Nghị định 96/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Doanh nghiệp 2014

Nghị định 96/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Doanh nghiệp 2014

Từ ngày 08/12/2015, Nghị định 96/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp 2014 chính thức có hiệu lực. Theo đó, con dấu doanh nghiệp được quản lý và sử dụng theo quy định chi tiết và cụ thể trong Nghị định 96/2015/NĐ-CP. Mời các bạn theo dõi nội dung chi tiết Nghị định 96.

Điểm mới nổi bật của Luật doanh nghiệp 2014 số 68/2014QH13

Luật doanh nghiệp 2005 số 60/2005/QH11

CHÍNH PHỦ
-------

Số: 96/2015/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2015

NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định chi tiết Điều 10, Điều 44, Điều 189 và Điều 208 của Luật Doanh nghiệp.

2. Nghị định này áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 2 Luật Doanh nghiệp.

3. Quy định về con dấu trong Nghị định này áp dụng đối với công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Tổ chức, đơn vị được thành lập theo các luật sau đây không áp dụng quy định về con dấu trong Nghị định này mà thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý và sử dụng con dấu:

a) Luật Công chứng;

b) Luật Luật sư;

c) Luật Giám định tư pháp;

d) Luật Kinh doanh bảo hiểm;

đ) Luật Chứng khoán;

e) Luật Hợp tác xã.

Điều 2. Chính sách phát triển đối với doanh nghiệp xã hội

1. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng.

2. Doanh nghiệp xã hội được hưởng các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật.

3. Doanh nghiệp xã hội thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ tương ứng đối với từng loại hình doanh nghiệp và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định này.

Điều 3. Tiếp nhận viện trợ, tài trợ

1. Doanh nghiệp xã hội tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường theo quy định của pháp luật về tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

2. Ngoài các khoản viện trợ quy định tại Khoản 1 Điều này, doanh nghiệp xã hội được tiếp nhận tài trợ bằng tài sản, tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam để thực hiện mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường.

3. Trình tự, thủ tục tiếp nhận các khoản tài trợ quy định tại Khoản 2 Điều này được thực hiện như sau:

a) Việc tiếp nhận tài trợ phải lập thành văn bản. Văn bản tiếp nhận tài trợ phải có các nội dung: Thông tin về cá nhân, tổ chức tài trợ, loại tài sản, giá trị tài sản hoặc tiền tài trợ, thời điểm thực hiện tài trợ, yêu cầu đối với doanh nghiệp tiếp nhận tài trợ, họ, tên và chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của các bên.

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày văn bản tiếp nhận tài trợ được ký kết, doanh nghiệp phải thông báo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi doanh nghiệp có trụ sở chính về việc tiếp nhận tài trợ; kèm theo thông báo phải có bản sao Văn bản tiếp nhận tài trợ.

4. Trường hợp nội dung văn bản tiếp nhận tài trợ quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều này có thay đổi, doanh nghiệp xã hội phải thông báo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính về những nội dung thay đổi theo trình tự, thủ tục quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này.

Điều 4. Đăng ký doanh nghiệp xã hội

1. Doanh nghiệp xã hội thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục và hồ sơ tương ứng đối với từng loại hình doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp.

2. Tên doanh nghiệp xã hội được đặt theo quy định tại các Điều 38, 39, 40 và 42 Luật Doanh nghiệp và có thể bổ sung thêm cụm từ "xã hội" vào tên riêng của doanh nghiệp.

Điều 5. Công khai Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường của doanh nghiệp xã hội

1. Doanh nghiệp xã hội phải thông báo Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường cho cơ quan đăng ký kinh doanh để công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp hoặc trong quá trình hoạt động.

2. Trường hợp nội dung Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường có sự thay đổi, doanh nghiệp xã hội phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh về nội dung thay đổi trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày quyết định thay đổi để công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Kèm theo thông báo phải có Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường đã được sửa đổi, bổ sung.

3. Cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện cập nhật thông tin vào hồ sơ doanh nghiệp và công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo theo các Khoản 1 và 2 Điều này.

4. Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường của doanh nghiệp xã hội được lập theo mẫu và phải bao gồm các nội dung sau đây:

a) Các vấn đề xã hội, môi trường; phương thức mà doanh nghiệp dự định thực hiện nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường đó.

b) Thời hạn thực hiện các hoạt động nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường.

c) Mức tỷ lệ phần trăm (%) lợi nhuận giữ lại hằng năm được tái đầu tư để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường.

d) Nguyên tắc và phương thức sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ từ tổ chức và cá nhân; nguyên tắc và phương thức xử lý các khoản viện trợ, tài trợ còn dư khi doanh nghiệp giải thể hoặc chuyển đổi thành doanh nghiệp thông thường (nếu có).

đ) Họ, tên, chữ ký của chủ doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân; thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; thành viên, cổ đông là cá nhân, người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần.

5. Quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông về thay đổi nội dung Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường phải được thông qua theo tỷ lệ biểu quyết quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 60 và Khoản 1 Điều 144 Luật Doanh nghiệp đối với doanh nghiệp xã hội hoạt động theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần.

Điều 6. Chấm dứt Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường của doanh nghiệp xã hội

1. Doanh nghiệp xã hội chấm dứt Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trong các trường hợp sau đây:

a) Hết thời hạn Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường.

b) Vấn đề xã hội, môi trường trong Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường đã thay đổi hoặc không còn nữa.

c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường và mức lợi nhuận giữ lại tái đầu tư.

d) Trường hợp khác theo quyết định của doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Trong trường hợp chấm dứt Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường của doanh nghiệp xã hội, toàn bộ số dư tài sản hoặc tài chính còn lại của các khoản viện trợ, tài trợ đã được nhận phải chuyển lại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã viện trợ, tài trợ hoặc chuyển cho các doanh nghiệp xã hội khác, tổ chức khác có mục tiêu xã hội tương tự. Doanh nghiệp xã hội chỉ được chấm dứt Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường nếu vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã xử lý số dư của khoản viện trợ, tài trợ mà doanh nghiệp đã nhận.

3. Quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông về chấm dứt Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường phải được thông qua theo tỷ lệ biểu quyết quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 60 và Khoản 1 Điều 144 Luật Doanh nghiệp đối với doanh nghiệp xã hội hoạt động theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần.

4. Doanh nghiệp xã hội phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh về việc chấm dứt Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định chấm dứt để công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Kèm theo thông báo phải có các tài liệu sau đây:

a) Quyết định và bản sao biên bản họp của doanh nghiệp hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có), trong đó nêu rõ lý do chấm dứt.

b) Thỏa thuận với cá nhân, tổ chức liên quan về xử lý số dư tài sản hoặc tài chính đối với nguồn viện trợ, tài trợ mà doanh nghiệp xã hội đã nhận (nếu còn).

5. Cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện cập nhật thông tin vào hồ sơ doanh nghiệp và công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo.

Điều 7. Chuyển cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội và quỹ từ thiện thành doanh nghiệp xã hội

1. Cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được dùng toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ để đăng ký doanh nghiệp xã hội sau khi có Quyết định cho phép chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép thành lập cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

2. Doanh nghiệp xã hội sau khi được đăng ký đương nhiên kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện chấm dứt hoạt động kể từ ngày doanh nghiệp xã hội được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Điều 8. Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể đối với doanh nghiệp xã hội

1. Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập đối với doanh nghiệp xã hội được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Doanh nghiệp xã hội được chia hoặc tách thành các doanh nghiệp xã hội.

b) Các doanh nghiệp, doanh nghiệp xã hội hợp nhất thành doanh nghiệp xã hội.

c) Sáp nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp xã hội vào doanh nghiệp xã hội.

2. Hồ sơ, trình tự, thủ tục chia, tách, hợp nhất, sáp nhập đối với doanh nghiệp xã hội thực hiện theo quy định tương ứng của Luật Doanh nghiệp.

3. Trường hợp giải thể doanh nghiệp xã hội, số dư tài sản hoặc tài chính còn lại đối với nguồn tài sản, tài chính mà doanh nghiệp xã hội đã nhận phải được trả lại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã viện trợ, tài trợ hoặc chuyển cho các doanh nghiệp xã hội khác, tổ chức khác có mục tiêu xã hội tương tự.

Hồ sơ, trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp xã hội được thực hiện theo quy định tương ứng của Luật Doanh nghiệp về giải thể doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp xã hội còn số dư tài sản hoặc tài chính đối với nguồn viện trợ, tài trợ đã nhận, thì hồ sơ giải thể phải có Thỏa thuận với cá nhân, tổ chức liên quan về xử lý số dư tài sản hoặc tài chính đối với nguồn viện trợ, tài trợ mà doanh nghiệp xã hội đã nhận.

Đồng thời, thông báo việc mất con dấu, mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu. Nghị định 96/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định 102/2010/NĐ-CP.

Đánh giá bài viết
3 26.040
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo