Quyết định 1515/QĐ-TTg 2018

Quyết định số 1515/QĐ-TTg

Quyết định 1515/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế về trình tự, thủ tục, hồ sơ chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tóm tắt nội dung Quyết định 1515/QĐ-TTg 2018

Ngày 09/11/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về trình tự, thủ tục, hồ sơ chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, đối tượng chuyển giao gồm 19 doanh nghiệp Nhà nước: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam…

Việc chuyển giao phải đảm bảo nguyên tắc:

- Bàn giao nguyên trạng đối với từng doanh nghiệp chuyển giao, phần vốn Nhà nước chuyển giao. Số liệu của hồ sơ bàn giao là số liệu báo cáo tài chính quý, năm của doanh nghiệp được lập gần nhất với thời điểm chuyển giao;

- Doanh nghiệp đang cổ phần hóa hoặc đang chuyển nhượng phần vốn Nhà nước, Ủy ban có trách nhiệm chỉ đạo doanh nghiệp tiếp tục triển khai việc cổ phần hóa, chuyển nhượng vốn Nhà nước theo quy định…

Quyết định nêu rõ thời gian thực hiện chuyển giao trong vòng 45 ngày kể từ ngày Nghị định 131/2018/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 29/09/2018), chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày Quyết định chuyển giao này có hiệu lực.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 09/11/2018.

Nội dung Quyết định 1515/QĐ-TTg 2018

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 1515/QĐ-TTgHà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 2018

QUYẾT ĐỊNH 
BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, HỒ SƠ CHUYỂN GIAO QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN ĐẠI DIỆN CHỦ SỞ HỮU VỐN NHÀ NƯỚC TẠI CÁC DOANH NGHIỆP VỀ ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về trình tự, thủ tục, hồ sơ chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện các quy định tại Quyết định này./.

Nơi nhận:THỦ TƯỚNG
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, ĐMDN (2).KN 328
Nguyễn Xuân Phúc

QUY CHẾ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, HỒ SƠ CHUYỂN GIAO QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN ĐẠI DIỆN, CHỦ SỞ HỮU VỐN NHÀ NƯỚC TẠI CÁC DOANH NGHIỆP VỀ ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Nghị định số 131/2018/NĐ-CP) từ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Cơ quan chuyển giao) về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Ủy ban).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan đại diện chủ sở hữu tại các doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 131/2018/NĐ-CP.

2. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

3. Doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 131/2018/NĐ-CP.

4. Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (sau đây gọi tắt là Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp). Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn 02 thành viên trở lên (sau đây gọi tắt là Người đại diện vốn nhà nước).

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định tại Quy chế này.

Điều 3. Đối tượng chuyển giao

Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp nhà nước), phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 131/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:

1. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

3. Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

4. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

5. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

6. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

7. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

8. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

9. Tổng công ty Viễn thông MobiFone.

10. Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.

11. Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

12. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

13. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

14. Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.

15. Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam.

16. Tổng công ty Cà phê Việt Nam.

17. Tổng công ty Lương thực miền Nam.

18. Tổng công ty Lương thực miền Bắc.

19. Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

20. Các doanh nghiệp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 4. Nguyên tắc chuyển giao

Việc thực hiện chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và đối với phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp từ Cơ quan chuyển giao về Ủy ban phải tuân thủ các quy định về chuyển giao tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP và quy định sau:

1. Việc bàn giao hồ sơ liên quan đến quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ Cơ quan chuyển giao về Ủy ban theo nguyên tắc bàn giao nguyên trạng đối với từng doanh nghiệp chuyển giao, phần vốn nhà nước chuyển giao. Số liệu của hồ sơ bàn giao là số liệu báo cáo tài chính quý, năm của doanh nghiệp được lập gần nhất với thời điểm chuyển giao trong thời hạn chuyển giao theo quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP; số liệu về nhân sự là Người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên, Người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện có tại thời điểm chuyển giao.

2. Quá trình thực hiện chuyển giao phải đảm bảo nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý doanh nghiệp trong quá trình chuyển tiếp theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời phải đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm; có kế thừa tiến độ sắp xếp, chuyển đổi, cơ cấu lại vốn của doanh nghiệp; có sự phối hợp giữa các bên để cùng xử lý các vấn đề phát sinh trong và sau quá trình chuyển giao theo quy định của pháp luật.

3. Đối với doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện cổ phần hóa hoặc đối với phần vốn nhà nước đang thực hiện chuyển nhượng thì nội dung chuyển giao phải bao gồm kết quả công việc đã thực hiện liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp và chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy ban có trách nhiệm tiếp tục chỉ đạo doanh nghiệp triển khai các bước công việc còn lại của quy trình cổ phần hóa, trình tự thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước theo quy định.

4. Người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên, Người đại diện vốn nhà nước đương nhiệm tại thời điểm chuyển giao có trách nhiệm tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật trong quá trình chuyển giao.

5. Ủy ban chủ trì, phối hợp với Cơ quan chuyển giao có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi về tiền lương, tiền thưởng cho Người đại diện vốn nhà nước, Kiểm soát viên từ nguồn do doanh nghiệp chi trả trong quá trình thực hiện chuyển giao. Cơ quan chuyển giao có trách nhiệm xác định số tiền dư quỹ chung về tiền lương, thù lao, tiền thưởng và các lợi ích khác của Người đại diện vốn nhà nước, Kiểm soát viên do doanh nghiệp chi trả đến thời điểm ký Biên bản chuyển giao để chuyển Ủy ban tiếp nhận, quản lý, sử dụng theo quy định.

Điều 5. Các bên trong quá trình chuyển giao

1. Bên giao là Người đứng đầu hoặc cấp phó được Người đứng đầu Cơ quan chuyển giao ủy quyền bằng văn bản.

2. Bên nhận là Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoặc cấp phó được ủy quyền bằng văn bản.

Điều 6. Thời gian thực hiện chuyển giao

1. Cơ quan chuyển giao có trách nhiệm thực hiện các bước công việc chuyển giao để Ủy ban tiếp nhận quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu tại các doanh nghiệp xác định tại khoản 1 đến khoản 19 Điều 3 Quy chế này trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày Nghị định số 131/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.

2. Việc chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định tại khoản 20 Điều 3 Quy chế này về Ủy ban được thực hiện theo quy định tại Quy chế này và thời hạn chuyển giao chậm nhất trong 45 ngày kể từ ngày Quyết định chuyển giao của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực.

3. Trong quá trình chuyển giao, trường hợp bất khả kháng do thiên tai, hỏa hoạn, bạo động, đình công, Cơ quan chuyển giao căn cứ tình hình thực tế khắc phục hậu quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định thời hạn chuyển giao. Trường hợp do điều kiện, hoàn cảnh khách quan về thay đổi quy định của Nhà nước nên công tác chuyển giao không thể thực hiện theo đúng thời hạn nêu trên, Cơ quan chuyển giao kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho phép kéo dài thời gian nhưng tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày hết hạn chuyển giao theo quy định tại khoản 1, 2 Điều này.

Chương II. HỒ SƠ, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CHUYỂN GIAO

Điều 7. Hồ sơ chuyển giao đối với doanh nghiệp nhà nước

1. Hồ sơ chuyển giao được lập theo từng doanh nghiệp, bao gồm:

a) Biên bản chuyển giao (chi tiết theo Phụ lục I).

b) Báo cáo thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) của Cơ quan chuyển giao trong thời gian 3 năm gần nhất với thời điểm chuyển giao doanh nghiệp về Ủy ban (Phụ lục IIa).

c) Báo cáo giám sát tài chính 6 tháng đầu năm và năm gần nhất với thời điểm chuyển giao theo quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

d) Hồ sơ của Người quản lý doanh nghiệp và Kiểm soát viên theo quy định pháp luật về cán bộ, công chức.

2. Các hồ sơ, tài liệu pháp lý của doanh nghiệp gồm:

a) Quyết định thành lập doanh nghiệp của cấp có thẩm quyền.

b) Điều lệ hiện hành về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp.

c) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu và các lần thay đổi (nếu có).

d) Quyết định phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp và các hồ sơ có liên quan đến kế hoạch, chương trình, dự án, các hoạt động của doanh nghiệp quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

đ) Quyết định phê duyệt Quy chế tài chính, vốn điều lệ của doanh nghiệp.

e) Quyết định bổ nhiệm đối với các chức danh: thành viên Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc/Giám đốc, Phó Tổng giám đốc/Phó giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên.

g) Báo cáo tài chính năm/quý gần nhất với thời điểm chuyển giao. Trường hợp thời điểm chuyển giao là thời điểm kết thúc quý trong năm, ngoài Báo cáo tài chính quý, hồ sơ chuyển giao gồm có Báo cáo tài chính năm trước liền kề đã được kiểm toán (báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất nếu có).

3. Trường hợp doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện cổ phần hóa, hồ sơ chuyển giao gồm:

a) Hồ sơ chuyển giao theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

b) Hồ sơ liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp (nếu có) gồm:

- Hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.

- Quyết định công bố giá trị doanh nghiệp và các quyết định, các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tồn tại về tài chính (công nợ, vốn góp, sản phẩm dở dang và hàng hóa, tài sản không cần dùng...), lao động tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.

- Phương án cổ phần hóa và Quyết định phê duyệt phương án của cơ quan có thẩm quyền.

- Quyết định giá khởi điểm bán cổ phần lần đầu và hồ sơ, tài liệu liên quan đến kết quả bán đấu giá cổ phần lần đầu, thông báo thu tiền bán đấu giá cổ phần và bán thỏa thuận cho người lao động.

- Các hồ sơ tài liệu liên quan đến xử lý các vấn đề về tài chính, công nợ, lao động phát sinh từ thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa đến thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

- Quyết định công bố giá trị thực tế vốn nhà nước tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp chuyển thành công ty cổ phần (nếu có).

- Các hồ sơ liên quan đến việc góp vốn liên doanh, nhận vốn với nhà nước trong trường hợp góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất.

4. Các giấy tờ, tài liệu của hồ sơ chuyển giao quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này là bản chính hoặc bản sao do Cơ quan chuyển giao xác nhận.

5. Hồ sơ chuyển giao sau khi ký được lập thành 03 bộ, 01 bộ lưu tại Cơ quan chuyển giao, 01 bộ lưu tại Ủy ban, 01 bộ lưu tại doanh nghiệp.

Điều 8. Hồ sơ chuyển giao đối với phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

1. Hồ sơ chuyển giao phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được lập theo từng doanh nghiệp, bao gồm:

a) Biên bản chuyển giao (chi tiết theo Phụ lục I).

b) Báo cáo thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hai thành viên trở lên theo quy định của Luật số 69/2014/QH13 của Cơ quan chuyển giao trong thời gian 3 năm gần nhất với thời điểm chuyển giao (Phụ lục IIb).

c) Báo cáo giám sát tài chính 06 tháng đầu năm và năm gần nhất với thời điểm chuyển giao theo quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

d) Hồ sơ của Người đại diện vốn nhà nước theo quy định.

2. Các hồ sơ, tài liệu pháp lý liên quan gồm:

a) Quyết định chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước/Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư vốn vào doanh nghiệp.

b) Quyết định công bố giá trị thực tế vốn nhà nước tại thời điểm đăng ký lần đầu doanh nghiệp nhà nước chuyển thành công ty cổ phần/công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

c) Điều lệ hiện hành về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp.

d) Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu và các lần thay đổi (nếu có).

đ) Quyết định cử Người đại diện vốn nhà nước của cấp có thẩm quyền.

e) Các báo cáo, xin ý kiến của Người đại diện vốn nhà nước với Cơ quan chuyển giao theo quy định của Luật số 69/2014/QH13 chưa được xử lý đến thời điểm chuyển giao.

g) Các báo cáo định kỳ theo yêu cầu của Cơ quan chuyển giao đối với Người đại diện vốn nhà nước của 03 năm trước năm chuyển giao.

h) Quyết định, tài liệu liên quan đến việc tăng, giảm vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn góp nhà nước.

i) Quyết định, tài liệu có liên quan đến việc chuyển nhượng vốn, đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ thời điểm doanh nghiệp nhà nước chuyển sang công ty cổ phần/công ty trách nhiệm hữu hạn 02 thành viên trở lên đến thời điểm chuyển giao sang Ủy ban.

k) Văn bản xác nhận của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên doanh nghiệp về số vốn, số cổ phần đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp và tờ cổ phiếu hoặc Giấy chứng nhận cổ đông hoặc Sổ cổ đông của Nhà nước (đối với công ty cổ phần); Giấy chứng nhận phần vốn góp hoặc Sổ thành viên của Nhà nước (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) (bản chính).

l) Các hồ sơ, tài liệu liên quan đến các khoản thu từ chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần/công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; tiền cổ tức, lợi nhuận được chia theo cổ phần/phần vốn góp nhà nước phải nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp/ngân sách nhà nước còn tồn đọng đến trước thời điểm chuyển giao.

3. Trường hợp chuyển giao phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đang thực hiện chuyển nhượng vốn, hồ sơ chuyển giao gồm:

a) Hồ sơ chuyển giao phần vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

b) Hồ sơ, tài liệu liên quan đến chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đã triển khai đến thời điểm chuyển giao (nếu có).

4. Các giấy tờ, tài liệu của hồ sơ chuyển giao quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này là bản chính hoặc bản sao do Cơ quan chuyển giao xác nhận.

5. Hồ sơ chuyển giao sau khi ký được lập thành 03 bộ, 01 bộ lưu tại Cơ quan chuyển giao, 01 bộ lưu tại Ủy ban, 01 bộ lưu tại doanh nghiệp.

Điều 9. Trình tự, thủ tục chuyển giao

1. Cơ quan chuyển giao có trách nhiệm lập và hoàn chỉnh hồ sơ chuyển giao theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Quy chế này.

2. Cơ quan chuyển giao gửi hồ sơ chuyển giao theo khoản 1 Điều này đến Ủy ban để thống nhất ý kiến trước khi ký Biên bản chuyển giao. Trường hợp chưa thống nhất về hồ sơ bàn giao, Cơ quan chuyển giao và Ủy ban ký Biên bản chuyển giao các hồ sơ đã thống nhất; Cơ quan chuyển giao có trách nhiệm tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ theo quy định và gửi Ủy ban trong vòng 60 ngày kể từ ngày ký Biên bản chuyển giao.

3. Người đứng đầu Cơ quan chuyển giao (hoặc người được ủy quyền) và Chủ tịch Ủy ban (hoặc người được ủy quyền) tiến hành ký Biên bản chuyển giao sau khi hồ sơ chuyển giao đã được các bên thống nhất.

Chương III. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, CÁ NHÂN THỰC HIỆN CHUYỂN GIAO

Điều 10. Trách nhiệm của Cơ quan chuyển giao

1. Chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên, Người đại diện vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên lập hồ sơ chuyển giao và thực hiện chuyển giao đúng thời gian quy định tại Quy chế này.

2. Phối hợp với Ủy ban và có trách nhiệm xử lý các vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết liên quan đến quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước phát sinh trước thời điểm ký Biên bản chuyển giao.

3. Sắp xếp công việc và giải quyết các chế độ có liên quan cho Người đại diện vốn và Kiểm soát viên chuyên trách hoặc kiêm nhiệm do Cơ quan chuyển giao cử, bổ nhiệm trong trường hợp không tiếp tục đảm nhiệm công việc tại các doanh nghiệp đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước.

4. Người đứng đầu Cơ quan chuyển giao chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật đối với những quyết định và các công việc đã triển khai liên quan đến quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước phát sinh trước khi ký Biên bản chuyển giao.

5. Người đứng đầu Cơ quan chuyển giao chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc không hoàn thành nhiệm vụ nếu để xảy ra trường hợp không thực hiện đúng thời gian bàn giao theo quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ và theo quy định tại Quy chế này.

Điều 11. Trách nhiệm của Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp nhà nước

1. Phối hợp với đơn vị chức năng của Cơ quan chuyển giao và doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ chuyển giao theo quy định tại Quy chế này.

2. Thực hiện quyền, trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật trong quá trình chuyển giao và sau khi ký Biên bản chuyển giao cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định cử, bổ nhiệm thay thế.

3. Trường hợp không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định, cố tình chậm trễ trong việc triển khai các công việc có liên quan đến chuyển giao, Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp nhà nước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm gây tổn thất (nếu có).

Điều 12. Trách nhiệm của Người đại diện vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn 02 thành viên trở lên

1. Phối hợp với cơ quan chức năng của Cơ quan chuyển giao và doanh nghiệp chuẩn bị và lập hồ sơ chuyển giao, làm thủ tục đăng ký lại sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp của Nhà nước từ Cơ quan chuyển giao về Ủy ban.

2. Đôn đốc doanh nghiệp nộp các khoản thu từ chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần/công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và khoản, cổ tức, lợi nhuận được chia theo cổ phần/phần vốn góp nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định.

3. Chủ động báo cáo Cơ quan chuyển giao xử lý các tồn tại liên quan đến quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trước và sau khi chuyển giao.

4. Thực hiện quyền, trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật trong quá trình chuyển giao và sau khi ký Biên bản chuyển giao cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định cử, bổ nhiệm thay thế.

5. Trường hợp không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định, cố tình chậm trễ trong việc triển khai các công việc có liên quan đến chuyển giao, Người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm gây tổn thất (nếu có).

Điều 13. Trách nhiệm Kiểm soát viên

1. Phối hợp với đơn vị chức năng của Cơ quan chuyển giao chuẩn bị và lập hồ sơ chuyển giao doanh nghiệp theo quy định của Quy chế hoạt động của Kiểm soát viên tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

2. Thực hiện quyền, trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật hiện hành trong quá trình chuyển giao và sau khi ký biên bản chuyển giao cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định cử, bổ nhiệm thay thế.

3. Trường hợp không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định trong quá trình chuyển giao, Kiểm soát viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật theo quy định.

Điều 14. Trách nhiệm của doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước trong quá trình chuyển giao

Doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước thuộc diện chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Ủy ban theo quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Cơ quan chuyển giao, Ủy ban, Người quản lý doanh nghiệp và Kiểm soát viên cung cấp tài liệu có liên quan để hoàn thiện hồ sơ phục vụ công tác chuyển giao từ cơ quan chuyển giao về Ủy ban.

Điều 15. Trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

1. Phối hợp với Cơ quan chuyển giao để rà soát hồ sơ và tiếp nhận quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định tại Quy chế này.

2. Chủ trì, phối hợp với Cơ quan chuyển giao xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý các vấn đề tồn tại (về dự án thua lỗ, nhân sự, tài chính...) chưa được giải quyết liên quan đến quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu phát sinh trước và sau thời điểm ký Biên bản chuyển giao.

3. Thực hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước/phần vốn góp nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật kể từ thời điểm nhận chuyển giao.

4. Sau 60 ngày kể từ ngày Quyết định ban hành Quy chế này có hiệu lực thi hành, căn cứ kết quả nhận bàn giao, Ủy ban báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện việc chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Báo cáo cần nêu rõ tình hình triển khai, kết quả thực hiện, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị (nếu có).

5. Người đứng đầu Ủy ban chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc không hoàn thành nhiệm vụ để xảy ra trường hợp không thực hiện đúng thời gian bàn giao theo quy định tại Quy chế này./.

Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủNgười ký:Nguyễn Xuân Phúc
Số hiệu:1515/QĐ-TTgLĩnh vực:Doanh nghiệp, Tài chính nhà nước
Ngày ban hành:09/11/2018Ngày hiệu lực:09/11/2018
Loại văn bản:Quyết địnhNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:Còn hiệu lực
Đánh giá bài viết
1 70
0 Bình luận
Sắp xếp theo