Quyết định 1461/QĐ-TTg

Quyết định 1461/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23 tháng 08 năm 2011 thành lập Ban Chỉ đạo về điều phối kết nối ASEAN của Việt Nam.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------------
Số: 1461/QĐ-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-------------

Hà Nội, ngày 23 tháng 08 năm 2011

QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO VỀ ĐIỀU PHỐI KẾT NỐI ASEAN CỦA VIỆT NAM
--------------------

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;

Để triển khai kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN đã được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 tổ chức tại Hà Nội ngày 28 tháng 10 năm 2010;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Ban Chỉ đạo về điều phối kết nối ASEAN của Việt Nam (dưới đây viết tắt là Ban Chỉ đạo kết nối ASEAN Việt Nam).

Điều 2. Ban Chỉ đạo kết nối ASEAN Việt Nam, gồm các thành viên:

1. Trưởng ban: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Phó Trưởng ban: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

3. Phó Trưởng ban: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Các thành viên gồm:

4. 01 Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

5. 01 Thứ trưởng Bộ Tài chính.

6. 01 Thứ trưởng Bộ Công Thương.

7. 01 Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

8. 01 Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

9. 01 Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

10. 01 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

11. 01 Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

12. 01 Thứ trưởng Bộ Công an.

13. 01 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Sau khi Quyết định này có hiệu lực, các Bộ, cơ quan nêu trên có nhiệm vụ thông báo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tên của cán bộ lãnh đạo cơ quan mình tham gia Ban Chỉ đạo kết nối ASEAN Việt Nam.

Điều 3. Ban Chỉ đạo kết nối ASEAN Việt Nam có các nhiệm vụ:

1. Lập kế hoạch, chương trình công tác; tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương thực hiện các chiến lược, kế hoạch hành động, các dự án quốc gia thuộc khuôn khổ “kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN” (dưới đây viết tắt là MPAC).

2. Làm đầu mối phối hợp với Ủy ban Điều phối kết nối của ASEAN; với các nước đối tác của ASEAN, các ngân hàng phát triển đa phương, các tổ chức quốc tế, khu vực; với Đại diện thường trực của Việt Nam tại ASEAN và các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương trong nước, bao gồm cả khu vực tư nhân nhằm huy động tối đa các nguồn lực phục vụ quá trình thực hiện MPAC.

3. Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện MPAC.

4. Theo dõi, tổng hợp tình hình, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện MPAC lên Thủ tướng Chính phủ.

Điều 4. Trưởng Ban Chỉ đạo kết nối ASEAN Việt Nam có các nhiệm vụ, quyền hạn dưới đây:

1. Chỉ đạo việc lập và quyết định thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác thuộc khuôn khổ MPAC.

2. Quyết định phân công công tác, nhiệm vụ cho các thành viên của Ban Chỉ đạo.

3. Triệu tập, chủ trì và kết luận các cuộc họp của Ban.

4. Ban hành quy chế hoạt động, cơ chế phối hợp làm việc của Ban.

5. Được quyền yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương cung cấp tài liệu; số liệu; báo cáo tình hình, kết quả thực hiện MPAC thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ, ngành, cơ quan, địa phương trên phạm vi cả nước.

6. Trong quá trình triển khai thực hiện MPAC, nếu gặp khó khăn vướng mắc do tính chất, nội dung công việc có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương, thì báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, bao gồm cả vấn đề điều chỉnh, bổ sung nhân sự Ban Chỉ đạo.

Điều 5. Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo kết nối ASEAN Việt Nam có nhiệm vụ giúp Trưởng ban thực hiện nội dung các công việc nêu tại Điều 3 và thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo sự phân công của Trưởng ban.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Ban Chỉ đạo kết nối ASEAN Việt Nam:

1. Các thành viên của Ban Chỉ đạo đại diện cho cơ quan, đơn vị mình tham gia giải quyết các công việc chung của Ban; thực hiện các nhiệm vụ do Trưởng ban phân công; chịu trách nhiệm trước Trưởng ban và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình trong việc thực hiện các nội dung thuộc khuôn khổ MPAC liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan mình.

2. Làm đầu mối trong quan hệ phối hợp công tác giữa Bộ, cơ quan thành viên của Ban Chỉ đạo với cơ quan chủ trì triển khai MPAC (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

3. Các thành viên của Ban Chỉ đạo được sử dụng con dấu của Bộ, cơ quan mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Điều 7. Nhiệm vụ của các tổ chức công tác thường trực:

1. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định lập một tổ công tác hoặc phân công một nhóm cán bộ làm nhiệm vụ thường trực đặt tại Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tổ công tác này có các nhiệm vụ sau:

- Trực tiếp giúp việc Trưởng ban và xử lý công việc hàng ngày của Ban Chỉ đạo.

- Chuẩn bị tài liệu, báo cáo, văn kiện, đề án liên quan đến MPAC.

- Làm đầu mối liên hệ, phối hợp công tác với các thành viên, các Bộ, cơ quan, địa phương trên phạm vi cả nước.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng ban phân công.

2. Bộ Ngoại giao lập một Tổ công tác hoặc phân công một nhóm cán bộ làm nhiệm vụ thường trực đặt tại Vụ ASEAN. Tổ công tác của Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ:

- Làm đầu mối liên hệ, giao dịch công tác của Việt Nam với Ủy ban điều phối kết nối ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, các cơ quan chuyên trách của ASEAN và các bên liên quan khác trong quá trình thực hiện MPAC.

- Cùng với Tổ công tác thường trực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều hòa, phối hợp các hoạt động của Ban Chỉ đạo kết nối ASEAN Việt Nam.

Điều 8. Cơ chế làm việc và chế độ thông tin báo cáo:

1. Các thành viên của Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; tuân thủ sự phân công của Trưởng ban.

2. Ban Chỉ đạo định kỳ họp 02 lần/năm. Tùy nội dung và tính chất công việc, nếu xét thấy cần thiết, Trưởng ban có thể triệu tập các cuộc họp đột xuất.

3. Ban Chỉ đạo kết nối ASEAN Việt Nam định kỳ 6 tháng/lần, báo cáo kết quả, tiến trình thực hiện MPAC lên Thủ tướng Chính phủ.

Điều 9. Kinh phí hoạt động:

Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo kết nối ASEAN Việt Nam do ngân sách Nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Ban Chỉ đạo kết nối ASEAN Việt Nam sẽ tự giải thể sau khi ASEAN hoàn thành chương trình tổng thể về kết nối ASEAN.

Điều 11. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 12. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Kiểm toán Nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT,
các Vụ: TH, KTTH, KGVX, NC, KTN, Công báo;
- Lưu: Văn thư, QHQT (4b).

THỦ TƯỚNG

(đã ký)

Nguyễn Tấn Dũng

Đánh giá bài viết
1 124
0 Bình luận
Sắp xếp theo