Lễ thất tịch là ngày mấy?

Lễ Thất Tịch là ngày gì? Lễ Thất tịch 2022 ngày nào? Chắc hẳn đối với rất nhiều người, lễ Thất Tịch là một ngày lễ vẫn còn khá xa lạ. Trong bài viết này Hoatieu sẽ chia sẻ cho các bạn một số thông tin về ngày Thất Tịch trong tháng 7 âm lịch để các bạn cùng tìm hiểu.

1. Lễ Thất Tịch 2022 ngày bao nhiêu?

Theo quan niệm của người phương Đông thì Lễ Thất Tịch hằng năm được coi là ngày lễ tình yêu. Vậy Lễ Thất Tịch 2022 là ngày nào?

Theo truyền thuyết Lễ Thất Tịch có nguồn gốc từ Trung Quốc và gắn liền với sự tích Ngưu Lang Chức Nữ. Ngày Thất Tịch là ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch. Như vậy theo lịch dương thì ngày Thất Tịch năm 2022 sẽ rơi vào ngày thứ 5 tức 04/8/2022 Dương lịch. Tuy không phải là một ngày lễ lớn nhưng ngày Lễ Thất Tịch cũng được rất nhiều bạn trẻ quan tâm.

2. Ngày Thất Tịch là ngày gì?

Nếu như phương Tây có ngày 14/2 là ngày Valentine - ngày lễ Tình Nhân thì ở một số nước phương Đông, người dân cũng có ngày lễ Tình Nhân riêng của mình, đó là ngày Thất Tịch. Ngày Thất Tịch tức ngày 7 tháng 7 Âm lịch được coi là ngày lễ Thất Tịch ở một số nước Đông Á như Việt Nam và Trung Quốc, ngày "ông Ngâu bà Ngâu" hay ngày Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau.

Ngày Thất Tịch

3. Ý nghĩa của lễ Thất Tịch

3.1. Ý nghĩa ngày lễ Thất Tịch trong văn hóa Trung Quốc

Lễ Thất Tịch là ngày lễ có nguồn gốc từ Trung Quốc, được gọi là "lễ Tình Nhân của người Châu Á", gắn liền với sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ. Chuyện xưa kể rằng, Ngưu Lang là chàng trai chăn trâu nhà nghèo, nhưng có phẩm chất tốt, hiền lành và chăm chỉ làm ăn. Trong một lần tình cờ Ngưu Lang đã gặp Chức Nữ, nàng tiên dệt vải, con gái của Vương Mẫu Nương Nương. Mối tình tiên - phàm dần đơm hoa kết trái giữa hai người, họ nên duyên vợ chồng và chung sống hạnh phúc, cùng nhau có hai người con, một trai một gái.

Nhưng cuộc sống êm đềm vốn không kéo dài được lâu khi một ngày kia Chức Nữ buộc phải quay về thiên đình theo lệnh của Ngọc Đế. Chàng Ngưu Lang nhớ thương, đau xót khôn cùng đã mang theo hai con thơ đuổi theo nàng nhưng không thể qua khỏi sông Ngân Hà, đây là ranh giới phân chia giữa hai cõi phàm tục. Ngưu Lang nhất định không chịu từ bỏ và một mực ở đó đợi chờ Chức Nữ quay về. Cũng từ đó, bên cạnh sông Ngân Hà xuất hiện thêm một vì sao, mọi người gọi đó là sao Ngưu Lang.

Cảm động trước tấm chân tình của hai người, Vương Mẫu đã đồng ý cho họ mỗi năm một lần vào ngày Thất Tịch (7 tháng 7 âm lịch) được gặp nhau trên chiếc cầu Ô Thước do đàn quạ trời tạo nên. Thất Tịch là một lễ quan trọng của người Trung Quốc, còn có tên gọi khác như Lễ hội Trùng Thất, Khất xảo tiết, ngày Thất thư đản, ngày Xảo tịch. Tuy nhiên, theo thời gian, những phong tục cổ trong ngày lễ này đã và đang dần mai một trên chính quê hương của nó, chỉ những năm gần đây giới trẻ Trung Quốc mới dần đem ngày lễ này trở lại nhưng những phong tục cũ đã không còn được lưu giữ lại nhiều.

3.2. Ngày Thất Tịch của người Hàn Quốc

Lễ Thất Tịch trong văn hóa của người Hàn Quốc còn được gọi là lễ Chilseok, ý nghĩa và các hoạt động cũng có khá nhiều khác biệt so với văn hóa Trung Hoa. Lễ Chilseok rơi vào khoảng thời gian khi thời tiết nóng nực qua đi và mùa mưa bắt đầu, mưa rơi trong ngày này được gọi nước Chilseok. Bí ngô, dưa chuột và dưa hấu bắt đầu phát triển mạnh trong thời gian này, vì vậy chúng được dùng rất nhiều trong lễ hội.

Trong lễ hội Chilseok, người Hàn Quốc sẽ tắm với mong muốn đem lại một sức khỏe tốt. Ngoài ra, họ còn ăn mì và bánh nướng. Chilseok được biết đến như là lễ hội để thưởng thức đồ ăn làm từ lúa mì bởi sau ngày lễ Chilseok, những cơn gió lạnh sẽ làm hỏng hương vị của lúa mì.

3.3. Lễ Thất Tịch trong văn hóa của người Việt

Ở Việt Nam, ngày lễ Thất Tịch hay còn gọi là ngày “ông Ngâu bà Ngâu” - cách gọi của Ngưu Lang, Chức Nữ trong văn hóa Việt Nam. Sở dĩ gọi là "ông Ngâu bà Ngâu" bởi vào ngày này, trời thường mưa rả rích trong suốt một ngày nên người ta gọi là mưa ngâu. Mưa ngâu tương truyền chính là nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ khi gặp nhau. Dân gian có câu: "Đồn rằng tháng 7 mưa ngâu, Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền" là vì vậy.

Điểm khác biệt lớn nhất trong ngày lễ Thất Tịch của văn hóa Việt có lẽ bắt đầu vào đời vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072). Lịch sử ghi lại rằng, khi vua ở độ tuổi 42 nhưng vẫn chưa có con để truyền ngôi vị, vì vậy nên đã cầu tự vào ngày 7/7 ở một ngôi chùa, nhờ đó mà đón tin mừng, sinh ra Thái tử Càn Đức. Cũng bởi lý do này nên hàng năm vào ngày 7/7 Âm lịch trọng lễ đã được tổ chức ở chùa Hà và trở thành lễ hội cầu tình duyên, con đàn cháu đống, gia đình hạnh phúc.

Nếu trong ngày Thất Tịch mà trời không mưa, các cặp đôi thường cùng nhau ngắm sao Ngưu Lang - Chức Nữ và thề hẹn. Đêm Thất tịch, chòm sao Chức Nữ sẽ sáng vô cùng. Người ta tin rằng hai người yêu nhau nếu cùng ngắm sao Ngưu Lang - Chức Nữ trong đêm mùng 7 tháng 7 thì sẽ mãi mãi bên nhau.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 999
0 Bình luận
Sắp xếp theo