Luật dân quân tự vệ sửa đổi

Dự thảo Luật dân quân tự vệ sửa đổi trình Quốc hội gồm 8 Chương, 50 Điều (giảm 1 Chương, 16 Điều so với Luật Dân quân tự vệ năm 2009). Một số vấn đề xin ý kiến Quốc hội gồm: Tính hợp hiến, sự phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi; bố cục của dự thảo Luật; vị trí, chức năng của Dân quân tự vệ; nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Dân quân tự vệ; nhiệm vụ của Dân quân tự vệ; tổ chức, mở rộng lực lượng dân quân, tự vệ; tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp; hệ thống chỉ huy Dân quân tự vệ...

QUỐC HỘI

Luật số: /2019/QH14

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

LUẬT

DÂN QUÂN TỰ VỆ (SỬA ĐỔI)

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Dân quân tự vệ.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nguyên tắc, nhiệm vụ, tổ chức, huấn luyện, hoạt động, chế độ, chính sách trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về Dân quân tự vệ.

Điều 2. Vị trí chức năng của Dân quân tự vệ

Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác; là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là lực lượng bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của Nhà nước ở địa phương, cơ sở; sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh. Lực lượng này được tuyển chọn ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu (sau đây gọi chung là thôn), xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) gọi là dân quân; được tuyển chọn ở cơ quan của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) gọi là tự vệ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dân quân tự vệ cơ động là lực lượng được tổ chức ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện), cấp xã, cơ quan, tổ chức sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

2. Dân quân tự vệ tại chỗ là lực lượng được tổ chức ở thôn và ở cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ tại chỗ.

3. Dân quân tự vệ thường trực là lực lượng được tổ chức ở địa phương, cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng.

4. Dân quân tự vệ biển là lực lượng được tổ chức ở địa phương ven biển, đảo, cơ quan, tổ chức có phương tiện hoạt động trên biển để làm nhiệm vụ trên các vùng biển, hải đảo Việt Nam.

5. Nguồn mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ là những công dân chưa thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; công dân đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được đăng ký, quản lý; công dân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ, nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân chưa sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên.

6. Mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ là biện pháp bổ sung lực lượng từ nguồn mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ cho đơn vị Dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật và quyết định của cấp có thẩm quyền.

7. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức là tổ chức quốc phòng được thành lập ở cơ quan, tổ chức, trừ cơ quan, tổ chức được thành lập Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương và Bộ Công an.

8. Công tác Dân quân tự vệ là hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành về tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện, đào tạo, hoạt động, bảo đảm và chỉ huy Dân quân tự vệ.

Điều 4. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Dân quân tự vệ

1. Dân quân tự vệ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức; sự chỉ huy cao nhất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và sự chỉ huy của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, người chỉ huy đơn vị quân đội theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức và hoạt động của Dân quân tự vệ phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; dựa vào dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân và hệ thống chính trị để thực hiện nhiệm vụ.

3. Xây dựng Dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp; tổ chức, biên chế của Dân quân tự vệ phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, gắn với địa bàn và nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, tổ chức; bảo đảm thuận tiện cho lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, chỉ huy và phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, cơ quan, tổ chức.

Điều 5. Nhiệm vụ của Dân quân tự vệ

1. Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu để bảo vệ địa phương, cơ quan, tổ chức; phối hợp với các đơn vị bộ đội biên phòng, hải quân, phòng không - không quân, cảnh sát biển, Công an nhân dân và lực lượng khác bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển, vùng trời nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, thực hiện chính sách xã hội, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

3. Phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

4. Tham gia thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền.

5. Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác.

6. Thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật, phòng thủ dân sự.

7. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Thành phần của Dân quân tự vệ

1. Dân quân tự vệ cơ động.

2. Dân quân tự vệ thường trực.

3. Dân quân tự vệ tại chỗ.

4. Dân quân tự vệ biển.

5. Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, công binh, trinh sát, thông tin, phòng hóa, y tế (sau đây gọi chung là Dân quân tự vệ binh chủng).

Điều 7. Ngày truyền thống của Dân quân tự vệ

1. Ngày 28 tháng 3 hằng năm là Ngày truyền thống của Dân quân tự vệ.

2. Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kỷ niệm Ngày truyền thống của Dân quân tự vệ.

Điều 8. Độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình

1. Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nếu tình nguyện tham gia Dân quân tự vệ thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ.

2. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ là 04 năm. Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ công tác quốc phòng của địa phương, cơ quan, tổ chức có thể kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ không quá 02 năm; đối với tự vệ và chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ có thể được kéo dài hơn, nhưng không quá độ tuổi quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi chưa tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định kéo dài độ tuổi và thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Điều 9. Đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, quản lý Dân quân tự vệ

1. Tháng 4 hằng năm, căn cứ kết quả đăng ký nghĩa vụ quân sự, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi chưa tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm lập danh sách đăng ký cho công dân đủ 18 tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; tổ chức đăng ký bổ sung cho công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

2. Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc phải đến đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi chưa tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, cơ quan, tổ chức nơi cư trú hoặc nơi làm việc mới.

3. Quân nhân dự bị chưa sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên được đăng ký để biên chế vào đơn vị Dân quân tự vệ.

4. Người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật được miễn đăng ký nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

5. Dân quân tự vệ khi vắng mặt trong thời gian thực hiện nhiệm vụ đã được thông báo phải báo cáo với người chỉ huy trực tiếp để xem xét, quyết định.

6. Dân quân tự vệ tạm vắng trong thời gian từ 3 tháng trở lên phải báo cáo với Ban chỉ huy quân sự cấp xã nơi cư trú, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức hoặc người chỉ huy đơn vị tự vệ nơi không có Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức.

7. Chính phủ quy định phân cấp quản lý đơn vị Dân quân tự vệ.

Điều 10. Tiêu chuẩn, tuyển chọn và thẩm quyền quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ

1. Công dân Việt Nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, có đủ các tiêu chuẩn sau đây được tuyển chọn vào Dân quân tự vệ:

a) Lý lịch rõ ràng, được Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi chưa tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi đăng ký, quản lý công dân xác nhận theo quy định của pháp luật;

b) Chấp hành tốt đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

c) Có đủ sức khoẻ do cơ quan có thẩm quyền xác nhận theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

2. Việc tuyển chọn vào Dân quân tự vệ được quy định như sau:

a) Bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật;

b) Hằng năm, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc trưởng thôn nơi chưa tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, cơ quan, tổ chức lập kế hoạch và thực hiện tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trên địa bàn.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi chưa tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;

Điều 11. Tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình

1. Công dân được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong các trường hợp sau:

a) Phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; nam giới một mình nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi;

b) Chưa đủ sức khỏe theo xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh;

c) Có chồng hoặc vợ là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ trong Quân đội nhân dân;

d) Có chồng hoặc vợ là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công chức, viên chức, công nhân Công an đang phục vụ trong Công an nhân dân;

đ) Lao động chính duy nhất trong hộ gia đình nghèo, nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi chưa tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, cơ quan, tổ chức nơi công dân cư trú hoặc làm việc xác nhận;

e) Con duy nhất của thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam/dioxin suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;

g) Người đang học trong các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; người lao động, học tập và làm việc tại nước ngoài.

2. Công dân được miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong các trường hợp sau:

a) Vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; vợ hoặc chồng, con của thương binh, bệnh binh; vợ hoặc chồng, con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; vợ hoặc chồng, con của người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin không còn khả năng lao động;

b) Quân nhân dự bị đã được xếp vào đơn vị dự bị động viên;

c) Người đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người trực tiếp nuôi dưỡng người bị mất sức lao động từ 81% trở lên;

d) Người làm công tác cơ yếu.

3. Trường hợp quy định tại điểm c, điểm d, điểm đ khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này, nếu tình nguyện thì được xét tuyển chọn vào Dân quân tự vệ.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi chưa tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

Điều 12. Thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn; đưa ra khỏi danh sách Dân quân tự vệ

1. Dân quân tự vệ được thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn trong các trường hợp sau:

a) Không đủ sức khỏe theo xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh;

b) Hoàn cảnh gia đình khó khăn đột xuất không có điều kiện thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;

c) Người có lệnh gọi nhập ngũ hoặc lệnh gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; người có quyết định tuyển dụng vào công chức, viên chức, công nhân quốc phòng hoặc Công an nhân dân;

d) Người có giấy báo nhập học vào các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; người có giấy báo nhập học ở các trường hoặc đi lao động ở nước ngoài;

đ) Dân quân nữ có thai; Dân quân tự vệ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi;

e) Hết độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

2. Đưa ra khỏi danh sách Dân quân tự vệ một trong các trường hợp sau:

a) Chết, mất tích;

b) Bị kết án kể từ ngày bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật;

c) Bị kỷ luật đến mức tước danh hiệu Dân quân tự vệ;

d) Bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;

đ) Bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

e) Bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi chưa tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định công dân thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn; đưa ra khỏi danh sách Dân quân tự vệ.

Điều 13. Hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ

1. Công dân đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, nhưng còn trong độ tuổi quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật này thì được đăng ký vào nguồn mở rộng Dân quân tự vệ hoặc đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị theo quy định của pháp luật.

2. Dân quân tự vệ thường trực được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi chưa tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

Điều 14. Xây dựng kế hoạch về công tác Dân quân tự vệ

1. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, Ban chỉ huy quân sự cấp xã (sau đây gọi chung là cơ quan quân sự địa phương), Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ nơi không có Ban chỉ huy quân sự chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan lập, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch về tổ chức xây dựng lực lượng; huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật; hoạt động, bảo đảm và phòng thủ dân sự liên quan cho Dân quân tự vệ thuộc quyền.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định phân cấp xây dựng kế hoạch về công tác Dân quân tự vệ.

Điều 15. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Thành lập, tham gia, tài trợ tổ chức, huấn luyện, điều động, sử dụng Dân quân tự vệ trái pháp luật.

2. Trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, tổ chức, huấn luyện, hoạt động của Dân quân tự vệ.

3. Giả danh Dân quân tự vệ.

4. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ của Dân quân tự vệ được giao xâm phạm lợi ích của quốc gia, dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Sản xuất, vận chuyển, mua bán, thu gom, tàng trữ, sử dụng, chiếm giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang bị, thiết bị, phương tiện kỹ thuật, trang phục, sao mũ, phù hiệu, tài sản của Dân quân tự vệ trái pháp luật.

6. Phân biệt đối xử về giới trong thực hiện pháp luật về Dân quân tự vệ.

...............

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực An ninh trật tự được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để xem toàn bộ nội dung Luật dân quân tự vệ sửa đổi mới nhất.

Đánh giá bài viết
1 165
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo