Quyết định 501/QĐ-VKSTC

Quyết định 501/QĐ-VKSTC - Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự

Ngày 12/12/2017, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định 501/QĐ-VKSTC năm 2017 về Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018 và thay thế Quyết định số 35/QĐ-VKSTC-V4 ngày 29/01/2013.

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 501/QĐ-VKSTC

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2017

QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC TẠM GIỮ, TẠM GIAM, THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014;

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật Đặc xá năm 2007 và Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018 và thay thế Quyết định số 35/QĐ-VKSTC-V4 ngày 29/01/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành kèm theo Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.

Điều 3. Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:

  • Như Điều 3;
  • Lãnh đạo VKSNDTC;
  • Lưu VT, Vụ 8.

VIỆN TRƯỞNG


Lê Minh Trí

QUY CHẾ
CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC TẠM GIỮ, TẠM GIAM, THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 501/QĐ-VKSTC ngày 12 tháng 12 năm 2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự quy định về kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam; kiểm sát việc thi hành án hình sự; kiểm sát trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại của Tòa án.

2. Quy chế này được áp dụng đối Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát

1. Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự là một trong những công tác quan trọng, thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm:

a) Việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; chế độ tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục phạm nhân; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại của Tòa án; quyền khiếu nại, tố cáo những hành vi, quyết định trái pháp luật trong tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật;

b) Quyền con người và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án không bị luật hạn chế phải được tôn trọng và bảo vệ; bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nghiêm chỉnh;

c) Mọi vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 Quy chế này phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.

2. Khi kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Trực tiếp kiểm sát tại cơ sở giam giữ; cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp và cấp dưới; cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự; Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù của trại giam đóng tại địa phương;

b) Kiểm sát hồ sơ tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, hồ sơ quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại của Tòa án và về việc buộc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

c) Gặp, hỏi người bị tạm giữ, người bị tạm giam và người chấp hành án về việc giam, giữ, thi hành án hình sự; xác minh, thu thập tài liệu để làm rõ vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự;

d) Tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục phạm nhân; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự;

đ) Yêu cầu: thông báo tình hình chấp hành pháp luật; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan; ra quyết định thi hành án và giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án; tự kiểm tra và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát; trả lời về quyết định, biện pháp hoặc việc làm vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật;

e) Phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật theo thẩm quyền; quyết định trả tự do ngay cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù không có căn cứ và trái pháp luật;

g) Đề nghị và kiểm sát việc miễn, hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ chấp hành án; tham gia và kiểm sát việc xét, quyết định miễn, giảm thời hạn chấp hành án, chấp hành biện pháp tư pháp, rút ngắn thời gian thử thách của án treo, rút ngắn thời gian thử thách của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; ra văn bản thể hiện quan điểm, tham gia và kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên họp tha tù trước thời hạn có điều kiện, hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; có ý kiến bằng văn bản và kiểm sát việc hưởng thời hiệu thi hành bản án, xóa án tích;

Tham gia phiên họp, có ý kiến bằng văn bản và kiểm sát trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại của Tòa án;

h) Kiểm sát việc đặc xá theo quy định của Luật Đặc xá;

i) Kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và xử lý người vi phạm pháp luật; quyết định kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật;

k) Khởi tố hoặc yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm;

l) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Đối tượng công tác kiểm sát

Đối tượng của công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự là việc tuân theo pháp luật của Tòa án; cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam; cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam; cơ quan quản lý thi hành án hình sự; cơ quan thi hành án hình sự; cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự; người có thẩm quyền và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động tư pháp thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 Quy chế này.

Điều 4. Phạm vi công tác kiểm sát

1. Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam bắt đầu từ khi có việc đưa người bị tạm giữ, người bị tạm giam vào cơ sở giam giữ và kết thúc khi chấm dứt việc tạm giữ, tạm giam.

2. Công tác kiểm sát thi hành án hình sự bắt đầu từ khi bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án hình sự và kết thúc khi chấm dứt việc thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật.

3. Công tác kiểm sát việc xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại của Tòa án bắt đầu từ khi Viện kiểm sát nhận được thông báo thụ lý hồ sơ đề nghị và kết thúc khi quyết định hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại của Tòa án có hiệu lực mà không có việc hủy bỏ quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; đồng thời kiểm sát việc Tòa án gửi quyết định đó.

Thuộc tính văn bản: Quyết định 501/QĐ-VKSTC

Số hiệu501/QĐ-VKSTC
Loại văn bảnQuyết định
Lĩnh vực, ngànhTrách nhiệm hình sự, Thủ tục Tố tụng
Nơi ban hànhViện kiểm sát nhân dân tối cao
Người kýLê Minh Trí
Ngày ban hành12/12/2017
Ngày hiệu lực
01/01/2018
Đánh giá bài viết
1 1.062
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo