Hết tuổi lao động có được tham gia BHXH bắt buộc 2024?

Đóng bảo hiểm xã hội là việc đảm bảo sự an toàn cho bản thân và trách nhiệm đối với người khác trong trường hợp ốm đau, tai nạn mà bị giảm hoặc mất thu nhập. Vậy hết tuổi lao động có được tham gia BHXH bắt buộc? Bài viết này Hoatieu.vn sẽ giúp bạn trả lời.

1. Quy định độ tuổi tham gia BHXH

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội (Khoản 1 Điều 3 Luật bảo hiểm xã hội 2014)

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia (Khoản 2 Điều 3 Luật bảo hiểm xã hội 2014)

Hiện nay, theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì pháp luật không quy định về độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội mà chỉ áp dụng đối với những đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động.

Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định từ độ tuổi tối thiểu 15 trở lên và không giới hạn độ tuổi tối đa được đóng bảo hiểm xã hội.

2. Đóng bảo hiểm xã hội cho người cao tuổi

Theo quy định về quyền lợi của người lao động cao tuổi thì người lao động cao tuổi đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, người lao động cao tuổi đã đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội là trên 20 năm thì không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nữa.

Tuy nhiên, nếu người lao động cao tuổi đã đủ tuổi nghỉ hưu, muốn hưởng lương hưu mà đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì có thể tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đủ 20 năm để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật.

Hết tuổi lao động có được tham gia BHXH bắt buộc?

3. Một số câu hỏi về BHXH với người cao tuổi

3.1 Bảo hiểm xã hội đối với người cao tuổi

  • Người lao động cao tuổi có phải đóng BHXH không?

Người lao động cao tuổi không phải đóng bảo hiểm xã hội nếu đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm.

  • Có phải đóng BHXH cho người lao động cao tuổi không?

Người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cao tuổi khi họ đã đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Cho nên, ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động còn có trách nhiệm chi trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định.

3.2 Độ tuổi 55,60 có tham gia BHXH được không?

Độ tuổi 55, 60 tuổi được tham gia bảo hiểm xã hội như bình thường. Bởi pháp luật không quy định về độ tuổi tối đa được đóng bảo hiểm xã hội là bao nhiêu mà chỉ quy định độ tuổi tối thiểu để tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là từ 15 tuổi.

Do vậy, 50 hay 60 tuổi đều có thể tham gia đóng bảo hiểm xã hội được.

3.3 Lao động sau 60 tuổi có phải đóng BHXH?

Lao động sau 60 tuổi mà đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm thì không phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nữa.

Tuy nhiên, người sử dụng lao động cao tuổi vẫn phải trả cho người lao động một khoản tiền tương đương với khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

3.4 Bao nhiêu tuổi thì hết tuổi đóng bảo hiểm xã hội?

Hiện nay theo quy định pháp luật hiện hành của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì không quy định việc bao nhiêu tuổi thì hết tuổi đóng bảo hiểm xã hội.

Tại Khoản 4 Điều 3 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:

4. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.

Như vậy, bao nhiêu tuổi cũng có thể đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được nếu từ đủ 15 tuổi trở lên.

3.5 Người quá tuổi lao động có được đóng BHXH hay không?

Người quá tuổi lao động có được đóng BHXH hay không? Đây là câu hỏi thường gặp của người lao động, nhất là người lao động tự do, họ không làm việc cho bất cứ tổ chức nào, hơn nữa thu nhập khá thấp không có điều kiện để tham gia đóng BHXH. Về già khi hết tuổi lao động họ có nhu cầu đóng BHXH, vậy pháp luật quy định như thế nào?

Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định tại Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng

Người lao động quá tuổi lao động đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1, Điều 2, Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, khi NLĐ đã đóng đủ 20 năm thăm gia BHXH sẽ không còn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nữa.

Như vậy, người lao động cao tuổi khi chưa đóng đủ 20 năm BHXH vẫn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và vẫn sẽ được đóng BHXH theo đúng quy định. Người lao động khi đã tham gia BHXH 20 năm và đã được nhận lương hưu hàng tháng không còn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nữa.

Người lao động cao tuổi đã đóng đủ 20 năm tham gia BHXH sẽ được nhận lương hưu hàng tháng và hưởng thêm các quyền lợi khác.

3.6 Trường hợp người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội?

Người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội là nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP thì không phải đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, có thể kể đến các trường hợp không nằm trong đối tượng phải đóng bảo hiểm như:

  • Trường hợp người lao động ký hợp đồng lao động dưới 01 tháng
  • Người lao động ký hợp đồng thử việc
  • Người lao động nghỉ việc không hưởng lương trên 14 ngày mà không phải là do ốm đau, thai sản theo quy định
  • Người lao động giao kết hợp đồng bằng miệng
  • Người lao động bán thời gian có mức lương làm việc dưới mức lương tối thiểu vùng.

3.7 Qua tuổi nghỉ hưu có phải đóng BHXH

Theo quy định tại Khoản 9, Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:

9. Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Căn cứ theo quy định trên, người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Như vậy, trường hợp người lao động đã nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí hằng tháng mà tiếp tục làm việc tại công ty thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Mời các bạn tham khảo thêm một số bài viết hữu ích khác như: Những đối tượng nào phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 2024, Mẫu đơn đăng ký đóng bảo hiểm xã hội từ chuyên mục Hỏi đáp pháp luật của trang Hoatieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 1.664
0 Bình luận
Sắp xếp theo