Thủ tục làm giấy khai sinh mới nhất năm 2024

Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của một người, là loại giấy tờ rất quan trọng, được cấp đầu tiên từ khi một người mới sinh ra. Từ 1/1/2023 chính thức bỏ sổ hộ khẩu thì thủ tục đăng ký khai sinh năm 2024 có thay đổi không? Những thắc mắc liên quan đến hồ sơ đăng ký giấy khai sinh như thế nào? Mời các bạn đón đọc bài viết chi tiết dưới đây của Hoatieu.vn

1. Làm Giấy khai sinh cho con ở đâu?

Theo Quyết định số 2228/QĐ-BTP về việc công bố Thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực hộ tịch thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp, cơ quan làm giấy khai sinh cho con được quy định như sau:

STTTên TTHCCơ quan thực hiện
1Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoàiUBND cấp huyện
2Đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài
3Đăng ký lại khai sinh có yếu tố nước ngoài
4Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân
5Đăng ký khai sinh (bố mẹ là công dân Việt Nam, sinh trẻ ra trên địa phận Việt Nam)UBND cấp xã
6Đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con
7Đăng ký khai sinh lưu động
8Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới
9Đăng ký lại khai sinh
10Đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân

=> Như vậy, trong trường hợp bố mẹ là công dân Việt Nam, sinh trẻ ở Việt Nam thì làm giấy khai sinh cho con ở UBND cấp xã, nơi đăng ký thường trú của bố hoặc mẹ.

2. Hồ sơ đăng ký khai sinh mới nhất năm 2024

Tham khảo bài: Hướng dẫn thủ tục đăng kí khai sinh có yếu tố nước ngoài

Hướng dẫn thủ tục đăng ký làm giấy khai sinh cho con

Hồ sơ đăng ký khai sinh đối với công dân Việt Nam khi đã bỏ sổ hộ khẩu từ ngày 1/1/2023 như sau:

- Tờ khai đăng ký khai sinh;

- Giấy tờ phải nộp:

+ Bản chính Giấy chứng sinh; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;

+ Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì phải có biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập;

+ Trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ;

+ Văn bản ủy quyền (được chứng thực) theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh. (Người được ủy quyền là ông bà, người thân thì không cần giấy ủy quyền)

- Giấy tờ phải xuất trình:

+ Giấy tờ tùy thân để chứng minh về nhân thân: Hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng;

+ Giấy tờ chứng minh nơi cư trú, Giấy chứng nhận kết hôn nếu cha, mẹ đã đăng ký kết hôn

Trường hợp các thông tin về giấy tờ chứng minh đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC), được điền tự động thì không phải xuất trình.

=> Như vậy, việc bỏ sổ hộ khẩu từ ngày 1/1/2023 không ảnh hưởng gì đến việc đăng ký khai sinh cho trẻ. Khi thực hiện hồ sơ liên thông các TTHC đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế, người đăng ký chỉ cần chuẩn bị 4 loại giấy tờ (bản gốc) gồm:

  • Bản chính Giấy chứng sinh
  • Giấy tờ chứng minh nhân thân bố mẹ (CMND, CCCD, hộ chiếu còn giá trị sử dụng)
  • Giấy tờ chứng minh nơi cư trú của cha, mẹ (thường trú, tạm trú)
  • Giấy chứng nhận kết hôn trong trường hợp có đăng ký kết hôn

Lưu ý công dân cần tìm hiểu kỹ thông tin các giấy tờ phải chuẩn bị khi đi làm đăng ký khai sinh cho con, tránh mất công đi lại nhiều lần để bổ sung hồ sơ và gây kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ.

3. Trình tự làm giấy khai sinh mới nhất 2024

- Người có yêu cầu đăng ký khai sinh nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền.

- Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình.

+ Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả;

+ Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định; trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì phải lập thành văn bản hướng dẫn, trong đó nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện, ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên của người tiếp nhận.

- Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đồng ý giải quyết thì công chức tư pháp - hộ tịch cập nhật thông tin khai sinh theo hướng dẫn để lấy Số định danh cá nhân, ghi nội dung khai sinh vào Sổ đăng ký khai sinh, hướng dẫn người đi đăng ký khai sinh kiểm tra nội dung Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh, cùng người đi đăng ký khai sinh ký tên vào Sổ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký 01 bản chính Giấy khai sinh cấp cho người được đăng ký khai sinh, số lượng bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu.

Tham khảo thêm: Thủ tục làm giấy khai sinh online 2024

4. Giấy khai sinh được cấp mấy bản?

Giấy khai sinh chỉ được cấp 1 bản chính. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.

5. Mất giấy khai sinh có làm lại được không?

Điều kiện cấp lại giấy khai sinh được căn cứ theo Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, gồm:

  • Việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 1/1/2016.
  • Người yêu cầu đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng ký lại.
  • Việc đăng ký lại khai sinh, kết hôn chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu đăng ký còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ.

Như vậy, nếu đáp ứng đủ cả 3 điều kiện trên, người dân có thể yêu cầu cấp lại giấy khai sinh. Với những người sinh sau ngày 1/1/2016 mà bị mất giấy khai sinh bản gốc thì không được cấp lại giấy khai sinh bản gốc.

Để biết thêm chi tiết, mời các bạn tìm đọc: Thủ tục đăng ký lại khai sinh, cấp lại giấy khai sinh mới nhất năm 2024

6. Có được đăng ký khai sinh cho con khi mẹ chưa đủ 18 tuổi?

Điều 30 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về quyền được khai sinh như sau:

1. Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh.

2. Cá nhân chết phải được khai tử.

3. Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu.

4. Việc khai sinh, khai tử do pháp luật về hộ tịch quy định

Điều 13 Luật Trẻ em 2016 quy định về quyền được khai sinh như sau: “Trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật”.

- Điều 16 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thủ tục đăng ký khai sinh như sau:

1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

3. Chính phủ quy định chi tiết việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ, trẻ em sinh ra do mang thai hộ; việc xác định quê quán của trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ.

Điều 15 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ hướng dẫn Luật Hộ tịch Đăng ký, trong đó quy định việc khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ như sau:

1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.

2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.

3. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.

=> Như vậy có thể thấy, theo quy định pháp luật hiện hành, không có luật nào cấm không được đăng ký khai sinh cho con khi mẹ chưa đủ 18 tuổi. Bởi cá nhân từ khi sinh ra đã có quyền được khai sinh mà không phụ thuộc vào bất kỳ tình trạng pháp lý nào khác, bao gồm cả tình trạng hôn nhân, độ tuổi của bố mẹ. Đây là quyền lợi chính đáng của trẻ trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Do đó, trường hợp người mẹ chưa đủ 18 tuổi, chưa đăng ký kết hôn thì giấy khai sinh của trẻ sẽ bỏ trống tên người bố. Phần Họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch theo họ, quê quán, quốc tịch, dân tộc của mẹ.

Trong trường hợp người bố muốn nhận con, có thể làm thủ tục nhận con đồng thời với thủ tục đăng ký khai sinh tại UBND cấp xã.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Hỏi đáp pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
7 6.775
0 Bình luận
Sắp xếp theo