Giải đáp các câu hỏi về chứng chỉ, xếp hạng, lương giáo viên 2021

Giải đáp các câu hỏi về bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên

Mới đây Bộ giáo dục đã ban hành các Thông tư mới về chuyển xếp lương giáo viên các cấp từ 20/3/2021. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ giải đáp các câu hỏi về chứng chỉ, xếp hạng, lương giáo viên 2021 đã được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp, mời các bạn cùng tham khảo.

Căn cứ pháp lý:

  • Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT
  • Thông tư 02/2007/TT-BNV

Câu 1 - Tôi chỉ có bằng Cao đẳng sư phạm, và bằng Trung cấp Âm nhạc vậy phải làm thế nào. Trong khi tôi chỉ còn 7 năm nữa là đến tuổi hưu, vậy tôi có cần đi học không? (độc giả Mai Thanh Nhàn)

Khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành, trình độ chuẩn được đào tạo của cấp tiểu học và THCS là đại học. Do đó, thầy/cô cần căn cứ vào đối tượng phải thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ) và đối tượng không phải tham gia nâng chuẩn trình độ đào tạo (Thông tư 24/2020/TT-BGDĐT ngày 25/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) để xem mình có thuộc đối tượng phải nâng chuẩn trình độ không. Trường hợp cần thiết, thầy/cô có thể liên hệ phòng GD-ĐT địa phương để được giải đáp.

Câu 2 - Tôi có chức danh nghề nghiệp hạng 2, chưa hưởng lương đại học, hiện đang ở hạng 3. Vậy theo thông tư mới mà Bộ GD-ĐT quy định, tôi có cần học hạng 3 nữa không? (độc giả Khánh Linh)

Nếu thầy/cô đang giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non/tiểu học hạng III thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng III.

Vì yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học hạng III được áp dụng đối với:

1) giáo viên mầm non, tiểu học được tuyển dụng sau ngày Thông tư số 01, 02/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành;

2) những giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.05) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26) theo Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT;

3) giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.08) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) theo Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT.

Nếu thầy/cô đang giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS/THPT hạng III, thì không cần phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng III. Vì yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS, THPT hạng III được áp dụng đối với giáo viên THCS, THPT được tuyển dụng sau ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. Nội dung này được quy định chi tiết tại Điều khoản áp dụng của các Thông tư.

Nếu thầy/cô đang giữ chức danh nghề nghiệp hạng III mà đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II thì chứng chỉ này được bảo lưu khi thầy/cô tham gia thi/xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II.

Câu 3 - Tôi là giáo viên mầm non có bằng đại hoc, đang hưởng lương cao đẳng, học xong lớp thăng hạng có chứng chỉ hạng 2. Vậy giờ tôi có phải học hạng 3 không? (độc giả Nguyễn Thị Xuân Thanh)

Nếu cô đang giữ hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II thì không cần có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng III; còn nếu đang giữ chức danh nghề nghiệp hạng III thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng III, đồng thời chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II sẽ được bảo lưu khi thầy/cô tham gia thi/xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II.

Câu 4 - Tôi đã được áp từ hạng 4 lên hạng 2 từ năm 2009 đến nay. Vậy tôi có phải đi học lấy chứng chỉ hạng 2 để giữ hạng không? (độc giả có địa chỉ qhao...@gmail.com)

Thời điểm thầy/cô được chuyển từ ngạch giáo viên tương ứng sang chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV thì phải bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II, trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II. Như vậy, cho đến thời điểm này, thầy/cô đã có hơn 5 năm để hoàn thiện các tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II.

Để được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II theo quy định tại Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thì thầy/cô phải đạt các tiêu chuẩn của hạng bao gồm cả tiêu chuẩn về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II.

Câu 5 - Tôi giáo viên THCS hạng II, nhưng chưa có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II và đang hưởng lương mã số V.07.04.11 bậc 9/9, hệ số 4,98. Như vậy, theo Thông tư 03 của Bộ GD-ĐT vừa ban hành, đến 20/3/2021, tôi sẽ được hưởng theo mã số lương nào? bậc mấy? và hệ số lương là bao nhiêu? (độc giả Nguyễn Văn Luận)

Khi Thông tư 03 có hiệu lực, thầy sẽ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III cho đến khi đạt các tiêu chuẩn của hạng II thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng (khoản 2 Điều 7 và khoản 2 Điều 9 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT).

Như vậy, hiện tại thầy sẽ được áp dụng hệ số lương của của viên chức loại A1 và giữ hệ số lương 4,98 như hiện hành. Đến khi thầy bổ sung các tiêu chuẩn còn thiếu và được bổ nhiệm vào hạng II theo quy định tại Thông tư 03 thì được áp dụng hệ số lương viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.

Câu 6 - Tôi đang ở hạng 2. Tôi có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng 1, vậy có cần học thêm chứng chỉ hạng 2 để giữ hạng hiện nay không? (độc giả Trương Thương)

Thời điểm cô được chuyển từ ngạch giáo viên tương ứng sang chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV thì cô phải bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II, trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II. Như vậy, cho đến thời điểm này, cô đã có hơn 5 năm để hoàn thiện các tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II.

Để được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II theo quy định tại Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thì cô phải đạt các tiêu chuẩn của hạng bao gồm cả tiêu chuẩn về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II.

Nếu cô đang ở hạng II mà đã có chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I thì chứng chỉ này được bảo lưu khi thầy/cô tham gia thi/xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I.

Câu 7 - Khi thực hiện Thông tư 03, giáo viên THCS đang ở hạng 3 (trước đây) để được chuyển sang hạng 3 mới có phải học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng 3 không? Ngoài ra, hiện huyện Sóc Sơn chúng tôi đã gửi thông tin xuống các trường để các thầy cô đăng ký học, vậy chúng tôi có cần học hay không? (độc giả Lê Nga, Sóc Sơn, Hà Nội)

Cô không phải học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng III. Vì đối với cấp THCS, yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng III chỉ áp dụng đối với giáo viên THCS được tuyển dụng sau ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành (khoản 5 Điều 10 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT).

Bên cạnh đó, việc đi học để có chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư mới, cô cần chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ, Sở và Phòng GD-ĐT.

Câu 8 - Tôi đã trúng tuyển trong kỳ thi thăng hạng mà Bộ tổ chức năm 2018 và trở thành giáo viên hạng 1 từ năm 2019, giờ tôi chưa có bằng thạc sĩ thì có được giữ nguyên hạng 1 hay không, nếu không thì tôi thành giáo viên hạng mấy? (độc giả Hùng Sơn)

Nếu hiện tại thầy đang giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I thì khi chuyển vào chức danh nghề nghiệp theo quy định tại các Thông tư mới, thầy tạm thời được xếp vào chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II và sau khi thầy có bằng thạc sỹ và đạt các tiêu chuẩn của hạng I thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng I mà không phải thông qua kỳ thi/xét thăng hạng.

Câu 9: “Xin cho hỏi tôi là giáo viên trung học cơ sở công tác 27 năm, năm nay đã 49 tuổi bậc 9 từ năm 2019 chưa có bằng đại học tôi có phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không?"

Xin cung cấp thông tin đến bạn như sau: Do bạn chưa có trình độ đại học, chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019, nên theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT bạn sẽ chưa được bổ nhiệm chức dnah nghề nghiệp hạng III trung học cơ sở, bạn không cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Nếu sau này bạn hoàn thiện trình độ đại học, đủ điều kiện chuyển sang giáo viên trung học co sở hạng III bạn cũng không cần có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (chỉ áp dụng cho giáo viên tuyển dụng sau ngày 20/3/2021).

Câu 10: “Cho tôi hỏi: Tôi là giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V7.04.12) hưởng lương có hệ số lương 2,1. Tôi đã có bằng đại học. Theo quy định mới thông tư 03/2021/TT-BGDĐT, tôi sẽ được chuyển sang giáo viên THCS hạng III (mã số V7.04.32), hệ số lương 2,34. Vậy ngoài bằng đại học ra, tôi có phải học chứng chỉ Bồi dưỡng Chức danh nghề nghiệp hạng III không? (Tôi công tác được 2 năm)”

Trả lời: Bạn không cần có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (chỉ áp dụng cho giáo viên tuyển dụng sau ngày 20/3/2021).

Câu 11: “Cho tôi hỏi: “Tôi đang là giáo viên trung học cơ sở với bằng cao đẳng sư phạm đến tháng 10/2021 thì nghỉ hưu vậy trường hợp của tôi sẽ áp dụng như thế nào?”

Trả lời: Bạn sẽ tiếp tục hưởng lương với hệ số bậc cao đẳng như hiện nay với hệ số lương cuối cùng 4,89 và thâm niên vượt khung (nếu có) đến khi nghỉ hưu, không cần các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng.

Câu 12: “Xin cho tôi hỏi: Tôi hiện là giáo viên trung học cơ sở hạng III. Đã có bằng đại học và chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II nhưng vẫn chưa được chuyển hạng. Vậy theo quy định về hạng chức danh nghề nghiệp và bảng lương mới. Thì tôi có cần học lại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III để được hưởng lương mới không ạ.”

Trả lời: Do bạn đã có bằng đại học phù hợp và nếu đạt các tiêu chuẩn của giáo viên hạng III mới nên bạn sẽ được chuyển xếp lương giáo viên trung học cơ sở hạng III (hệ số lương từ 2,34 đến 4,98).

Bạn không cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (chỉ áp dụng cho giáo viên tuyển dụng sau ngày 20/3/2021).

Bạn xem tiêu chuẩn giáo viên trung học cơ sở hạng II, nếu đạt các tiêu chuẩn có thể chuyển sang hạng II thì học thêm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II để áp dụng trong tương lai.

Câu 13: “Tôi xin hỏi. Tôi được xếp lương hạng III ngạch viên chức trung học cơ sở tháng 01/2021 tôi đã có bằng thạc sĩ nhưng hưởng lương bậc 1 là 2,1. Vậy theo ngạch mới tôi có được chuyển từ hạng III cũ sang hạng III mới không và cần những điều kiện nào ạ?”

Trả lời: Bạn sẽ được chuyển sang hạng III mới, điều kiện bạn xem trong tiêu chuẩn giáo viên trung học cơ sở hạng III.

Câu 14: “Tôi xin hỏi. Tôi được tuyển dụng ngày 10/1/2020. Tôi dạy cấp 2 đã có bằng đại học. Hiện là giáo viên trung học cơ sở hạng III mã số V07.04.12. Hiện tôi đang hưởng lương bâc 2 là 2.41. xin hỏi Theo thông tư mới thì lương tôi được hưởng như thế nào? Tôi có được chuyển sang hạng III V.07.04.32 không? Nếu được chuyển tôi cần có điều kiện gì? Xin được tư vấn giúp.”

Trả lời: Theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT mới bạn sẽ được chuyển sang giáo viên trung học cơ sở hạng III, hệ số lương mới của bạn là 2,67, thời gian nâng lương lần sau là 10/01/2023. Điều kiện thì trong tiêu chuẩn giáo viên trung học cơ sở hạng III của Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT.

Câu 15: “Tôi là giáo viên tiểu học hạng lll. Đang hưởng bậc 4 cao đẳng, hệ số 3,03. Tôi đã có bằng đại học , có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng ll, Ill và có đầy đủ các điều kiện của giáo viên Tiểu học hạng ll. Vậy tôi có được chuyển qua hạng ll không hay là chuyển qua giáo viên Tiểu học hạng lll mới.”

Trả lời: Theo Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT, bạn sẽ được chuyển sang giáo viên hạng III của giáo viên tiểu học, có hệ số lương mới là 3,33, thời điểm nâng lương lần sau theo quyết định nâng lương gần nhất đang hưởng của bạn. Sau này khi đủ điều kiện bạn sẽ được chuyển sang giáo viên tiểu học hạng II mới có hệ số lương từ 4,0 đến 6,38.

Câu 16: “Tôi muốn hỏi: Hiện tại tôi là giáo viên tiểu học hạng III. Nhưng tôi đã có bằng đại học và chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II. Vậy theo quy định mới tôi có cần phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng hạng III nữa hay không ạ? (Trong khi hạng tôi có cao hơn). Mong trả lời giúp tôi ạ.Tôi xin cảm ơn.”

Trả lời: Yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Thông tư này áp dụng đối với giáo viên tiểu học được tuyển dụng sau ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành và giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.08) khi được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư này.

Do đó, theo quy định này, bạn vẫn phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III khi chuyển sang hạng III mới bậc tiểu học.

Chứng chỉ chức danh giáo viên đã học vẫn có giá trị, nhưng phải đúng hạng

Câu 17: “Tôi muốn hỏi: Hiện nay tôi đã có bằng đại học năm 2010 đến nay. Cũng đã học hạng II, nhưng chưa bổ nhiệm qua hạng II được?

Vậy theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo tôi có phải học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III để được hưởng lương mới hay không?”

Trả lời: Nếu bạn dạy ở bậc trung học cơ sở thì bạn sẽ được chuyển xếp lương giáo viên trung học cơ sở hạng III, không cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III.

Câu 18: “Tôi vào ngành ngày 01.01.2000 dạy ở bậc trung học cơ sở đang ở mã ngạch V07.04.12. Có bằng đại học từ tháng 02.2012, có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II.

Vậy có cần học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III để chuyển sang hạng III mới không? (tôi đã có đủ tất cả các tiêu chí của giáo viên trung học cơ sở hạng II)”.

Trả lời: Bạn không cần có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III khi chuyển sang giáo viên hạng III mới.

Câu 19: “Tôi đang là giáo viên trung học cơ sở hạng II mã số V.07.04.11 hệ số lương 3.66 có đầy đủ điều kiện của giáo viên trung học cơ sở hạng II mới theo thông tư 03/2021. Vậy theo thông tư mới thì tôi có được xếp vào giáo viên trung học cơ sở hạng II mới không và hệ số lương tính như thế nào?”

Trả lời: Nếu đủ điều kiện thì bạn sẽ được chuyển sang giáo viên trung học cơ sở hạng II, tuy nhiên bạn tiếp tục hưởng lương có hệ sơ 3,66, đợt nâng lương lần sau bạn được tăng hệ số lương lên 3,99, sau đó được chuyển sang giáo viên trung học cơ sở hạng II với hệ số lương 4,0, thời gian nâng lương lần sau theo quyết định nâng lương cũ của bạn.

Câu 20: “Tôi xin tư vấn một chút về lương của tôi. Tôi đã có bằng Đại học năm 2014. Từ đó đến nay tôi chưa được nâng hạng mà vẫn được hưởng lương theo hạng 3 mã số V.07.04.12 . Vậy khi chuyển lương mới tôi có được xét nâng hạng 2 khi mà tôi có đủ các điều kiện các chứng chỉ yêu cầu không ạ.? Xin cảm ơn.”

Trả lời: Bạn được chuyển sang giáo viên trung học cơ sở hạng III có hệ số lương từ 2,34 đến 4,98. Chưa có quy định về việc giáo viên hạng III (cũ) được chuyển sang hạng II (mới).

Câu 21: “Tôi đã bậc 10 của giáo viên trung học cơ sở hạng 3 mã số V.07.04.12 . Chưa có bằng đại học mà mới chỉ có bằng cao đẳng sư phạm. Còn gần 4 năm nữa là về hưu, đã giữ mã trung học cơ sở hạng 3 hơn 9 năm vậy nay tôi muốn học thi chức danh nghề nghiệp thăng hạng có được không?”

Trả lời: Để được xét chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III mới thì bạn phải có bằng đại học.

Câu 22: “Tôi làm giáo viên trung học cơ sở hạng 3 cũ và đã có bằng đại học, tôi công tác từ 10/2012 vậy thì bây giờ theo như bài viết tôi được xếp vào giáo viên hạng 3 mới 2021.

Vậy sau khi tôi được xếp vào hạng 3 mới 2 năm sau đủ 10 năm tôi có đủ điều kiện vào giáo viên trung học cơ sở hạng 2 không hay phải đợi tới năm 2027 vậy ạ. Xin chân thành cảm ơn”.

Trả lời: Nếu bạn có bằng đại học và đạt các tiêu chuẩn thì đến năm 2022 trở đi (đủ 9 năm giữ hạng và tương đương) bạn có thể được thi/xét tuyển lên giáo viên trung học cơ sở hạng II (có hệ số lương 4,0 đến 6,38).

Trên đây là một số quan điểm và thông tin đến quí thầy cô. Phần tư vấn có tính chất tham khảo. Tùy từng trường hợp sẽ có cách giải quyết khác nhau.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
3 4.387
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Vũ Hoài
    Vũ Hoài

    Tôi xin hỏi: Tôi được tuyển dụng ngày 30/12/2019. Sau 1 năm tập sự, tôi được bổ nhiệm là giáo viên trung học cơ sở hạng II mã số V07.04.11, hưởng lương bâc 2 là 2.67. Tôi có bằng Thạc sĩ và chứng chỉ chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II từ khi tuyển dụng. Năm học 2020-2021, tôi có chứng nhận giáo viên giỏi huyện và đã làm biên bản đề nghị xét chiến sĩ thi đua cơ sở và đang đợi xét duyệt. Vậy tôi xin hỏi: "Theo thông tư 03/2021/TT-BGDĐT thì tôi có được chuyển sang hạng II mới không? Xin được tư vấn giúp?

    Thích Phản hồi 31/07/21
    • Oải Hương
      Oải Hương

      Tôi xin hỏi. Tôi tốt nghiệp bằng Đại học, thi viên chức sẽ được xếp vào hạng chức dang nghề nghiệp nào?

      Thích Phản hồi 22/10/21
      • Nông Huyền Anh
        Nông Huyền Anh

        Tôi xin hỏi, tôi được tuyển dụng từ 1/10.2009, giữ ngạch GV THPT hạng III. Từ ngày 1/9/2021 tôi được chuyển về THCS nhưng chưa được chuyển ngạch phù hợp. Hiện tôi đã có bằng Thạc sĩ, các chứng chỉ Tin học, Tiếng Anh B2, Tiếng dân tộc, Chứng chỉ chuẩn chức danh nghề nghiệp GV THPT hạng II, đạt danh hiệu CSTĐCS. Vậy tôi sẽ được xếp ngạch, hạng chức danh nghề nghiệp nào là phù hợp và cần phải làm gì hay cần bổ sung thêm hồ sơ nào nữa ạ?

        Thích Phản hồi 11/11/21