Một số hướng dẫn về Bảo hiểm xã hội năm 2016

Một số hướng dẫn về Bảo hiểm xã hội năm 2016

Những vấn đề quan trọng về BHXH các bạn nên biết như về: Thời gian tối đa được hưởng chế độ ốm đau; Thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ thai sản; Thủ tục đăng ký tham gia BHXH lần đầu; Thủ tục điều chỉnh thông tin trên thẻ BHYT; Quyền lợi đối với người cao tuổi hưởng trợ cấp tử tuất; Trường hợp nào doanh nghiệp bị tính lãi truy thu tiền BHXH. Đây là những thông tin rất hữu ích đối với các doanh nghiệp đóng BHXH cho nhân viên.

Quyết định 959/QĐ-BHXH về Quy định thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

Thông tư 14/2016/TT-BYT hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội thuộc lĩnh vực y tế

Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định của Luật Bảo hiểm xã hội về Bảo hiểm xã hội bắt buộc

Thông tư 23/2016/TT-BLĐTBXH điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng

HoaTieu.vn xin giới thiệu tới các bạn Một số hướng dẫn về Bảo hiểm xã hội qua các câu hỏi như sau:

Một số hướng dẫn về BHXH

Câu hỏi 1: Thời gian tối đa được hưởng chế độ ốm đau?

Vợ tôi đóng BHXH được 4 năm. Vợ tôi bị mắc bệnh ung thư, phải nghỉ việc điều trị từ tháng 01/09/2015 và đi làm lại vào 3 tháng cuối năm, có đóng BHXH. Từ tháng 1/2016 đến nay, vợ tôi lại phải nghỉ việc điều trị bệnh. Tôi xin hỏi, thời gian 9 tháng nghỉ việc của năm 2015 và những tháng nghỉ việc của năm 2016 vợ tôi được hưởng chế độ bảo hiểm thế nào?

Trả lời:

BHXH Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:

Vợ ông Hậu mắc bệnh ung thư thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày theo quy định tại Thông tư số 34/2013/TT-BYT ngày 28/10/2013 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày.

Khoản 2, Điều 23, Điều 25 Luật BHXH năm 2006 quy định, người lao động mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng các chế độ ốm đau như sau:

  • Tối đa không quá 180 ngày trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần mức hưởng bằng 75% mức tiền lương tiền công tháng đóng BHXH.
  • Hết thời hạn 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn phụ thuộc vào thời gian đóng BHXH.

Do trước khi nghỉ ốm 9 tháng năm 2015 vợ ông Hậu đã đóng BHXH được 4 năm nên mức hưởng tiếp chế độ ốm đau bằng 45% mức tiền lương tiền công tháng đóng BHXH.

Khoản 2, Điều 26, Điều 28 Luật BHXH năm 2014 quy định, người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:

  • Tối đa không quá 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần mức hưởng bằng 75% mức tiền lương tiền công tháng đóng BHXH.
  • Hết thời hạn 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.

Đến tháng 1/2016, vợ ông Hậu tiếp tục nghỉ ốm, tại thời điểm nghỉ ốm vợ ông đã đóng BHXH được tổng cộng 4 năm 3 tháng nên vợ ông được nghỉ việc hưởng tiếp chế độ ốm đau tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH, mức hưởng bằng 50% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Câu hỏi 2: Thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ thai sản?

Công ty tôi có lao động đóng bảo hiểm từ tháng 5/2015. Ngày 19/10/2015, lao động này sinh con, công ty báo giảm lao động vào tháng 11/2015. Tôi xin hỏi, công ty thực hiện như vậy có đúng quy định không? Trường hợp này lao động có được hưởng chế độ thai sản không?

Trả lời: BHXH TP. Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:

Căn cứ Khoản 1, Mục II, Phần A Quyết định số 2777/QĐ-BHXH ngày 31/12/2015 của Giám đốc BHXH TP. Hà Nội về thu BHXH, BHYT, BHTN, "người lao động làm việc và hưởng tiền lương, tiền công từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (bao gồm cả thời gian không đi làm nhưng vẫn hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của pháp luật) thì đóng BHXH, BHYT, BHTN tháng đó".

Điều 31 Luật BHXH quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản, "người lao động nữ sinh con, mang thai hộ, người mẹ mang thai hộ và nhận nuôi con dưới 6 tháng tuổi phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi".

Trường hợp bà Trang hỏi đủ điều kiện được hưởng chế độ thai sản nếu đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng.

Câu hỏi 3: Thủ tục đăng ký tham gia BHXH lần đầu

Trước đây tôi kinh doanh theo hộ gia đình, nay hộ kinh doanh của tôi phát triển thành công ty và tôi muốn đóng bảo hiểm cho khoảng 50 nhân viên, vậy xin hỏi thủ tục đăng ký như thế nào và phải đóng những loại bảo hiểm nào?

Trả lời:

Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:

Căn cứ Điều 21 Mục 1 Chương III Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, hồ sơ đơn vị tham gia, đóng BHXH, BHYT, BHTN lần đầu, gồm:

Thành phần hồ sơ:

  • Đối với người lao động: Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS); đối với người được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn cần có giấy tờ chứng minh.
  • Đối với đơn vị: Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin đơn vị tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS); danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN (Mẫu D02-TS); bảng kê hồ sơ làm căn cứ hưởng quyền lợi BHYT cao hơn (Mục II Phụ lục 03).

Số lượng hồ sơ: 1 bộ

Căn cứ Điều 4, Điều 13, Điều 17 Chương II Quyết định số 959/QĐ-BHXH, khi hộ gia đình của ông Tú phát triển thành công ty sẽ phải đóng BHXH, BHYT và BHTN.

Câu hỏi 4: Thủ tục điều chỉnh thông tin trên thẻ BHYT

Tôi hưởng chế độ hưu từ ngày 1/7/1984. Trên quyết định nghỉ hưu ghi tôi sinh tháng 1/1940. Tôi không có Giấy khai sinh, còn Giấy CMND ghi ngày sinh là 1/2/1940. Thẻ BHYT ghi ngày sinh của tôi là 1/1/1940. Vừa qua, tôi bị mất thẻ BHYT, tôi đã đến cơ quan BHXH đề nghị cấp lại thẻ và điều chỉnh ngày sinh theo Giấy CMND. Tuy nhiên, cơ quan BHXH không đồng ý với lý do quyết định hưu trí đã ghi ngày tháng năm sinh của tôi là tháng 1/1940. Tôi xin hỏi, tôi cần thực hiện thủ tục gì để được cấp lại thẻ BHYT với ngày sinh là 1/2/1940?

Trả lời:

BHXH tỉnh Bình Thuận trả lời vấn đề này như sau:

Về việc yêu cầu điều chỉnh ngày sinh trên thẻ BHYT để khớp đúng với Giấy chứng minh nhân dân, căn cứ Khoản 2, Điều 25 Quyết định số 636/QĐ-BHXH ngày 22/4/2016, hồ sơ điều chỉnh thông tin về nhân thân đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng gồm:

  • Đơn theo mẫu số 14-HSB (bản chính).
  • Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc trích lục thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.
  • Hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng do cơ quan BHXH quản lý (cơ quan BHXH cung cấp).

Câu hỏi 5: Quyền lợi đối với người cao tuổi hưởng trợ cấp tử tuất

Bà tôi năm nay 82 tuổi, đang hưởng trợ cấp tuất thường xuyên và được cấp thẻ BHYT, vậy bà tôi có thể chuyển sang hưởng BHYT của người cao tuổi, được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh không?

Trả lời:

BHXH Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:

Căn cứ Khoản 2, Điều 17 và Khoản 1, Điều 18 Luật Người cao tuổi; Điểm 2, Khoản 6, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; Khoản 1, Điều 4, Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ, thì người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng thuộc đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội, được ngân sách Nhà nước đóng BHYT, được thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi chi trả BHYT.

Trường hợp ông Trọng hỏi, bà của ông đang hưởng chế độ trợ cấp tuất hàng tháng, không thuộc đối tượng nêu trên. Vì vậy, bà của ông được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng là người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng, không được đổi quyền lợi theo nhóm đối tượng là người cao tuổi hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng.

Câu hỏi 6: Trường hợp nào doanh nghiệp bị tính lãi truy thu tiền BHXH

Công ty tôi đã đóng đủ tiền BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động đến hết tháng 12/2015 tại BHXH quận Hoàn Kiếm. Từ tháng 1/2016, công ty chuyển sang đóng bảo hiểm tại BHXH quận Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, công ty đã chuyển nhầm số tiền bảo hiểm tháng 1/2016 sang BHXH quận Hoàn Kiếm, do vậy tháng 2/2016, BHXH quận Hai Bà Trưng đã tính lãi truy thu tiền bảo hiểm tháng 1/2016 của công ty. Tôi xin hỏi, cơ quan BHXH quận Hai Bà Trưng thực hiện như vậy có đúng quy định không?

Trả lời:

BHXH TP. Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:

Khoản 2, Điều 42, Mục 2, Chương V Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 của BHXH Việt Nam quy định, "trường hợp đơn vị nộp hồ sơ điều chỉnh trong vòng 30 ngày kể từ ngày người có thẩm quyền ký quyết định hoặc hợp đồng lao động (phụ lục hợp đồng lao động) nâng bậc, nâng ngạch, điều chỉnh tiền lương, phụ cấp đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động thì không thực hiện tính lãi; trường hợp nộp hồ sơ điều chỉnh tiền lương chậm từ 60 ngày trở lên thì tính lãi theo quy định".

Theo Khoản 1.1, Điều 1, Mục I Công văn số 1379/BHXH-BT ngày 20/4/2016 của BHXH Việt Nam về việc hướng dẫn tính lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, "đơn vị chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN từ 30 ngày trở lên, kể từ ngày phải đóng theo quy định thì phải đóng số tiền tính lãi trên số tiền BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN chưa đóng".

Như vậy, cơ quan BHXH sẽ không thực hiện tính lãi truy thu BHXH, BHYT, BHTN tháng 1/2016 đối với 26 lao động của đơn vị.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì khi cơ quan BHXH xuống kiểm tra?

Khi cơ quan BHXH xuống thanh tra, kiểm tra thì doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì? Dựa vào tình hình đóng BHXH, BHYT, BHTN và truy đóng cũng như đối tượng tham gia của doanh nghiệp, các bạn làm về bảo hiểm doanh nghiệp nên tham khảo và chuẩn bị thủ tục này vì nó rất hữu ích cho công ty của các bạn nếu có sự chuẩn bị trước.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị:

1. Bảng lương.

2. Hợp đồng lao động.

3. Danh sách trả lương

4. Hồ sơ đăng ký tham gia, đóng BHXH, BHYT

5. Bản photo sổ BHXH của người lao động

6. Báo cáo tình hình sử dụng lao động

7. Khai trình sử dụng lao động

8. Giấy nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN

9. Quyết định của doanh nghiệp đối với người lao động

10. Các chứng từ chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN

Căn cứ Quyết định 959/QĐ-BHXH năm 2015

Đánh giá bài viết
1 179
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo