Giáo án Tự nhiên - Xã hội chủ đề Thực vật - Động vật lớp 1

Giáo án Tự nhiên - Xã hội chủ đề Thực vật - Động vật lớp 1 là tài liệu vô cùng bổ ích giúp quý thầy cô tiết kiệm thời gian và công sức làm việc. Sau đây là nội dung chi tiết mời các bạn cùng tham khảo.

Giáo án Tự nhiên - xã hội chủ đề Động vật - Thực vật

CHỦ ĐỀ: THỰC VẬT - ĐỘNG VẬT (11T)

MỤC TIÊU GIÁO DỤC CHUNG:

Sau khi học xong chủ đề Thực vật - Động vật, Học sinh cần:

- Nêu tên và đặt được câu hỏi để tìm hiểu về một số đặc điểm bên ngoài nổi bật của cây và con vật thường gặp. (Năng lực: KH1, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Phẩm chất: trung thực.)

- Vẽ hoặc sử dụng được sơ đồ có sẵn để chỉ và nói (hoặc viết) được tên các bộ phận bên ngoài của một số cây và con vật. (Năng lực: KH1, tự chủ và tự học, hợp tác, giải quyết vấn đề. Phẩm chất: Chăm chỉ, trung thực)

- Phân biệt được một số cây theo nhu cầu sử dụng của con người (cây bóng mát, cây ăn quả, cây hoa,...). (Năng lực: KH2, tự chủ, giao tiếp, giải quyết vấn đề. Phẩm chất: chăm chỉ, trách nhiệm)

- Nêu được việc làm phù hợp để chăm sóc, bảo vệ cây trồng và vật nuôi.(Năng lực: KH1, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Phẩm chất: trung thực)

- Làm được một số việc phù hợp để chăm sóc, bảo vệ cây trồng ở trường hoặc ở nhà và đối xử tốt với vật nuôi. (Năng lực: KH3, giao tiếp. Phẩm chất: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ,trách nhiệm)

- Có ý thức giữ an toàn cho bản thân khi tiếp xúc với một số cây, con vật và chia sẻ với những người xung quanh cùng thực hiện. (Năng lực: KH3, giao tiếp. Phẩm chất: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ,trách nhiệm)

KẾ HOẠCH DẠY HỌC

CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ VẬT NUÔI (2 tiết)

1. Mục tiêu: Qua bài này học sinh:

- Nêu được tên một số việc làm phù hợp để chăm sóc và bảo vệ vật nuôi.

- Điều tra và ghi lại được lợi ích của các vật nuôi trong gia đình.

- Làm được một số việc phù hợp để chăm sóc và bảo vệ vật nuôi.

- Có ý thức giữ an toàn cho bản thân khi tiếp xúc với vật nuôi và chia sẻ với những người xung quanh cùng thực hiện.

- Biết giữ an toàn cho bản thân khi tiếp xúc với vật nuôi.

-Thông qua làm việc nhóm để chia sẻ về những cách bảo vệ, chăm sóc một số vật nuôi trong gia đình. Biết cách giữ gìn an toàn cho bản thân khi tiếp xúc với vật nuôi.

- Ứng phó, xử lí tình huống có nguy cơ dẫn đến làm hại vật nuôi.

- Lòng yêu thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên; Tinh thần trách nhiệm; Lòng nhân ái: yêu quý động vật, biết chăm sóc vật nuôi trong gia đình.

2. Thiết bị dạy học và học liệu được sử dụng:

- Bộ tranh vẽ hình ảnh chăm sóc và bảo vệ các vật nuôi trong gia đình, những hình ảnh có thể nguy hiểm do vật nuôi gây ra, tranh sưu tầm của học sinh.

3. Tiến trình tổ chức bài học:

* Tiết thứ 1

Hoạt động 1: Kết nối (5p)

Mục tiêu: Kết nối kinh nghiệm đã có của học sinh với kiến thức mới của bài , kích thích hứng thú học sinh

- GV cho HS hát bài “Đàn gà con”

- Giới thiệu bài mới.

Hoạt động 2: Khám phá (15p)

Mục tiêu: HS quan sát tranh SGK kể tên các việc làm thể hiện sự chăm sóc và bảo vệ vật nuôi.

Cách tiến hành: Sử dụng kĩ thuật động não

HS quan sát tranh và liên hệ kể tên các con vật nuôi trong nhà.

- Yêu cầu học sinh kể những việc em đã làm để bảo bệ chăm sóc vật nuôi và những rủi ro mà vật nuôi có thể gây ra. (Gv ghi nhanh lên bảng).

Kết luận: Học sinh và giáo viên khái quát lại:

-Những con vật nuôi trong nhà

- Những việc làm để chăm sóc và bảo về con vật nuôi.

- Những nguy hiểm mà các vật nuôi có thể gây ra.

Hoạt động 3: Giải thích (15p)

Mục tiêu: Biết chăm sóc và bảo vệ, phòng tránh một số nguy hiểm có thể do vật nuôi gây ra.

Cách thức tiến hành:

1. GV chia thành 4 nhóm, phát mỗi nhóm 1 bộ tranh và giao nhiệm vụ cho từng nhóm.

Nhóm 1,2: Nêu những việc làm cần thiết để chăm sóc và bảo vệ vật nuôi, tại sao phải làm như thế.

Nhóm 3,4: Nêu những tác hại của vật nuôi có thể gây ra: Trong những trường hợp nào vật nuôi có thể gây nguy hiểm cho con người, cách phòng tránh, xử lí.

2. Các nhóm làm việc, GV quan sát.

3. Báo cáo kết quả thảo luận.

- Đại diện các nhóm báo cáo thảo luận và các nhóm khác góp ý bổ sung.

Kết thúc tiết học GV nhắc nhở HS cần cẩn thận khi chơi với một số vật nuôi

* Hướng dẫn về nhà:

Nhiệm vụ về nhà: Yêu cầu mỗi học sinh, trong vai “ Thám tử nhí” hãy xem xét, tìm hiểu những việc làm thể hiện sự chăm sóc, bảo vệ vật nuôi của gia đình mình và những người xung quanh.

* Tiết thứ 2

Hoạt động 4: Thực hành (15 phút)

Mục tiêu: Học sinh thực hành nhận diện được một số việc làm phù hợp để chăm sóc và bảo vệ vật nuôi.

Cách tiến hành:

1. Chia lớp thành các nhóm theo hình thức nhóm 4.

Giáo viên giao nhiệm vụ cho các nhóm:

Nhiệm vụ:

- Đối với vật nuôi chúng ta cần chăm sóc như thế nào?

- Chúng ta cần làm gì để bảo vệ vật nuôi?

2. Trong khi học sinh thực hành, giáo viên có thể đi đến quan sát lắng nghe học sinh thảo luận, nếu cần có thể đưa ra gợi ý.

3. Đại diện các nhóm báo cáo kết quả thảo luận, các nhóm khác góp ý, bổ sung.

Kết luận:

- Cách chăm sóc vật nuôi:

+ Cho vật nuôi ăn uống đầy đủ.

+ Cùng với bố mẹ che chắn cho vật nuôi khi trời lạnh.

+ Nhắc bố mẹ vệ sinh sạch sẽ cho vật nuôi.

- Cách bảo vệ vật nuôi:

+ Nhắc bố mẹ tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi.

+ Giữ an toàn cho vật nuôi.

Hoạt động 5: Vận dụng (15p)

Mục tiêu: Học sinh xử lí được đơn giản khi chăm sóc , bảo vệ vật nuôi.

Cách tiến hành:

a) Giáo viên chia lớp thành 3 nhóm và giao cho mỗi nhóm một tình huống xử lí:

- TH1: (Nhóm 1): Gia đình em nuôi một con chó nhỏ, không may nó bị ốm, em sẽ làm gì?

- TH2: (Nhóm 2): Trên đường đi học về, em thấy một con mèo đang bị bỏ đói bên vệ đường, em sẽ làm gì?

- TH3: (Nhóm 3): Nga đang chơi với bạn rất vui vẻ ở ngoài sân nhà văn hóa thì mẹ nhắc về cho gà ăn. Nếu là Nga, em sẽ làm gì?

Các nhóm nhận nhiệm vụ: Nhóm trưởng điều khiển các bạn thảo luận để đưa ra những cách xử lí khác nhau có thể xảy ra, sau đó chọn một cách mà các em cho là hợp lí nhất để đóng vai, trình bày trước lớp.

Ví dụ:

*Tình huống 1:

- Để cho nó tự khỏi.

- Bảo bố mẹ mua thuốc về tiêm

- Gọi Bác sĩ thú ý đến.

*Tình huống 2:

- Về nhà mang cơm đến cho mèo ăn.

- Đưa nó về nhà chăm sóc, cho nó ăn.

- Mặc kệ nó rồi về nhà.

* Tình huống 3:

- Em tiếp tục chơi tiếp, tối về cho gà ăn sau.

- Chơi thêm một lúc rồi về.

- Nghe lời mẹ về nhà cho gà ăn ngay.

b) Thực hành xử lí

- Giáo viên yêu cầu các nhóm báo cáo về những cách xử lí khác nhau, đóng vai thể hiện. Các nhóm khác nhận xét, bổ sung.

- Giáo viên hỗ trợ học sinh rút ra bài học: Khi gặp những tình huống như trên thì em nên làm gì là tốt nhất, thể hiện được trách nhiệm trong chăm sóc và bảo vệ vật nuôi.

Nhiệm vụ về nhà: học sinh thực hành chăm sóc, bảo vệ vật nuôi trong nhà, phòng tránh các rủi ro nguy hiểm do vật nuôi có thể gây ra.

Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tại mục giáo dục đào tạo trong mục biểu mẫu nhé.

Đánh giá bài viết
4 22.100
0 Bình luận
Sắp xếp theo