Đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Bộ trường BGD: Đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Trước thực trạng dạy thêm và học thêm hiện nay, tại buổi chất vấn sáng 11/11/2021 nhiều đại biểu đã nêu các câu hỏi tình trạng dạy thêm và học thêm. Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Kim Sơn đã có những giải đáp về vấn đề này. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng theo dõi.

Sáng nay 11/11 Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Kim Sơn lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Nhiều vấn đề nóng của ngành được đặt ra và tranh luận với Bộ trưởng như thực trạng dạy thêm, học thêm; chất lượng sách giáo khoa; học sinh thiếu thiết bị học tập; thiếu giáo viên; học sinh không thích học lịch sử...

Về vấn đề dạy thêm, đại biểu Nguyễn Huy Thái nói dù bị nghiêm cấm, ngay cả trong dịch bệnh, tình trạng học thêm - dạy thêm vẫn diễn ra. Ông đề nghị Bộ trưởng chia sẻ quan điểm.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, bình thường, việc dạy thêm học thêm đã cần phải ngăn chặn, khi học trực tuyến, học sinh căng thẳng hơn nên việc dạy thêm là cần lên án.

Theo ông Sơn, Thông tư hồi tháng 3 do Bộ ban hành đã quy định số giờ dạy và học trực tuyến cho các cấp, các lớp. Vì vậy, ông đề nghị các Sở Giáo dục Đào tạo, các địa phương kiểm tra, thanh tra việc học trực tuyến xem có dạy quá giờ không. "Chúng tôi cũng sẽ tăng cường thanh kiểm tra để ngăn chặn việc này", Bộ trưởng Giáo dục nói.

Tuy nhiên, sau câu trả lời của Bộ trưởng, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn. Tham gia tranh luận, đại biểu Nguyễn Công Long nói: "Tôi hiểu rằng như vậy thì quan điểm của ngành giáo dục về vấn đề này là phải cấm. Tôi đồng tình là phải cấm dạy thêm trực tuyến, vì lợi ích của các cháu. Nhưng nếu chỉ cấm thì chưa giải quyết được căn nguyên của vấn đề", ông Long nói.

Ông phân tích, từ trước đến nay "chúng ta tiếp cận vấn đề dạy thêm như một vấn nạn của xã hội và xử lý theo cách là cấm. Có nơi còn tổ chức mật phục bắt quả tang giáo viên dạy thêm, đưa lên báo chí. Cách ứng xử với các nhà giáo như vậy không phù hợp. Tôi cho rằng không nên có tư duy như cũ, cái gì không quản được thì cấm", ông Long nêu quan điểm.

Ông cho rằng, nên đánh giá tác dụng của dạy thêm trong đời sống, vì đây là nhu cầu thực tiễn của phụ huynh, học sinh. "Con em chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt, đi làm cũng một phần là nhờ học thêm. Chứng tỏ nó có tác dụng chứ không phải không", ông dẫn chứng.

Tại phiên chất vấn hôm qua, có đại biểu thắc mắc tại sao ngành giáo dục cấm dạy thêm mà y tế không cấm bác sĩ làm thêm. "Vậy hôm nay tôi đặt vấn đề lại là tại sao ngành y được làm thêm mà giáo dục không được. Tôi cảm giác là khi giải quyết vấn đề này chúng ta không nhìn rõ được căn nguyên câu chuyện", ông Long nêu quan điểm.

Cả nước có 38.000 giáo viên phổ thông tiểu học. Vấn đề dạy thêm xuất phát từ thực trạng lương của giáo viên quá thấp, rất nhiều giáo viên coi dạy thêm như kế mưu sinh. "Cần nhìn thẳng vào vấn đề này để giải quyết thấu đáo. Qua hai năm đại dịch vừa rồi, giáo viên cũng cần cứu trợ", đại biểu Long bày tỏ.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành chia sẻ, từ các khóa trước, Quốc hội đã thảo luận rất nhiều về chủ đề dạy thêm và "câu chuyện này chưa có hồi kết".

Theo ông Thành, có bốn giải pháp liên quan đến việc dạy thêm.

Thứ nhất, cần giảm tải chương trình, bắt đầu từ giảm tải sách giáo khoa. "Chúng tôi đã khảo sát từ bậc tiểu học đến trung học, thấy nhiều môn học sinh phải tiếp nhận khối lượng chương trình quá lớn. Nhiều nội dung không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Hiện nay đang dạy trực tuyến, việc giảm tải càng cần thiết", ông nói.

Thứ hai, ông Thành đề xuất thay đổi phương pháp, từ dồn ép kiến thức sang dạy tư duy. Ông đồng tình khi Bộ trưởng nói sẽ chấm dứt tình trạng văn mẫu, chuyển sang cách dạy sáng tạo.

Thứ ba, cần đổi mới, cải tiến phương pháp thi cử mạnh mẽ hơn nữa theo hướng "cần tập trung vào đổi mới sáng tạo của học sinh nhiều hơn, thay vì thi theo mẫu".

Thứ tư, theo ông, nếu còn hệ thống trường chuyên thì còn dạy thêm, học thêm. Ông Thành đồng tình trường chuyên là cơ sở bồi dưỡng nhân tài, nhưng phải thay đổi nội dung và phương pháp để phù hợp.

Đáp lại, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải thích, trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thông tư quy định việc dạy thêm và học thêm, nhưng nếu đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì mới điều tiết được. Năm 2016, Luật Đầu tư bỏ dạy thêm ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên nhiều điều trong thông tư không còn hiệu lực. Bộ Giáo dục đang đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. "Còn nếu giáo viên dạy thêm cho học sinh, bớt nội dung cần dạy trên lớp, dạy cho nhóm riêng biệt thì lại là vấn đề đạo đức công vụ, đạo đức nhà giáo, cần phải cấm. Dạy trực tuyến đã căng thẳng, nếu giáo viên dạy thêm theo cách này thì mới là điều cần lên án", Bộ trưởng Sơn nói.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh, việc dạy thêm, học thêm vẫn cần giải pháp chuyên môn và tham khảo tinh thần, thái độ, dư luận xã hội. "Những ý đại biểu nêu là giải pháp về chuyên môn, chúng tôi đang triển khai. Việc trang bị, nhồi nhét kiến thức là nguyên nhân của tình trạng dạy thêm, học thêm", ông Sơn nói.

Thời gian tới ngành giáo dục sẽ tính đến lộ trình thi THPT theo hướng mới nhằm hạn chế việc dạy thêm. "Thực tế phụ huynh học sinh có tâm lý muốn con em mình học để ứng thí hơn là chú ý đến việc phát triển bản thân của các cháu. Đây là vấn đề tâm lý xã hội cần điều chỉnh", Bộ trưởng Sơn nêu quan điểm.

Tại phiên chất vấn sáng nay, trả lời đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, nhiều trường đa ngành hiện có xu hướng mở mã ngành về sức khỏe. Với chủ trương tự chủ đại học, đây là quyền của các đơn vị. Nhưng hai nhóm ngành về sức khỏe và sư phạm vẫn thuộc Bộ thẩm định và quyết định. Bộ đã yêu cầu mở chương trình phải đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí nghiêm ngặt. Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục rà soát các quy định xem có vấn đề gì chưa chặt chẽ để tiếp tục bổ khuyết thêm.

Với câu hỏi của đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh, Bộ trưởng nói chương trình học trực tuyến không bê nguyên từ giáo án bình thường vào giảng dạy. Trong bối cảnh mới, Bộ đã ban hành văn bản xác định chương trình học cốt lõi theo hướng tinh giản để phục vụ dạy trực tuyến và dạy trên truyền hình.

Các địa phương đang dạy trực tiếp sẽ dạy theo chương trình cốt lõi, sau đó quay lại củng cố mở rộng thêm. Với những nơi học trực tuyến, giáo viên bám theo chương trình cốt lõi và sẽ củng cố mở rộng thêm khi trở lại học trực tiếp.

"Chương trình cốt lõi là giải pháp chuyên môn ứng phó với việc dạy học đa dạng. Dạy trực tuyến được xây dựng bám trên chương trình cốt lõi, bao gồm cả việc học và kiểm tra, không phải bê nguyên chương trình bình thường vào dạy trực tuyến", Bộ trưởng nói.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
5 3.868
0 Bình luận
Sắp xếp theo