Tổng hợp điểm mới của Luật Cạnh tranh 2018

Nội dung chính của Luật Cạnh tranh 2018

Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 đã chính thức được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2018. Theo đó có một số điểm nổi bật như: Quy định thêm về xác định thị phần và thị phần kết hợp, Bổ sung thêm một số hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh...

1. Quy định thêm về xác định thị phần và thị phần kết hợp

Căn cứ vào đặc điểm, tính chất của thị trường liên quan, thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan được xác định theo một trong các phương pháp quy định tại Khoản 1 Điều 10 Luật Cạnh tranh 2018.

Trong đó, bổ sung các phương pháp xác định số đơn vị hàng hóa bán ra (mua vào) trên tổng số đơn vị hàng hóa bán ra (mua vào) của tất cả các doanh nghiệp.

2. Bổ sung thêm một số hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Bên cạnh những hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được quy định tại Luật Cạnh tranh 2004, Điều 10 Luật Cạnh tranh 2018 còn quy định thêm 3 hành vi mới được xác định là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, gồm có:

  • Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận;
  • Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận;
  • Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

3. Cấm thỏa thuận giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan

Cụ thể, Điều 12 Luật Cạnh tranh 2018 bổ sung quy định cấm thỏa thuận giữa các doanh nghiệp trên cùng một thị trường liên quan gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường và thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định.

4. Doanh nghiệp có thị phần dưới 10% không được coi là thống lĩnh thị trường

Điều 24 đã kế thừa các quy định của Luật Cạnh tranh 2004, đồng thời bổ sung lưu ý khi xác định về doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.

Theo đó, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường quy định tại Khoản 2 Điều 24 sẽ không bao gồm doanh nghiệp có thị phần ít hơn 10% trên thị trường liên quan.

5. So sánh hàng hóa không trực tiếp bị coi là cạnh tranh không lành mạnh

Tại Khoản 1 Điều 45 Luật Cạnh tranh 2004 quy định việc so sánh trực tiếp sản phẩm là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh 2018 đã mở rộng quy định này, theo đó chỉ cần có việc so sánh hàng hóa và không chứng minh được nội dung thì vẫn bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

6. Quy định cụ thể về khuyến mại trong cạnh tranh không lành mạnh

Quy định mới nêu rõ khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạng là việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.

7. Mọi doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế phải nộp hồ sơ thông báo

Quy định cũ tại Luật Cạnh tranh 2004 chỉ yêu cầu các doanh nghiệp có thị phần từ 30 - 50% là phải nộp hồ sơ thông báo trước khi tiến hành tập trung kinh tế.

Trong khi đó, Luật Cạnh tranh 2018 yêu cầu tất cả các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế đều phải nộp hồ sơ thông báo đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia theo quy định tại Điều 34.

8. Bỏ quy định cấm tập trung kinh tế với các doanh nghiệp có thị phần kết hợp trên 50%

Điều 30 Luật Cạnh tranh 2018 quy định tập trung kinh tế bị cấm là trường hợp doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam và do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đánh giá. Bỏ quy định về việc chiếm hơn 50% thị phần ở Luật Cạnh tranh 2004.

9. Các yếu tố đánh giá tác động của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Theo đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh dựa trên một số yếu tố nhất định được quy định tại Điều 13 như mức thị phần của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận, rào cản gia nhập, mở rộng thị trường,…

10. Thời hạn hưởng miễn trừ thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là không quá 05 năm

Theo quy định tại Điều 21 thì thời hạn hưởng miễn trừ không quá 05 năm kể từ ngày ra quyết định.

11. Lần đầu quy định về xác định sức mạnh thị trường đáng kể

Đây cũng là một quy định hoàn toàn mới của Luật Cạnh tranh 2018 được quy định cụ thể tại Điều 26. Theo đó, sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được xác định căn cứ vào một số yếu tố như tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp, sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp, lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật,…

12. Đánh giá tác động tích cực của việc tập trung kinh tế

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đánh giá tác động tích cực của việc tập trung kinh tế căn cứ vào một trong các yếu tố hoặc kết hợp giữa các yếu tố:

  • Tác động tích cực đến việc phát triển của ngành, lĩnh vực và khoa học, công nghệ theo chiến lược, quy hoạch của Nhà nước;
  • Tác động tích cực đến việc phát triển DN nhỏ và vừa;
  • Tăng cường sức cạnh tranh DN Việt Nam trên thị trường quốc tế.

13. Thẩm định việc tập trung kinh tế

Luật Cạnh tranh 2018 quy định việc thẩm định việc tập trung kinh tế gồm 2 bước: Thẩm định sơ bộ và Thẩm định chính thức việc tập trung kinh tế.

Sau khi kết thúc thẩm định chính thức việc tập trung kinh tế, căn cứ vào nội dung thẩm định chính thức, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra quyết định về một trong các nội dung:

  • Tập trung kinh tế được thực hiện;
  • Tập trung kinh tế có điều kiện quy định tại Điều 42 (cũng là quy định mới tại Luật Cạnh tranh 2018);
  • Tập trung kinh tế thuộc trường hợp bị cấm.

14. Các hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế

Điều 44 liệt kê cụ thể các trường hợp được xem là vi phạm quy định về tập trung kinh tế như: Không thông báo về việc tập trung kinh tế; doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế khi chưa có kết quả thẩm định sơ bộ; hay doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế bị cấm…

Đánh giá bài viết
1 624
0 Bình luận
Sắp xếp theo