Quy định mới nhất về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Theo đó các quy định về tuyển dụng viên chức, quản lý và sử dụng viên chức sẽ được thi hành theo Nghị định 115/2020.

1. Tiêu chí mới để phân loại viên chức từ ngày 29/9/2020

So với quy định trước đây tại Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, viên chức được phân loại theo vị trí việc làm (viên chức quản lý, viên chức không giữ chức vụ quản lý) và theo chức danh nghề nghiệp (viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng I, hạng II, hạng III và hạng IV), thì theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, viên chức được phân loại theo 02 tiêu chí mới sau đây:

Theo chức trách, nhiệm vụ, viên chức được phân loại thành: Viên chức quản lý và viên chức không giữ chức vụ quản lý

Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý;

Viên chức không giữ chức vụ quản lý là người chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo trình độ đào tạo, viên chức được phân loại thành 5 nhóm:

- Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo tiến sĩ;

- Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo thạc sĩ;

- Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo đại học;

- Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo cao đẳng;

- Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp.

2. Điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức

Điều kiện đăng ký dự tuyển thực hiện theo quy định tại Điều 22 Luật Viên chức. Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức được bổ sung các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo.

Đặc biệt, người đăng ký dự tuyển vào vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao có thể thấp hơn 18 tuổi nhưng phải từ đủ 15 tuổi trở lên và được sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.

3. Hình thức tuyển dụng viên chức

Đối với thi tuyển: Thi tuyển viên chức được thực hiện theo 2 vòng thi như sau: Thi kiểm tra kiến thức chung và thi môn nghiệp vụ chuyên ngành

Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển viên chức phải có đủ các điều kiện sau:

- Có kết quả điểm thi tại vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên.

- Có số điểm vòng 2 cộng với điểm ưu tiên quy định tại Điều 6 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.

Trường hợp có từ 02 người trở lên có tổng số điểm bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng của vị trí việc làm cần tuyển thì người có kết quả điểm thi vòng 2 cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định người trúng tuyển.

Người không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển viên chức không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau.

Đối với xét tuyển: Xét tuyển viên chức được thực hiện theo 2 vòng thi: Kiểm tra điều kiện dự tuyển tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển (vòng 1), nếu đáp ứng đủ thì người dự tuyển được tham gia thi môn nghiệp vụ chuyên ngành (vòng 2).

Cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng viên chức, tối đa 7,5 điểm

Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định 03 nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển tại vòng thi thứ 2, cụ thể:

- Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B: Được cộng 7,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.

- Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: Được cộng 5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.

- Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong: Được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.

Trường hợp người dự thi tuyển hoặc dự xét tuyển thuộc nhiều diện ưu tiên thì chỉ được cộng điểm ưu tiên cao nhất vào kết quả điểm vòng 2.

4. Các trường hợp được tiếp nhận vào làm viên chức

Theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, căn cứ vào điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức và yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan, đơn vị được xem xét tiếp nhận vào làm viên chức với các trường hợp sau:

1. Người có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định gồm:

- Người đang là cán bộ, công chức cấp xã.

- Người đang ký hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập theo quy định của pháp luật.

- Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu.

- Người đang làm việc tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

- Người đang làm việc trong các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

2. Người có tài năng, năng khiếu đặc biệt phù hợp với vị trí việc làm trong các ngành, lĩnh vực: Văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các ngành nghề truyền thống.

3. Người đã từng là cán bộ, công chức, viên chức, sau đó được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại lực lượng vũ trang, cơ yếu, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Ngoài ra, hợp đồng làm việc giữa viên chức và cơ quan, đơn vị tuyển dụng có 2 loại: Hợp đồng làm việc xác định thời hạn (hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng) và Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.

5. Chế độ tập sự đối với người được tuyển dụng vào viên chức

Người được tuyển dụng vào viên chức phải thực hiện chế độ tập sự để làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng. Thời gian tập sự là từ 4 tháng đến 12 tháng, tùy theo từng đối tượng. Chi tiết như sau:

- 12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học. Riêng đối với chức danh nghề nghiệp bác sĩ là 09 tháng.

- 09 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng.

- 06 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo trung cấp.

Đáng chú ý, thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, thời gian nghỉ không hưởng lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật không được tính vào thời gian tập sự.

Trường hợp người tập sự nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nơi người được tuyển dụng vào viên chức đang thực hiện chế độ tập sự đồng ý thì thời gian này được tính vào thời gian tập sự.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 143
0 Bình luận
Sắp xếp theo