Không bắt buộc thi giáo viên dạy giỏi từ tháng 2/2020

Tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi là quyền lợi chính đáng của mỗi giáo viên. Do đó, pháp luật hiện hành không còn bắt buộc giáo viên tham gia các hội thi giáo viên dạy giỏi từ tháng 2/2020.

1. Không bắt buộc giáo viên thi hội thi giáo viên dạy giỏi

Cụ thể, theo khoản 2 Điều 2 Quy định về hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông được ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT ngày 20/12/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nguyên tắc của Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi như sau:

- Dựa trên sự tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia Hội thi;

- Đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đảm bảo thực chất;

- Đảm bảo đúng quy định của chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành.

Theo đó, giáo viên sẽ trên cơ sở tự nguyện để tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi. Đây là quy định tiến bộ và phù hợp với tâm tư nguyện vọng của không chỉ giáo viên nói riêng mà còn đối với các cơ sở đào tạo chủ quản nói chung. Việc ép buộc, tạo áp lực cho giáo viên khi tham gia các Hội thi giáo viên giỏi như trước đây đã dẫn tới nhiều hậu quả tiêu cực trong nền giáo dục cũng như ảnh hưởng xấu tới tâm lý của học sinh.

2. Không bị kỷ luật nếu không tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi

Theo Điều 17 Luật Viên chức quy định nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp như sau:

- Thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao bảo đảm yêu cầu về thời gian và chất lượng.

- Phối hợp tốt với đồng nghiệp trong thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ.

- Chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền.

- Thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ.

- …

Theo đó, pháp luật hiện hành chỉ quy định về việc giáo viên có nghĩa vụ thường xuyên học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ,… mà không quy định nghĩa vụ bắt buộc tham gia Hội thi giáo viên giỏi.

Lưu ý về nghĩa vụ chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền. Theo đó, người có thẩm quyền có quyền yêu cầu giáo viên buộc tham gia Hội thi giáo viên giỏi như một phần trách nhiệm của mình.

Tuy nhiên, tại Điều 11 Luật Viên chức quy định khi hoạt động nghề nghiệp, viên chức có các quyền cụ thể sau đây:

- Được pháp luật bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp.

- Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.

- Được cung cấp thông tin liên quan đến công việc hoặc nhiệm vụ được giao.

- Được quyền từ chối thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ trái với quy định của pháp luật.

- …

Theo đó, trường hợp giáo viên bị buộc tham gia Hội thi giáo viên giỏi như một sự phân công công tác của người có thẩm quyền thì giáo viên hoàn toàn có quyền từ chối thực hiện công việc với lý do pháp luật hiện hành cho phép giáo viên được tự nguyện tham gia Hội thi này.

Do vậy, giáo viên cũng sẽ không bị kỷ luật vì không chấp hành nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp của mình.

3. Được công nhận giáo viên dạy giỏi là quyền lợi của giáo viên

Tại Điều 5 Quy định về hội thi giáo viên dạy giỏi ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT quy định về việc công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi như sau:

- Giáo viên được công nhận là giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi và được cấp giấy chứng nhận của cơ quan tổ chức Hội thi khi:

+ Tham gia đủ các nội dung của Hội thi

+ Đạt các yêu cầu theo quy định về đánh giá kết quả của giáo viên dự thi theo từng cấp quy định tại Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT.

- Danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi được bảo lưu như sau:

+ Danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường được bảo lưu trong thời hạn 01 năm tiếp theo năm được công nhận là giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường;

+ Danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp huyện được bảo lưu trong thời hạn 01 năm tiếp theo năm được công nhận là giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp huyện;

+ Danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh được bảo lưu trong thời hạn 03 năm tiếp theo năm được công nhận là giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh.

- Danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi được bảo lưu không sử dụng làm tiêu chuẩn để tham dự Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi các cấp.

Theo đó, việc thi và được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi là quyền lợi chính đáng của giáo viên, được thực hiện trên cơ sở tự nguyện mà không bị ép buộc là hoàn toàn phù hợp với ý chí của cá nhân mỗi giáo viên. Nguyên tắc này cũng bảo đảm được tính công bằng, tránh áp lực, tiêu cực cho Hội thi giáo viên giỏi cũng như các cơ sở giáo dục đào tạo.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 1.621
0 Bình luận
Sắp xếp theo