Nghị định 58/2021/NĐ-CP về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng

Nghị định 58/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng.

Ngày 10/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 58/2021/NĐ-CP quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng.

Cụ thể, công ty thông tin tín dụng được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: Có vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng; Có phương án kinh doanh đảm bảo không kinh doanh ngành nghề khác ngoài hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng; Có tối thiểu 15 tổ chức tham gia là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đồng thời, hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin của công ty thông tin tín dụng phải có tối thiểu 02 đường truyền số liệu, mỗi đường truyền của 01 nhà cung cấp dịch vụ; có hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, hệ thống phần mềm tin học và các giải pháp kỹ thuật có khả năng thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng đối với tối thiểu 5.000.000 khách hàng vay; Có phương án dự phòng thảm họa, đảm bảo không bị gián đoạn các hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin quá 04 giờ làm việc;…

Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 15/08/2021.

Nghị định này làm hết hiệu lực của Nghị định 10/2010/NĐ-CP, Nghị định 57/2016/NĐ-CP và hết hiệu lực một phần Nghị định 16/2019/NĐ-CP.

Nội dung Nghị định 58 2021

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 58/2021/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2021

NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG CUNG ỨNG DỊCH VỤ THÔNG TIN TÍN DỤNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng.

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về điều kiện, thủ tục cấp, cấp lại, thay đổi nội dung và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận); hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng của công ty thông tin tín dụng và quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan.

2. Hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước) không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Công ty thông tin tín dụng.

2. Tổ chức tham gia.

3. Khách hàng vay.

4. Tổ chức và cá nhân khác liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thông tin tín dụng là dữ liệu, số liệu, dữ kiện liên quan của khách hàng vay tại tổ chức tham gia của công ty thông tin tín dụng.

2. Hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng là việc công ty thông tin tín dụng cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng cho các đối tượng sử dụng trên cơ sở các hoạt động thu thập, xử lý, lưu giữ thông tin tín dụng của công ty thông tin tín dụng theo quy định tại Nghị định này.

3. Tổ chức tham gia của công ty thông tin tín dụng (sau đây gọi tắt là tổ chức tham gia) là tổ chức tự nguyện cam kết cung cấp thông tin tín dụng cho công ty thông tin tín dụng, bao gồm: tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tổ chức không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp dịch vụ cho thuê tài sản, mua hàng trả chậm, trả dần, cầm đồ có điều kiện về lãi suất, thời hạn, tiền thuê, biện pháp bảo đảm nghĩa vụ theo quy định của pháp luật (sau đây gọi tắt là tổ chức tham gia khác).

4. Khách hàng vay là tổ chức, cá nhân được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng hoặc được tổ chức tham gia khác cung cấp dịch vụ cho thuê tài sản, mua hàng trả chậm, trả dần, cầm đồ có điều kiện về lãi suất, thời hạn, tiền thuê, biện pháp bảo đảm nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

5. Công ty thông tin tín dụng là doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp để hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng theo quy định tại Nghị định này. Tên công ty phải có cụm từ “thông tin tín dụng”.

6. Cơ sở hạ tầng thông tin là một tập hợp các trang thiết bị phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu, hệ thống mạng và hệ thống an ninh bảo mật để tạo lập, truyền nhận, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin số phục vụ cho một hoặc nhiều hoạt động kỹ thuật, hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng của công ty thông tin tín dụng.

7. Thông tin định danh là thông tin định danh khách hàng vay theo quy định của Chính phủ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

8. Thông tin tiêu cực về khách hàng vay là thông tin tín dụng về nợ xấu, vi phạm nghĩa vụ thanh toán, vi phạm pháp luật, bị khởi kiện, bị khởi tố và các thông tin bất lợi khác ảnh hưởng đến kết quả đánh giá khách hàng vay.

9. Sản phẩm thông tin tín dụng là báo cáo, ấn phẩm hoặc các hình thức khác mang thông tin tín dụng được công ty thông tin tín dụng tạo ra trên cơ sở thông tin tín dụng thu thập được để cung cấp cho các đối tượng sử dụng.

10. Đối tượng sử dụng là tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng có thỏa thuận với công ty thông tin tín dụng về việc cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng

1. Công ty thông tin tín dụng chỉ thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận.

2. Hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng phải tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo tính trung thực, khách quan và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

3. Các thỏa thuận, cam kết trong hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng quy định tại Nghị định này phải được lập bằng văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương văn bản theo quy định của pháp luật.

4. Công ty thông tin tín dụng chỉ được thu thập thông tin tín dụng của khách hàng vay từ các tổ chức tham gia khi khách hàng vay đồng ý cho tổ chức tham gia này cung cấp thông tin tín dụng cho công ty thông tin tín dụng theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

5. Nguyên tắc cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng:

a) Công ty thông tin tín dụng thực hiện cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng theo quy định tại Điều 21 Nghị định này;

b) Công ty thông tin tín dụng chỉ được cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng có thông tin định danh của khách hàng vay cho tổ chức tham gia khác khi khách hàng vay đồng ý cho tổ chức này được sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng do công ty thông tin tín dụng cung cấp theo Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này, trừ trường hợp tổ chức này được khách hàng vay đồng ý theo quy định tại khoản 4 Điều này;

c) Công ty thông tin tín dụng không được cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng có thông tin định danh của khách hàng vay cho tổ chức, cá nhân khác quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 21 Nghị định này.

Điều 5. Nguyên tắc sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng

1. Sản phẩm thông tin tín dụng được sử dụng cho mục đích quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định này. Đối tượng sử dụng không được sửa đổi sản phẩm thông tin tín dụng và tự chịu trách nhiệm về các quyết định của mình khi sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng.

2. Đối tượng sử dụng không được cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng cho bên thứ ba, trừ các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 21 Nghị định này.

3. Việc sao chép, sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng trong nội bộ đối tượng sử dụng là tổ chức phải đảm bảo phù hợp với nội dung thỏa thuận với công ty thông tin tín dụng.

Điều 6. Các hành vi bị cấm trong hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng

1. Thu thập, cung cấp trái phép các thông tin thuộc phạm vi, danh mục bí mật của Nhà nước.

2. Cố ý làm sai lệch nội dung thông tin tín dụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan.

3. Trao đổi thông tin tín dụng, cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng sai đối tượng, sai mục đích, bất hợp pháp.

4. Lợi dụng hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng để tư lợi cá nhân, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

5. Cản trở hoạt động thu thập và sử dụng thông tin tín dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Điều 7. Báo cáo hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng

1. Công ty thông tin tín dụng gửi báo cáo bằng văn bản trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước hoặc qua dịch vụ bưu chính; hoặc bằng phương thức điện tử đến Ngân hàng Nhà nước các báo cáo sau:

a) Báo cáo tài chính theo quy định pháp luật;

b) Báo cáo tình hình hoạt động theo Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Báo cáo khi xảy ra sự cố lớn về kỹ thuật đối với cơ sở hạ tầng thông tin (như hỏng, trục trặc về phần cứng, phần mềm; cơ sở dữ liệu, hệ thống mạng, hệ thống an toàn bảo mật bị tấn công và các sự cố khác làm cho cơ sở hạ tầng thông tin của công ty thông tin tín dụng hoạt động bất bình thường) theo Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;

d) Báo cáo khi có một trong những thay đổi sau: người quản lý doanh nghiệp, thành viên Ban kiểm soát; số lượng tổ chức tham gia; thỏa thuận về quy trình thu thập, xử lý, lưu giữ và cung cấp thông tin tín dụng giữa công ty thông tin tín dụng với các tổ chức tham gia; cơ sở hạ tầng thông tin theo Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Thời hạn gửi báo cáo:

a) Báo cáo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thực hiện định kỳ theo tháng, quý, năm. Trong đó, báo cáo tháng gửi trước ngày 10 của tháng liền kề sau tháng báo cáo; báo cáo quý gửi trước ngày 20 của tháng liền kề sau quý báo cáo; báo cáo tài chính theo năm chưa kiểm toán gửi trong thời hạn 30 ngày, kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính; báo cáo tài chính theo năm được kiểm toán gửi trong thời hạn 90 ngày, kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính;

b) Báo cáo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thực hiện định kỳ theo quý, năm. Trong đó, báo cáo quý gửi trước ngày 20 của tháng liền kề sau quý báo cáo; báo cáo tình hình hoạt động theo năm gửi trong thời hạn 30 ngày, kể từ thời điểm kết thúc năm báo cáo;

c) Báo cáo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này phải báo cáo ngay trong ngày xảy ra sự cố. Nếu sự cố xảy ra vào ngày nghỉ hằng tuần hoặc ngày lễ thì báo cáo trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ;

d) Báo cáo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này thực hiện chậm nhất 07 ngày làm việc, kể từ ngày có thay đổi.

3. Thời gian chốt số liệu báo cáo:

a) Đối với báo cáo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này, thời gian chốt số liệu được xác định theo từng kỳ báo cáo tương ứng với kỳ kế toán theo quy định tại Luật Kế toán;

b) Đối với các báo cáo quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều này, thời gian chốt số liệu báo cáo được xác định theo từng nội dung được yêu cầu báo cáo khi phát sinh hoặc khi có thay đổi.

Điều 8. Thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước

1. Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng theo quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bao gồm:

a) Soạn thảo, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng;

b) Cấp, cấp lại, thay đổi nội dung và thu hồi Giấy chứng nhận của công ty thông tin tín dụng;

c) Thanh tra, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng của công ty thông tin tín dụng.

2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước đối với công ty thông tin tín dụng theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

Chương II. ĐIỀU KIỆN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP, CẤP LẠI, THAY ĐỔI NỘI DUNG VÀ THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN

Điều 9. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận

1. Có hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin đáp ứng yêu cầu tối thiểu sau đây:

a) Có tối thiểu 02 đường truyền số liệu, mỗi đường truyền của 01 nhà cung cấp dịch vụ;

b) Có cơ sở hạ tầng thông tin có khả năng tích hợp, kết nối được với hệ thống thông tin của tổ chức tham gia;

c) Có hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, hệ thống phần mềm tin học và các giải pháp kỹ thuật có khả năng thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng đối với tối thiểu 5.000.000 khách hàng vay;

d) Có phương án bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin;

đ) Có phương án dự phòng thảm họa, đảm bảo không bị gián đoạn các hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng quá 04 giờ làm việc.

2. Có vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng.

3. Có người quản lý doanh nghiệp, thành viên Ban kiểm soát đáp ứng yêu cầu sau đây:

a) Người quản lý doanh nghiệp, thành viên Ban kiểm soát không phải là người đã bị kết án về tội từ tội phạm nghiêm trọng trở lên, người đã bị kết án về tội xâm phạm sở hữu mà chưa được xóa án tích; người quản lý doanh nghiệp, thành viên Ban kiểm soát của công ty thông tin tín dụng bị thu hồi Giấy chứng nhận (trừ trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận theo quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 14 Nghị định này);

b) Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty có bằng đại học hoặc Trên đại học và có ít nhất 03 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, công nghệ thông tin;

c) Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên hợp danh có bằng đại học hoặc trên đại học, trong đó ít nhất 50% số thành viên có ít nhất 03 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, công nghệ thông tin;

d) Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) có bằng đại học hoặc trên đại học và có ít nhất 02 năm giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, công nghệ thông tin;

đ) Thành viên Ban kiểm soát có bằng đại học hoặc trên đại học và có ít nhất 02 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, công nghệ thông tin.

4. Có phương án kinh doanh đảm bảo không kinh doanh ngành nghề khác ngoài hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng.

5. Có tối thiểu 15 tổ chức tham gia là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô). Các tổ chức tham gia không có cam kết cung cấp thông tin tín dụng với công ty thông tin tín dụng khác.

6. Có văn bản thỏa thuận về cung cấp thông tin, sản phẩm thông tin tín dụng giữa công ty thông tin tín dụng với tổ chức tham gia, trong đó có tối thiểu các nội dung sau:

a) Nội dung, phạm vi thông tin tín dụng được cung cấp;

b) Thời gian, địa điểm, phương thức cung cấp, truyền đưa thông tin, dữ liệu, sản phẩm thông tin tín dụng;

c) Nguyên tắc, phạm vi, mục đích sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng;

d) Nghĩa vụ thông báo, thỏa thuận với khách hàng vay về việc sử dụng thông tin tín dụng của khách hàng vay;

đ) Trách nhiệm của các bên trong việc điều chỉnh, sửa chữa sai sót trong quá trình cập nhật, truyền đưa, xử lý, lưu giữ, khai thác và sử dụng thông tin tín dụng;

e) Trách nhiệm của các bên trong việc rà soát, đối chiếu, kiểm tra chất lượng và lưu giữ thông tin tín dụng;

g) Trách nhiệm và sự phối hợp của các bên khi giải quyết điều chỉnh sai sót về thông tin tín dụng của khách hàng vay;

h) Xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp;

i) Hiệu lực của văn bản thỏa thuận và đơn phương chấm dứt việc thực hiện thỏa thuận;

k) Các quyền, nghĩa vụ khác của các bên trong quá trình thu thập, xử lý, lưu giữ và cung cấp thông tin tín dụng.

Điều 10. Nguyên tắc lập và gửi hồ sơ

1. Hồ sơ phải được lập thành 01 bộ bằng tiếng Việt. Thành phần hồ sơ bằng tiếng nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam (trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật về hợp pháp hóa lãnh sự) và dịch ra tiếng Việt. Các bản dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt phải được công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký của người dịch theo quy định của pháp luật.

2. Đối với thành phần hồ sơ là bản sao không có chứng thực, không được cấp từ sổ gốc thì công ty thông tin tín dụng xuất trình kèm theo bản chính để đối chiếu; người đối chiếu ký xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính.

3. Hồ sơ được nộp tại bộ phận một cửa của Ngân hàng Nhà nước hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Ngân hàng Nhà nước.

Điều 11. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận

1. Công ty thông tin tín dụng lập hồ sơ đề nghị Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận, bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Điều lệ của doanh nghiệp (bản sao);

c) Hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng (bản sao);

d) Tài liệu về mức vốn điều lệ (bản sao) gồm: Văn bản chứng minh tương ứng với hình thức góp vốn: Xác nhận của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về số dư tài khoản đối với tiền mặt; kết quả thẩm định giá của tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp đối với các tài sản góp vốn khác phù hợp với quy định của Luật Giá, Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan; hoặc báo cáo tài chính được kiểm toán tại thời điểm gần nhất so với thời điểm gửi hồ sơ;

d) Bản kê danh sách và lý lịch của từng cá nhân là người quản lý doanh nghiệp, thành viên Ban kiểm soát theo Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này;

e) Phiếu lý lịch tư pháp (bản sao) của từng cá nhân là người quản lý doanh nghiệp, thành viên Ban kiểm soát:

Đối với cá nhân có quốc tịch Việt Nam: Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp, trong đó phải có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích (bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa) và thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã;

Đối với cá nhân không có quốc tịch Việt Nam: Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản có giá trị tương đương (có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích; thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã) phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp theo quy định. Trường hợp phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản có giá trị tương đương do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp không có thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã thì công ty thông tin tín dụng phải có văn bản giải trình về việc không có cơ quan có thẩm quyền của nước cấp lý lịch tư pháp hoặc văn bản có giá trị tương đương cung cấp thông tin này và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cá nhân đó không thuộc các trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ theo quy định pháp luật Việt Nam;

Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản có giá trị tương đương phải được cơ quan có thẩm quyền cấp trong vòng 06 tháng tính đến thời điểm công ty thông tin tín dụng nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận;

g) Phương án kinh doanh theo Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này;

h) Văn bản cam kết cung cấp thông tin tín dụng của các tổ chức tham gia theo Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này;

i) Văn bản thỏa thuận về cung cấp thông tin, sản phẩm thông tin tín dụng giữa công ty thông tin tín dụng với tổ chức tham gia (bản sao).

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của công ty thông tin tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi công ty thông tin tín dụng yêu cầu bổ sung hồ sơ trong trường hợp hồ sơ đề nghị không đầy đủ, hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận cho công ty thông tin tín dụng theo Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận, Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Điều 12. Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận

1. Công ty thông tin tín dụng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cấp lại Giấy chứng nhận trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy chứng nhận bị mất;

b) Giấy chứng nhận bị rách hoặc hư hỏng khác.

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận, bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Giấy chứng nhận đã bị rách, hư hỏng (trừ trường hợp bị mất).

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của công ty thông tin tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi công ty thông tin tín dụng yêu cầu bổ sung hồ sơ trong trường hợp hồ sơ đề nghị không đầy đủ, hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ của công ty thông tin tín dụng, Ngân hàng Nhà nước xem xét, cấp lại Giấy chứng nhận theo Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 13. Trình tự, thủ tục thay đổi nội dung Giấy chứng nhận

1. Công ty thông tin tín dụng đề nghị Ngân hàng Nhà nước thay đổi nội dung Giấy chứng nhận trong trường hợp thay đổi các thông tin sau đây:

a) Tên công ty thông tin tín dụng;

b) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

c) Vốn điều lệ;

d) Nơi đặt trụ sở chính;

đ) Người đại diện theo pháp luật.

2. Công ty thông tin tín dụng lập hồ sơ đề nghị thay đổi nội dung Giấy chứng nhận gửi Ngân hàng Nhà nước khi thay đổi một hoặc một số thông tin tại Giấy chứng nhận, bao gồm:

a) Đơn đề nghị thay đổi nội dung Giấy chứng nhận theo Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty về việc thay đổi nội dung Giấy chứng nhận (bản chính);

c) Các văn bản, giấy tờ chứng minh việc tiếp tục duy trì đủ điều kiện hoạt động trong trường hợp nội dung đề nghị thay đổi tại Giấy chứng nhận có liên quan đến điều kiện hoạt động của công ty thông tin tín dụng đảm bảo phù hợp với từng điều kiện quy định tại Nghị định này (bản sao).

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của công ty thông tin tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi công ty thông tin tín dụng yêu cầu bổ sung hồ sơ trong trường hợp hồ sơ đề nghị không đầy đủ, hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định thay đổi nội dung Giấy chứng nhận theo Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định này (Quyết định thay đổi nội dung Giấy chứng nhận là một bộ phận không tách rời của Giấy chứng nhận); trường hợp từ chối, Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Điều 14. Trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận

1. Công ty thông tin tín dụng bị Ngân hàng Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận trong các trường hợp sau đây:

a) Gian lận, giả mạo các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận;

b) Vi phạm nghiêm trọng một trong những hành vi bị cấm quy định tại Điều 6 Nghị định này;

c) Không đảm bảo duy trì các điều kiện quy định tại Điều 9 Nghị định này sau khi thực hiện phương án khắc phục theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

d) Không khai trương hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận;

đ) Công ty thông tin tín dụng thực hiện giải thể theo quy định của pháp luật;

e) Công ty thông tin tín dụng bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị định này.

2. Ngân hàng Nhà nước thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận như sau:

a) Trường hợp công ty thông tin tín dụng vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này, Ngân hàng Nhà nước quyết định thu hồi Giấy chứng nhận của công ty thông tin tín dụng căn cứ vào kết luận thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước hoặc đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác;

b) Trường hợp công ty thông tin tín dụng vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu công ty thông tin tín dụng xây dựng phương án khắc phục những vi phạm, gửi Ngân hàng Nhà nước và tổ chức thực hiện trong thời hạn tối đa 12 tháng, kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước yêu cầu công ty thông tin tín dụng xây dựng phương án khắc phục.

Ngân hàng Nhà nước quyết định thu hồi Giấy chứng nhận của công ty thông tin tín dụng khi đánh giá công ty thông tin tín dụng chưa khắc phục được những vi phạm trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày kết thúc thời gian khắc phục vi phạm theo phương án khắc phục;

c) Trường hợp công ty thông tin tín dụng vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều này, Ngân hàng Nhà nước quyết định thu hồi Giấy chứng nhận của công ty thông tin tín dụng trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc thời hạn khai trương hoạt động theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này;

d) Trường hợp công ty thông tin tín dụng thực hiện giải thể theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này, công ty thông tin tín dụng có văn bản thông báo với Ngân hàng Nhà nước về việc thực hiện giải thể doanh nghiệp và gửi kèm các tài liệu có liên quan trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông qua Quyết định giải thể doanh nghiệp hoặc ngày nhận được Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định giải thể của Tòa án theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước quyết định thu hồi Giấy chứng nhận của công ty thông tin tín dụng trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo và các tài liệu có liên quan của công ty thông tin tín dụng;

đ) Trường hợp công ty thông tin tín dụng thực hiện tổ chức lại theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều này, công ty thông tin tín dụng có văn bản thông báo với Ngân hàng Nhà nước về việc thực hiện tổ chức lại doanh nghiệp và gửi kèm các tài liệu có liên quan trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông qua nghị quyết chia công ty hoặc hợp đồng hợp nhất hoặc hợp đồng sáp nhập theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước quyết định thu hồi Giấy chứng nhận của công ty thông tin tín dụng trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo và các tài liệu có liên quan của công ty thông tin tín dụng.

3. Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận của công ty thông tin tín dụng theo Phụ lục XII ban hành kèm theo Nghị định này. Công ty thông tin tín dụng phải chấm dứt ngay hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng và nộp lại Giấy chứng nhận trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận có hiệu lực thi hành.

4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận có hiệu lực thi hành, Công ty thông tin tín dụng bị thu hồi Giấy chứng nhận xây dựng phương án xử lý thông tin tín dụng đang lưu giữ tại công ty thông tin tín dụng theo một trong các hình thức sau:

a) Chuyển nhượng cho công ty thông tin tín dụng khác khi được sự đồng ý của các tổ chức tham gia và không vi phạm thỏa thuận với khách hàng vay có thông tin tín dụng. Công ty thông tin tín dụng gửi văn bản thông báo kết quả chuyển nhượng cho Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc chuyển nhượng;

b) Chuyển giao cho Ngân hàng Nhà nước khi được sự đồng ý của các tổ chức tham gia và không vi phạm thỏa thuận với khách hàng vay có thông tin tín dụng. Việc quản lý, sử dụng thông tin tín dụng được chuyển giao thực hiện theo quy định của pháp luật về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước;

c) Tự tổ chức tiêu hủy, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, an toàn, bảo mật thông tin tín dụng được tiêu hủy và gửi văn bản thông báo kết quả tiêu hủy cho Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc tiêu hủy.

......................

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Tín dụng được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Đánh giá bài viết
1 55
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo