Nghị định 31/2013/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng

Nghị định 31/2013/NĐ-CP - Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng

Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/06/2013, bãi bỏ các Nghị định số 54/2006/NĐ-CP, 16/2007/NĐ-CP và 89/2008/NĐ-CP.

Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng

Chỉ thị 21/CT-TTg tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng

CHÍNH PHỦ

--------------
Số: 31/2013/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------------

Hà Nội, ngày 09 tháng 04 năm 2013

NGHỊ ĐỊNH
Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều
của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng

----------------------

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 6 năm 2005; Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16 tháng 7 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này hướng dẫn về điều kiện xác nhận, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh); việc xử lý vi phạm; trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện Pháp lệnh.

Điều 2. Những trường hợp không áp dụng

Nghị định này không áp dụng đối với những trường hợp sau:

1. Đào ngũ, đầu hàng, phản bội, chiêu hồi.

2. Đang chấp hành án tù giam, tù chung thân hoặc bị kết án về một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia.

3. Bị tước danh hiệu quân nhân, danh hiệu công an nhân dân, danh hiệu dân quân tự vệ; bị buộc thôi việc.

Điều 3. Nguyên tắc hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng đối với thân nhân người có công

1. Thân nhân liệt sĩ hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này.

2. Thân nhân của hai người có công từ trần trở lên được hưởng tối đa hai suất trợ cấp tiền tuất hàng tháng.

3. Thân nhân của một liệt sĩ đồng thời là thân nhân của hai người có công từ trần trở lên chỉ được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng của một liệt sĩ và trợ cấp tiền tuất hàng tháng của một người có công từ trần.

4. Thân nhân của hai liệt sĩ trở lên đồng thời là thân nhân của người có công từ trần chỉ hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng đối với thân nhân liệt sĩ.

5. Thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng của một đối tượng trong trường hợp người có công với cách mạng từ trần thuộc hai đối tượng trở lên quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Pháp lệnh.

6. Không áp dụng trợ cấp tiền tuất hàng tháng đối với con của người có công với cách mạng từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học trong những trường hợp sau:

a) Không tiếp tục đi học ngay sau khi kết thúc bậc học phổ thông;

b) Đã hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng trong thời gian theo học tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc giáo dục đại học;

c) Đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng trong thời gian theo học tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc giáo dục đại học mà thôi học hoặc bị buộc thôi học.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thân nhân người có công là cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con (con đẻ, con nuôi). Thân nhân liệt sĩ còn là người có công nuôi dưỡng liệt sĩ.

2. Người có công nuôi dưỡng liệt sĩ là người đã nuôi dưỡng khi liệt sĩ dưới 18 tuổi, thời gian nuôi từ 10 năm trở lên.

3. Người thờ cúng là người được ủy quyền theo quy định của pháp luật.

4. Người thờ cúng liệt sĩ là người con hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ; trường hợp không có hoặc không còn con thì là người được ủy quyền theo quy định của pháp luật.

5. Người sống cô đơn không nơi nương tựa là người sống độc thân, không có hoặc không còn thân nhân.

6. Đại diện thân nhân là người được thân nhân ủy quyền theo quy định của pháp luật.

7. Con của người có công nếu còn tiếp tục đi học là người đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ bậc phổ thông đến đại học.

8. Con của người có công bị khuyết tật từ nhỏ là người bị khuyết tật khi dưới 18 tuổi.

9. Người làm nghĩa vụ quốc tế là người được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở nước ngoài.

10. Người mất tin, mất tích là người thực hiện các nhiệm vụ hoặc có các hành động quy định tại Điểm a, b, c, d, đ, e và g Khoản 1 Điều 11 của Pháp lệnh, sau đó không còn tung tích.

11. Hành động dũng cảm là hành động thực hiện những công việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và nhân dân mặc dù biết có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

12. Công việc cấp bách nguy hiểm là công việc cần phải được giải quyết gấp, không thể chậm trễ nhưng có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của người thực hiện.

13. Mức chuẩn quy định tại Nghị định này căn cứ mức chỉ tiêu bình quân toàn xã hội và thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Chương II
ĐIỀU KIỆN XÁC NHẬN VÀ CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VÀ THÂN NHÂN

Mục 1
NGƯỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG TRƯỚC NGÀY 01 THÁNG 01 NĂM 1945

Điều 5. Điều kiện xác nhận

1. Những người có đủ điều kiện sau đây được xem xét xác nhận là người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945:

a) Tham gia hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;

b) Được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương hoặc được kết nạp lại trước ngày 19 tháng Tám năm 1945, được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận theo quy định tại Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 24 tháng 12 năm 1977 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IV) về chính sách, chế độ đối với cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm và Thông tri số 07-TT/TC ngày 21 tháng 3 năm 1979 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn vận dụng tiêu chuẩn và xác nhận những đối tượng hưởng chính sách, chế độ đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 19 tháng Tám năm 1945.

2. Không xác nhận đối với trường hợp bị khai trừ khỏi Đảng.

Điều 6. Căn cứ xác nhận

1. Người hoạt động cách mạng còn sống thì căn cứ một trong các giấy tờ sau:

a) Lý lịch của cán bộ, đảng viên khai từ năm 1962 trở về trước do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý;

b) Lý lịch khai trong Cuộc vận động bảo vệ Đảng theo Chỉ thị số 90-CT/TW ngày 01 tháng 3 năm 1965 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa III);

c) Lý lịch đảng viên khai năm 1975, 1976 theo Thông tri số 297/TT-TW ngày 20 tháng 4 năm 1974 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa III) đối với người hoạt động cách mạng được kết nạp vào Đảng sau năm 1969 và người hoạt động liên tục ở các chiến trường B, C, K từ năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

2. Người hoạt động cách mạng đã hy sinh, từ trần từ ngày 30 tháng 6 năm 1999 trở về trước thì căn cứ một trong các giấy tờ sau có ghi nhận thời gian tham gia hoạt động cách mạng:

a) Lý lịch theo quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Hồ sơ của người đã được khen thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập;

c) Hồ sơ liệt sĩ;

d) Lịch sử đảng bộ từ cấp xã trở lên được các cơ quan Đảng có thẩm quyền thẩm định và đã xuất bản;

đ) Hồ sơ, tài liệu đang lưu giữ tại cơ quan lưu trữ của Đảng, Nhà nước, Bảo tàng lịch sử của trung ương và địa phương từ cấp huyện trở lên.

3. Đối với người hoạt động cách mạng đã hy sinh, từ trần sau ngày 30 tháng 6 năm 1999 thì căn cứ để xem xét, công nhận theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 7. Thủ tục hồ sơ

1. Cá nhân có trách nhiệm:

a) Viết bản khai về quá trình hoạt động cách mạng có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú; trường hợp người hoạt động cách mạng đã hy sinh, từ trần thì đại diện thân nhân hoặc người thờ cúng lập bản khai kèm biên bản ủy quyền;

b) Gửi bản khai kèm theo một trong các giấy tờ, tài liệu quy định tại Điều 6 của Nghị định này đến các cơ quan sau để công nhận:

Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc trung ương xem xét, quyết định đối với người hoạt động cách mạng thuộc cấp ủy địa phương quản lý;

Ban đảng, Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc trung ương xem xét, quyết định đối với người hoạt động cách mạng thuộc bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương quản lý;

Tổng cục Chính trị xem xét, quyết định đối với người hoạt động cách mạng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam;

Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân xem xét, quyết định đối với người hoạt động cách mạng thuộc Công an nhân dân.

2. Trách nhiệm của các cơ quan:

a) Các cơ quan quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này trong thời gian 45 ngày làm việc từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ: Xem xét, ra quyết định công nhận và chuyển quyết định công nhận kèm bản khai, biên bản ủy quyền và bản sao các giấy tờ làm căn cứ xác nhận đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người hoạt động cách mạng hoặc đại diện thân nhân, người thờ cúng đang cư trú.

Trường hợp không đủ điều kiện công nhận phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày làm việc từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ ra quyết định thực hiện chế độ ưu đãi.

Điều 8. Hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi

1. Quyết định công nhận của các cơ quan quy định tại Điều 7 của Nghị định này.

2. Quyết định trợ cấp, phụ cấp của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 9. Chế độ ưu đãi

Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 được hưởng các chế độ ưu đãi sau từ ngày có quyết định công nhận:

1. Trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng.

2. Được cấp tiền mua báo Nhân dân hàng ngày, được tạo điều kiện tham gia sinh hoạt văn hóa tinh thần phù hợp với điều kiện nơi cư trú.

Điều 10. Chế độ ưu đãi khi người hoạt động cách mạng chết

1. Người hoạt động cách mạng đang hưởng chế độ ưu đãi quy định tại Khoản 2 Điều 9 của Pháp lệnh mà chết thì người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi.

2. Người hoạt động cách mạng chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi quy định tại Khoản 2 Điều 9 của Pháp lệnh thì đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp một lần mức 50 triệu đồng.

Trường hợp không còn thân nhân thì người thờ cúng được hưởng trợ cấp một lần mức 10 triệu đồng.

3. Thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng cụ thể như sau:

a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con dưới 18 tuổi hoặc con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ tháng liền kề khi người hoạt động cách mạng chết;

b) Trường hợp người hoạt động cách mạng đã chết nhưng sau ngày 31 tháng 12 năm 2012 mới được công nhận thì cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con dưới 18 tuổi hoặc con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ thời điểm ra quyết định công nhận;

c) Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng từ nhỏ, sau khi đủ 18 tuổi nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận;

d) Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng sau khi đủ 18 tuổi nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, không có thu nhập hàng tháng hoặc thu nhập hàng tháng thấp hơn 0,6 lần mức chuẩn được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận;

đ) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 18 tuổi trở lên sống cô đơn không nơi nương tựa hoặc con dưới 18 tuổi mồ côi cả cha mẹ đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng bằng 0,8 lần mức chuẩn.

Đánh giá bài viết
2 4.565
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo