Giáo viên không nhất thiết phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

Giáo viên có bắt buộc phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

Việc yêu cầu các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên theo các Thông tư mới của Bộ giáo dục khiến nhiều thầy cô băn khoăn. Sau đây là một số ý kiến chia sẻ từ các chuyên gia về vấn đề này, mời các bạn cùng tham khảo.

Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho hay, bản chất, giáo viên trước khi ra giảng dạy là đã được đào tạo và công nhận nghề nghiệp sư phạm. Do đó, giáo viên không nhất thiết phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Băn khoăn về quy định của luật

Thời gian gần đây, Thông tư 04 mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy tại các trường công lập (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) sẽ có hiệu lực từ 20.3.201.

Theo quy định mới, giáo viên phải chứng chỉ chức danh nghề nghiệp mới có thể thăng lương, giữ hạng hay nâng ngạch. Phản ánh đến Báo Lao Động, nhiều giáo viên đều cho rằng, đây là một quy định thừa, gây rườm rà, tốn kém về thời gian và tiền bạc. Đặc biệt, không giúp ích được cho công tác chuyên môn.

Qua tìm hiểu thì đây cũng là quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, các lĩnh vực, mà không riêng gì ngành Giáo dục.

Điều này được quy định trong Luật Viên chức 2010, yêu cầu người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó (điểm b khoản 1 Điều 31) và viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm hạng (điểm b khoản 3 Điều 33). Sau khi Luật Viên chức 2010 có hiệu lực, có 11 bộ, ngành phải xây dựng hệ thống chức danh nghề nghiệp cho viên chức, công chức của ngành mình, trong đó có ngành giáo dục.

Với những quy định trên, rất nhiều viên chức các ngành nghề phản ánh yêu cầu về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là không cần thiết, gây phát sinh thủ tục hành chính; trong khi không thực sự phục vụ cho công việc chuyên môn cụ thể.

Nên rà soát, xem xét sửa đổi quy định

Trước những băn khoăn của các viên chức, trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, bản chất, giáo viên trước khi ra giảng dạy là đã được đào tạo và công nhận nghề nghiệp sư phạm. Do đó, giáo viên không nhất thiết phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Còn về yêu cầu chức danh nghề nghiệp đối với viên chức nói chung, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, nên rà soát, xem xét sửa đổi lại quy định này phù hợp với viên chức từng ngành, lĩnh vực. Việc sửa đổi luật cần có sự phối hợp của các đơn vị bộ, ngành.

Ông Phạm Trường Dân, Nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, nguyên đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm, không nhất thiết viên chức tất cả các ngành, nghề phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Đối với yêu cầu bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cũng cần phải xem xét lại, bởi điều này không thực sự cần thiết, chỉ gây tốn thời gian và phiền hà cho viên chức.

Đặc biệt, ông Dân cho rằng, nên thu hẹp diện cần chứng chỉ cũng như kiểm soát về đơn vị nào được phép cấp chứng chỉ để đảm bảo chất lượng. Ông Dân cũng cho rằng, nếu quy định của luật không còn phù hợp với tình hình thực tế thì cần nghiên cứu để sửa kịp thời.

Cùng cho ý kiến về vấn đề trên, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hoà cho rằng, chủ trương cần giảm giấy phép con không liên quan đến việc làm, công việc của từng nhóm viên chức.

Ông Hoà lấy ví dụ đối với ngành giáo dục hay một số ngành, nghề khác, có những viên chức không thường xuyên hoặc thậm chí có người không dùng đến chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mà bắt họ phải có loại chứng chỉ đó thì không khác nào tăng thêm giấy phép con.

Trao đổi về yêu cầu chức danh nghề nghiệp, luật sư Hoàng Tùng, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay, việc giảm bớt một số yêu cầu trong quá trình tuyển dụng, nâng ngạch viên chức về văn bằng, chứng chỉ là phù hợp. Điều này giúp đơn giản hóa quy trình tuyển dụng mà vẫn đảm bảo những yêu cầu cần thiết cho vị trí công việc. Còn yêu cầu về chức danh nghề nghiệp đối với viên chức, do có nhiều ngành, nghề nên phải có quy định cụ thể và hợp lý với từng công việc ở các mức độ khác nhau.

Ông Bùi Văn Xuyền, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, vấn đề chức danh nghề nghiệp được Luật Viên chức quy định chung, không quy định chi tiết cho từng ngành, nghề.

“Do vậy, các bộ, ngành trong quá trình thực hiện luật định, phải căn cứ luật, căn cứ các văn bản hướng dẫn cụ thể của Chính phủ đối với bộ, ngành mình. Từ đó có ban hành những quy định cụ thể, chi tiết, phù hợp thực tiễn; ngành, nghề nào cần và không cần chứng chỉ nào; tránh quy định chung chung khiến phát sinh tình trạng có những chứng chỉ nghề nghiệp đặt ra không thực sự cần thiết, chỉ mang tính hình thức. Nguyên tắc là phải có sự cắt giảm tối đa, phù hợp, tránh gây khó, làm phiền hà đến người lao động mà vẫn có thể đảm bảo việc quản lý hiệu quả nhất” - ông Xuyền cho hay.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 2.430
0 Bình luận
Sắp xếp theo