Hình thức xử lý kỷ luật đối với Đảng viên sinh con thứ 3 mới nhất năm 2024

Hình thức xử lý kỷ luật đối với Đảng viên sinh con thứ 3. Đảng viên sinh con thứ 3 sẽ bị xử lý kỷ luật như thế nào? Trường hợp sinh con thứ 3 sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách; sinh con thứ 4 sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ); sinh con thứ 5 sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng. HoaTieu.vn xin giới thiệu tới các bạn nội dung chi tiết về quy định định này, mời các bạn tham khảo.

1. Xử lý kỷ luật đối với Đảng viên sinh con thứ 3 theo quy định mới năm 2024

Tóm tắt câu hỏi:

Hiện nay, em là đảng viên và đang giữ chức trưởng thôn. Nhưng năm nay gia đình em bị vỡ kế hoạch và sinh con thứ 3. Xã quyết định không cho dân đề cử em làm trưởng thôn nhiệm kỳ tới, như vậy có đúng luật không? Và nếu người dân vẫn tín nhiệm và đề cử em thì có được không?

Xử lý trường hợp Đảng viên sinh con thứ 3

Trả lời: Với thắc mắc của bạn, HoaTieu.vn xin được trả lời như sau:

Theo Điều 10, Pháp lệnh dân số 2008 sửa đổi, bổ sung quy định:

Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản

1. Quyết định thời gian và khoảng cách sinh con;

2. Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định;

3. Bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến sức khỏe sinh sản.

Đảng viên phải là những người gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện quy định về dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Theo quy định của Bộ Chính trị tại Quy định 69-QĐ/TW có hiệu lực từ ngày 06/07/2022, Đảng viên sinh con thứ 3 được coi là một hành vi vi phạm chính sách dân số và bị xử lý kỷ luật với các mức khác nhau.

Theo như thông tin bạn cung cấp, vợ chồng bạn bị vỡ kế hoạch và sinh con thứ 3, tức đây là lần đầu tiên bạn vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình và cũng không gây hậu quả nghiêm trọng gì.

Do đó, bạn chỉ phải chịu xử lý kỷ luật đối với Đảng viên vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình theo Khoản 1 Điều 52 Quy định 69-QĐ/TW có hiệu lực từ ngày 06/07/2022 bằng hình thức khiển trách.

Điều 52. Vi phạm quy định chính sách dân số

1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Cản trở, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hoá gia đình; tham gia các hoạt động xét nghiệm, chẩn đoán để xác định giới tính thai nhi trái quy định.

b) Vi phạm chính sách dân số.

2. Trường hợp vi phạm đã kỷ luật theo Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):

a) Tuyên truyền, phổ biến hoặc ban hành văn bản có nội dung trái với chính sách dân số, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

b) Gian dối trong việc cho con đẻ hoặc nhận nuôi con nuôi mà thực chất là con đẻ nhằm sinh thêm con ngoài giá thú hoặc trái quy định.

3. Trường hợp vi phạm Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ.

Việc kỷ luật đảng viên nếu rơi vào 6 trường hợp sau có thể chưa kỷ luật, không hoặc miễn kỷ luật:

1. Đảng viên là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc đảng viên là nam giới (trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chưa xem xét kỷ luật.

2. Đảng viên bị bệnh nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện thì chưa xem xét kỷ luật, khi sức khoẻ ổn định (được ra viện) mới xem xét kỷ luật.

3. Đảng viên vi phạm đã qua đời thì tổ chức đảng xem xét, kết luận nhưng không quyết định kỷ luật, trừ trường hợp có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.

4. Đảng viên bị tuyên bố mất tích nếu phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận nhưng chưa xử lý kỷ luật, khi phát hiện đảng viên đó còn sống thì thi hành kỷ luật theo quy định.

5. Đảng viên thực hiện đề xuất về đổi mới, sáng tạo theo Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị, được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng xảy ra thiệt hại thì cơ quan có thẩm quyền xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện; nếu đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì miễn kỷ luật hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

6. Vi phạm do chấp hành chủ trương, quyết định, mệnh lệnh sai trái của tổ chức, cấp trên hoặc do bị ép buộc nhưng đã chủ động, kịp thời báo cáo bằng văn bản với tổ chức, cơ quan có thẩm quyền biết ý kiến, đề xuất của mình trước khi thực hiện thì miễn kỷ luật.

Theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, hiện nay, bạn đang giữ chức trưởng thôn, như vậy bạn thuộc nhóm những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, không phải là cán bộ, công chức.

Do đó, bạn sẽ không bị xử lý kỷ luật về việc sinh con thứ 3 đối với cán bộ, công chức vi phạm chính sách dân số.

Vì vậy, việc Xã quyết định không cho người dân đề cử bạn làm trưởng thôn nhiệm kỳ tới là không đúng quy định Pháp luật. Nếu người dân vẫn tín nhiệm và đề cử bạn thì bạn hoàn toàn vẫn có thể được làm trưởng thôn.

2. Trường hợp nào Đảng viên được sinh con thứ 3?

Theo quy định đã đề cập tại phần 1, Đảng viên không được sinh con thứ 3 bởi vi phạm chính sách về dân số. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp Đảng viên sinh con thứ 3 đều bị xử lý kỷ luật. Theo Quy định 05-QĐi/TW do Bộ Chính trị ban hành vào giữa năm 2018, có 09 trường hợp sinh con thứ 3 không bị coi là vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, cụ thể như sau:

1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỉ lệ nhỏ hơn hoặc bằng tỉ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.

3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.

4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.

5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.

6. Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):

a) Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ).

b) Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.

7. Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

8. Sinh con thứ ba trở lên trước ngày 19/01/1989 (ngày có hiệu lực thi hành Quyết định số 162-HĐBT, ngày 18/10/1988 của Hội đồng Bộ trưởng về một số chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình).

9. Trường hợp sinh con thứ ba do mang thai ngoài ý muốn, nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người mẹ (có xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên).

Do đó, nếu vợ chồng bạn sinh con thứ 3 nhưng thuộc vào 1 trong các trường hợp trên thì không vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình và không bị xử lý kỷ luật.

Nếu vợ chồng bạn sinh con thứ 3 nhưng không thuộc vào trong các trường hợp trên thì vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình và phải chịu xử lý theo quy định Pháp luật.

4. Cán bộ, công chức có được sinh con thứ 3 không?

Cán bộ, công chức sinh con thứ 3 có bị xử lý kỷ luật?

Theo Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với cán bộ, công chức, cụ thể:

"Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Vi phạm quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức; quy định của pháp luật về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức; kỷ luật lao động; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

2. Lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi; có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ; xác nhận hoặc cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện;
...

5. Vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;

6. Vi phạm quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;

7. Vi phạm quy định về quy chế tập trung dân chủ, quy định về tuyên truyền, phát ngôn, quy định về bảo vệ chính trị nội bộ;

8. Vi phạm quy định của pháp luật về: đầu tư, xây dựng; đất đai, tài nguyên môi trường; tài chính, kế toán, ngân hàng; quản lý, sử dụng tài sản công trong quá trình thực thi công vụ;

9. Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức.

Như vậy, cán bộ, công chức cũng là những người phải thực hiện pháp lệnh về dân số kế hoạch hóa gia đình. Nếu cán bộ, công chức sinh con thứ 3 mà không thuộc 9 trường hợp tại Điều 2 Quy định 05-QĐi/TW thì sẽ phải chịu hình thức kỷ luật là khiển trách.

Nhà nước không cấm sinh con thứ 3, nếu có con ngoài ý muốn, bạn có thể xin xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên về việc nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người mẹ.

5. Khi nào Đảng viên sinh con thứ 3 được kết nạp lại vào Đảng?

Nếu Đảng viên sinh con thứ 3 bị khai trừ khỏi Đảng vẫn có thể được kết nạp lại vào Đảng nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 4 của Quy định 05/QĐ-TW, cụ thể như sau:

- Có thời gian phấn đấu ít nhất 24 tháng đối với trường hợp sinh con thứ 3, 36 tháng với sinh con thứ 4 (trước đây là 60 tháng);

- Là người uy tín trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng, dân cư, được cấp ủy nơi công tác và nơi cư trú, các tổ chức đoàn thể mà mình là thành viên đánh giá cao.

- Có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn của Trung ương và yêu cầu thực tế của công tác xây dựng Đảng của địa phương, đơn vị.

Do đó, dù đã bị khai trừ khỏi Đảng do sinh con thức 3, nếu cố gắng phấn đấu và được ghi nhận thì vẫn được các cơ quan, tổ chức Đảng tạo điều kiện cho kết nạp lại.

6. Quy định 102 về sinh con thứ 3

Hiện Quy định 102-QĐ/TW 2017 xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Quy định 69-QĐ/TW có hiệu lực từ ngày 06/07/2022. Có khá nhiều Đảng viên vẫn nhầm lẫn về hiệu lực của quy định mới và cũ. Bạn đọc nên lưu ý nhé.

Trên đây là quy định mới nhất về hình thức xử lý kỉ luật đối với đảng viên sinh con thứ 3. Mời các bạn tham khảo bài viết có liên quan tại Hỏi đáp pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
3 3.608
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Nguyễn Thị Hải Yến
    Nguyễn Thị Hải Yến

    hữu ích

    Thích Phản hồi 09/07/22
    • Mediterranean sea
      Mediterranean sea

      Thông tin bổ ích

      Thích Phản hồi 09/07/22
      • Lê Anh Dũng
        Lê Anh Dũng

        Cảm ơn ad

        Thích Phản hồi 09/07/22