Quyết định 1288/QĐ-TCHQ 2019

Quyết định số 1288/QĐ-TCHQ

Quyết định 1288/QĐ-TCHQ năm 2019 quy định về quản lý kỹ thuật và quản lý, sử dụng phương tiện thủy ngành hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan ban hành.

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1288/QĐ-TCHQ

Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 2019

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ KỸ THUẬT VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN THỦY NGÀNH HẢI QUAN

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21/6/2017;

Căn cứ Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

Căn cứ Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công;

Căn cứ Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg ngày 17/12/0015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị;

Căn cứ Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

Căn cứ Quyết định số 372/QĐ-BTC ngày 21/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng tại các đơn vị, hệ thống thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 1206/QĐ-BTC ngày 26/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc phân cấp, ủy quyền quản lý tài chính, tài sản công, đầu tư xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin và kiểm tra, kiểm toán nội bộ trong các đơn vị dự toán ngân sách thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 2718/QĐ-TCHQ ngày 14/9/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc quy định thẩm quyền và tổ chức thực hiện đối với lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản công, đầu tư xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm tra nội bộ và lựa chọn nhà thầu trong các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan;

Căn cứ Quyết định số 1394/QĐ-TCHQ ngày 03/5/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng của hệ thống hải quan;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Tài vụ - Quản trị,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành quy định về quản lý kỹ thuật và quản lý, sử dụng phương tiện thủy ngành Hải quan.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 107/TCHQ-KHTC ngày 24/5/1997 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc ban hành Quy chế về công tác quản lý kỹ thuật tàu thuyền đối với Đội tàu thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan.

Điều 3. Cục trưởng Cục Tài vụ - Quản trị, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài chính (Cục KHTC - để b/c);
- Tổng cục trưởng (để b/c);
- Các PTCT (để biết và chỉ đạo);
- Website TCHQ;
- Lưu: VT, TVQT (10b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Dương Thái

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ KỸ THUẬT VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN THỦY NGÀNH HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-TCHQ ngày 26/4/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Phạm vi điều chỉnh:

Quy định này quy định việc quản lý kỹ thuật và quản lý, sử dụng tài sản là tàu, ca nô và các phương tiện thủy khác phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát Hải quan (sau đây gọi tắt là tàu thuyền).

Việc khai thác, sử dụng tàu thuyền phục vụ hoạt động nghiệp vụ thực hiện theo quy định tại các quy trình nghiệp vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Nguồn hình thành tài sản thuộc phạm vi điều chỉnh tại Quy định này bao gồm:

- Mua sắm từ nguồn kinh phí hoạt động của Tổng cục Hải quan;

- Mua sắm từ nguồn kinh phí khác: nguồn kinh phí được địa phương hỗ trợ, nguồn vốn viện trợ của Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ nước ngoài và tổ chức quốc tế khác; nguồn vốn vay ODA và các nguồn kinh phí hợp pháp khác;

- Được cấp hiện vật từ địa phương, nguồn viện trợ của Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ nước ngoài và tổ chức quốc tế khác, nguồn vốn vay ODA; nguồn do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho, tặng hoặc được điều chuyển từ các dự án nước ngoài tài trợ khi kết thúc hoạt động...

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đơn vị quản lý cấp Tổng cục: các đơn vị được giao nhiệm vụ đầu tư mua sắm, theo dõi, quản lý tàu thuyền trong ngành Hải quan: Cục Tài vụ - Quản trị, Cục Điều tra chống buôn lậu.

2. Đơn vị trực tiếp quản lý tàu thuyền: Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao nhiệm vụ quản lý tàu thuyền (Sau đây gọi là Cục Hải quan).

3. Đơn vị trực tiếp sử dụng tàu thuyền: Các Hải đội thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu; Chi cục Hải quan, Đội kiểm soát Hải quan và đơn vị tương đương được giao sử dụng tàu thuyền.

4. Cán bộ, công chức, người lao động trong ngành Hải quan được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng tàu thuyền.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý kỹ thuật và quản lý, sử dụng tàu thuyền

1. Việc quản lý, sử dụng tàu thuyền phải thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21/6/2017, Luật biển Việt Nam số 18/2012/QH13 ngày 21/6/2012, Luật hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 ngày 25/11/2015, Luật giao thông đường thủy nội địa số 23/2004/QH11, Luật số 48/2014/QH13 ngày 17/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, quy định của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan.

Quy định này được áp dụng thống nhất trong toàn Ngành và phân cấp cụ thể trong nội dung quản lý.

2. Tàu thuyền được trang bị phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn định mức, đúng mục đích sử dụng, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị tiếp nhận sử dụng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị cũng như của ngành Hải quan.

3. Tàu thuyền được trang bị cho các Cục Hải quan là loại tàu công vụ. Tàu thuyền cùng trang thiết bị, khí tài, vật tư, dụng cụ trên tàu thuyền là tài sản của Ngành, là phương tiện công tác để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát chống buôn lậu trên sông, trên biển của ngành Hải quan và thực hiện nhiệm vụ đột xuất khác theo quy định của pháp luật.

4. Các Cục Hải quan có trách nhiệm theo dõi tình hình sử dụng, khai thác, vận hành tàu thuyền của các đơn vị trực tiếp sử dụng tàu thuyền trực thuộc để kịp thời xử lý khi thay đổi nhu cầu sử dụng, tàu thuyền gặp sự cố, hoặc có sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng tàu thuyền; thực hiện bảo quản, bảo dưỡng, bảo trì, đăng kiểm an toàn kỹ thuật định kỳ cho tàu thuyền và các trang thiết bị đi kèm theo quy định tại Điều 7, 9 và 10 của Quy định này, đảm bảo phương tiện luôn ở trạng thái kỹ thuật tốt nhất và sẵn sàng hoạt động; hàng năm có trách nhiệm mua bảo hiểm đối với phương tiện và thuyền viên, cán bộ biên chế và làm việc trên tàu thuyền.

5. Các đơn vị trực tiếp sử dụng tàu thuyền và các cá nhân được giao sử dụng có trách nhiệm sử dụng tàu thuyền đúng mục đích, công năng, quy trình của nhà sản xuất, đúng quy trình nghiệp vụ Hải quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đúng vùng hoạt động theo giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của cơ quan đăng kiểm và tuân thủ pháp luật về biển Việt Nam, giao thông hàng hải, giao thông đường thủy nội địa; chấp hành nghiêm túc các quy tắc, quy chuẩn an toàn kỹ thuật trong quản lý, vận hành tàu thuyền; bảo vệ - bảo quản tàu thuyền để luôn có phương tiện kỹ thuật tốt phục vụ công tác.

6. Cá nhân được giao quản lý, sử dụng tàu thuyền phải có đủ tiêu chuẩn sức khỏe, có bằng cấp và chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định.

7. Khi thi hành nhiệm vụ, tàu thuyền phải được trang bị đầy đủ quốc kỳ Việt Nam (khi hoạt động trên vùng biển), số hiệu, cờ hiệu, đảm bảo đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Bộ Luật Hàng hải, Luật giao thông đường thủy nội địa; cán bộ, công chức, thuyền viên trên tàu thuyền phải mặc trang chế phục của ngành, đeo cấp hiệu, phù hiệu, thẻ công chức.

8. Các hành vi bị cấm:

a) Trang bị tàu thuyền không đúng mục đích, không đúng tiêu chuẩn, định mức, gây lãng phí;

b) Không sử dụng hoặc khai thác, sử dụng sai mục đích, sai quy định, sai quy trình gây hư hỏng, thất thoát; vi phạm các quy định về an toàn giao thông và các hành vi bị cấm của pháp luật về hàng hải, giao thông đường thủy nội địa;

c) Giao phương tiện cho người không đủ điều kiện/người không có nhiệm vụ điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa, hoạt động trên vùng biển. Thuyền viên, người lái phương tiện làm việc trên phương tiện không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn không phù hợp;

d) Không thực hiện bảo quản, bảo dưỡng, đăng kiểm, đăng ký, mua bảo hiểm tàu thuyền, lập hồ sơ, quản lý hồ sơ theo quy định; cố ý phá hoại, làm hỏng, làm mất tàu thuyền và các trang thiết bị đi kèm;

đ) Đơn vị và cá nhân vi phạm Quy chế này tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý, kỷ luật theo quy định.

Chương II

MUA SẮM TÀU THUYỀN

Điều 4. Mua sắm tàu thuyền:

Việc mua sắm tàu thuyền thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Điều 3 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ và các quy định khác của pháp luật về đấu thầu, phân cấp.

Điều 5. Quy trình lập dự toán mua sắm tàu thuyền:

1. Cục Hải quan chỉ đạo đơn vị trực tiếp sử dụng tàu thuyền xây dựng nhu cầu mua sắm cùng thời điểm với việc lập dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm hoặc theo từng chương trình, đề án, dự án, kế hoạch cụ thể của Tổng cục Hải quan.

2. Hồ sơ xây dựng nhu cầu mua sắm tàu thuyền gồm các nội dung:

a) Danh mục tàu thuyền đề nghị mua sắm: chủng loại; số lượng; dự toán đề nghị bố trí kèm nguồn kinh phí (dự toán đề nghị bố trí đối với tàu thuyền phụ thuộc vào thiết kế - dự toán thì dự toán đề nghị bố trí được đảm bảo để chuẩn bị cho công tác tổ chức tư vấn lập hồ sơ thiết kế - dự toán, tư vấn thẩm tra, tư vấn thẩm định giá). Trường hợp mua sắm tại Tổng cục, dự toán đề nghị bố trí và nguồn kinh phí có thể do đơn vị tổng hợp nhu cầu xây dựng).

b) Sự cần thiết trang bị tàu thuyền:

- Hiện trạng bố trí (bao gồm số lượng, chủng loại thuộc phạm vi quản lý, sử dụng); so sánh với tiêu chuẩn, định mức;

- Lý do trang bị (do thực hiện chương trình/đề án/dự án/kế hoạch/chủ trương/chính sách/quy trình nghiệp vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt; do tình hình địa bàn cần trang bị để tuần tra, kiểm soát...);

- Hiệu quả đã sử dụng (trong trường hợp trang bị thay thế).

c) Phương án sử dụng tàu thuyền sau khi trang bị.

d) Các hồ sơ khác có liên quan (nếu có).

3. Kiểm tra, xét duyệt dự toán đối với các nội dung mua sắm tại Tổng cục:

a) Đơn vị được giao nhiệm vụ tổng hợp nhu cầu, triển khai mua sắm có trách nhiệm:

a1) Tổng hợp đề xuất của các Cục Hải quan, lập danh mục tổng hợp tàu thuyền đề nghị mua sắm.

a2) Lấy ý kiến Cục Điều tra chống buôn lậu về sự cần thiết, hiệu quả trang bị đối với danh mục tàu thuyền đề nghị mua sắm.

a3) Lấy ý kiến các đơn vị ngoài ngành/cơ quan chuyên môn có liên quan (nếu cần).

a4) Lập báo cáo Tổng cục Hải quan (qua Cục Tài vụ - Quản trị) để tổng hợp, kiểm tra và bố trí dự toán. Hồ sơ trình duyệt bố trí dự toán gồm:

- Báo cáo tổng hợp, đánh giá kèm danh mục tổng hợp tài sản đề nghị mua sắm (chủng loại, số lượng, dự toán đề nghị bố trí, nguồn kinh phí).

- Các hồ sơ khác liên quan: báo giá/căn cứ xây dựng giá; hồ sơ xây dựng nhu cầu của các đơn vị trực tiếp quản lý tài sản; ý kiến của các đơn vị quản lý cấp Tổng cục/các đơn vị ngoài ngành/cơ quan chuyên môn có liên quan (nếu có); chương trình/đề án/dự án/chủ trương/chính sách/quy trình nghiệp vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có)...

b) Cục Điều tra chống buôn lậu là đơn vị cấp Tổng cục trong phạm vi quản lý quy định tại khoản 2 Điều 16 Quy định này có trách nhiệm đánh giá sự cần thiết và hiệu quả trang bị trên cơ sở:

b1) Báo cáo về sự cần thiết của đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng;

b2) Phương án sử dụng tàu thuyền được trang bị phù hợp với địa bàn hoạt động...

c) Cục Tài vụ - Quản trị kiểm tra đối với những hồ sơ có đầy đủ các nội dung theo quy định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp hồ sơ không được phê duyệt, Cục Tài vụ - Quản trị có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho đơn vị lý do đề nghị của đơn vị không được chấp thuận.

4. Kiểm tra, xét duyệt dự toán đối với các nội dung mua sắm tại đơn vị:

a) Cục Tài vụ - Quản trị có trách nhiệm kiểm tra đánh giá sự cần thiết trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bố trí dự toán, nếu cần có thể lấy ý kiến của Cục Điều tra chống buôn lậu để đánh giá về sự cần thiết và hiệu quả trang bị.

b) Chỉ kiểm tra, xét duyệt bố trí dự toán đối với những hồ sơ có đầy đủ các nội dung theo quy định.

5. Trong quá trình theo dõi, quản lý tàu thuyền, trường hợp Tổng cục Hải quan xét thấy cần thiết trang bị tài sản phục vụ chương trình/đề án/dự án/chủ trương/chính sách/quy trình nghiệp vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì đơn vị cấp Tổng cục lập báo cáo hồ sơ xây dựng nhu cầu mua sắm tàu thuyền theo quy định tại điểm khoản 2 Điều này, lấy ý kiến các đơn vị liên quan (nếu có) và đánh giá sự cần thiết, hiệu quả trang bị để trình Tổng cục Hải quan (qua Cục Tài vụ - Quản trị) xem xét, phê duyệt dự toán thực hiện.

Chương III

QUẢN LÝ KỸ THUẬT VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀU THUYỀN

Điều 6. Quy định về việc lập, lưu trữ hồ sơ tàu thuyền:

1. Quy định về hồ sơ tàu thuyền bao gồm:

- Hồ sơ hình thành tài sản: Hồ sơ mua sắm (trong trường hợp tài sản hình thành từ mua sắm: Hồ sơ đề xuất mua sắm; Văn bản chấp thuận mua sắm/Quyết định mua sắm; Hợp đồng mua sắm; Biên bản thanh lý hợp đồng; Hồ sơ tiếp nhận/được hỗ trợ (trong trường hợp tiếp nhận/được hỗ trợ); Biên bản nghiệm thu xuất xưởng; Biên bản nghiệm thu bàn giao; Giấy chứng nhận thiết kế được Đăng kiểm phê duyệt.

- Hồ sơ liên quan đến đăng kiểm, đăng ký: Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật phương tiện thủy; Sổ kiểm tra kỹ thuật phương tiện thủy; Giấy đăng ký tàu thuyền;

- Hồ sơ liên quan đến bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp tài sản.

- Hồ sơ liên quan đến điều chuyển, thanh lý.

- Nhật ký sử dụng tàu thuyền:

+ Sổ nhật ký hàng hải;

+ Sổ nhật ký máy chính;

+ Sổ nhật ký máy phụ;

+ Sổ danh bạ thuyền viên;

+ Sổ nhật ký bảo dưỡng sửa chữa;

+ Biên bản kiểm tra tình trạng kỹ thuật tàu trước khi đi biển;

(Mẫu sổ và Mẫu biên bản theo quy định từ Mẫu số 01 đến Mẫu số 06 đính kèm theo quyết định này)

+ Sổ chứng nhận dung tích các khoang có đóng dấu giáp lai của cơ quan Đăng kiểm (đối với tàu dầu);

- Lệnh điều động tàu thuyền.

- Cơ sở dữ liệu về tàu thuyền.

- Giấy tờ khác: danh sách, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên; các hồ sơ, giấy tờ khác của cơ quan chức năng liên quan đến tính pháp lý cho hoạt động tàu thuyền.

2. Trách nhiệm lưu trữ hồ sơ tàu thuyền:

a) Đơn vị mua sắm tàu thuyền/Đơn vị trực tiếp quản lý tàu thuyền (áp dụng khi đơn vị trực tiếp quản lý mua sắm tàu thuyền) lưu 01 bộ hồ sơ hình thành tài sản; Hồ sơ liên quan đến điều chuyển, thanh lý theo quy định tại khoản 1 nêu trên. Ngoài ra, đơn vị trực tiếp quản lý tàu thuyền lưu 01 bộ hồ sơ sửa chữa, nâng cấp tài sản;

b) Đơn vị trực tiếp sử dụng tàu thuyền lưu đầy đủ 01 bộ hồ sơ (bản chụp hoặc bản chính (nếu có)) theo quy định tại khoản 1 nêu trên trừ hồ sơ hình thành tài sản và nhật ký sử dụng tàu thuyền;

c) Thuyền trưởng, máy trưởng có trách nhiệm lưu, quản lý sổ sách, nhật ký, giấy chứng nhận có liên quan đến hoạt động của tàu theo quy định tại khoản 1 nêu trên trừ điểm a, b khoản 2 Điều này.

d) Thuyền trưởng có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ đăng kiểm và đăng ký cấp cho tàu thuyền và trình cơ quan chức năng khi có yêu cầu.

đ) Thuyền trưởng, máy trưởng trực tiếp tổ chức sử dụng các tàu thuyền được giao và giao nhiệm vụ cho các thuyền viên được biên chế trên tàu thực hiện:

- Lập, theo dõi, thống kê, lưu giữ các hồ sơ đối với hoạt động của tàu thuyền theo các mảng nhiệm vụ và các nội dung đảm bảo kỹ thuật, hậu cần cho tàu thuyền.

- Tổ chức hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy định này trong phạm vi cấp Hải đội và cấp tương đương.

Điều 7. Quy định về sử dụng, khai thác, vận hành tàu thuyền

1. Điều kiện sử dụng, vận hành tàu thuyền.

a) Quy định về việc đăng kiểm tàu thuyền:

a1) Tàu thuyền phải được cơ quan đăng kiểm cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và có đầy đủ hồ sơ đăng ký mới được phép hoạt động.

a2) Tàu thuyền mang cấp đăng kiểm phải trải qua các đợt kiểm tra chu kỳ theo quy định của cơ quan Đăng kiểm. Tàu thuyền phải chịu sự kiểm tra bất thường khi một trong các điều kiện dưới đây xảy ra không trùng vào các thời điểm kiểm tra hàng năm, kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra theo kế hoạch. Nếu kiểm tra hàng năm, kiểm tra định kỳ được thực hiện cùng với các đối tượng riêng của kiểm tra bất thường thì đợt kiểm tra bất thường có thể được bỏ qua:

- Khi các bộ phận chính của thân tàu, máy móc thiết bị quan trọng hoặc các phụ tùng đã được Đăng kiểm kiểm tra bị hư hỏng, phải sửa chữa hoặc phải thay mới;

- Khi đường nước đã được thay đổi hoặc được kẻ mới;

- Khi có thay đổi làm ảnh hưởng đến ổn định của tàu;

- Khi Cục Hải quan có yêu cầu kiểm tra;

- Bất cứ việc nào mà cơ quan Đăng kiểm hoặc Cục Hải quan, các đơn vị trực tiếp sử dụng tàu thuyền cho là cần thiết.

Chế độ kiểm tra đăng kiểm hàng năm, trung gian và định kỳ theo quy định của Đăng kiểm Hải quân. Kiểm tra đăng kiểm trong sửa chữa theo kế hoạch của Cục Hải quan.

b) Các nội dung kiểm tra trước khi vận hành, sử dụng tàu thuyền.

b1) Kiểm tra các điều kiện khách quan đi biển như thời tiết, khí tượng thủy văn, luồng lạch,...

- Kiểm tra kín nước của tàu thuyền: các nắp khoang, két, cửa sổ, cửa túp lô, vách ngăn kín nước, hệ trục chân vịt, hệ trục lái, van thông biển, van thông mạn...

- Kiểm tra toàn diện sự hoạt động thực tế của tàu thuyền và trang thiết bị kỹ thuật, máy móc...xem có đủ khả năng hoạt động và mức độ tin cậy của các thiết bị như:

+ Trang thiết bị hàng hải, thông tin liên lạc: La bàn, rađa, các máy thông tin liên lạc, định vị vệ tinh, máy đo sâu, đèn hành trình, còi, đèn chiếu xa...;

+ Thiết bị đẩy, thiết bị lái: Máy chính, máy phụ, máy nén khí, máy lái, máy lái sự cố, hộp số, hệ trục chân vịt, chân vịt...;

+ Các hệ thống: Hút khô, cứu hỏa, chống chìm, bơm, van, đường ống;

+ Các phương tiện lai kéo (cẩu xuồng, thiết bị nâng hạ, máy tời neo, tời cô dây...); dây buộc, đệm va, cột chống, phương tiện chống chìm; phương tiện cứu sinh (phao cá nhân, xuồng cứu sinh...); phương tiện cứu hỏa (hệ thống cứu hỏa cố định; bình cứu hỏa xách tay);

- Kiểm tra đảm bảo đủ (cả dự phòng) lượng dầu, nước, lương thực, thực phẩm...theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho chuyến đi.

- Kiểm tra đồng bộ động cơ - hệ trục chân vịt (bằng cách via máy bằng dụng cụ via máy chuyên dùng).

- Có đầy đủ hồ sơ, các loại giấy phép cần thiết (Sổ đăng kiểm, Giấy chứng nhận đăng ký, quyết định hoặc lệnh điều động tàu của người có thẩm quyền, giấy phép đi biển, sổ nhật ký tàu và các sổ nhật ký khác theo quy định...).

- Có đủ định biên thuyền viên tối thiểu theo quy định.

2. Quy trình vận hành thiết bị, máy móc trên tàu thuyền:

Việc vận hành và sử dụng trang thiết bị cơ điện phải thực hiện theo bốn bước sau:

- Chuẩn bị đưa trang thiết bị vào hoạt động.

- Khởi động.

- Theo dõi hoạt động của trang thiết bị.

- Dừng tắt máy.

Thứ tự thao tác phải đúng quy tắc sử dụng của từng trang thiết bị. Khi trang thiết bị hoạt động phải có thuyền viên theo dõi tình trạng hoạt động của trang thiết bị, xử lý và báo cáo kịp thời sự cố xảy ra (nếu có), ghi chép đầy đủ vào từng loại nhật ký theo quy định.

3. Các trường hợp giới hạn hoặc không cho phép vận hành tàu thuyền.

- Vỏ tàu thuyền dưới mớn nước bị thủng, không có khả năng bịt rò tin cậy hoặc có hiện tượng nước rò nhiều theo hệ trục chân vịt, trục lái, các mối hàn ghép tôn vỏ, tôn đáy; vỏ tàu thuyền mà trong lần kiểm tra gần nhất đã mòn quá giới hạn cho phép; các vách ngăn khoang tàu, cửa sổ mạn, cửa sổ khoang không đảm bảo kín nước;

- Tàu thuyền mất ổn định vì hệ số ổn định đã thay đổi quá giới hạn cho phép;

- Các phương tiện về an toàn như cứu sinh, cứu hỏa, chống chìm...thiếu hoặc hư hỏng;

- Hệ thống lái, hệ thống neo của tàu thuyền bị trục trặc hoặc bị hỏng chưa khắc phục được;

- Hệ thống cân bằng tàu thuyền, hệ thống tiếp nhận nhiên liệu, hệ thống đèn hành trình bị hư hỏng;

- Thiếu các giấy tờ đảm bảo tính pháp lý cho tàu thuyền đủ điều kiện hoạt động trên biển (Giấy chứng nhận đăng kiểm, đăng ký tàu, lệnh điều động, giấy phép đi biển...).

4. Quy trình xử lý khi gặp sự cố

a) Quy trình xử lý

a1) Trong bất kỳ trường hợp nào, tàu thuyền cũng như máy móc, trang thiết bị, hệ thống...khi gặp sự cố phải lập tức cho ngừng hoạt động (trực ca phải báo cáo ngay với Thuyền trưởng hoặc Máy trưởng và trưởng ca (nếu có) về hiện tượng bất thường đó), đồng thời phải tìm nguyên nhân, khắc phục hư hỏng. Khi chưa xác định được nguyên nhân, hoặc chưa sửa chữa khắc phục, tuyệt đối không được sử dụng tiếp để tránh hư hỏng thêm và nguy hiểm cho người sử dụng (trong trường hợp đặc biệt khẩn cấp nếu ngừng hoạt động đó có thể dẫn tới nguy hiểm cho tính mạng của thuyền viên thì phải báo cáo Thuyền trưởng quyết định và phải được ghi chép đầy đủ vào sổ nhật ký hàng hải, sổ nhật ký máy...)

a2) Lập biên bản ghi nhận sự cố có xác nhận của các cá nhân có liên quan.

a3) Trường hợp tàu thuyền nằm bến gặp sự cố, tuyệt đối không được đi biển.

b) Trách nhiệm khi xảy ra sự cố

b1) Mỗi khi tàu thuyền gặp sự cố (hỏng máy móc thiết bị, đâm va hoặc xảy ra mất mát...), Thuyền trưởng phải lập biên bản tại chỗ, báo cáo với Lãnh đạo đơn vị trực tiếp sử dụng tàu thuyền. Trong một số trường hợp xảy ra sự cố hay có tổn thất, Thuyền trưởng phải lập kháng nghị hàng hải gửi tới các cơ quan chức năng liên quan (thường là cơ quan Cảng vụ tại nơi xảy ra sự cố, hoặc chính quyền địa phương tại nơi xảy ra sự vụ) trong vòng 24 giờ kể từ khi sự cố xảy ra nhằm bãi miễn trách nhiệm, cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho chủ tàu. Khi xảy ra những hư hỏng thuộc phạm vi trách nhiệm hợp đồng bảo hiểm, phải thông báo ngay cho cơ quan bảo hiểm hay đại lý để giám định hư hỏng. Nếu người bảo hiểm không có đại lý tại địa phương nơi xảy ra sự cố thì có thể yêu cầu giám định viên có đăng ký ở nơi đó đến giám định. Tùy từng trường hợp cụ thể sự cố phải được báo cáo và trình lên Lãnh đạo các cấp có thẩm quyền để giải quyết.

b2) Các thuyền viên thực hiện theo chỉ đạo, hướng dẫn của Thuyền trưởng.

b3) Tổ chức xác định nguyên nhân hư hỏng, sự cố của tàu thuyền và triển khai cho cán bộ, thuyền viên khắc phục những hư hỏng thông thường để tàu thuyền luôn đạt tình trạng kỹ thuật tốt nhất.

b4) Đề xuất các nội dung sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ, đột xuất trình đơn vị trực tiếp quản lý tàu thuyền phê duyệt để thực hiện. Tổ chức theo dõi, giám sát, nghiệm thu các hạng mục sửa chữa, bảo dưỡng.

Điều 8. Quy định về chế độ trực tàu

1. Mục đích tổ chức các hệ thống trực trên tàu.

- Duy trì chế độ sẵn sàng đi biển;

- Duy trì nề nếp sinh hoạt và công tác trên tàu thuyền;

- Duy trì an toàn bên trong và ngoài tàu thuyền;

- Duy trì thông tin liên lạc thường xuyên liên tục trong nội bộ tàu thuyền, với cấp trên và với các đơn vị có liên quan;

- Tổ chức vận hành các trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của thuyền viên trên tàu thuyền phù hợp với hoàn cảnh;

- Đảm bảo cho việc thực hiện các nhiệm vụ và kiểm tra việc tuân thủ các quy tắc an toàn;

- Đảm bảo vận hành an toàn các trang thiết bị trực và dự phòng;

2. Trách nhiệm chung của người trực.

Căn cứ vào nhiệm vụ trực, người trực phải nắm chắc những nội dung có liên quan:

- Cấu tạo tàu, khoang, buồng phòng;

- Nơi bố trí và chức năng của các vị trí trực ban;

- Cấu tạo và quy tắc vận hành hệ thống chống chìm, cứu hỏa và bảo đảm sinh hoạt trên tàu thuyền;

- Quy tắc mở, đóng các cửa ra vào, cửa sổ mạn, nắp két...kín nước;

- Quy tắc sử dụng các trang thiết bị dự phòng;

- Các tín hiệu quy định và tổ chức thông thoại nội bộ.

3. Chế độ phân công trực toàn tàu

- Các thuyền viên trên tàu đều phải tham gia trực toàn tàu. Thuyền trưởng chịu trách nhiệm chung và phân công thuyền viên trực toàn tàu.

- Bảng phân công trực ban toàn tàu phải được lập cho cả tuần và được treo ở nơi quy định.

- Thuyền trưởng, máy trưởng lập bảng phân công trực chuyên môn cho cả tuần và phổ biến cho thuyền viên thuộc quyền quản lý.

- Những người ở vị trí trực không được bỏ vị trí hoặc nhờ người khác trực hộ nếu không được sự cho phép của thuyền trưởng. Trường hợp vì lý do cần rời vị trí phải bố trí thuyền viên khác thay thế.

- Không được cắt cử thuyền viên tham gia trực đi thực hiện các công việc có thể cản trở việc thực hiện nhiệm vụ trực của họ.

Điều 9. Quy định về việc bảo hành, bảo trì, bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật tàu thuyền.

1. Quy định chung:

- Các chuyên ngành kỹ thuật phải căn cứ vào tài liệu hướng dẫn sử dụng, vận hành hệ thống, thiết bị của nhà sản xuất, đồng thời kết hợp với yêu cầu thực tế để xác định cấp bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật, chu kỳ, nội dung công việc của mỗi cấp bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật.

- Công tác bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật được thực hiện thường xuyên và liên tục.

Bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật do thuyền viên thực hiện. Trường hợp cần thiết có thể đề nghị sự giúp đỡ của nhà sản xuất, đơn vị cung cấp.

- Thuyền trưởng phải lập kế hoạch bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật, trình Lãnh đạo đơn vị trực tiếp sử dụng tàu thuyền phê duyệt để tổ chức thực hiện.

2. Chế độ bảo hành, bảo trì:

- Đơn vị trực tiếp quản lý tàu thuyền thông báo tới đơn vị mua sắm tàu thuyền để đơn vị mua sắm yêu cầu nhà cung cấp thực hiện nghĩa vụ bảo hành, bảo trì theo đúng hợp đồng đã ký kết hoặc chủ động yêu cầu nhà cung cấp thực hiện (áp dụng khi hợp đồng mua sắm tàu thuyền còn trong thời hạn phải bảo hành);

- Đơn vị trực tiếp quản lý tàu thuyền yêu cầu nhà cung cấp thực hiện nghĩa vụ bảo hành, bảo trì theo đúng hợp đồng đã ký kết hoặc chủ động yêu cầu nhà cung cấp thực hiện (áp dụng khi đơn vị trực tiếp quản lý mua sắm tàu thuyền);

- Trường hợp nhà cung cấp chậm bảo hành, bảo trì hoặc không bảo hành, bảo trì mà không có lý do chính đáng hoặc do nguyên nhân bất khả kháng theo quy định trong hợp đồng, đơn vị mua sắm tàu thuyền/ đơn vị trực tiếp quản lý tàu thuyền (áp dụng khi đơn vị trực tiếp quản lý mua sắm tàu thuyền) phải sử dụng các quyền ghi trong hợp đồng để yêu cầu nhà cung cấp thực hiện hoặc phạt vi phạm hợp đồng.

3. Chế độ bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật tàu thuyền:

a) Công tác bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật phải được tiến hành theo quy định:

- Hàng ngày 01 giờ; mỗi tuần 0,5 ngày; mỗi tháng 02 ngày.

- Sau mỗi đợt đi biển về: 01-02 ngày.

- Theo số giờ hoạt động của máy, các trang thiết bị (theo quy định tại tài liệu hướng dẫn của nhà sản xuất).

- Theo số tháng hoạt động của các hệ thống: cứu sinh, cứu hỏa.

b) Các công việc bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật hàng ngày

b1) Kiểm tra tổng thể:

- Vệ sinh boong, bên ngoài các cấu trúc.

- Xem xét để chắc chắn các trang thiết bị ở các khoang nghỉ, khoang làm việc đảm bảo nguyên vẹn.

- Lau chùi ngoài máy, bảng điện, mô tơ, trang thiết bị buồng máy...

- Kiểm tra trạng thái và sự đồng bộ, kín khít của các đệm gioăng cao su, chốt trượt, bệ tỳ và truyền động của các cửa lên xuống, cửa ra vào, cửa sổ mạn. Kiểm tra sự kín nước của các cửa và các vách ngăn.

- Xả đáy, xả cặn của các két chứa nhiên liệu, các bình khí nén cao áp.

- Hút khô la canh buồng máy và các khoang khác của tàu thuyền. Kiểm tra sự kín nước của vỏ tàu thuyền và khắc phục rò rỉ (nếu có).

- Kiểm tra sự cố định, chằng buộc các thiết bị, vật di động hoặc các vật có thể bị gãy đổ khi tàu thuyền đi biển.

- Tuân thủ tất cả các công tác phòng chống cháy nổ và duy trì mức sẵn sàng của các thiết bị, các hệ thống chống cháy.

- Kiểm tra tình trạng và mức sẵn sàng của các thiết bị phòng sự cố.

b2) Máy chính:

- Kiểm tra số lượng, chất lượng nhiên liệu, nước làm mát trong két trực nhật, két chứa, trường hợp thiếu hụt phải bổ sung ngay. Thường xuyên xả đáy, xả cặn, xả nước lắng đọng ở các két.

- Kiểm tra toàn bộ phía ngoài động cơ: Kiểm tra các khóa hãm, nối và bắt chặt các thiết bị, đường ống dầu nhờn, dầu đốt, nước làm mát, và đường ống khí thải. Khắc phục sự hư hỏng rò rỉ. Kiểm tra mối liên kết giữa động cơ với bệ máy và giữa mặt tuốc tô hộp số với trục chân vịt.

- Kiểm tra các van trong hệ thống nhiên liệu, bôi trơn, làm mát. Các van này phải đảm bảo việc đóng mở nhẹ nhàng, không rò rỉ.

- Kiểm tra các đầu nối, bắt chặt của hệ thống đồng hồ báo, kiểm tra sự chỉ đúng trên các đồng hồ chỉ báo (chỉ số 0 của đồng hồ báo áp lực khi thiết bị không hoạt động, chỉ nhiệt độ tương ứng với nhiệt độ trong hệ thống các dụng cụ đo kiểm tra).

- Kiểm tra các bình ắc quy.

- Via máy (từ 2 đến 3 vòng) bằng tay để kiểm tra.

- Kiểm tra các cữ chặn và sự linh động của thanh răng bơm cao áp.

b3) Máy phát điện (chính và dự phòng):

- Kiểm tra mức dầu bôi trơn trong các te, bộ điều tốc, bơm cao áp.

- Kiểm tra số lượng và chất lượng dầu đốt trong két, xả cặn két trực nhật.

- Kiểm tra hệ thống nước ngọt làm mát, cần thiết bổ sung.

- Kiểm tra hệ thống nước biển làm mát.

- Kiểm tra độ chắc chắn cố định các cụm, các cơ cấu và hệ thống của máy.

- Kiểm tra độ chắc chắn cố định các cụm, các cơ cấu và hệ thống của máy.

- Để phục vụ sinh hoạt, trực canh và đảm bảo an toàn cho các thiết bị điện tử trên tàu: Trường hợp tàu neo đậu (khi tàu đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát) thì thực hiện chạy máy phát điện 24/24 giờ. Trường hợp tàu cập cảng (nhưng không thể sử dụng nguồn điện bờ) thì chạy máy phát điện 12/24 giờ/ngày.

(b4) Hệ thống tự động điều khiển:

- Xem xét bên ngoài các thiết bị và các liên kết.

- Kiểm tra xem các thiết bị, các đường ống dẫn và các cáp có bị hỏng hóc cơ khí không.

- Lau chùi sạch bụi bẩn, nước và dầu rò rỉ ra bề mặt ngoài của các cơ cấu thừa hành.

- Kiểm tra sự rò rỉ ở các bộ phận thủy lực và mức dầu trong két thủy lực.

- Kiểm tra độ bẩn các phin lọc theo bộ báo hiệu độ bẩn các phin lọc, vệ sinh phin lọc nếu cần.

b5) Các hệ thống, trang thiết bị khác (như máy neo, hệ trục chân vịt, hệ thống máy lái, hệ thống tay chuông truyền lệnh, hệ thống thông thoại, ra đa và nghi khí hàng hải, máy định vị vệ tinh và máy lọc nước ngọt từ nước biển - nếu có....): Kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng theo đúng tài liệu hướng dẫn ghi trong lý lịch và theo quy phạm của cơ quan Đăng kiểm.

(c) Công việc bảo dưỡng kỹ thuật hàng tuần

Là tiến hành công tác kỹ thuật của tuần theo “ngày kỹ thuật” đối với các tàu thuyền ở vị trí neo đậu hoặc tại cầu cảng, được quy định vào ngày thứ sáu hàng tuần. Nội dung thực hiện: Tiến hành các công việc như bảo quản, bảo dưỡng hàng ngày và phải làm thêm một số công việc sau:

- Gõ gỉ, sơn dặm đối với kết cấu vỏ tàu thuyền.

- Đánh gỉ phần không sơn.

- Sắp xếp lại các ván sàn, hút khô và vệ sinh các gầm khoang, hút khô la canh buồng máy.

- Bổ sung hoặc thay dầu bôi trơn theo hướng dẫn của nhà sản xuất và theo tiêu chuẩn của Hãng dầu.

- Xúc rửa, vệ sinh bầu lọc dầu đốt, dầu nhờn, bình sinh hàn nước, bình sinh hàn dầu nhờn (theo tài liệu của máy).

- Siết bó ống, bắt chặt những chỗ bị nới lỏng của mối nối các mặt bích.

- Vệ sinh chổi than, cổ góp, kiểm tra điện trở cách điện của các động cơ điện.

- Nổ máy phát điện và nạp điện bổ sung cho các tổ hợp ắc quy.

- Thông sấy hệ thống điện chống ẩm.

- Thông gió các khoang.

- Thông điện cho các máy hàng hải, thông tin, rađa, định vị vệ tinh và các loại máy móc điện hàng hải khác được lắp đặt trên tàu từ 20 đến 30 phút.

- Nổ máy bảo dưỡng tại bến:

+ Máy chính: 30 phút/máy;

+ Tổ hợp máy phát điện: 01giờ/máy.

d) Công việc kiểm tra bảo dưỡng tháng

Việc kiểm tra, bảo dưỡng tiến hành vào ngày cuối cùng của tháng sau khi đã hoàn thành các công việc như bảo dưỡng tuần. Nếu tàu thuyền không hoạt động nghiệp vụ trên biển trong thời gian 03 tuần trở lên thì Thuyền trưởng cho chạy thử rời bến 02 giờ (đối với máy chính và máy phát điện) để kiểm tra tình trạng kỹ thuật của máy móc, thiết bị, kiểm tra tính năng quay trở, kiểm tra hệ thống lái và khử rong rêu, hà bám ngoài vỏ phương tiện.

đ) Công việc bảo dưỡng sau mỗi chuyến, mỗi đợt đi biển (từ 02 ngày trở lên).

- Ngay khi tàu thuyền về điểm neo đậu tiến hành ngay việc tổng vệ sinh toàn tàu thuyền, rửa sạch muối bám ngoài vỏ, sàn boong..., lau chùi bảo dưỡng kỹ thuật máy móc, trang thiết bị, hoàn thành các công việc như kiểm tra bảo dưỡng tàu thuyền hàng ngày, hàng tuần.

- Sửa chữa khắc phục những hư hỏng (nếu có) mà những hỏng hóc này chưa xử lý được trong chuyến đi biển.

- Bảo dưỡng máy móc, thiết bị theo giờ quy định.

4. Thuyền trưởng, máy trưởng điều hành, tổ chức cho thuyền viên của tàu thuyền thực hiện đầy đủ các công việc nêu trên, yêu cầu mọi thành viên phải chấp hành nghiêm túc nhiệm vụ, chức trách đã được phân công.

5. Quy định về công tác vệ sinh môi trường biển:

- Không đổ hoặc bơm dầu đốt, dầu nhờn, xăng thừa, hóa chất và các chất dễ cháy khác ra mạn tàu.

- Giẻ lau sau khi vệ sinh máy móc, thiết bị phải được thu gọn vào vị trí quy định để đưa lên bờ đốt hủy, không vứt bừa bãi xuống đáy khoang, trên mạn tàu thuyền hay vứt xuống môi trường nước.

- Giữ gìn vệ sinh môi trường chung nơi tàu thuyền neo đậu.

Điều 10. Quy định về kiểm tra, bảo dưỡng.

1. Kiểm tra, bảo dưỡng.

- Việc kiểm tra hàng năm thực hiện theo quy định của cơ quan Đăng kiểm;

- Để đảm bảo hiệu quả hoạt động, tàu thuyền phải được bảo dưỡng theo quy định tại Định mức kinh tế kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện thủy của Ngành Hải quan và theo các quy định hiện hành khác có liên quan (nếu có).

a) Đối với những tàu thuyền còn bảo hành:

- Đơn vị mua sắm tàu thuyền/Đơn vị trực tiếp quản lý tàu thuyền (áp dụng trong trường hợp quản lý tàu thuyền mua sắm) có trách nhiệm thông báo nội dung bảo dưỡng trong hợp đồng tới đơn vị trực tiếp quản lý tàu thuyền/Đơn vị trực tiếp sử dụng tàu thuyền khi bàn giao tài sản.

- Cục Hải quan và đơn vị trực tiếp sử dụng tàu thuyền có trách nhiệm giám sát việc thực hiện bảo dưỡng của nhà thầu, thông báo tới đơn vị mua sắm nếu có phát sinh ngoài nội dung bảo dưỡng, bảo trì được thông báo.

b) Đối với tàu thuyền hết bảo hành:

- Cục Hải quan chỉ đạo đơn vị trực tiếp sử dụng tàu thuyền tự tổ chức thực hiện việc bảo dưỡng tàu thuyền hoặc thuê đơn vị, tổ chức có chức năng để thực hiện.

- Kinh phí bảo dưỡng: Cục Hải quan chịu trách nhiệm xây dựng dự toán kinh phí bảo dưỡng tàu thuyền hàng năm. Việc lập dự toán của đơn vị theo Định mức kinh tế kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện thủy của Ngành Hải quan và theo các quy định hiện hành khác có liên quan (nếu có). Dự toán bảo dưỡng phương tiện thủy do Cục Hải quan phê duyệt hoặc theo phân cấp (nếu có).

2. Nội dung, thời gian thực hiện các công việc kiểm tra, bảo dưỡng tàu thuyền phải được ghi nhận vào sổ nhật ký bảo dưỡng tàu thuyền. Bản sao biên bản nghiệm thu kết quả thực hiện phải đính kèm vào sổ nhật ký bảo dưỡng tàu thuyền và được coi là một phần của sổ Sổ nhật ký bảo dưỡng tàu thuyền.

3. Các đơn vị thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng (trong trường hợp đi thuê dịch vụ) phải có đủ năng lực, kinh nghiệm trong việc kiểm tra, bảo dưỡng tàu thuyền. Các Cục Hải quan phải tổ chức lựa chọn đơn vị thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng theo quy định của Luật đấu thầu và theo các quy định hiện hành khác có liên quan. Trong quá trình thực hiện, Cục Hải quan/Đơn vị trực tiếp sử dụng tàu thuyền phải cử cán bộ/công chức/người lao động kiểm tra, giám sát, nghiệm thu theo quy định. Các nội dung kiểm tra, giám sát theo nội dung công việc của Hợp đồng bảo dưỡng đã ký.

Điều 11. Quy định về sửa chữa; Nâng cấp, cải tạo tàu thuyền

1. Quy định về sửa chữa tàu thuyền

a) Khi phát hiện tàu thuyền gặp sự cố, hư hỏng mà không tự khắc phục được, cá nhân, đơn vị trực tiếp sử dụng tàu thuyền báo cáo Cục Hải quan để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để hư hỏng kéo dài. Thời gian báo cáo chậm nhất không quá 24 giờ kể từ khi tàu thuyền bị hư hỏng hay sự cố.

b) Chậm nhất không quá 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo của đơn vị sử dụng, đơn vị trực tiếp quản lý liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ sửa chữa để khảo sát, đánh giá lỗi kỹ thuật và lập phương án sửa chữa tàu thuyền, trong đó:

- Biên bản kiểm tra kỹ thuật phải nêu rõ nguyên nhân hư hỏng và có xác nhận của đơn vị trực tiếp sử dụng tàu thuyền và nhà cung cấp dịch vụ sửa chữa;

- Phương án sửa chữa phải có báo giá đính kèm để làm cơ sở duyệt sửa chữa và xây dựng dự toán.

c) Trường hợp sự cố, hỏng hóc xảy ra do lỗi của cá nhân, đơn vị trực tiếp sử dụng tàu thuyền thì cá nhân, đơn vị trực tiếp sử dụng tàu thuyền đó chịu trách nhiệm thanh toán chi phí sửa chữa cho sự cố gây ra, không sử dụng ngân sách nhà nước để chi trả cho trường hợp này.

d) Trường hợp sự cố, hỏng hóc tài sản xảy ra không phải do lỗi của cá nhân, đơn vị trực tiếp sử dụng tàu thuyền:

d1) Tàu thuyền vẫn trong thời gian bảo hành, bảo trì:

- Cục Hải quan thông báo tới Đơn vị thực hiện mua sắm tàu thuyền để yêu cầu nhà cung cấp thực hiện nghĩa vụ bảo hành, bảo trì theo đúng hợp đồng đã ký kết hoặc chủ động yêu cầu nhà cung cấp thực hiện (áp dụng khi Cục Hải quan trực tiếp thực hiện mua sắm tàu thuyền).

- Trường hợp nhà cung cấp chậm xử lý hoặc không xử lý không vì nguyên nhân bất khả kháng quy định trong hợp đồng, đơn vị thực hiện mua sắm tàu thuyền phải sử dụng các quyền ghi trong hợp đồng để yêu cầu nhà cung cấp thực hiện hoặc phạt vi phạm hợp đồng.

d2) Tàu thuyền đã hết thời gian bảo hành, bảo trì:

- Các Cục Hải quan báo cáo Tổng cục quyết định việc sửa chữa tàu thuyền theo phân cấp (nếu có) hoặc căn cứ theo thẩm quyền để quyết định.

- Hồ sơ đề nghị sửa chữa phải giải trình cụ thể nguyên nhân hư hỏng; nội dung sửa chữa; chi phí; lần sửa chữa gần đây nhất (thời gian, nội dung, chi phí); kèm các hồ sơ: biên bản kiểm tra kỹ thuật, phương án sửa chữa, báo giá....

- Kinh phí sửa chữa được lấy từ nguồn kinh phí sửa chữa tàu thuyền của đơn vị đã được Tổng cục giao trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm. Nếu nguồn kinh phí này không đủ, Cục Hải quan báo cáo Tổng cục Hải quan xem xét, bố trí bổ sung (gửi kèm hợp đồng, hóa đơn, chứng từ sửa chữa liên quan).

đ) Thời gian sửa chữa (tính từ khi có quyết định phê duyệt đơn vị sửa chữa đến khi nghiệm thu tài sản đi vào hoạt động bình thường) tối đa không quá 03 tháng. Trường hợp việc sửa chữa kéo dài hơn quy định, Cục Hải quan phải có báo cáo người có thẩm quyền nguyên nhân cụ thể để có biện pháp xử lý kịp thời.

e) Định mức sửa chữa theo Định mức kinh tế kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện thủy của Ngành Hải quan và theo các quy định hiện hành khác có liên quan (nếu có).

2. Quy định về nâng cấp, cải tạo tàu thuyền:

a) Hàng năm, Cục Hải quan phải tổ chức đánh giá tình trạng tài sản, so sánh với yêu cầu nhiệm vụ để xem xét việc cải tạo, nâng cấp tàu thuyền. Các hạng mục sửa chữa, nâng cấp, cải tạo liên quan đến tính năng, kết cấu, thiết kế, quy phạm an toàn thì phải xin ý kiến của cơ quan Đăng kiểm, cơ quan thiết kế trước khi thực hiện.

b) Kế hoạch nâng cấp, cải tạo tàu thuyền được lập cùng dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm và phải thuyết minh rõ: lý do, hình thức cải tạo, nâng cấp; tình trạng hiện tại của tàu thuyền; đánh giá hiệu quả của việc nâng cấp so với trước khi nâng cấp, cải tạo và so với việc trang bị mới thay thế; chi phí thực hiện kèm hồ sơ liên quan.

c) Cục Hải quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tàu thuyền có trách nhiệm giám sát nhà thầu thực hiện việc bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo tàu thuyền và nghiệm thu kết quả thực hiện.

3. Sau khi sửa chữa; nâng cấp, cải tạo tàu thuyền, tất cả vật tư, phụ tùng bị thay thế, thải bỏ phải được thu gom và xử lý chặt chẽ, tránh thất thoát và gây hại môi trường.

4. Trường hợp thực hiện sửa chữa, nâng cấp, cải tạo liên quan đến tính năng, kết cấu, thiết kế, quy phạm an toàn thì sau khi thực hiện xong phải xin xác nhận của của cơ quan Đăng kiểm, cơ quan thiết kế.

5. Trình tự, lập và phê duyệt danh mục dự toán bảo dưỡng, sửa chữa tàu thuyền thực hiện theo quy định.

6. Nội dung, thời gian thực hiện các công việc sửa chữa, nâng cấp, cải tạo tàu thuyền phải được ghi nhận vào Sổ nhật ký sửa chữa tàu thuyền. Bản sao biên bản nghiệm thu kết quả thực hiện phải đính kèm vào Sổ nhật ký sửa chữa tàu thuyền và được coi là một phần của sổ Sổ nhật ký sửa chữa tàu thuyền.

7. Các đơn vị thực hiện sửa chữa, nâng cấp, cải tạo tàu thuyền (trong trường hợp đi thuê dịch vụ) phải có đủ năng lực, kinh nghiệm trong việc sửa chữa, nâng cấp, cải tạo tàu thuyền. Cục Hải quan phải tổ chức lựa chọn đơn vị thực hiện sửa chữa, nâng cấp, cải tạo theo quy định của Luật đấu thầu và theo các quy định hiện hành khác có liên quan. Trong quá trình thực hiện, Cục Hải quan/Đơn vị trực tiếp sử dụng tàu thuyền phải cử cán bộ/công chức/người lao động kiểm tra, giám sát, nghiệm thu theo quy định. Các nội dung kiểm tra, giám sát theo nội dung công việc của Hợp đồng sửa chữa, nâng cấp, cải tạo đã ký.

Điều 12. Quy định về đào tạo, huấn luyện kỹ thuật thuyền viên

1. Mục đích, yêu cầu của đào tạo, huấn luyện kỹ thuật

a) Mục đích:

- Trang bị kiến thức về cấu tạo, tính năng kỹ thuật của tàu thuyền và hiểu biết về phương tiện đang hoạt động cũng như các chủng loại tàu thuyền tương tự.

- Hình thành thói quen công tác, sinh hoạt trên tàu, trên biển, rèn luyện để có đủ sức khỏe làm việc trên biển.

- Nâng cao khả năng và kỹ năng phản ứng và xử lý tình huống của thuyền viên trước những sự cố bất ngờ ảnh hưởng đến sự an toàn của con người cũng như tàu thuyền.

- Tăng cường sự phối hợp giữa Hải quan và các cơ quan khác trong việc trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ thuyền viên.

b) Yêu cầu:

Huấn luyện, đào tạo thuyền viên phải đạt đến mức hoàn thiện sao cho trong điều kiện bất lợi như trong bóng tối, tàu bị nghiêng lệch, ngập nước, xảy ra hỏa hoạn...trong khả năng có thể kiểm soát, thuyền viên vẫn có đủ khả năng hành động nhanh, chính xác, thuần thục dựa trên các kỹ năng đã được trang bị và tập huấn.

Huấn luyện, đào tạo kỹ thuật phải được tiến hành theo kế hoạch cả khi tàu nằm bến, khi đi biển cũng như khi phương tiện nằm sửa chữa tại nhà máy.

2. Quy định về huấn luyện, đào tạo kỹ thuật

a) Thuyền viên phải được huấn luyện, đào tạo kỹ thuật theo yêu cầu nhiệm vụ, tương ứng với các chức danh, ngành nghề đảm nhận.

b) Kế hoạch huấn luyện, đào tạo kỹ thuật phải được xây dựng và tổ chức thực hiện. Trong kế hoạch phải đề xuất nhu cầu về số lượng ngành nghề; bậc đào tạo; loại hình, mục tiêu đào tạo; yêu cầu chương trình, nội dung đào tạo phù hợp với yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ thuyền viên hiện hành và phù hợp với yêu cầu công tác chuyên môn của đơn vị.

3. Huấn luyện, đào tạo kỹ thuật tại đơn vị

a) Huấn luyện, đào tạo kỹ thuật tại đơn vị là công việc nhằm bổ sung, củng cố, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật cũng như năng lực thực hành theo chuyên ngành mà thuyền viên đảm nhiệm và phải được thực hiện thường xuyên.

Huấn luyện, đào tạo kỹ thuật chung là huấn luyện vệ sinh an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; xử lý tình huống khi xảy ra đâm va, bịt lỗ thủng, chống đắm, chống chìm; xử lý khi xảy ra cháy nổ; sơ cứu người bị nạn; Định kỳ thử hoạt động của các hệ thống, thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, thực hiện chế độ bảo dưỡng hệ thống cứu sinh, cứu hỏa theo định kỳ, xuồng cộng tác...

Huấn luyện, đào tạo chuyên môn kỹ thuật là huấn luyện về tính năng tác dụng, cấu tạo tàu thuyền; cách sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vật tư thiết bị trên tàu thuyền...

b) Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì thuê đơn vị có chuyên môn xây dựng phương án, nội dung huấn luyện, đào tạo kỹ thuật chuyên ngành làm cơ sở thực hiện trong toàn Ngành.

c) Việc huấn luyện, đào tạo lần đầu do đơn vị cung cấp tàu thuyền thực hiện khi bàn giao tàu thuyền. Đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tàu thuyền chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nội dung này.

d) Trong quá trình sử dụng tàu thuyền, căn cứ trên nhu cầu của đơn vị, cá nhân sử dụng, đơn vị trực tiếp quản lý tàu thuyền tự tổ chức tập huấn hoặc đăng ký nhu cầu tập huấn với Tổng cục Hải quan. Nội dung đào tạo gồm đào tạo lại, đào tạo nâng cao đầy đủ các nội dung hướng dẫn sử dụng, đào tạo đặc thù (nếu có) cho người sử dụng tàu thuyền.

đ) Trình tự, thủ tục thuê đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo theo quy định của pháp luật về đấu thầu và phân cấp hiện hành. Sau khi huấn luyện, đào tạo đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo phải cấp chứng chỉ cho cán bộ tham gia huấn luyện, đào tạo.

Điều 13. Quy định về việc điều động, thu hồi, điều chuyển, thanh lý tàu thuyền:

1. Quy định về việc điều động tàu thuyền

a) Thẩm quyền, nguyên tắc điều động tàu thuyền đi làm nhiệm vụ

Cục trưởng/Phó Cục trưởng Cục Hải quan phụ trách công tác kiểm soát chống buôn lậu có quyền điều động phương tiện thực hiện tuần tra, kiểm soát và các hoạt động nghiệp vụ khác theo yêu cầu. Căn cứ tình hình thực tế tại đơn vị, Cục trưởng hoặc Phó Cục trưởng phụ trách có thể ủy quyền cho Hải đội trưởng, Đội trưởng Đội kiểm soát, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu hoặc tương đương ra quyết định điều động phương tiện trên cơ sở kế hoạch công tác đã được Lãnh đạo Cục Hải quan phê duyệt. Việc ủy quyền này phải được thực hiện bằng văn bản (đối với các phương tiện thuộc trách nhiệm quản lý, sử dụng của Cục Hải quan tỉnh, thành phố).

Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì xây dựng Lệnh điều động tàu để các đơn vị thực hiện thống nhất trong toàn Ngành.

b) Việc phối hợp sử dụng tàu thuyền phục vụ chống buôn lậu thực hiện theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về quy định phối hợp tàu thuyền.

2. Trình tự, thủ tục và các hồ sơ trình duyệt thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý tàu thuyền theo hướng dẫn tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ, văn bản quy định của Bộ Tài chính và của Tổng cục Hải quan.

3. Các thay đổi khi xử lý thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý tàu thuyền phải được ghi cụ thể vào hồ sơ tàu thuyền.

4. Quy định cụ thể một số nội dung nghiệp vụ quản lý tài sản là tàu thuyền như sau:

a) Điều chuyển tàu thuyền:

a1) Khi đơn vị trực tiếp sử dụng tàu thuyền nhưng tạm thời chưa sử dụng, giảm nhu cầu sử dụng tàu thuyền, đơn vị trực tiếp quản lý xem xét cân nhắc xử lý tàu thuyền theo một trong hai hình thức sau:

- Bảo quản tại đơn vị để tiếp tục sử dụng khi có nhu cầu (chỉ áp dụng đối với những trường hợp tạm thời không có nhu cầu sử dụng trong vòng 12 tháng). Đơn vị trực tiếp quản lý phải báo cáo về Tổng cục Hải quan (Cục Tài vụ - Quản trị) để theo dõi, quản lý chung.

- Điều chuyển nội bộ (áp dụng đối với những trường hợp không còn nhu cầu sử dụng tàu thuyền, giảm nhu cầu sử dụng, sử dụng không thường xuyên, không hiệu quả).

Khi điều chuyển tàu thuyền nội bộ, Cục Hải quan có trách nhiệm thu hồi hồ sơ tàu thuyền, tài liệu kỹ thuật (bản gốc) của đơn vị hiện đang trực tiếp sử dụng để bàn giao cho đơn vị sử dụng mới; đồng thời phải báo cáo về Tổng cục Hải quan (Cục Tài vụ - Quản trị) để theo dõi, quản lý chung.

a2) Điều chuyển trong ngành:

- Khi không còn nhu cầu sử dụng tàu thuyền, Cục Hải quan có trách nhiệm kịp thời báo cáo Tổng cục quyết định điều chuyển tàu thuyền cho đơn vị khác trong ngành.

- Cục Tài vụ - Quản trị căn cứ: (i) thông báo tiếp nhận tàu thuyền của các đơn vị trong ngành hoặc (ii) kết quả rà soát nhu cầu, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, sự cần thiết trang bị, mục tiêu của ngành trên cơ sở ý kiến của đơn vị quản lý cấp Tổng cục (Cục Điều tra chống buôn lậu) để trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chuyển tàu thuyền cho đơn vị.

- Khi điều chuyển tàu thuyền, đơn vị hiện trực tiếp quản lý tàu thuyền phải bàn giao đầy đủ bản gốc Hồ sơ tàu thuyền và tài liệu kỹ thuật cho đơn vị mới tiếp tục theo dõi, quản lý (chỉ lưu bản sao các hồ sơ này tại đơn vị quản lý cũ).

b) Thanh lý tàu thuyền:

b1) Trường hợp tàu thuyền hết niên hạn sử dụng: hồ sơ đề nghị thanh lý theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ; Cục Hải quan phải có Biên bản kiểm tra trạng thái kỹ thuật tàu thuyền hoặc văn bản xác nhận chất lượng tàu thuyền do cơ quan Đăng kiểm/cơ quan chuyên môn cấp để cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc thanh lý tài sản.

b2) Trường hợp tàu thuyền chưa hết niên hạn sử dụng nhưng hư hỏng không thể sử dụng được, đơn vị phải đánh giá hiệu quả sửa chữa trong hồ sơ đề nghị thanh lý và gửi kèm các tài liệu sau để làm căn cứ: Hồ sơ tàu thuyền; Biên bản kiểm tra thực trạng kỹ thuật tàu thuyền hoặc văn bản xác nhận chất lượng tàu thuyền do cơ quan Đăng kiểm/cơ quan chuyên môn cấp; Báo giá sửa chữa.

Điều 14. Chế độ báo cáo

1. Báo cáo định kỳ tình hình sử dụng tàu thuyền:

Mọi hoạt động của tàu thuyền cũng như công việc bảo quản, bảo dưỡng tàu thuyền diễn ra hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, Thuyền trưởng có trách nhiệm báo cáo về Cục Hải quan và đơn vị trực tiếp sử dụng tàu thuyền. Các số liệu, hồ sơ liên quan như: Tình trạng kỹ thuật; việc xuất, nhập nhiên liệu; tiêu hao vật tư, nhiên liệu; kế hoạch thực hiện phải được báo cáo về Cục Hải quan để Cục Hải quan có kế hoạch chỉ đạo cho phù hợp với quá trình khai thác, sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng, cũng như có biện pháp quản lý phương tiện hiệu quả hơn.

Vào ngày 20/12 hàng năm, Cục Hải quan phải có báo cáo việc quản lý, sử dụng và công tác quản lý kỹ thuật tàu thuyền của đơn vị mình cho Tổng cục Hải quan (qua Cục Tài vụ - Quản trị) đồng gửi cho Cục Điều tra chống buôn lậu (để biết phối hợp công tác) giúp Tổng cục Hải quan nắm bắt một cách tổng thể về tình hình quản lý, sử dụng phương tiện, từ đó có những kiến nghị, chỉ đạo phù hợp trong từng thời kỳ đối với từng đơn vị.

2. Khai thác số liệu báo cáo:

Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì, phối hợp với Cục Tài vụ - Quản trị trong việc:

- Đôn đốc các Cục Hải quan trong việc sử dụng tàu thuyền trong hoạt động nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát hải quan nếu thấy cần thiết.

- Đánh giá hiệu quả sử dụng và đề xuất xử lý trong trường hợp sử dụng không hiệu quả; báo cáo Lãnh đạo Tổng cục kết quả đánh giá.

3. Các loại báo cáo khác:

- Báo cáo tình hình biến động của tàu thuyền, thống kê chất lượng và hiệu quả hoạt động của tàu thuyền được trang bị theo yêu cầu đột xuất của Tổng cục; báo cáo khai thác nghiệp vụ theo Quy trình nghiệp vụ.

- Báo cáo sự cố kỹ thuật của tàu thuyền trong trường hợp đơn vị không thể tự khắc phục.

4. Cục trưởng Cục Hải quan phải chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo. Trường hợp nội dung báo cáo của đơn vị không đảm bảo chất lượng hoặc chậm thời gian, làm ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, báo cáo Tổng cục, báo cáo Bộ Tài chính, Thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Tổng cục.

Điều 15. Thanh tra, kiểm tra công tác quản lý kỹ thuật và quản lý, sử dụng tàu thuyền

1. Cục Hải quan phải tự thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ việc chấp hành quy định quản lý kỹ thuật và quản lý, sử dụng tàu thuyền tại các đơn vị trực tiếp sử dụng tàu thuyền trực thuộc. Thời gian thanh tra, kiểm tra do Cục Hải quan xây dựng.

2. Cục Tài vụ - Quản trị chủ trì, phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu thực hiện việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ quản lý kỹ thuật và quản lý, sử dụng tàu thuyền theo quy định.

3. Các kế hoạch kiểm tra không chồng chéo về đối tượng, nội dung và thời điểm kiểm tra. Tối thiểu việc thanh tra, kiểm tra phải thực hiện ít nhất một lần trong thời gian 03 năm đối với mỗi đơn vị. Việc kiểm tra đột xuất được thực hiện theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

4. Nội dung chi tiết kế hoạch thanh tra, kiểm tra phải được thông báo cụ thể tới đơn vị được thanh tra, kiểm tra.

Điều 16. Trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong quản lý, sử dụng tàu thuyền

1. Trách nhiệm của Cục Tài vụ - Quản trị:

a) Hướng dẫn các đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tàu thuyền trong toàn Ngành.

b) Đôn đốc, giám sát các đơn vị thực hiện đúng quy định tại Quyết định này.

c) Bố trí kịp thời kinh phí cho các Cục Hải quan thực hiện bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tàu thuyền cũng như kinh phí đào tạo, tập huấn kỹ thuật tàu thuyền cho cán bộ, thuyền viên (nếu có).

d) Phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý các vấn đề về hư hỏng, sự cố tàu thuyền để nhanh chóng đưa tàu thuyền vào hoạt động, đảm bảo ổn định, hiệu quả.

2. Trách nhiệm của Cục Điều tra chống buôn lậu:

a) Hướng dẫn các đơn vị về tình hình quản lý, sử dụng tàu thuyền toàn ngành gắn với quy trình nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát Hải quan.

b) Xây dựng cơ chế đánh giá và chủ trì tổ chức đánh giá hiệu quả sử dụng tàu thuyền thuộc phạm vi quản lý quy định tại điểm a) khoản 2 Điều này (tối thiểu 01 lần/năm).

c) Chủ trì xây dựng quy định phối hợp sử dụng tàu thuyền trong ngành Hải quan để các đơn vị có căn cứ triển khai thực hiện.

d) Chủ trì xây dựng quy định về định mức kinh tế kỹ thuật sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện thủy ngành Hải quan phù hợp với quy định hiện hành.

đ) Chủ trì thuê đơn vị chuyên môn xây dựng phương án, nội dung huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành làm cơ sở thực hiện trong ngành Hải quan.

e) Phối hợp với Cục Tài vụ - Quản trị xây dựng kế hoạch trang bị tàu thuyền theo quy định tại Quyết định này.

ê) Phối hợp với Cục Tài vụ - Quản trị báo cáo và đề xuất phương án xử lý đối với các trường hợp đơn vị không sử dụng tàu thuyền; sử dụng không hiệu quả; đề nghị điều chuyển, thanh lý...

g) Triển khai thực hiện các quy định khác có liên quan tại Quyết định này.

3. Trách nhiệm của đơn vị trực tiếp quản lý tàu thuyền.

a) Công khai, phổ biến các nội dung của Quyết định này cho các đơn vị sử dụng và các cán bộ phụ trách tại đơn vị quản lý;

b) Ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tàu thuyền theo quy định của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan phù hợp với quy định tại Quyết định này. Xây dựng định mức cụ thể về vật tư thường xuyên; sử dụng, tiêu hao nhiên liệu cho từng chủng loại tàu thuyền do đơn vị mình quản lý, sử dụng trên cơ sở quy định, phân cấp của Tổng cục Hải quan, thực tế địa bàn hoạt động, nhiệm vụ phòng chống buôn lậu được giao và thông số kỹ thuật của thiết bị, máy móc.

c) Giám sát việc sử dụng tàu thuyền đúng mục đích, đúng tính năng kỹ thuật, đảm bảo hiệu quả, phục vụ công tác quản lý nghiệp vụ của Tổng cục Hải quan.

d) Tổ chức thực hiện đúng quy định tại Quyết định này. Định kỳ 01 năm một lần tổ chức kiểm tra, đánh giá tình trạng, hiệu quả sử dụng tàu thuyền đã trang bị cho các đơn vị trực thuộc.

đ) Đảm bảo chế độ cho thuyền trưởng, thuyền viên theo quy định hiện hành.

e) Theo dõi, hạch toán tài sản theo chế độ kế toán hiện hành và theo quy định về quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về tài sản.

ê) Thực hiện đăng kiểm phương tiện cũng như các thủ tục khác theo quy định của pháp luật, đảm bảo tàu thuyền đủ điều kiện hoạt động.

g) Bố trí thuyền trưởng, thuyền viên có trình độ phù hợp theo quy định, có sức khỏe để sử dụng tàu thuyền.

h) Thực hiện các nội dung khác yêu cầu tại Quyết định này.

4. Trách nhiệm của đơn vị trực tiếp sử dụng tàu thuyền

a) Công khai, phổ biến nội dung Quyết định này cho thuyền trưởng, thuyền viên của đơn vị.

b) Sử dụng tàu thuyền đúng mục đích, đúng tính năng kỹ thuật, đảm bảo hiệu quả, phục vụ công tác quản lý của Tổng cục Hải quan.

c) Tổ chức thực hiện đúng Quyết định này; Báo cáo Cục Hải quan xây dựng kế hoạch trang bị cũng như bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo tàu thuyền phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

d) Phân công rõ ràng cho thuyền trưởng, thuyền viên trong việc vận hành, sử dụng, khai thác cũng như sự phối hợp trong công việc để đảm bảo an toàn, chính xác, hiệu quả khi khai thác tàu thuyền. Các nội dung này phải được thể hiện bằng văn bản và được công khai cho thuyền trưởng, thuyền viên biết.

đ) Theo dõi thực trạng tàu thuyền; Kịp thời đề xuất với Cục Hải quan khi tàu thuyền xảy ra sự cố, hư hỏng hoặc khi không có nhu cầu sử dụng, khi không sử dụng thường xuyên hoặc khi cần cải tạo nâng cấp tàu thuyền; Phối hợp với đơn vị sửa chữa tàu thuyền trong quá trình bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo.

e) Tổ chức theo dõi, quản lý hồ sơ, lý lịch, lập các nhật ký quản lý, sử dụng tàu thuyền...theo quy định.

5. Trách nhiệm của thuyền trưởng, thuyền viên: thực hiện theo đúng trách nhiệm quy định tại Quyết định này và quy định của Cục Hải quan, của đơn vị trực tiếp sử dụng tàu thuyền.

Điều 17. Trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong công tác quản lý kỹ thuật tàu thuyền

1. Trách nhiệm của các đơn vị Hải quan:

a) Cục Tài vụ - Quản trị có trách nhiệm hướng dẫn chung công tác quản lý kỹ thuật tàu thuyền cho các đơn vị toàn Ngành; Tham mưu cho Lãnh đạo Tổng cục trong việc xử lý các phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện; Tổng hợp số lượng, chủng loại tàu thuyền của các đơn vị trong toàn Ngành; Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất công tác quản lý kỹ thuật tàu thuyền của các Cục Hải quan.

b) Các Cục Hải quan có trách nhiệm chỉ đạo thực thi công tác quản lý kỹ thuật tàu thuyền theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan; Giám sát, theo dõi và chịu trách nhiệm về quản lý kỹ thuật tàu thuyền trong phạm vi đơn vị; Tổng hợp, kiến nghị các phát sinh, vướng mắc về công tác quản lý kỹ thuật để báo cáo Tổng cục Hải quan (qua Cục Tài vụ - Quản trị) xem xét, báo cáo Lãnh đạo Tổng cục điều chỉnh, bổ sung quy định thực hiện; Tổ chức huấn luyện, đào tạo kỹ thuật thuyền viên.

c) Đơn vị trực tiếp sử dụng tàu thuyền có trách nhiệm tổ chức thực hiện nội dung quy định; Phối hợp với Cục Hải quan tổ chức huấn luyện, đào tạo kỹ thuật tàu thuyền cho cán bộ, thuyền viên; Kiểm tra, đôn đốc cán bộ, thuyền viên đảm bảo thực hiện đúng điều lệ, chức trách thuyền viên và các quy định về quản lý kỹ thuật tàu thuyền. Định kỳ báo cáo Cục Hải quan về tình trạng kỹ thuật tàu thuyền, kết quả thực hiện các công việc trong công tác quản lý kỹ thuật quy định tại quyết định này. Hàng năm lập kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo theo quy định và triển khai thực hiện khi đã có quyết định phê duyệt của Lãnh đạo cấp trên. Tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo. Cục Hải quan về nhu cầu, loại hình đào tạo kỹ thuật cho cán bộ, thuyền viên; Tham gia xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, huấn luyện kỹ thuật, kỹ năng cho thuyền viên. Chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Cục về tình trạng kỹ thuật, chất lượng và sự an toàn của tàu thuyền do mình quản lý, sử dụng.

2. Trách nhiệm của các cá nhân trực tiếp quản lý, vận hành tàu thuyền:

a) Thuyền trưởng:

- Thuyền trưởng là người có quyền chỉ huy cao nhất trên tàu thuyền.

- Thuyền trưởng phải nắm vững pháp luật về hàng hải cũng như luồng lạch, địa bàn hoạt động của tàu thuyền, quy tắc điều động để tránh va trên biển, cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn trong cứu sinh, cứu hỏa.

- Nắm vững tính năng kỹ thuật, quy tắc sử dụng tàu thuyền, nội quy và quy trình bảo dưỡng, sửa chữa; Nắm vững số lượng, đặc tính kỹ thuật trang thiết bị tàu thuyền. Nắm chắc các bảng bố trí và sơ đồ bố trí thuyền viên trên tàu thuyền. Thường xuyên duy trì các chế độ sẵn sàng đi biển của tàu thuyền.

- Thường xuyên kiểm tra, duy trì dự trữ vật chất các loại trên tàu thuyền.

- Thuyền trưởng có trách nhiệm tổ chức đôn đốc thuyền viên thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ của mình để đảm bảo tàu thuyền luôn sẵn sàng hoạt động đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ.

- Tổ chức thực hiện huấn luyện, diễn tập theo kế hoạch.

- Xử lý, báo cáo xử lý các tình huống đột xuất xảy ra khi tàu thuyền đang hành trình cũng như nằm bến.

- Thuyền trưởng chịu sự lãnh đạo trực tiếp và chịu trách nhiệm toàn diện trước Lãnh đạo đơn vị trực tiếp sử dụng phương tiện và chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Cục Hải quan cấp trên.

b) Cán bộ, thuyền viên trên tàu thuyền theo từng vị trí được phân công phải chịu trách nhiệm trước Thuyền trưởng về trang thiết bị, vật tư được giao; Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, chế độ sử dụng, vận hành đúng tính năng và quy tắc, quy trình kỹ thuật và giữ gìn tốt thiết bị kỹ thuật do mình phụ trách, đảm bảo tàu luôn trong tình trạng sẵn sàng hoạt động.

Cán bộ, thuyền viên làm việc trên tàu thuyền phải có đủ tiêu chuẩn sức khỏe. Tùy từng chức danh được giao, cán bộ, thuyền viên trên tàu thuyền phải có chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định của Pháp luật.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Tổ chức thực hiện

Cục trưởng Cục Tài vụ - Quản trị, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao quản lý, sử dụng tàu thuyền chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này, trong đó:

1. Cục Điều tra chống buôn lậu hướng dẫn các Cục Hải quan rà soát các quy trình nghiệp vụ đã ban hành để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định tại Quyết định này.

2. Các Cục Hải quan rà soát tàu thuyền đã được trang bị để:

- Chấn chỉnh công tác quản lý kỹ thuật và quản lý, sử dụng tàu thuyền tại các đơn vị trực thuộc;

- Hoàn thiện hồ sơ liên quan đến tàu thuyền; bổ sung các giấy tờ theo quy định liên quan đến việc sử dụng, vận hành tàu thuyền;

- Hiệu chuẩn, đăng kiểm, làm thủ tục cấp phép đối với tàu thuyền; Kiểm định các trang thiết bị... đã hết hạn hiệu chuẩn, đăng kiểm, cấp phép theo quy định của pháp luật có liên quan;

- Xây dựng và kiện toàn Quy chế về quản lý kỹ thuật và quản lý, sử dụng tàu thuyền tại đơn vị;

- Lập kế hoạch huấn luyện, đào tạo kỹ thuật tàu thuyền cho cán bộ, thuyền viên.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, các đơn vị phản ánh về Tổng cục Hải quan (qua Cục Tài vụ - Quản trị) để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Mời các bạn sử dụng file tải về để xem toàn bộ danh mục phụ lục biểu mẫu ban hành kèm theo quyết định.

Đánh giá bài viết
1 66
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo