Luật kiểm toán nhà nước sửa đổi

Dự thảo Luật kiểm toán nhà nước sửa đổi

Ngày 14/6/2019, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đã diễn ra thành công tốt đẹp. Trong đó Quốc hội đã cho ý kiến về Luật kiểm toán nhà nước sửa đổi. Sau đây là nội dung dự thảo Luật kiểm toán nhà nước sửa đổi mới nhất, HoaTieu.vn xin mời các bạn cùng tham khảo.

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /201.../QH14

Hà Nội, ngày ... tháng... năm 201...

DỰ THẢO 5

LUẬT

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC NĂM 2015

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước số 81/2015/QH13 ngày 24 tháng 6 năm 2015,

Điều 1.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015:

1. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 7 như sau:

“2. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước là căn cứ để:

d) Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại.”

2. Bổ sung khoản 6a,khoản 6bĐiều 10 như sau:

“6a. Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

6b. Thực hiện giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công trong các vụ án tham nhũng theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.”

3.Bổ sung khoản 2a,6aĐiều 11 như sau:

“2a. Xác minh hồ sơ, tài liệu và yêu cầu người có liên quan có mặt để giải trình làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong quá trình kiểm toán. Tổng Kiểm toán nhà nước quy định cụ thể các biện pháp xác minh để làm rõ và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong quá trình kiểm toán.

6a.Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước”.

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 14 như sau:

“3. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là quyết định để quy định chuẩn mực kiểm toán nhà nước, quy trình kiểm toán, hồ sơ kiểm toán, phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng trong tổ chức và hoạt động kiểm toán; ban hành thông tư liên tịch với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để quy định phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng.”

4. Kiến nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của đơn vị được kiểm toán xử lý theo thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật cho Kiểm toán nhà nước; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. Trường hợp kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước không được giải quyết hoặc giải quyết không đầy đủ thì Tổng Kiểm toán nhà nước kiến nghị người có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.”

5. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 14 như sau:

“6. Quyết định việc niêm phong tài liệu, kiểm tra tài khoản của đơn vị được kiểm toán hoặc cá nhân có liên quan; ra quyết định về nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước của tổ chức, cá nhân có liên quan theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.”

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 21 như sau:

“4. Có chứng chỉ bồi dưỡng Kiểm toán viên nhà nước ở ngạch tương ứng”.

7. Bổ sung Điều 25a như sau:

“Điều 25a. Chuyển ngạch Kiểm toán viên chính, Kiểm toán viên cao cấp

Đối với công chức của Kiểm toán nhà nước đang giữ ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và tương đương, nếu đã có chứng chỉ bồi dưỡng ở ngạch Kiểm toán viên nhà nước ở ngạch tương ứng sẽ được xét bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên chính, Kiểm toán viên cao cấp.”

8. Bổ sung khoản 4 Điều 30như sau:

“Điều 30. Căn cứ để ban hành quyết định kiểm toán

Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành quyết định kiểm toán khi có một trong các căn cứ sau đây:

1. Kế hoạch kiểm toán hằng năm của Kiểm toán nhà nước;

2. Yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

3. Đề nghị của cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 3 Điều 10 của Luật này và được Tổng Kiểm toán nhà nước chấp nhận;

4. Có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.”

9. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 34như sau:

“2. Thời hạn của một cuộc kiểm toán không quá 60 ngày làm việc, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Trường hợp phức tạp, cần thiết kéo dài thời hạn kiểm toán thì Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định gia hạn một lần, thời gian gia hạn không quá 30 ngày làm việc.”

10. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 42 như sau:

“2. Thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước có quyền hạn sau đây:

b) Yêu cầu đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm toán bao gồm cả thông tin, tài liệu bằng dữ liệu điện tử. Khi thực hiện kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước có quyền truy cập, kết nối vào dữ liệu điện tử của đơn vị và dữ liệu điện tử quốc gia; yêu cầu đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân có liên quan cùng truy cập phần mềm ứng dụng của đơn vị để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm toán.”

11. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 46 như sau:

“2. Thành viên Đoàn kiểm toán áp dụng phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán để thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán; kiểm tra,đối chiếu, xác nhận; điều tra và xác minh đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán làm cơ sở cho ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán về nội dung đã kiểm toán.”

12. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2, khoản 3Điều 47 như sau:

“1. Chậm nhất là 30 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán, Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm hoàn thiện dự thảo báo cáo kiểm toán và gửi lấy ý kiến của đơn vị được kiểm toán.

2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được dự thảo báo cáo kiểm toán, đơn vị được kiểm toán phải có ý kiến bằng văn bản gửi Kiểm toán nhà nước; quá thời hạn trên, đơn vị được kiểm toán không có ý kiến thì được coi là đã nhất trí với dự thảo báo cáo kiểm toán.

3. Báo cáo kiểm toán được Kiểm toán nhà nước gửi cho đơn vị được kiểm toán và cơ quan có liên quan theo quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước chậm nhất là 45 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán; trường hợp đặc biệt thì có thể kéo dài, nhưng không quá 60 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán.”

13. Bổ sung Điều 49a như sau:

“Điều 49a.Kiểm soát chất lượng kiểm toán

1. Kiểm toán nhà nước tổ chức kiểm soát nhằm đảm bảo mọi hoạt động kiểm toán đều được kiểm tra, soát xét về chất lượng.

2. Kiểm soát chất lượng kiểm toán được thực hiện thường xuyên liên tục đối với toàn bộ hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

3. Tổng Kiểm toán nhà nước quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán.”

14. Bổ sung khoản 13 Điều 55 như sau:

“13.Người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tổng Kiểm toán nhà nước quy định cụ thể mục tiêu, nội dung và phương pháp kiểm toán đối với các đối tượng quy định tại Khoản này.”

15. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 57 như sau:

“3. Cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết bao gồm cả bản in ra giấy và dữ liệu điện tử để thực hiện việc kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của thông tin, tài liệu đã cung cấp.”

16. Bổ sung Điều 64a như sau:

“Điều 64a.Trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra

1. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Kiểm toán nhà nước xử lý trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

2. Trước khi báo cáo Quốc hội, Kiểm toán nhà nước chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm để tránh chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động kiểm toán, thanh tra.”

17.Sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm b khoản 2 Điều 69 như sau:

“2. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước:

a) Trong quá trình thực hiện kiểm toán, đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước có quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán nhà nước về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên của Đoàn kiểm toán khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị;

b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kiểm toán, đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước có quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán nhà nước về đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán trong báo cáo kiểm toán khi có căn cứ cho rằng kết quả kiểm toán đó là trái pháp luật, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị;”

18. Sửa đổi, bổ sung Điều 71 như sau:

“Điều 71. Quy định xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán nhà nước tại Điều 71 của Luật Kiểm toán nhà nước

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi pháp pháp luật về kiểm toán nhà nước thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Mức phạt tiền tối đa và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước được quy định như sau:

a) Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức;

b) Tổng Kiểm toán nhà nước, thủ trưởng đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước có liên quan có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước và quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

c) Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

3. Trường hợp sau khi kết thúc kiểm toán mà cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có vụ việc tham nhũng xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành kiểm toán về cùng một nội dung, cùng hồ sơ, tài liệu đã kiểm toán thì Trưởng đoàn kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán và cá nhân có liên quan đã tiến hành kiểm toán trước đó nếu xác định cố ý bao che, bỏ qua sai phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

19. Bổ sung Điều 73a như sau:

“Điều 73a. Kiểm toán lĩnh vực quốc phòng, an ninh

Căn cứ vào quy định của Luật này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định việc kiểm toán đối với các khoản chi có tính chất bảo mật cao thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh.”

Điều 2.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày ... tháng ... năm 201...

Điều 3.

Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật này.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV, kỳ họp thứ ... thông qua ngày … tháng … năm 20...


CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

Phần sửa đổi, bổ sung là phần in nghiêng đậm

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Kiểm toán được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Đánh giá bài viết
1 30
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo