Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2018

Các chính sách có hiệu lực từ tháng 6/2018

Thuốc lá ngoại nhập lậu được bán đấu giá để xuất khẩu; Điều kiện để nhà xây trái phép không bị tháo dỡ; Công bố Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ... là những chính sách nổi bật sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2018. Mời các bạn tham khảo.

ĐẦU TƯ

Nhiều ưu đãi với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư

Nội dung này được quy định tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, có hiệu lực từ ngày 19/06/2018.

Cụ thể, chủ đầu tư theo hình thức đối tác công tư được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; Hàng hóa nhập khẩu để thực hiện dự án được hưởng ưu đãi theo quy định về thuế xuất, nhập khẩu.

Ngoài ra, chủ đầu tư còn được miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc được miễn, giảm tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án phù hợp với quy định về đất đai cùng các ưu đãi khác theo quy định hiện hành.

TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG-TÍN DỤNG

Mỗi tỉnh chỉ có 1 chi nhánh ngân hàng hợp tác xã

Thông tư 09/2018/TT-NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng là hợp tác xã sẽ có hiệu lực từ ngày 15/06/2018.

Theo đó, trên địa bàn 01 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngân hàng hợp tác xã chỉ được thành lập 01 chi nhánh. Mỗi năm, ngân hàng hợp tác xã chỉ được thành lập tối đa 05 chi nhánh. Một chi nhánh quản lý không quá 03 phòng giao dịch.

Tổng hợp chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6

Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của phòng giao dịch của ngân hàng hợp tác xã với một khách hàng không phải là quỹ tín dụng nhân dân thành viên không được vượt quá 01 tỷ đồng. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của phòng giao dịch quỹ tín dụng nhân dân đối với một khách hàng không được vượt quá 100 triệu đồng.

XUẤT NHẬP KHẨU

Thuốc lá ngoại nhập lậu được bán đấu giá để xuất khẩu

Việc bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu để xuất khẩu ra nước ngoài sẽ được thí điểm thực hiện từ ngày 15/06/2018 đến hết ngày 15/06/2020, theo Quyết định 20/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định chỉ rõ, việc bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu vẫn đảm bảo chất lượng thực hiện theo quy định của pháp luật đấu giá tài sản.

Bên cạnh đó, việc xuất khẩu thuốc lá ngoại nhập lậu phải đảm bảo các nguyên tắc: Chỉ được xuất khẩu qua các cửa khẩu đường biển, đường thủy, đường hàng không quốc tế; Không được xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới đất liền; Không xuất khẩu sang các nước có chung biên giới. Trường hợp quá cảnh qua các nước có chung đường biên giới thực hiện theo Hiệp định quá cảnh hàng hóa đã ký với các nước.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/06/2018.

THƯƠNG MẠI

Sở Giao dịch hàng hóa phải có vốn điều lệ từ 150 tỷ

Việc thành lập Sở Giao dịch hàng hóa được quy định mới tại Nghị định 51/2018/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 01/06/2018.

Cụ thể, Sở Giao dịch hàng hóa được thành lập nếu: Có vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng trở lên; Có hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng các yêu cầu về giải pháp công nghệ và kỹ thuật trong hoạt động mua bán hàng hóa như hệ thống phần mềm có chức năng nhật ký thao tác để lưu vết mọi giao dịch, thanh toán, giao nhận trong quy trình nghiệp vụ tối thiểu trong 05 năm…

Nhà đầu tư nước ngoài được phép góp vốn thành lập Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam; mua cổ phần, phần vốn góp của Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam với tỷ lệ không quá 49% vốn điều lệ.

4 trường hợp hàng hóa được xét miễn trừ áp dụng phòng vệ thương mại

Thông tư 06/2018/TT-BCT quy định các trường hợp hàng hóa được xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm:

- Hàng hóa nhập khẩu có đặc điểm khác biệt với hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước mà hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất bởi ngành sản xuất trong nước đó không thể thay thế được;

- Hàng hóa nhập khẩu là sản phẩm đặc biệt của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước;

- Hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không được bán trên thị trường trong nước trong cùng điều kiện thông thường;

- Khối lượng hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.

Thông tư này được Bộ Công Thương ban hành, có hiệu lực từ 15/06/2018.

XÂY DỰNG

6 điều kiện để nhà xây trái phép không bị tháo dỡ

Theo Thông tư 03/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng, từ ngày 15/01/2018, tổ chức, cá nhân xây nhà ở riêng lẻ sai nội dung giấy phép xây dựng; xây dựng không có giấy phép; xây dựng sai thiết kế, sai quy hoạch… không còn được nộp lại số lợi bất hợp pháp mà phải tháo dỡ công trình nhà ở vi phạm.

Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân nêu trên vẫn có thể được nộp lại số lợi bất hợp pháp để được cấp giấy phép hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng, thay vì phải tháo dỡ nếu đáp ứng đủ 06 điều kiện:

- Vi phạm xảy ra từ 04/01/2008 và kết thúc trước ngày 15/01/2018 nhưng sau ngày 15/01/2018 mới bị phát hiện hoặc bị phát hiện trước ngày 15/01/2018 và đã có biên bản xử phạt.

- Không vi phạm chỉ giới xây dựng

- Không ảnh hưởng các công trình lân cận

- Không có tranh chấp

- Xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp

- Nay phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12/06/2018.

Y TẾ-SỨC KHỎE

Tên thuốc không được mang tính chất quảng cáo

Tại Thông tư số 01/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/06/2018, Bộ Y tế quy định một loạt nguyên tắc đặt tên thuốc.

Theo đó, tên thuốc không được có tính chất quảng cáo; Không gây hiểu lầm về thành phần, xuất xứ của thuốc; Không gây hiểu lầm hoặc mô tả quá mức về tác dụng, hiệu quả, chỉ định của thuốc; Không trùng hoặc tương tự với tên thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành của cơ sở đăng ký khác; Không được đặt tên thuốc giống nhau nếu thuốc có thành phần hoạt chất khác nhau…

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2018

Thông tư này cũng quy định, tên thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải ở vị trí dễ thấy, dễ đọc và phải có kích thước lớn nhất so với các nội dung bắt buộc khác trên nhãn và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc…

Công bố Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ

Một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư 07/2018/TT-BYT của Bộ Y tế là quy định về Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ.

Thuốc hạn chế bán lẻ là thuốc có yêu cầu giám sát chặt chẽ việc kê đơn, bán thuốc theo đơn và sử dụng để bảo đảm an toàn, hiệu quả, tránh lạm dụng thuốc trong điều trị mà việc lạm dụng thuốc có thể gây ra tình trạng lệ thuộc thuốc hoặc không đáp ứng khi sử dụng thuốc đó hoặc thuốc khác.

Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ bao gồm một số loại thuốc điều trị lao như: Streptomycin; Kanamycin; Amikacin; thuốc điều trị HIV như: Nevirapine; Ritonavir đơn thành phần hoặc phối hợp với Lopinavir…

Căn cứ vào bệnh tật của địa phương, Sở Y tế có văn bản cho phép bán lẻ một số thuốc thuộc Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ;

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/06/2018.

Cơ sở bán dược liệu phải có hệ thống truy xuất nguồn gốc

Thông tư 13/2018/TT-BYT của Bộ Y tế yêu cầu cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc để bảo đảm nhận diện, truy tìm sản phẩm tại các công đoạn của quá trình nuôi trồng, thu hái…

Đồng thời, các cơ sở nêu trên cũng phải tiến hành thẩm định, đánh giá phương pháp kiểm nghiệm ghi trong tiêu chuẩn chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền do cơ sở sản xuất công bố áp dụng tại phòng kiểm nghiệm đạt Thực hành tốt phòng thí nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 30/06/2018.

GIAO THÔNG

Từ 1/6, TP. Hồ Chí Minh tăng mạnh phí đỗ ô tô dưới lòng đường

TP. Hồ Chí Minh sẽ áp dụng mức phí đỗ ô tô dưới lòng đường mới từ ngày 01/06/2018, theo Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐND do Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành. Mức phí này tăng từ 4 - 8 lần so với trước đây.

Cụ thể, mức phí đỗ ô tô dưới lòng đường với ô tô đến 09 chỗ tại khu vực quận 1, quận 3, quận 5 từ 25.000 đồng/giờ - 35.000 đồng/giờ; tại khu vực quận 10 và quận 11 từ 20.000 đồng/giờ - 30.000 đồng/giờ.

Mức phí đỗ ô tô dưới lòng đường với ô tô từ 10 chỗ đến 16 chỗ tại khu vực quận 1, quận 3, quận 5 từ 30.000 đồng/giờ - 40.000 đồng/giờ; tại khu vực quận 10 và quận 11 từ 25.000 đồng/giờ - 35.000 đồng/giờ.

Người đỗ xe thanh toán qua các hình thức: Nhắn tin trừ tiền trong tài khoản điện thoại, thẻ thanh toán quốc tế, thẻ thanh toán nội địa…, không sử dụng tiền mặt để thanh toán.

GIÁO DỤC-ĐÀO TẠO-DẠY NGHỀ

Hướng dẫn phúc khảo xét thăng hạng giảng viên

Theo Quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong trường đại học công lập, việc phúc khảo được hướng dẫn như sau:

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả xét thăng hạng, ứng viên có quyền gửi đơn đề nghị phúc khảo kết quả xét thăng hạng; Chỉ xem xét, giải quyết việc phúc khảo đối với đơn đề nghị phúc khảo được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xét thăng hạng trong thời hạn nêu trên.

Chủ tịch Hội đồng xét thăng hạng có trách nhiệm tổ chức phúc khảo trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn nhận đơn đề nghị phúc khảo; Trường hợp kết quả phúc khảo có sự chênh lệch 10% so với điểm lần đầu, Chủ tịch Hội đồng tổ chức đối thoại trực tiếp giữa cán bộ thẩm định và cán bộ phúc khảo để xem xét, quyết định kết quả.

Quy chế này được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư 12/2018/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 01/06/2018.

CHÍNH SÁCH

Những nhóm ngành nghề nông thôn được hỗ trợ phát triển

Đây là một trong những nội dung được Chính phủ quy định tại Nghị định 52/2018/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 01/06/2018.

Theo đó, 7 nhóm ngành nghề nông thôn được hỗ trợ phát triển bao gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm thủy sản; Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; Sản xuất muối; Các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.

Các nhóm ngành, nghề nêu trên được hỗ trợ mặt bằng sản xuất; ưu tiên vay vốn từ các tổ chức tín dụng; hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ về khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực…

HÀNH CHÍNH

Xây dựng dịch vụ công trực tuyến: Lấy người dùng làm trung tâm

Tại Thông tư 32/2017/TT-BTTTT, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu: Việc xây dựng Cổng thông tin điện tử và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước phải thực hiện theo nguyên tắc lấy người sử dụng làm trung tâm.

Nguyên tắc này được thể hiện như sau: Những giấy tờ, thông tin liên quan đến người sử dụng đã cung cấp 01 lần thành công cho 01 cơ quan Nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thì vẫn chính những giấy tờ, thông tin đó, nếu còn giá trị sử dụng, không phải cung cấp lại khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến lần sau cho chính cơ quan Nhà nước đó.

Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh đã kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan thuộc, trực thuộc thì các giấy tờ, thông tin này không phải cung cấp lại khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến lần sau cho cơ quan thuộc, trực thuộc khác của bộ, tỉnh đó.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/06/2018.

Chậm giải quyết thủ tục hành chính phải xin lỗi dân

Từ ngày 21/6/2018, việc thực hiện cơ chế Một cửa, Một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện theo Nghị định 61/2018/NĐ-CP.

Theo Nghị định này, khi chậm giải quyết thủ tục hành chính, trong thời hạn chậm nhất 01 ngày trước ngày hết hạn, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho Bộ phận Một cửa, gửi văn bản xin lỗi tổ chức, cá nhân, trong đó ghi rõ lý do quá hạn, thời gian đề nghị gia hạn trả kết quả. Việc hẹn lại ngày trả kết quả được thực hiện không quá 01 lần.

Khuyến khích trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trước thời hạn. Trong trường hợp trả trước thời hạn, Bộ phận Một cửa phải thông báo cho tổ chức, cá nhân biết trước qua tin nhắn, thư điện tử, điện thoại hoặc qua mạng xã hội.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 21/6/2018.

HÌNH SỰ

Những trường hợp được coi là phạm tội lần đầu

Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP quy định những trường hợp được coi là phạm tội lần đầu bao gồm:

- Trước đó chưa phạm tội lần nào;

- Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự;

- Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;

- Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích.

Phạm tội lần đầu là một trong những điều kiện tha tù trước thời hạn, bên cạnh các điều kiện khác như: Đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù; Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt; Có nơi cư trú rõ ràng…

Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hiệu lực từ ngày 09/06/2018.

NÔNG NGHIỆP-LÂM NGHIỆP

Hỗ trợ đến 90% phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nghèo

Tại Nghị định 58/2018/NĐ-CP, Chính phủ quy định cụ thể về các nhóm đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, bao gồm: Cây trồng (Lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau); Vật nuôi (Trâu, bò, lợn, gia cầm); Nuôi trồng thủy sản (Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra).

Nếu nuôi, trồng các loại cây trồng, vật nuôi và thủy sản nêu trên, cá nhân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp; cá nhân không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 05/06/2018.

Bán thức ăn chăn nuôi hết hạn, bị phạt đến 40 triệu

Từ ngày 22/06/2018, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản sẽ được áp dụng theo Nghị định 64/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Nghị định này quy định như sau:

- Phạt từ 200.000 đồng - 40 triệu đồng đối với hành vi buôn bán thức ăn chăn nuôi, thủy sản hết hạn sử dụng, tùy theo giá trị của hàng hóa;

- Phạt từ 03 - 05 triệu đồng đối với cơ sở mua bán thức ăn chăn nuôi, thủy sản để chung thức ăn chăn nuôi, thủy sản với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoặc các hóa chất độc hại khác;

- Phạt từ 50 - 60 triệu đồng khi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

THI ĐUA-KHEN THƯỞNG-KỶ LUẬT

Ngành Tòa án không xét khen thưởng với người bị kỷ luật từ cảnh cáo

Thông tư 01/2018/TT-TANDTC quy định công tác thi đua, khen thưởng của Tòa án nhân dân Tối cao có hiệu lực từ ngày 08/06/2018.

Theo Thông tư này, không xét khen thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc đang bị khởi tố hình sự. Các tập thể có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị xử lý kỷ luật khiển trách vẫn có thể được xét đề nghị khen thưởng, nhưng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của tập thể đó phải thấp hơn một bậc so với tập thể khác cùng thành tích.

Đối với nữ là cán bộ lãnh đạo, quản lý, thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến được giảm 1/3 thời gian so với quy định chung. Khi có nhiều cá nhân, tập thể cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn của một hình thức khen thưởng thì ưu tiên khen thưởng cá nhân nữ, tập thể có tỷ lệ nữ cao hơn.

Ngoài ra, còn có quy định về: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả; Biểu mẫu mới trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đường thủy nội địa; Định mức kinh tế - kỹ thuật về đo kiểm trong phát thanh, truyền hình; Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia… cũng có hiệu lực từ tháng 06/2018.

Đánh giá bài viết
1 728
0 Bình luận
Sắp xếp theo