Luật thi hành án hình sự số 53/2010/QH12

Luật thi hành án hình sự số 53/2010/QH12 - Luật thi hành án hình sự 2010

Luật thi hành án hình sự số 53/2010/QH12 do Quốc hội ban hành ngày 20/11/2010, có hiệu lực ngày 01/07/2011. Luật thi hành án hình sự 2010 quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ,...

QUỐC HỘI
_________


Luật số: 53/2010/QH12

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
___________________

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2010

LUẬT
THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật thi hành án hình sự.

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp.

Điều 2. Bản án, quyết định được thi hành

1. Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành:

a) Bản án hoặc phần bản án của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm;

b) Bản án của Toà án cấp phúc thẩm;

c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Toà án.

2. Bản án hoặc quyết định của Tòa án được thi hành ngay theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

3. Quyết định của Toà án Việt Nam tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam chấp hành án và đã có quyết định thi hành; quyết định chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài.

4. Bản án, quyết định về áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người chấp hành án là người bị kết tội và phải chịu hình phạt theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.

2. Phạm nhân là người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân.

3. Thi hành án phạt tù là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc phạm nhân phải chịu sự quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo để họ trở thành người có ích cho xã hội.

4. Thi hành án tử hình là việc cơ quan có thẩm quyền tước bỏ quyền sống của người chấp hành án theo quy định của Luật này.

5. Thi hành án treo là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này giám sát, giáo dục người bị phạt tù được hưởng án treo trong thời gian thử thách.

6. Thi hành án phạt cải tạo không giam giữ là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này giám sát, giáo dục người chấp hành án tại xã, phường, thị trấn và khấu trừ thu nhập sung quỹ nhà nước theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.

7. Thi hành án phạt cấm cư trú là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc người chấp hành án không được tạm trú, thường trú ở một số địa phương nhất định theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.

8. Thi hành án phạt quản chế là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc người chấp hành án phải cư trú, làm ăn sinh sống ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.

9. Thi hành án phạt trục xuất là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc người chấp hành án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.

10. Thi hành án phạt tước một số quyền công dân là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật này tước bỏ một hoặc một số quyền công dân của người chấp hành án theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.

11. Thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc người phải chấp hành án không được đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.

12. Thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội hoặc người đang chấp hành án bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình phải điều trị tại cơ sở chữa bệnh bắt buộc theo bản án, quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát.

13. Thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc người chưa thành niên phạm tội nhưng không phải chịu hình phạt phải chịu sự giám sát, giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo bản án, quyết định của Tòa án.

14. Thi hành biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này đưa người chưa thành niên phạm tội nhưng không phải chịu hình phạt vào trường giáo dưỡng để giáo dục theo bản án, quyết định của Tòa án.

15. Áp giải thi hành án là việc buộc người chấp hành án phạt tù, tử hình, trục xuất đến nơi chấp hành án. Người áp giải được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

16. Trích xuất là việc thực hiện quyết định của người có thẩm quyền theo quy định của Luật này đưa phạm nhân, người bị kết án tử hình hoặc người chấp hành biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng khỏi nơi quản lý và chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, khám, chữa bệnh, quản lý giam giữ trong thời hạn nhất định.

17. Danh bản là bản ghi thông tin tóm tắt về lai lịch, nhân dạng, ảnh chụp ba tư thế, in dấu vân tay hai ngón trỏ của người chấp hành án, người chấp hành biện pháp tư pháp do cơ quan có thẩm quyền lập và lưu giữ.

18. Chỉ bản là bản ghi thông tin tóm tắt về lai lịch và in dấu vân tay tất cả các ngón của người chấp hành án do cơ quan có thẩm quyền lập và lưu giữ.

Điều 4. Nguyên tắc thi hành án hình sự

1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

2. Bản án, quyết định có hiệu lực thi hành phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh.

3. Bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án.

4. Kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo trong việc thi hành án; áp dụng biện pháp giáo dục cải tạo phải trên cơ sở tính chất và mức độ phạm tội, độ tuổi, giới tính, trình độ văn hoá và các đặc điểm nhân thân khác của người chấp hành án.

5. Thi hành án đối với người chưa thành niên chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người có ích cho xã hội.

6. Khuyến khích người chấp hành án ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo, tự nguyện bồi thường thiệt hại.

7. Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo những hành vi, quyết định trái pháp luật trong hoạt động thi hành án hình sự.

8. Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình vào việc giáo dục cải tạo người chấp hành án.

Điều 5. Trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành án hình sự

Cơ quan, tổ chức và cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mình có trách nhiệm phối hợp và thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật này trong thi hành án hình sự.

Đánh giá bài viết
12 5.979
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo