Quy trình xử lý kỷ luật cán bộ, công chức hải quan vi phạm

Quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức hải quan

Hiện nay, Tổng cục Hải quan ban hành những quy định nghiêm khắc nhằm xử lý cán bộ, công chức hải quan có hành vi vi phạm nghiệp vụ hải quan, nhũng nhiễu, tham nhũng... Để hiểu rõ hơn về những quy định xử lý kỷ luật, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Quyết định 2627/QĐ-TCHQ của Tổng cục Hải quan quy định về quy trình xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức trong ngành Hải quan vi phạm các quy định của pháp luật, của Bộ Tài chính và của ngành Hải quan như sau:

Bước 1: Công chức Hải quan vi phạm làm bản tự kiểm điểm cá nhân

- Khi công chức có hành vi vi phạm thì người đứng đầu đơn vị chỉ đạo thu thập tài liệu, chứng cứ, kiểm tra, xác minh kết luận lỗi vi phạm của công chức và yêu cầu công chức vi phạm làm bản tự kiểm điểm cá nhân và tổ chức kiểm điểm, xem xét xử lý kỷ luật theo quy định.

- Bản tự kiểm điểm cá nhân phải đầy đủ, rõ ràng, trung thực, xác định lỗi vi phạm và tự nhận hình thức kỷ luật tương ứng với một trong 6 hình thức: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc (nếu là công chức giữ chức vụ - công chức lãnh đạo) hoặc một trong bốn hình thức: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc (nếu là công chức không giữ chức vụ - công chức thừa hành).

Công chức vi phạm làm bản tự kiểm điểm lần thứ nhất chưa đạt yêu cầu thì Thủ trưởng đơn vị yêu cầu làm lại lần 2 hoặc lần 3... cho đến khi đạt yêu cầu.

Quy trình xử lý kỷ luật cán bộ, công chức hải quan vi phạm

Bước 2: Tổ chức họp kiểm điểm công chức Hải quan vi phạm

- Người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị có công chức vi phạm chủ trì cuộc họp kiểm điểm công chức. Công chức Hải quan vi phạm thuộc đơn vị nào thì tổ chức kiểm điểm tại đơn vị đó.

- Cuộc họp phải được lập thành biên bản, ghi đầy đủ các ý kiến phát biểu, có kết luận cụ thể về trách nhiệm, lỗi vi phạm, tính chất, mức độ vi phạm của công chức và kiến nghị hình thức kỷ luật của tập thể đơn vị đối với công chức vi phạm.

Bước 3: Thành lập Hội đồng kỷ luật và họp Hội đồng kỷ luật

Thẩm quyền thành lập Hội đồng kỷ luật:

- Đối với Cục Hải quan tỉnh, thành phố: Công chức vi phạm thuộc thẩm quyền của Cục Hải quan tỉnh, thành phố theo phân cấp quản lý cán bộ thì Cục trưởng ra quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật;

- Đối với Tổng cục Hải quan: Công chức vi phạm thuộc thẩm quyền của Tổng cục Hải quan theo phân cấp quản lý cán bộ thì Tổng cục trưởng ra quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật.

Tổ chức họp Hội đồng kỷ luật:

- Trước khi tổ chức họp Hội đồng kỷ luật công chức vi phạm, gửi giấy triệu tập tới công chức vi phạm. Nếu công chức vi phạm vắng mặt thì phải có lý do chính đáng. Nếu sau 3 lần gửi giấy triệu tập mà công chức vi phạm vẫn vắng mặt thì Hội đồng kỷ luật vẫn họp xem xét và kiến nghị hình thức kỷ luật.

- Hội đồng kỷ luật có thể mời thêm đại diện tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội nơi công chức vi phạm đang công tác dự họp. Người mời thêm dự họp có quyền phát biểu ý kiến, đề xuất hình thức kỷ luật nhưng không được bỏ phiếu về hình thức kỷ luật.

- Trình tự họp thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 19 của Nghị định 34/2011/NĐ-CP. Sau khi họp xong, Hội đồng kỷ luật phải có văn bản kiến nghị hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức vi phạm gửi cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật công chức.

Bước 4: Ra quyết định kỷ luật công chức và lưu hành quyết định kỷ luật

Trước khi ra quyết định kỷ luật công chức, phải lấy ý kiến cấp ủy đảng liên quan:

  • Nếu công chức là lãnh đạo cấp Chi cục và tương đương thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố thì Cục trưởng có văn bản lấy ý kiến của Đảng ủy Cục.
  • Nếu công chức là Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Cơ quan Tổng cục thì Tổng cục trưởng có văn bản lấy ý kiến của Đảng ủy Cơ quan Tổng cục;
  • Nếu công chức là Phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố (trừ Phó cục trưởng Cục Hải quan TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), Tổng cục trưởng có văn bản lấy ý kiến Thường trực tỉnh ủy, thành ủy sở tại.

Trình tự ra quyết định kỷ luật: Thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 20, Nghị định 34. Lưu ý: Quyết định kỷ luật công chức phải có nội dung: “Quyết định này có hiệu lực thi hành 12 tháng kể từ ngày ký”.

Quyết định kỷ luật công chức phải gửi cho cá nhân công chức vi phạm, cho các đơn vị liên quan để thi hành và được thông báo công khai để giáo dục chung trong cơ quan, đơn vị.

Sau 12 tháng kể từ ngày Quyết định kỷ luật có hiệu lực, nếu công chức Hải quan không tái phạm hoặc không có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì đương nhiên được chấm dứt hiệu lực của quyết định kỷ luật.

Bước 5: Thực hiện chế độ báo cáo và quản lý hồ sơ kỷ luật

Chế độ báo cáo:

- Báo cáo định kỳ hàng năm: kỳ I từ ngày 16/12 của năm trước liền kề đến ngày 15/6 của năm báo cáo; kỳ II từ ngày 16/6 đến ngày 15/12 của năm báo cáo.

- Báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Quản lý hồ sơ kỷ luật:

- Hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc xử lý kỷ luật và quyết định kỷ luật đối với công chức nào thì phải được lưu giữ trong hồ sơ cá nhân của công chức đó.

- Hình thức kỷ luật phải ghi bổ sung vào lý lịch của công chức. Quyết định kỷ luật công chức thuộc thẩm quyền của Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải gửi cho Tổng cục (Vụ Tổ chức cán bộ) một bản để theo dõi.

Đánh giá bài viết
1 526
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo