Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Nghị định 155/2016/NĐ-CP - Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, tăng mức phạt tiền (tăng từ 10 đến 25 lần) từ ngày 01/02/2017 đối với hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng, cụ thể như sau: Vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 0.5 đến 1 triệu đồng,...

Nghị định 154/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải

Thông tư 26/2015/TT-BTNMT quy định đề án bảo vệ môi trường chi tiết và đơn giản

CHÍNH PHỦ
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 155/2016/NĐ-CP Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2016

NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Pháp lệnh Cảnh sát môi trường ngày 23 tháng 12 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định này bao gồm:

a) Các hành vi vi phạm các quy định về kế hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường và đề án bảo vệ môi trường;

b) Các hành vi gây ô nhiễm môi trường;

c) Các hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải;

d) Các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ (sau đây gọi chung là cơ sở) và khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu kinh doanh dịch vụ tập trung (sau đây gọi chung là khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung);

đ) Các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, chế phẩm sinh học; nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; hoạt động lễ hội, du lịch và khai thác khoáng sản;

e) Các hành vi vi phạm các quy định về thực hiện phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường;

g) Các hành vi vi phạm hành chính về đa dạng sinh học bao gồm: Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên; bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật và bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền;

h) Các hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và các hành vi vi phạm quy định khác về bảo vệ môi trường được quy định cụ thể tại Chương II Nghị định này.

3. Các hành vi vi phạm hành chính có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường mà không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân, tổ chức trong nước và cá nhân, tổ chức nước ngoài (sau đây gọi chung là cá nhân, tổ chức) có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều bị xử phạt theo các quy định tại Nghị định này hoặc các Nghị định có liên quan.

2. Hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Xả nước thải vào môi trường là việc cá nhân, tổ chức xả các loại nước thải vào môi trường đất, nước dưới đất, nước mặt bên trong và ngoài cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung. Trường hợp xả nước thải vào môi trường đất, nước dưới đất, nước mặt (ao, hồ, hố,... trong khuôn viên của cơ sở) khi tính số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, giá trị nguồn tiếp nhận Kq được tính bằng 0,6 theo quy chuẩn kỹ thuật đó.

2. Thải bụi, khí thải vào môi trường là việc cá nhân, tổ chức làm phát sinh bụi, khí thải vào môi trường không khí.

3. Thông số môi trường nguy hại trong nước thải là các thông số môi trường có tên trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại, chi tiết trong Mục I Phụ lục I kèm theo Nghị định này.

4. Thông số môi trường nguy hại trong khí thải và môi trường không khí là các thông số môi trường có tên trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh, chi tiết trong Mục II Phụ lục I kèm theo Nghị định này.

5. Thông số môi trường thông thường là các thông số môi trường có tên trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải và môi trường xung quanh, trừ các thông số môi trường quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

6. Khai thác trái phép loài sinh vật là các hành vi săn bắt, đánh bắt, bẫy bắt, hái, lượm, thu giữ nhằm lấy các sinh vật (bao gồm động vật, thực vật, nấm, vi sinh vật), bộ phận hoặc dẫn xuất của các loài động vật, thực vật mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vượt quá số lượng cho phép trong giấy phép khai thác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Bản kế hoạch bảo vệ môi trường bao gồm: Bản kê khai các hoạt động sản xuất có ảnh hưởng đến môi trường; bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; bản cam kết bảo vệ môi trường và bản kế hoạch bảo vệ môi trường;

8. Báo cáo đánh giá tác động môi trường bao gồm: Báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ; báo cáo đánh giá tác động môi trường chi tiết; báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ sở đang hoạt động; báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung và báo cáo đánh giá tác động môi trường.

9. Phương án cải tạo, phục hồi môi trường bao gồm: Đề án ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường; dự án cải tạo, phục hồi môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung và phương án cải tạo, phục hồi môi trường.

10. Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường bao gồm: Giấy xác nhận về việc thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án trước khi đi vào vận hành chính thức; Giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án; Giấy xác nhận việc đã thực hiện một trong các hạng mục công trình của dự án đã được đầu tư trong trường hợp dự án được phân kỳ đầu tư theo nhiều giai đoạn trước khi đưa dự án, công trình vào vận hành chính thức và Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

11. Giấy xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường là Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường.

12. Giấy phép xử lý chất thải nguy hại bao gồm: Giấy phép hành nghề vận chuyển chất thải nguy hại; Giấy phép hành nghề xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại; Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại và Giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

13. Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất bao gồm: Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu và Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Đánh giá bài viết
1 15.072
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo