở mọi lĩnh vực để phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước theo các mục tiêu phát triển bền vững, chú trọng đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo, hoạch định chính sách.

đ) Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Chú trọng phát triển công nghệ môi trường, công nghệ sạch, công nghệ năng lượng mới.

e) Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác giám sát, đánh giá, báo cáo tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đến năm 2025, thực hiện đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2021 - 2030 kết quả thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Đến năm 2030, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững kết hợp với đánh giá kết quả thực hiện Báo cáo Việt Nam 2035 và chuẩn bị xây dựng các mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ tiếp theo.

3. Các nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 theo Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định này.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội về phát triển bền vững và các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

2. Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư, các đối tác phát triển trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Tăng cường vai trò của Quốc hội, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc giám sát thực hiện và phản biện xã hội trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

3. Tăng cường và huy động các nguồn tài chính trong và ngoài nước để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia:

a) Tăng cường nguồn lực tài chính công thông qua việc nâng cao hiệu quả hệ thống thuế, chính sách thuế; tiết kiệm chi tiêu công; đổi mới quản lý tài chính công theo hướng công khai, minh bạch.

b) Huy động các nguồn lực xã hội cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Trong xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của các cấp, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, chú ý huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt từ khu vực doanh nghiệp, khu vực tư nhân cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

c) Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể để huy động các nguồn tài chính, đặc biệt là nguồn tài chính từ khu vực tư nhân để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

4. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự phối hợp giữa các cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp, các tổ chức chính trị, xã hội, các hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và sự phối hợp giữa cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trong triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để bảo đảm tính tích hợp và lồng ghép của các mục tiêu.

5. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh công khai, minh bạch trong sử dụng ngân sách nhà nước, trong phân bổ nguồn lực.

6. Tăng cường hợp tác quốc tế trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia; tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động chia sẻ, học tập kinh nghiệm và nâng cao năng lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; chủ động phối hợp và tham gia cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực cũng như các thách thức đối với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ của quốc tế cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phân công trách nhiệm thực hiện

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc tổ chức triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia và các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

b) Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh tham mưu, tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia và các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030; đề xuất các biện pháp, giải pháp, cơ chế nhằm đảm bảo phối hợp các hoạt động của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và người dân để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững và Kế hoạch hành động.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động, tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:

  • Lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững trong quá trình xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.
  • Xây dựng chỉ tiêu và lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, muộn nhất trong năm 2018 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
  • Xây dựng và ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững, muộn nhất trong năm 2018, đảm bảo xây dựng được các chỉ tiêu đánh giá định lượng. Đến năm 2020, hoàn thành cơ sở dữ liệu thống kê phục vụ giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
  • Xây dựng và ban hành hướng dẫn lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương; hướng dẫn thực hiện giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững, muộn nhất trong năm 2018.
  • Giám sát, đánh giá, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch hành động và xây dựng các Báo cáo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và Kế hoạch hành động hàng năm trình Chính phủ, Quốc hội. Tổ chức sơ kết và tổng kết thực hiện Kế hoạch hành động.
  • Xây dựng Báo cáo đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững gửi Liên Hợp Quốc. Trong năm 2018, xây dựng và tham gia báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong khuôn khổ Diễn đàn chính trị cấp cao của Liên Hợp Quốc về Phát triển bền vững.
  • Xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, bao gồm cả nguồn lực từ xã hội, khu vực tư nhân, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn lực quốc tế khác; phân bổ nguồn lực ưu tiên cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện Kế hoạch hành động.
  • Nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển bền vững.

d) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán và đảm bảo kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động; Xây dựng các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân tham gia đầu tư thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

đ) Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam chịu trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển bền vững, Kế hoạch hành động quốc gia và tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

e) Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

  • Xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được phân công thực hiện theo Quyết định này muộn nhất trong năm 2018; chủ động tham gia phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được phân công.
  • Lồng ghép và triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của ngành, địa phương.
  • Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững theo lĩnh vực được phân công và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
  • Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức về phát triển bền vững và Kế hoạch hành động.
  • Giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững được phân công chủ trì và phối hợp; xây dựng Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững được phân công chủ trì gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Quốc hội và Liên Hợp Quốc.

g) Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp chủ động tham gia triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và Kế hoạch hành động trong phạm vi chức năng, hoạt động của mình và theo sự phân công trong Kế hoạch hành động; báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch hành động gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ và Quốc hội.

h) Phân công các bộ, ngành chủ trì thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể:

  • Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì các mục tiêu: 1.1, 1.2, 4.3.b, 4.4, 4.5.b, 5.1, 5.2, 5.4, 5.7.c, 8.5, 8.6, 8.7, 8.8, 10.1, 10.3, 10.4.a, 16.2.a;
  • Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì các mục tiêu: 3.8.a, 6.1.d, 6.3.b, 6.5, 6.6, 12.2.a, 12.4.b, 12.5.a, 13.1.a, 13.3.a, 14.1, 14.3, 15.1, 15.5, 15.6, 15.8;
  • Bộ Y tế chủ trì các mục tiêu: 2.1.a, 2.2, 3.1, 3.2, 3.3.a, 3.4, 3.6, 3.7, 3.8.c, 3.9, 5.6;
  • Bộ Công Thương chủ trì các mục tiêu: 2.3.b, 7.1, 7.2, 7.3, 7.4, 8.4, 9.2, 9.3.b, 10.5.b, 12.1, 12.2.b, 12.3.b, 12.4.a, 17.1, 17.2;
  • Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì các mục tiêu: 1.4, 2.1.b, 2.3.a, 2.4, 2.5, 6.1.b, 11.5, 11.10, 12.3.a, 13.3.c, 14.2, 14.4, 14.5, 14.6, 15.2, 15.3, 15.4, 15.7;
  • Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì các mục tiêu: 4.1, 4.2, 4.3.a, 4.5.a, 4.6, 4.7, 4.8, 13.3.b;
  • Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì các mục tiêu: 5.7.b, 8.1, 8.2, 8.3, 11.8, 12.7.b, 13.2.a, 17.3, 17.4, 17.5;
  • Bộ Tài chính chủ trì các mục tiêu: 6.1.c, 6.3.c, 10.4.b, 12.7.a, 12.9;
  • Bộ Giao thông Vận tải chủ trì các mục tiêu: 3.5.b, 9.1, 11.2, 13.2.b;
  • Bộ Xây dựng chủ trì các mục tiêu: 6.1.a, 6.2, 6.3.a, 11.1, 11.3, 11.6, 11.7, 11.9, 12.5.b, 13.1.b, 13.2.c;
  • Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì các mục tiêu: 3.3.b, 5.3, 8.9, 11.4;
  • Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì các mục tiêu: 5.8, 9.5, 12.8;
  • Bộ Tư pháp chủ trì các mục tiêu: 1.3.a, 5.7.a, 16.3, 16.6, 16.7.a, 16.8, 16.9;
  • Bộ Công an chủ trì các mục tiêu: 3.5.c, 10.6, 16.1, 16.2.b, 16.4;
  • Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì mục tiêu: 9.4;
  • Bộ Nội vụ chủ trì các mục tiêu: 5.5, 10.2, 16.5.b;
  • Bộ Ngoại giao chủ trì mục tiêu: 10.5.a;
  • Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì các mục tiêu: 8.10, 9.3.a, 10.5.c;
  • Thanh tra Chính phủ chủ trì mục tiêu: 16.5.a;
  • Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì các mục tiêu: 1.3.b, 3.8.b, 16.5.c, 16.7.b;
  • Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì các mục tiêu: 12.6, 16.5.d;
  • Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì mục tiêu: 3.5.a.

Các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện các mục tiêu được nêu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định này.

i) Các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngoài các mục tiêu được phân công chủ trì, chủ động tham gia thực hiện các mục tiêu có liên quan theo Quyết định này.

2. Giám sát - Đánh giá - Báo cáo

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức:

  • Thực hiện theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và Kế hoạch hành động; xây dựng báo cáo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trình Chính phủ, Quốc hội và gửi Liên Hợp Quốc theo yêu cầu.
  • Xây dựng và ban hành hướng dẫn, quy định cụ thể về giám sát, đánh giá và chế độ báo cáo các mục tiêu phát triển bền vững.

b) Các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan căn cứ vào nhiệm vụ được giao xây dựng Báo cáo thực hiện mục tiêu phát triển bền vững theo quy định, cùng với quá trình xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội và Liên Hợp Quốc.

c) Trong quá trình thực hiện Kế hoạch hành động, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên theo dõi, giám sát thực hiện, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, báo cáo Chính phủ xem xét.

d) Việc xây dựng các Báo cáo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cần huy động sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan, bao gồm các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế.

3. Kinh phí thực hiện Kế hoạch hành động

a) Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch hành động bao gồm: nguồn ngân sách nhà nước, nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và nguồn vốn nước ngoài, bao gồm nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các nguồn khác.

b) Kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện Kế hoạch hành động được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các bộ, cơ quan, tổ chức và các địa phương theo quy định ngân sách nhà nước hiện hành và được lồng ghép trong kinh phí thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác có liên quan. Kinh phí thực hiện Kế hoạch hành động được sử dụng các Quỹ tài chính nhà nước có liên quan, theo quy định của pháp luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, bố trí kinh phí hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững và Kế hoạch hành động.

c) Nhà nước ưu tiên và dành kinh phí thỏa đáng từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để thực hiện Kế hoạch hành động. Hàng năm, ngân sách nhà nước dành một khoản kinh phí hỗ trợ việc tổ chức thu thập số liệu, xây dựng Báo cáo tiến độ thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển bền vững quốc gia.

d) Nhà nước tạo cơ sở pháp lý, ban hành cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực xã hội, đặc biệt là nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân để thực hiện Kế hoạch hành động và các mục tiêu phát triển bền vững; khuyến khích doanh nghiệp, các tổ chức xã hội chủ động đề xuất, thực hiện các sáng kiến nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững.

đ) Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển bền vững để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

e) Căn cứ vào Kế hoạch hành động quốc gia, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và các cơ quan có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao xây dựng các đề án, dự án, dự toán kinh phí lồng ghép trong kế hoạch ngân sách hàng năm của mình để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở xác định và bố trí kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước./.

(Xem thêm phụ lục trong file tải về)

Đánh giá bài viết
1 1.022
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo