Quyết định 100/QĐ-BHXH 2020 Quy trình thanh toán điện tử giữa Bảo hiểm xã hội và Ngân hàng

Quyết định số 100/QĐ-BHXH 2020

Quyết định 100/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc ban hành Quy trình về thanh toán điện tử song phương giữa hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các hệ thống Ngân hàng thương mại.

Ngày 17/01/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ra Quyết định 100/QĐ-BHXH về việc ban hành Quy trình về thanh toán điện tử song phương giữa hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các hệ thống Ngân hàng thương mại.

Theo đó, trong các trường hợp cần kéo dài thời gian giao dịch đối với lệnh thanh toán, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phải thông báo với Hội sở chính Ngân hàng thương mại (NHTM) trước giờ cut off time tối thiểu 30 phút. Sau khi Hội sở NHTM thống nhất, giờ giao dịch sẽ được thiết lập. Thời điểm cut of time được quy định cụ thể tại các thỏa thuận liên ngành giữa cơ quan BHXH và NHTM, sau giờ này cơ quan BHXH sẽ không thực hiện chuyển lệnh thanh toán sang hệ thống NHTM.

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 100/QĐ-BHXH

Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2020

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY TRÌNH VỀ THANH TOÁN ĐIỆN TỬ SONG PHƯƠNG GIỮA HỆ THỐNG BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM VÀ CÁC HỆ THỐNG NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

TỔNG GIÁM ĐỐC BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

Căn cứ Luật giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005 và các văn bản hướng dẫn thực hiện;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29/6/2006 và các văn bản hướng dẫn thực hiện;

Căn cứ Luật Kế toán số 88/2015/QH13 và các văn bản hướng dẫn thực hiện;

Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 08/3/2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động NHTM;

Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt;

Căn cứ Nghị định số 01/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 166/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bo hiểm thất nghiệp và các văn bản sửa đổi, bổ sung, văn bản hướng dẫn thực hiện;

Căn cứ Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 24/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 03/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC-NHNN ngày 18/02/2008 về hướng dẫn thủ tục buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng và tiền lãi phát sinh;

Căn cứ Thông tư số 28/2015/TT-NHNN ngày 18/12/2012 của Thống đốc NHTM Nhà nước Quy định về việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của NHTM nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 46/2014/TT-NHNN ngày 31/12/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt;

Quyết định số 44/2002/QĐ-TTg ngày 21/03/2002 của Thủ Tướng Chính phủ về việc sử dụng chứng từ điện tử làm chứng từ kế toán để hạch toán và thanh toán vốn của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;

Căn cứ Quyết định 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Thỏa thuận liên Ngành về việc quản lý và sử dụng tài khoản tiền gửi của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam mở tại hệ thống Ngân hàng;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán và Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy trình nghiệp vụ thanh toán điện tử song phương giữa hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam với các hệ thống Ngân hàng thương mại”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh căn cứ Quyết định thi hành./.

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Tổng Giám đốc;
- Các Phó Tổng Giám đốc;
- Lưu: VT, TCKT, CNTT.

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Nguyễn Đình Khương

QUY TRÌNH

VỀ THANH TOÁN ĐIỆN TỬ SONG PHƯƠNG GIỮA HỆ THỐNG BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM VÀ CÁC HỆ THỐNG NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 100/QĐ-BHXH ngày 17 tháng 01 năm 2019 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Giải thích từ ngữ và viết tắt

- Cơ quan BHXH: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bảo hiểm xã hội quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.

- BHXH tỉnh: Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- BHXH huyện: Bảo hiểm xã hội quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh

- TW: Trung ương.

- BHXH: Bảo hiểm xã hội

- BHYT: Bảo hiểm y tế.

- BHTN: Bảo hiểm thất nghiệp.

- NHNN: NHTM Nhà nước.

- Hệ thống NHTM: Hội sở chính NHTM thương mại, chi nhánh NHTM thương mại, Phòng giao dịch thuộc chi nhánh NHTM thương mại.

- NHTM: NHTM thương mại.

- TTĐTSP: Thanh toán điện tử song phương là nghiệp vụ thanh toán điện tử giữa cơ quan BHXH và các NHTM nơi cơ quan BHXH mở tài khoản tiền gửi theo quy định tại Quy trình này.

- Phần mềm KTTT: Phần mềm kế toán tập trung của BHXH Việt Nam.

- Phần mềm TST: Phần mềm thu và quản lý sổ thẻ của BHXH Việt Nam.

- Phần mềm QLQ: Phần mềm quản lý đầu tư quỹ của BHXH Việt Nam.

- Thời điểm “cut off time”: Là thời điểm chốt dữ liệu điện tử giữa cơ quan BHXH và NHTM do BHXH Việt Nam và NHTM thống nhất thực hiện.

- Hạn mức số dư: Là hạn mức số dư tài khoản tiền gửi của cơ quan BHXH tại thời điểm do BHXH Việt Nam và NHTM thống nhất thực hiện.

- Cổng trao đổi thông tin của cơ quan BHXH: Là Cổng để kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu điện tử với các hệ thống NHTM.

- Cổng trao đổi thông tin của NHTM: Là Cổng để kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu điện tử của NHTM với cơ quan BHXH.

- Đơn vị thực hiện: Cơ quan BHXH; hệ thống NHTM.

- Các mẫu điện dùng trong TTĐTSP: Theo quy định tại Thỏa thuận liên Ngành về kết nối TTĐTSP và quản lý dòng tiền giữa hệ thống BHXH Việt Nam và hệ thống NHTM.

- Mã NHTM/mã cơ quan BHXH: Dùng trong hệ thống TTĐTSP được quy định thống nhất theo cấu trúc Mã NHTM/mã cơ quan BHXH.

- Các loại tài khoản tiền gửi: Thực hiện theo quy định tại Thỏa thuận liên Ngành về việc quản lý và sử dụng tài khoản tiền gửi của hệ thống BHXH Việt Nam mở tại hệ thống NHTM. Đối với tiền gửi đầu tư tự động thực hiện theo Hợp đồng riêng giữa BHXH Việt Nam và các hệ thống NHTM.

- Chứng từ điện tử: Chứng từ điện tử sử dụng trong TTĐTSP là chứng từ điện tử được áp dụng theo quy định của Nhà nước; chi tiết các loại chứng từ sử dụng trong TTĐTSP theo quy định tại Thỏa thuận liên Ngành về TTĐTSP và quản lý dòng tiền giữa hệ thống BHXH Việt Nam và hệ thống NHTM.

- Chứng thư số nhân danh: xác nhận danh tính của một đối tượng nào đó trong môi trường máy tính và internet của tổ chức sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số cung cấp. Như vậy, chứng thư số được hiểu là chứng minh tính hợp lệ, hợp pháp đích danh của chữ ký số của 1 cá nhân hay tổ chức.

- Chữ ký số: tương tự như chữ ký truyền thống, có vai trò xác nhận cam kết của tổ chức hay cá nhân nào đó. Người kí xác nhận phải chịu trách nhiệm trong văn bản đã ký và không chối bỏ được. Tuy nhiên, chữ ký số được thể hiện dưới hình thức khác, bằng cách dựa trên công nghệ mã hóa công khai RSA.

- MT103: Lệnh thanh toán.

- MT 900, MT 910: Các điện báo nợ, báo có về việc quyết toán cuối ngày; các chứng từ báo nợ, báo có về việc trả lãi, thu phí của NHTM đối với cơ quan BHXH.

- MT 195, MT 196: Điện tra soát và Điện trả lời tra soát.

- MT 199: Điện thông báo.

- MT 299: Điện đề nghị kéo dài thời gian giao dịch TTĐTSP.

- MT 950: Điện sao kê tài khoản của cơ quan BHXH tại hệ thống NHTM.

Điều 2. Mục đích và phạm vi áp dụng

1. Mục đích

Điện tử hóa các giao dịch thu, chi, đối chiếu dữ liệu giữa cơ quan BHXH với hệ thống NHTM nơi cơ quan BHXH mở tài khoản tiền gửi, đảm bảo việc theo dõi, tổng hợp số thu, chi nhanh chóng, chính xác; hỗ trợ công tác quản lý quỹ của BHXH Việt Nam được an toàn và hiệu quả.

2. Phạm vi

Các giao dịch thanh toán điện tử giữa cơ quan BHXH và hệ thống NHTM nơi cơ quan BHXH mở tài khoản tiền gửi, bao gồm:

a) Các khoản thu, chi phát sinh trong ngày trên tài khoản “Tiền gửi thanh toán” của BHXH Việt Nam.

b) Các khoản thu, chi phát sinh trong ngày trên tài khoản tiền gửi của BHXH tỉnh, BHXH huyện và các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.

c) Các giao dịch tra soát, đối chiếu số thu, chi giữa cơ quan BHXH với hệ thống NHTM nơi cơ quan BHXH mở tài khoản tiền gửi.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện

1. Tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Luật giao dịch điện tử và các quy định của pháp luật liên quan.

2. Kết nối và truyền/nhận thông tin, dữ liệu điện tử

Cơ quan BHXH và hệ thống NHTM thực hiện TTĐTSP theo nguyên tắc kết nối và truyền/nhận thông tin, dữ liệu điện tử đối với các giao dịch thu, chi phát sinh trên các tài khoản tiền gửi của cơ quan BHXH mở tại hệ thống NHTM.

3. Đảm bảo tính an toàn và bảo mật trong trao đổi thông tin, dữ liệu điện tử giữa cơ quan BHXH với hệ thống NHTM

Việc kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu điện tử trong TTĐTSP giữa cơ quan BHXH với hệ thống NHTM phải đảm bảo: Tính toàn vẹn và bảo mật đối với thông tin, dữ liệu trong TTĐTSP; tính đầy đủ, kịp thời và chính xác của thông tin, dữ liệu điện tử được truyền/nhận giữa cơ quan BHXH với hệ thống NHTM; các yêu cầu về an toàn, chính xác trong suốt quá trình xử lý lệnh thanh toán (bao gồm: lập; kiểm soát; phê duyệt; truyền/nhận dữ liệu thanh toán; kiểm tra xác nhận tính hợp pháp, hợp lệ của lệnh thanh toán và thực hiện thanh toán).

4. Áp dụng chữ ký số trong TTĐTSP giữa cơ quan BHXH và hệ thống NHTM

a) Tất cả các lệnh TTĐTSP chuyển từ cơ quan BHXH đến hệ thống NHTM và lệnh TTĐTSP từ hệ thống NHTM đến cơ quan BHXH đều phải ký chữ ký số theo quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn.

b) NHTM chỉ thực hiện lệnh thanh toán do cơ quan BHXH chuyển đến sau khi kiểm tra, đối chiếu xác thực chữ ký số của cơ quan BHXH là đúng; ngược lại, cơ quan BHXH chỉ thực hiện xử lý các lệnh thanh toán nhận từ hệ thống NHTM sau khi kiểm tra, đối chiếu xác thực chữ ký số của NHTM là đúng.

5. Về tài khoản tiền gửi và giao dịch thu, chi trên tài khoản tiền gửi của cơ quan BHXH

a) Thực hiện theo quy định tại Thỏa thuận liên Ngành về việc quản lý và sử dụng tài khoản tiền gửi của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam mở tại hệ thống NHTM.

b) Cơ quan BHXH chỉ được gửi các lệnh thanh toán sang NHTM trước giờ “cut off time”. Đối với các giao dịch thu thực hiện 24/7.

c) Số liệu giao dịch thu, chi phát sinh trên tài khoản tiền gửi của cơ quan BHXH được đối chiếu đồng thời qua hai ứng dụng: TTĐTSP và Phần mềm KTTT, tương ứng với số liệu và tính chất nghiệp vụ phát sinh trên từng ứng dụng theo quy định hiện thời và các quy định tại quy trình này.

6. Về hạch toán kế toán của cơ quan BHXH

a) Các khoản thu, chi phát sinh của BHXH Việt Nam; BHXH tỉnh và BHXH huyện, đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam được hạch toán vào tài khoản tiền gửi của cơ quan BHXH ngay trong ngày và thực hiện đối chiếu tập trung tự động tại BHXH Việt Nam và Hội sở chính NHTM vào ngày tiếp theo.

b) Riêng đối với ngày làm việc cuối năm: BHXH Việt Nam phải phối hợp với Hội sở chính NHTM thống nhất giờ “cut off time” để đảm bảo việc hạch toán, đối chiếu khớp đúng toàn bộ số liệu giữa hai bên và thực hiện kết chuyển số phát sinh trên tài khoản tiền gửi của cơ quan BHXH ngay trong ngày làm việc cuối cùng của năm.

7. Kết chuyển cuối ngày

a) Đối với tài khoản tiền gửi thanh toán của BHXH Việt Nam: Kết chuyển số dư trên tài khoản tiền gửi thanh toán của BHXH Việt Nam về tài khoản tiền gửi đầu tư tự động theo quy định tại Hợp đồng riêng giữa BHXH Việt Nam và các NHTM.

b) Đối với tài khoản “Tiền gửi thu” của BHXH tỉnh, BHXH huyện: Vào cuối ngày, hệ thống NHTM tự động kết chuyển số dư theo quy định tại Thỏa thuận liên Ngành về việc mở, quản lý và sử dụng tài khoản của hệ thống BHXH Việt Nam mở tại hệ thống NHTM.

.........................................

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Bảo hiểm xã hội được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Đánh giá bài viết
1 148
0 Bình luận
Sắp xếp theo