Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thủy sản

Nghị định số 42/2019/NĐ-CP

Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Tóm tắt nội dung Nghị định 42/2019/NĐ-CP

Khai thác thủy sản bằng tàu dài trên 24m trái phép, phạt đến 01 tỷ đồng

Đây là nội dung được Chính phủ thông qua tại Nghi định 42/2019/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản ngày 16/05/2019.

Theo đó, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng nếu không đăng ký nuôi trồng thủ sản lồng bè hoặc không đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Bên cạnh đó, đối với hành vi không đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất hoặc trang thiết bị kỹ thuật về điều kiện nuôi trồng thủy sản theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.

Đặc biệt, mức phạt cao nhất lên đến 01 tỷ đồng đối với chủ tàu cá có một trong các hành vi sau đây:

Thứ nhất, sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam hoặc không trang bị thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất 24m trở lên theo quy định.

Thứ hai, khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 05/07/2019.

Nghị định này:
- Làm hết hiệu lực Nghị định 103/2013/NĐ-CP
- Làm hết hiệu lực một phần Nghị định 41/2017/NĐ-CP; Nghị định 64/2018/NĐ-CP
- Sửa đổi, bổ sung Nghị định 119/2017/NĐ-CP
- Hướng dẫn Luật Thủy sản 2017

Nội dung Nghị định 42 2019

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/2019/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2019

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THỦY SẢN

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

2. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

Điều 2. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.

2. Tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện);

b) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật hợp tác xã gồm: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

c) Tổ chức được thành lập theo quy định của Luật đầu tư gồm: Nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam;

d) Tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

đ) Đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

3. Hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, hộ gia đình thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bị xử phạt vi phạm như đối với cá nhân.

Điều 3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản là một năm; trừ các trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu tàu cá, giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là hai năm.

Điều 4. Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả

1. Đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, tổ chức, cá nhân phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền.

2. Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, bao gồm: Tàu cá, ngư cụ, công cụ kích điện, chất cấm, hóa chất, hóa chất cấm, chất độc, thủy sản và sản phẩm thủy sản khai thác, giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.

3. Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định này quy định các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

a) Buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng;

b) Buộc chuyển giao thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã chết cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý;

c) Buộc thả bổ sung thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo quy định;

d) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với các phân khu chức năng trong Khu bảo tồn biển, môi trường sống của thủy sản, khu vực biển, vùng đất cảng cá, vùng nước cảng cá và công trình cảng cá;

đ) Buộc tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng giống thủy sản, loài thủy sản, sản phẩm thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;

e) Buộc tái xuất giống thủy sản, loài thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu;

g) Buộc tái chế thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;

h) Buộc chủ tàu cá chi trả kinh phí đưa công dân Việt Nam bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ về nước;

i) Buộc tháo dỡ tàu cá thuộc diện cấm phát triển hoặc tàu cá được đóng mới, cải hoán không có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền;

k) Buộc treo Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc cờ quốc tịch;

l) Buộc trả lại diện tích đã lấn chiếm;

m) Buộc tái xuất tàu cá.

Điều 5. Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền trong hoạt động thủy sản

1. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực thủy sản là 1.000.000.000 đồng.

2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điều 40 Nghị định này. Trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

3. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức bằng hai lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.

Chương II. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Mục 1. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN

Điều 6. Vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản

1. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của loài thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không dành hành lang di chuyển cho loài thủy sản khi khai thác thủy sản bằng nghề cố định ở các sông, hồ, đầm, phá; không tạo đường di cư hoặc dành hành lang di chuyển cho loài thủy sản khi xây dựng mới, thay đổi hoặc phá bỏ công trình hoặc có hoạt động liên quan đến đường di cư của loài thủy sản; cản trở trái phép đường di cư tự nhiên của loài thủy sản;

b) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi hủy hoại nguồn lợi thủy sản hoặc hệ sinh thái thủy sinh hoặc khu vực thủy sản tập trung sinh sản hoặc khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống; phá hoại nơi cư trú của loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm hoặc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

c) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm hoặc gây hại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

d) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi thăm dò, khai thác tài nguyên, xây dựng, phá bỏ công trình dưới mặt nước, lòng đất dưới nước làm suy giảm hoặc mất đi nguồn lợi thủy sản hoặc gây tổn hại đến môi trường sống, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, đường di cư của loài thủy sản.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều này.

Điều 7. Vi phạm quy định về khu vực cấm khai thác thủy sản

1. Khai thác thủy sản trong khu vực cấm khai thác hoặc khu vực cấm khai thác có thời hạn mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét để khai thác thủy sản hoặc khai thác thủy sản mà không sử dụng tàu cá;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét để khai thác thủy sản;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét để khai thác thủy sản;

d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên để khai thác thủy sản.

2. Đối với hành vi sử dụng tàu cá làm nghề lưới kéo, nghề và ngư cụ kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu tay mực) vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền đã được quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu ngư cụ khai thác thủy sản đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;

b) Buộc chuyển giao số thủy sản thuộc Nhóm I của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã chết cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Điều 8. Vi phạm quy định về quản lý các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng nội dung văn bản chấp thuận hoặc phương án khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

2. Khai thác trái phép loài thủy sản không đảm bảo điều kiện theo quy định thuộc Nhóm II của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản dưới 10 kg;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản từ 10 kg đến dưới 20 kg;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản từ 20 kg đến dưới 50 kg;

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản từ 50 kg đến dưới 100 kg;

đ) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản từ 100 kg trở lên.

3. Khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Nhóm I của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản dưới 10 kg;

b) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản từ 10 kg đến dưới 20 kg;

c) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản từ 20 kg đến dưới 50 kg;

d) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản từ 50 kg đến dưới 100 kg;

đ) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản từ 100 kg trở lên.

4. Phạt tiền 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không thả đủ số lượng cá thể loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm sản xuất được vào vùng nước tự nhiên trong thời gian quy định khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác thủy sản nguy cấp, quý, hiếm sản để nghiên cứu tạo nguồn giống và sản xuất giống thủy sản.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2, điểm d và điểm đ khoản 3 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;

b) Buộc chuyển giao thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã chết cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;

c) Buộc thả bổ sung thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

Điều 9. Vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn biển

1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm tại vùng đệm của khu bảo tồn biển như sau:

a) Thả phao trái phép;

b) Điều tra, nghiên cứu khoa học khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

c) Tàu cá, tàu biển và các loại phương tiện thủy khác hoạt động trái phép;

d) Tổ chức hoạt động dịch vụ, du lịch trái phép;

đ) Xây dựng trái phép công trình hạ tầng;

e) Nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản trái phép.

2. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện trong phân khu dịch vụ - hành chính của khu bảo tồn biển.

3. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm tại phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn biển như sau:

a) Hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

b) Hành vi bị cấm thực hiện trong phân khu phục hồi sinh thái.

4. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi thực hiện trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt như sau:

a) Hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này;

b) Hành vi bị cấm thực hiện trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này.

Mục 2. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ GIỐNG THỦY SẢN

Điều 10. Vi phạm quy định về sản xuất, ương dưỡng, khảo nghiệm giống thủy sản

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không báo cáo trong quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định;

b) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh về việc sử dụng giống thủy sản bố mẹ;

c) Không ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản phục vụ truy xuất nguồn gốc.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không tuân thủ quy định về thời hạn sử dụng giống thủy sản bố mẹ;

b) Công bố không đúng kết quả khảo nghiệm.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện theo quy định.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bố mẹ không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện theo quy định,

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc chuyển mục đích sử dụng giống thủy sản nếu đáp ứng quy định của mục đích chuyển đổi; trường hợp không thể chuyển đổi mục đích sử dụng thì buộc tiêu hủy giống thủy sản, giống thủy sản bố mẹ đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này;

b) Buộc cải chính kết quả khảo nghiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Điều 11. Vi phạm quy định về xuất khẩu giống thủy sản

1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi xuất khẩu giống thủy sản có tên trong Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện nhưng không đáp ứng điều kiện, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thả giống thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng, trường hợp không đủ điều kiện để thả lại môi trường sống của chúng thì tiêu hủy theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 12. Vi phạm quy định về đặt tên giống thủy sản

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đặt tên giống thủy sản không theo quy định.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tiêu hủy nhãn hàng hóa và buộc cải chính tên giống thủy sản trong các tài liệu đã thể hiện tên giống thủy sản đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Mục 3. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ THỨC ĂN THỦY SẢN, SẢN PHẨM XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Điều 13. Vi phạm quy định về gửi thông tin sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trước khi lưu thông trên thị trường

1. Lưu thông thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên thị trường khi chưa gửi thông tin đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi chưa gửi thông tin dưới 3 sản phẩm;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi chưa gửi thông tin từ 3 sản phẩm đến dưới 5 sản phẩm;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi chưa gửi thông tin từ 5 sản phẩm đến dưới 10 sản phẩm;

d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi chưa gửi thông tin từ 10 sản phẩm trở lên.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tái chế sản phẩm nếu đáp ứng yêu cầu tái chế hoặc chuyển mục đích sử dụng nếu sản phẩm đáp ứng quy định của mục đích chuyển đổi, trường hợp không thể chuyển đổi mục đích sử dụng thì buộc tiêu hủy sản phẩm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 14. Vi phạm quy định về điều kiện cơ sở sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cơ sở mua bán, nhập khẩu thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Nơi bày bán, bảo quản thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản không cách biệt với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại;

b) Không có thiết bị, dụng cụ để bảo quản thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc chuyển mục đích sử dụng nếu sản phẩm đáp ứng quy định của mục đích chuyển đổi, trường hợp không thể chuyển đổi mục đích sử dụng thì buộc tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 15. Vi phạm quy định về sản xuất, nhập khẩu, mua bán thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

1. Không ghi, lưu giữ hồ sơ sản xuất theo quy trình sản xuất kiểm soát chất lượng sản phẩm, an toàn sinh học bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không ghi, lưu giữ hồ sơ sản xuất dưới 5 sản phẩm;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi không ghi, lưu giữ hồ sơ sản xuất từ 5 sản phẩm đến dưới 10 sản phẩm;

c) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không ghi, lưu giữ hồ sơ sản xuất từ 10 sản phẩm đến dưới 15 sản phẩm;

d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không ghi, lưu giữ hồ sơ sản xuất từ 15 sản phẩm trở lên.

2. Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất dưới 3 sản phẩm;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất từ 3 sản phẩm đến dưới 5 sản phẩm;

c) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất từ 5 sản phẩm đến dưới 10 sản phẩm;

d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất từ 10 sản phẩm trở lên.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có thành phần không có tên trong Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tái chế nếu đáp ứng quy định của mục đích tái chế hoặc chuyển mục đích sử dụng nếu đáp ứng quy định của mục đích chuyển đổi, trường hợp không thể chuyển đổi mục đích sử dụng thì buộc tiêu hủy sản phẩm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và sản phẩm được sản xuất trong nước quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Buộc tái xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu, trường hợp không thể tái xuất thì buộc tiêu hủy sản phẩm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 16. Vi phạm quy định về khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi công bố không đúng kết quả khảo nghiệm.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc cải chính kết quả khảo nghiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Mục 4. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Điều 17. Vi phạm quy định về điều kiện nuôi trồng thủy sản

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè hoặc không đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất hoặc trang thiết bị kỹ thuật theo quy định.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi nuôi trồng thủy sản trên biển không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc di dời, tháo dỡ công trình nuôi thủy sản vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 18. Vi phạm quy định về nhập khẩu, xuất khẩu thủy sản sống

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu thủy sản sống dùng làm thực phẩm, làm cảnh hoặc giải trí chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi xuất khẩu loài thủy sản sống có tên trong Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu lô hàng thủy sản đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 19. Vi phạm quy định về nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm không thuộc Phụ lục của Công ước CITES

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không ghi chép vào sổ theo dõi nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo quy định.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nuôi sinh trưởng, sinh sản và trồng cấy nhân tạo các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục của Công ước CITES không đăng ký mã số cơ sở nuôi, trồng theo quy định.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi nuôi sinh trưởng, sinh sản, trồng cấy nhân tạo loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo quy định.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu thủy sản không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

Mục 5. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ KHAI THÁC THỦY SẢN

Điều 20. Vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản

1. Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với chủ tàu cá có một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam;

b) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên để chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản từ tàu cá không có Giấy phép khai thác thủy sản, giấy phép hết hạn hoặc hỗ trợ hoạt động thăm dò, tìm kiếm, dẫn dụ, vận chuyển thủy sản cho tàu được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng;

c) Không trang bị thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét theo quy định;

d) Không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên, trừ trường hợp bất khả kháng;

đ) Không ghi nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên;

e) Cung cấp thiết bị giám sát hành trình cho ngư dân không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

2. Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng đối với chủ tàu cá có một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;

b) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên để chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản từ tàu cá không có Giấy phép khai thác thủy sản, giấy phép hết hạn hoặc hỗ trợ hoạt động thăm dò, tìm kiếm, dẫn dụ, vận chuyển thủy sản cho tàu được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần, trừ trường hợp bất khả kháng;

c) Không trang bị thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét theo quy định trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;

d) Không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần, trừ trường hợp bất khả kháng;

đ) Không ghi nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;

e) Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

g) Không ghi nhật ký khai thác thủy sản hoặc ghi không chính xác so với yêu cầu của Tổ chức nghề cá khu vực hoặc báo cáo sai một cách nghiêm trọng đối với quy định của Tổ chức nghề cá khu vực khi hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực;

h) Khai thác thủy sản quá hạn mức do Tổ chức nghề cá khu vực cấp phép.

3. Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với chủ tàu cá có một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam;

b) Khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn;

c) Tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn;

d) Sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc thẩm quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực;

đ) Sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực;

e) Sử dụng tàu cá vi phạm quy định về quản lý và bảo tồn tại vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của các Tổ chức nghề cá khu vực mà Việt Nam là thành viên;

g) Không trang bị thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên theo quy định;

h) Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong trường hợp tái phạm;

i) Khai thác thủy sản quá hạn mức do Tổ chức nghề cá khu vực cấp phép trong trường hợp tái phạm.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu thủy sản khai thác, chuyển tải trái phép đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a và điểm b khoản 1, điểm a, b và điểm h khoản 2 và các điểm a, b, c, d, đ và i khoản 3 Điều này;

b) Tịch thu tàu cá đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 3 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá Việt Nam từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này;

d) Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm g khoản 2 và điểm đ, e và điểm g khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc chủ tàu cá phải chi trả toàn bộ kinh phí đưa ngư dân bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ về nước và các chi phí liên quan khác đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

Điều 21. Vi phạm quy định về vùng khai thác thủy sản

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển ven bờ tỉnh khác.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét khai thác thủy sản tại vùng lộng hoặc vùng khơi.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét khai thác thủy sản tại vùng ven bờ hoặc vùng khơi.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét khai thác thủy sản tại vùng ven bờ, vùng lộng.

5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên khai thác thủy sản tại vùng ven bờ hoặc vùng lộng.

6. Đối với hành vi sử dụng tàu cá làm nghề lưới kéo, nghề và ngư cụ kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu tay mực) khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định tại các khoản 3,4 và 5 Điều này.

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3,4, 5 và 6 Điều này.

Điều 22. Vi phạm quy định về hạn ngạch sản lượng khai thác thủy sản

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi khai thác thủy sản vượt từ 10% đến dưới 20% hạn ngạch sản lượng cho phép khai thác.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi khai thác thủy sản vượt từ 20% đến 30% hạn ngạch sản lượng cho phép khai thác.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi khai “thác thủy sản vượt từ 30% trở lên hạn ngạch sản lượng cho phép khai thác.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu thủy sản khai thác vượt quá hạn ngạch sản lượng cho phép khai thác đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 23. Vi phạm quy định về Giấy phép khai thác thủy sản

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét đến dưới 12 mét khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn;

b) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 15 mét khai thác thủy sản không đúng nghề ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn;

b) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên khai thác thủy sản không đúng nghề ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản.

3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp tái phạm một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn trong trường hợp tái phạm;

b) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên khai thác thủy sản không đúng nghề ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản trong trường hợp tái phạm.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu thủy sản khai thác đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;

b) Tịch thu ngư cụ đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 06 tháng đến 12 tháng hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 24. Vi phạm quy định về chuyển tải thủy sản hoặc hỗ trợ cho tàu cá khai thác bất hợp pháp

1. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24 mét để chuyển tải thủy sản từ tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp hoặc hỗ trợ hoạt động thăm dò, tìm kiếm, dẫn dụ, vận chuyển thủy sản cho tàu cá được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng.

2. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với trường hợp tái phạm hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản, văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Tịch thu thủy sản khai thác bất hợp pháp đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 25. Vi phạm quy định về nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không nộp báo cáo khai thác thủy sản đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét đến dưới 12 mét theo quy định;

b) Ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24 mét theo quy định.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không có, không ghi, không nộp nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24 mét theo quy định.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không ghi nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét theo quy định, trong trường hợp tái phạm.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản, văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 26. Vi phạm quy định về hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài

1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước khi đưa tàu vào vùng biển Việt Nam theo quy định;

b) Cập không đúng cảng được ghi trong Giấy phép hoạt động thủy sản, trừ trường hợp bất khả kháng;

c) Không mang đầy đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật Việt Nam;

d) Không có hoặc không ghi hoặc ghi không đầy đủ hoặc không nộp: nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản hoặc không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định;

đ) Không tiếp nhận giám sát viên hoặc trả giám sát viên không đúng địa điểm hoặc không bảo đảm điều kiện làm việc, sinh hoạt cho giám sát viên theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi hoạt động không đúng vùng, nghề, lĩnh vực hoạt động ghi trong giấy phép hoạt động thủy sản.

3. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng trong trường hợp tái phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động thủy sản từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 27. Vi phạm quy định về ngư cụ khai thác thủy sản

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vứt bỏ trái phép ngư cụ xuống vùng nước tự nhiên.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không đánh dấu ngư cụ hoặc đánh dấu ngư cụ không đúng quy định.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng ngư cụ làm cản trở hoặc gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân đang khai thác thủy sản hợp pháp hoặc thả neo tại nơi có ngư cụ của tổ chức, cá nhân đang khai thác thủy sản hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.

Điều 28. Vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

3. Phạt tiền đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản như sau:

a) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1,2, 3 và 4 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

Điều 29. Vi phạm quy định về tàng trữ, sử dụng chất cấm, hóa chất cấm, chất độc để khai thác thủy sản

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ chất cấm, hóa chất cấm, chất độc trên tàu cá.

2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm, hóa chất cấm, chất độc, hóa chất khác để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này đối với trường hợp có Giấy phép khai thác thủy sản;

b) Tịch thu chất cấm, hóa chất, hóa chất cấm, chất độc và thủy sản khai thác đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 30. Vi phạm quy định về treo cờ quốc tịch và treo Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi không treo Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc treo không đúng quy định đối với tàu cá Việt Nam.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không treo cờ quốc tịch, Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc treo không đúng quy định đối với tàu cá nước ngoài.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc treo Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc cờ quốc tịch theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Mục 6. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ TÀU CÁ, CẢNG CÁ, KHU NEO ĐẬU TRÁNH TRÚ BÃO CHO TÀU CÁ

Điều 31. Vi phạm quy định về đóng mới, cải hoán tàu cá

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đóng mới, cải hoán tàu cá không đúng thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đóng mới, cải hoán tàu cá không có thiết kế kỹ thuật được phê duyệt.

3. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi đóng mới, cải hoán tàu cá không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện theo quy định hoặc không đúng với nội dung Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện.

4. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi đóng mới, cải hoán tàu cá không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tháo dỡ tàu cá đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều này.

Điều 32. Vi phạm quy định về nhập khẩu tàu cá (không áp dụng đối với trường hợp tàu cá do Chính phủ, tổ chức, cá nhân nước ngoài viện trợ cho Việt Nam)

1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu tàu cá có đặc điểm, thông số kỹ thuật không đúng với giấy phép nhập khẩu.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tái xuất tàu cá đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 33. Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ trang thiết bị an toàn tàu cá đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét khi hoạt động khai thác thủy sản.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ trang thiết bị an toàn tàu cá đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên khi hoạt động khai thác thủy sản.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá hoặc Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đã hết hạn đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên khi hoạt động khai thác thủy sản.

Điều 34. Vi phạm quy định về đăng kiểm tàu cá

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi báo cáo không đầy đủ về công tác đăng kiểm tàu cá theo quy định.

2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo về công tác đăng kiểm tàu cá theo quy định.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi ký, sử dụng con dấu và ấn chỉ nghiệp vụ khi lập hồ sơ đăng kiểm cho tàu cá và trang thiết bị lắp đặt trên tàu cá không đúng quy định.

4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi làm sai lệch kết quả kiểm tra hoặc thực hiện đăng kiểm không đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng tàu hoặc đăng kiểm cho tàu cá không có dấu hiệu nhận biết theo quy định.

5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Thực hiện đăng kiểm tàu cá khi cơ sở đăng kiểm không được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá;

b) Đăng kiểm tàu cá không đúng với nội dung trong Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá;

c) Thực hiện đăng kiểm tàu cá khi cơ sở đăng kiểm không duy trì đầy đủ điều kiện theo quy định;

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Thẻ Đăng kiểm viên tàu cá từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 và các điểm a, b, c khoản 5 Điều này.

Điều 35. Vi phạm quy định về thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá

1. Phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tháo thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá mà không có sự giám sát của đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không trang bị thiết bị thông tin liên lạc theo quy định;

b) Không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét, trừ trường hợp bất khả kháng;

c) Không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng, trừ trường hợp bất khả kháng;

d) Không báo cáo hoặc báo cáo không đúng về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá cho cơ quan quản lý để thực hiện kiểm tra theo quy định;

đ) Không thực hiện kẹp chì khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá theo quy định hoặc không thông báo mẫu kẹp chì cho cơ quan quản lý theo quy định;

e) Không thực hiện bảo mật dữ liệu giám sát hành trình tàu cá đúng quy định.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp tái phạm hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và các điểm b, c và d khoản 3 Điều này.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 36. Vi phạm quy định về đánh dấu tàu cá

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không đánh dấu nhận biết tàu cá hoặc đánh dấu sai quy định trong trường hợp sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét để khai thác thủy sản.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi không đánh dấu nhận biết tàu cá hoặc đánh dấu sai quy định trong trường hợp sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét để khai thác thủy sản.

3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không đánh dấu nhận biết tàu cá hoặc đánh dấu sai quy định trong trường hợp sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên để khai thác thủy sản.

Điều 37. Vi phạm quy định về đăng ký tàu cá

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không viết số đăng ký tàu cá hoặc viết số đăng ký tàu cá không đúng quy định.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký tàu cá hoặc không đăng ký lại tàu cá theo quy định.

Điều 38. Vi phạm quy định về thuyền viên, người làm việc trên tàu cá

1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với thuyền viên, người làm việc trên tàu cá không mang theo giấy tờ tùy thân.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với thuyền viên trên tàu cá không có tên trong Sổ danh bạ thuyền viên tàu cá.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối một trong các hành vi sau đây:

a) Thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định

b) Không có Sổ danh bạ thuyền viên tàu cá theo quy định.

4. Đối với hành vi không mua bảo hiểm cho thuyền viên tàu cá bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với chủ tàu cá không mua bảo hiểm thuyền viên dưới 3 thuyền viên làm việc trên tàu cá;

b) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với chủ tàu cá không mua bảo hiểm thuyền viên từ 3 dưới 5 thuyền viên làm việc trên tàu cá;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với chủ tàu cá không mua bảo hiểm thuyền viên từ 5 đến dưới 10 thuyền viên làm việc trên tàu cá;

d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với chủ tàu cá không mua bảo hiểm thuyền viên từ 10 thuyền viên trở lên làm việc trên tàu cá.

Điều 39. Vi phạm quy định về cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không thông báo hoặc thông báo không đầy đủ các thông tin theo quy định cho tổ chức quản lý cảng cá trước khi vào hoặc rời cảng cá theo quy định.

b) Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên không cập cảng cá có tên trong Danh sách cảng cá chỉ định để bốc dỡ thủy sản;

c) Không tuân thủ nội quy và sự điều động của tổ chức quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển tàu cá và phương tiện khác gây hại đến công trình cảng cá.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hủy, tháo dỡ, làm thay đổi các công trình, trang thiết bị của cảng cá.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lấn chiếm vùng đất, vùng nước, công trình cảng cá.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;

b) Buộc trả lại diện tích đã lấn chiếm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

............................................................

Mời các bạn sử dụng file tải về trong bài để xem toàn bộ nội dung Nghị định xử phạt trong lĩnh vực thủy sản 42/2019/NĐ-CP.

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Nông lâm ngư nghiệp được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Chính phủNgười ký:Nguyễn Xuân Phúc
Số hiệu:42/2019/NĐ-CPLĩnh vực:Nông lâm ngư nghiệp
Ngày ban hành:27/05/2019Ngày hiệu lực:05/07/2019
Loại văn bản:Nghị địnhNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:Còn hiệu lực
Đánh giá bài viết
1 903
0 Bình luận
Sắp xếp theo