Quyết định 4627/QĐ-BYT bồi dưỡng dạy - học lâm sàng trong đào tạo ngành sức khỏe

Quyết định số 4627/QĐ-BYT 2020

Quyết định 4627/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành Chương trình bồi dưỡng Phương pháp dạy - học lâm sàng cho người giảng dạy thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe.

Ngày 6/11/2020, Bộ Y tế đã ra Quyết định 2627/QĐ-BYT ban hành Chương trình bồi dưỡng Phương pháp dạy-học lâm sàng cho người giảng dạy thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe.

Chương trình được thiết kế gồm 40 tiết học, bao gồm 10 tiết lý thuyết và 30 tiết thực hành. Khóa đào tạo bồi dưỡng được tổ chức bằng hình thực đào tạo trực tiếp.

Đối tượng tham gia gồm: Giảng viên cơ hữu/giảng viên kiêm nhiệm, cán bộ y tế trực tiếp tham gia giảng dạy/hướng dẫn thực hành lâm sàng tại các cơ sở khám, chữa bệnh được công nhận là cơ sở thực hành của các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe.

Nội dung Quyết định 4627 BYT 2020

BỘ Y TẾ

--------

Số: 4627/QĐ-BYT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2020

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Chương trình bồi dưỡng Phương pháp dạy-học lâm sàng cho người
giảng dạy thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe

-----------

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Nghị định số 111/2017/NĐ-CP ngày 05/10/2017 của Chính Phủ quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe;

Căn cứ Thông tư số 11/2019/TT-BYT ngày 17/6/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về bồi dưỡng phương pháp dạy-học lâm sàng cho người giảng dạy thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe;

Căn cứ Biên bản họp “Hội đồng thẩm định Chương trình bồi dưỡng Phương pháp dạy-học lâm sàng cho người giảng dạy thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe” theo Quyết định số 150/QĐ-K2ĐT ngày 18/9/2020 của Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, họp ngày 01/10/2020;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình bồi dưỡng Phương pháp dạy-học lâm sàng cho người giảng dạy thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông/bà Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

Nơi nhận:

- Như Điều 3;

- Bộ trưởng (để báo cáo);

- Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Bộ LĐ-TB&XH;

- Lưu: VT, K2ĐT.

KT.BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

Trần Văn Thuấn

CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG PHƯƠNG PHÁP DẠY-HỌC LÂM SÀNG CHO NGƯỜI GIẢNG DẠY THỰC HÀNH TRONG ĐÀO TẠO KHỐI NGÀNH SỨC KHOẺ

1. TÊN KHÓA HỌC VÀ GIỚI THIỆU VỀ KHÓA HỌC

1.1 Tên khóa học:

Chương trình bồi dưỡng Phương pháp dạy-học lâm sàng cho người giảng dạy thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe

1.2 Giới thiệu chương trình đào tạo

Chương trình được xây dựng và ban hành nhằm thực hiện nội dung Thông tư số 11/2019/TT-BYT quy định về bồi dưỡng phương pháp dạy-học lâm sàng cho người giảng dạy thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe, đây là thông tư quy định chi tiết nội dung thực hiện Nghị định số 111/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe.

Thực hành lâm sàng là phần thiết yếu trong đào tạo khối ngành sức khỏe và chỉ có dạy-học lâm sàng hiệu quả mới giúp người học đạt được những năng lực thực hành và thái độ - là những nhóm năng lực đặc biệt quan trọng, quyết định khả năng hành nghề của cán bộ y tế. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, chất lượng giảng dạy thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe chưa đạt được kết quả như mong đợi. Việc tổ chức dạy-học lâm sàng còn nhiều bất cập trong khi thời lượng dành cho thực hành lâm sàng chiếm một tỷ lệ khá lớn đối với các chương trình đào tạo trong khối ngành sức khỏe. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự bất cập đó là hạn chế về phương pháp dạy-học của “người dạy”, nhất là phương pháp dạy-học thực hành lâm sàng. Mặc dù, quan niệm về đổi mới giáo dục đào tạo trong khối ngành sức khỏe đã được đưa vào Việt Nam từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước nhưng cho tới nay phần lớn các chương trình bồi dưỡng giáo viên thường chỉ chú trọng đến việc huấn luyện phương pháp “dạy” mà chưa chú ý đúng mức đến việc xây dựng kỹ năng “học” cho người học. Thậm chí nhiều cơ sở khi tiến hành đào tạo về sư phạm y học cho giáo viên vẫn còn nặng về lên lớp lý thuyết, ít tạo cơ hội cho giáo viên được thực hành để có năng lực dạy-học hiệu quả.

Đào tạo khối ngành sức khỏe tại Việt Nam đã không ngừng có những đổi mới, sáng tạo nhằm đạt được hiệu quả cao hơn song chưa đồng đều trong cả nước. Bộ Y tế xác định định hướng đào tạo dựa trên năng lực là xu thế tất yếu trong đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Định hướng này đòi hỏi đội ngũ giáo viên giảng dạy thực hành ngoài thành thạo về chuyên môn phải có cách tiếp cận đúng; có năng lực thiết kế, tổ chức dạy-học, giám sát việc học và đánh giá kết quả thực hành lâm sàng, chú ý đến việc hỗ trợ xây dựng kỹ năng “học” cho người học cũng như tối ưu hóa sự phối hợp giữa người dạy và người học nhằm đạt được các năng lực cụ thể.

Chương trình bồi dưỡng phương pháp dạy-học lâm sàng cho người giảng dạy thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe được ban hành là một Chương trình thống nhất sử dụng trong đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện về phương pháp dạy-học lâm sàng cho tất cả các cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám chữa bệnh của các cơ sở giáo dục và các cơ sở y tế có đủ năng lực dạy-học lâm sàng trong vai trò của người giáo viên giảng dạy thực hành.

1.3 Cấu trúc Chương trình

Chương trình được thiết kế gồm 40 tiết học, bao gồm 10 tiết lý thuyết và 30 tiết thực hành.

Cấu trúc chương trình theo một khung định sẵn với các nội dung cốt lõi mà một khóa huấn luyện, bồi dưỡng về phương pháp dạy-học lâm sàng cho người giảng dạy thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe cần đạt được, là tiêu chuẩn để tham gia giảng dạy thực hành lâm sàng.

2. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

2.1. Mục tiêu tổng quát

Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, học viên có đủ năng lực giảng dạy thực hành lâm sàng trong lĩnh vực chuyên môn của mình tại cơ sở khám, chữa bệnh được công nhận là cơ sở thực hành của các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khoẻ.

2.2 Mục tiêu cụ thể

a) Kiến thức

1) Trình bày được khái niệm, đặc điểm và tầm quan trọng của dạy-học lâm sàng, dạy-học theo mục tiêu và dạy-học dựa trên năng lực; các hình thức dạy-học lâm sàng có và không có sự tham gia của người bệnh.

2) Trình bày được khái niệm và cách thức xây dựng mục tiêu học tập;

3) Mô tả được đặc điểm, cách tiến hành và lợi ích của 10 phương pháp dạy-học lâm sàng với sự tham gia chủ động của người học.

4) Trình bày được 6 kỹ năng cần thiết của giảng viên dạy thực hành lâm sàng.

5) Trình bày được khái niệm, đặc điểm, cách tổ chức và tiến hành lượng giá lâm sàng và giám sát thực hành lâm sàng.

6) Nêu được các bước phát triển kế hoạch bài giảng và chuẩn bị vật liệu cho một bài dạy-học lâm sàng.

b) Kỹ năng

1) Viết được mục tiêu học tập và nội dung cốt lõi cho một bài dạy-học lâm sàng.

2) Thực hiện được các kỹ năng hỗ trợ học viên học thực hành lâm sàng.

3) Chọn lựa và sử dụng được phương pháp dạy-học phù hợp với nội dung thực hành với sự tham gia chủ động của người học trong dạy-học lâm sàng.

4) Phát triển được kế hoạch và chuẩn bị được vật liệu cho bài dạy-học lâm sàng.

5) Phát triển được kế hoạch giám sát việc học lâm sàng.

6) Thực hiện được một giờ dạy-học lâm sàng.

c) Thái độ

1) Thể hiện được sự tuân thủ các quy tắc chuyên môn và quy định hành nghề trong giảng dạy lâm sàng và hoạt động nghề nghiệp.

2) Thể hiện được tính chuẩn mực, sự chuyên nghiệp khi làm mẫu trong giảng dạy thực hành.

3) Thể hiện được sự tôn trọng và ứng xử đúng mực trong giao tiếp với người học, đồng nghiệp, người bệnh và gia đình họ trong mọi tình huống.

3. ĐỐI TƯỢNG ĐÀO TẠO

Giảng viên cơ hữu/giảng viên kiêm nhiệm, cán bộ y tế trực tiếp tham gia giảng dạy/hướng dẫn thực hành lâm sàng tại các cơ sở khám, chữa bệnh được công nhận là cơ sở thực hành của các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe.

..........................................

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Y tế sức khỏe được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Bộ Y tếNgười ký:Trần Văn Thuấn
Số hiệu:4627/QĐ-BYTLĩnh vực:Y tế sức khỏe
Ngày ban hành:06/11/2020Ngày hiệu lực:Đang cập nhật
Loại văn bản:Quyết địnhNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:
Đánh giá bài viết
1 386
Văn bản liên quan
0 Bình luận
Sắp xếp theo