Năm 2021 tiền lương, phụ cấp thâm niên giáo viên chưa có gì thay đổi

Phụ cấp thâm niên luôn là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt là với giáo viên. Vậy năm 2021 giáo viên có còn được hưởng phụ cấp thâm niên nữa không? Liệu bảng lương mới giáo viên 2021 có thay đổi nhiều khi các Thông tư 01, 02, 03, 04 của Bộ giáo dục có hiệu lực?

1. Năm 2021, giáo viên vẫn hưởng phụ cấp thâm niên?

Tiền lương, phụ cấp nói chung và phụ cấp thâm niên nói riêng của giáo viên hiện nay đang quy định cụ thể tại Điều 76 Luật Giáo dục năm 2019:

Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.

Trong khi đó, trước đây, khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Giáo dục 2009 (đã hết hiệu lực) quy định, giáo viên được hưởng gồm:

Nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.

Do đó, tính từ ngày 01/7/2020, khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, giáo viên chỉ còn được hưởng lương, ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề còn phụ cấp khác và phụ cấp thâm niên đã bị bãi bỏ.

Đồng thời, việc bãi bỏ phụ cấp thâm niên của giáo viên cũng là tinh thần tại Nghị quyết 27 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cụ thể:

Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức).

Như vậy, theo quy định trên, phụ cấp thâm niên 2021 của giáo viên sẽ bị bãi bỏ.

Tuy nhiên, trong năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính đã đề nghị lùi thời gian thực hiện phụ cấp thâm niên đến khi chế độ tiền lương mới được ban hành và có hiệu lực tại Công văn số 8982 ngày 27/7/2020.

Đồng thời, tại Hội nghị Trung ương 13 sáng ngày 09/10/2020, Ban Chấp hành đã tán thành lùi thời điểm cải cách tiền lương đến 01/7/2022 thay vì năm 2021 như Nghị quyết 27.

Do đó, có thể khẳng định, trong năm 2021, giáo viên vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên.

2. Khi nào chính thức bỏ phụ cấp thâm niên của giáo viên?

Theo phân tích ở trên, Bộ Tài chính đã đề xuất lùi thời gian bỏ phụ cấp thâm niên nghề của giáo viên đến khi có chế độ tiền lương mới. Đồng thời, thời điểm cải cách tiền lương được Ban Chấp hành Trung ương biểu quyết là từ ngày 01/7/2022.

Đồng nghĩa với đó, từ ngày 01/7/2022 sẽ có chế độ tiền lương mới gồm 05 bảng lương theo chức vụ, vị trí việc làm. Đồng thời, bãi bỏ hàng loạt phụ cấp và khoản chi ngoài lương, trong đó có phụ cấp thâm niên của giáo viên.

Bởi vậy, căn cứ đề nghị của của Bộ Tài chính, từ ngày 01/7/2022, phụ cấp thâm niên của giáo viên sẽ bị bãi bỏ. Trước đó, giáo viên vẫn hưởng phụ cấp này theo quy định tại Điều 3 Nghị định 54/2011/NĐ-CP:

Nhà giáo đủ 05 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.

Lưu ý: Phụ cấp thâm niên của giáo viên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Nói tóm lại, nếu không có thông báo mới, thời điểm bỏ phụ cấp thâm niên giáo viên là từ 01/7/2022.

3. Chưa có thay đổi nhiều về tiền lương giáo viên trong năm 2021

Cho dù các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT được ban hành ngày 02/2 và có hiệu lực vào ngày 20/3/2021 tới đây tuy nhiên chuyện thực hiện chế độ tiền lương mới của giáo viên còn phụ thuộc vào lộ trình cải cách tiền lương nói chung theo Nghị quyết số 27/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sự cân đối tài chính của Chính phủ, sự phối hợp của Bộ Nội vụ…

Đó là chưa kể khi Chính phủ, các Bộ có chủ trương xếp hạng, xếp hệ số lương thì các Sở Nội vụ, Sở Giáo dục còn có thêm hướng dẫn cụ thể cho địa phương, ngành của mình tổ chức thực hiện.

Những thầy cô dạy ở các cấp học: trung học cơ sở, tiểu học, mầm non lại còn phải chờ Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục hướng dẫn chi tiết cách thực hiện. Nhà trường còn phải rà soát, lập danh sách đề nghị, cấp trên ra quyết định…

Vì thế, năm 2021 này sẽ vẫn chưa có những thay đổi lớn về chế độ chính sách của giáo viên- đó là điều mà đội ngũ nhà giáo có thể nhìn thấy để có thể có những quyết định, sự chuẩn bị cần thiết, phù hợp cho bản thân.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 549
0 Bình luận
Sắp xếp theo