Quy định mới liên quan đến Giáo viên có hiệu lực từ 1/12

Những ngày qua thì các thông tin về việc bỏ biên chế suốt đời hay bỏ phụ cấp thâm niên đều là các thông tin được nhiều thầy cô quan tâm. Tuy nhiên sẽ có một số quy định mới liên quan đến giáo viên bắt đầu thực thi từ 1/12/2019 các thầy cô cũng nên nắm được.

Vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật lao động sửa đổi, Luật sửa đổi luật cán bộ công chức, luật viên chức nên tới đây sẽ có nhiều quy định, chính sách mới liên quan đến người lao động, công chức viên chức. Tạm gác lại những xôn xao liên quan đến việc “bỏ phụ cấp thâm niên” hay “bỏ biên chế suốt đời”, sang tháng 12/2019, có một số quy định mới có hiệu lực mà đông đảo giáo viên cần biết.

1. Áp dụng Chương trình bồi dưỡng thường xuyên mới cho giáo viên

Ngày 01/12/2019 là thời điểm áp dụng của Thông tư 17/2019/TT-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng thường xuyên với giáo viên trong các trường phổ thông, thay thế cho Thông tư 30/2011/TT-BGDĐT, Thông tư 31/2011/TT-BGDĐT và Thông tư 32/2019/TT-BGDĐT.

Nếu như trước đây, giáo viên trung học phổ thông, giáo viên trung học cơ sở và giáo viên tiểu học có Chương trình bồi dưỡng riêng thì kể từ thời điểm này, sẽ có một Chương trình bồi dưỡng chung cho giáo viên ở cả 3 cấp học.

Đáng chú ý, giáo viên sẽ thực hiện bồi dưỡng thường xuyên hàng năm theo Chương trình mới với một loạt nội dung mới như:

- Nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo;

- Xây dựng phong cách của giáo viên, trong đó được bồi dưỡng về các kỹ năng kiềm chế cảm xúc bản thân, kỹ năng giải quyết xung đột;

- Tạo dựng mối quan hệ hợp tác với cha mẹ học sinh và các bên liên quan…

Riêng thời lượng bồi dưỡng vẫn được giữ nguyên như hiện nay, mỗi giáo viên phải thực hiện Chương trình bồi dưỡng thường xuyên đảm bảo thời lượng 120 tiết/năm học.

2. Áp dụng chính sách mới với giáo viên giảng dạy ở vùng đặc biệt khó khăn

Từ ngày 01/12/2019, các chế độ, chính sách đối với giáo viên đang công tác ở vùng đặc biệt khó khăn sẽ được thực hiện theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP thay cho Nghị định 116/2010/NĐ-CP và một số điều khoản của Nghị định 61/2006/NĐ-CP trước đây.

Một loạt các khoản phụ cấp, trợ cấp sẽ được áp dụng theo Nghị định 76, bao gồm:

- Nhận ngay trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở khi đến công tác; nếu như có gia đình đi theo được nhận thêm 12 tháng lương cơ sở (trước đây nữ phải công tác ít nhất 03 năm, nam phải công tác ít nhất 05 năm tại đây mới được hưởng khoản trợ cấp này)

- Công tác dưới 05 năm được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

- Công tác từ đủ 05 năm được hưởng phụ cấp lâu năm với mức từ 1/2 mức lương cơ sở đến bằng mức lương cơ sở.

- Công tác từ đủ 10 năm được hưởng trợ cấp khi chuyển vùng với mức mỗi năm công tác được tính bằng ½ mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp lãnh đạo cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

- Giáo viên chuyên trách về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục buộc phải đi lại giữa các thôn, bản được hưởng phụ cấp lưu động 0,2 mức lương cơ sở;

- Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được hưởng phụ cấp bằng 50% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Các bạn có thể xem toàn bộ chế độ công tác ở vùng khó khăn của viên chức tại đây.

>> Bảng lương giáo viên trên cả nước từ 01/7/2020

Đánh giá bài viết
1 636
0 Bình luận
Sắp xếp theo