Đóng BHXH 15 năm có được hưởng lương hưu?

Đóng BHXH 15 năm có được hưởng lương hưu? Trường hợp nào đóng BHXH 15 năm được chốt sổ hưởng lương hưu? Đây là câu hỏi đang được các bạn đọc vô cùng quan tâm khi mà Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang có những điểm mới rất quan trọng trong đó có quy định về giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm. Mời các bạn cùng tham khảo nội dung sau đây để biết thêm chi tiết.

1. Đóng bảo hiểm xã hội 15 năm, được về hưu

Đề xuất đóng BHXH đủ 15 năm sẽ được hưởng lương hưu

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ về giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm để có lương hưu: Từ 20 năm hiện hành xuống 15 năm.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi vừa được Chính phủ hoàn thiện sau khi tiếp thu ý kiến của các cơ quan thẩm tra của Quốc hội, trong đó nội dung về giảm điều kiện về số năm đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm sẽ nhận lương hưu cơ bản được thống nhất.

Cụ thể, tại Điều 63 quy định về điều kiện hưởng lương hưu của dự luật quy định: Người tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện có 15 năm đóng BHXH được nghỉ hưởng lương hưu hằng tháng khi đủ tuổi nghỉ hưu theo Luật Lao động (áp dụng theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu với nữ lên 60 tuổi, nam lên 62 tuổi của Bộ luật Lao động năm 2019).

Về mức hưởng lương hưu hằng tháng, bằng 45% tiền lương bình quân tháng đóng BHXH khi nữ đóng 15 năm, nam đóng 20 năm, sau đó mỗi năm đóng BHXH cộng thêm 2% vào lương hưu, lương hưu tối đa 75% mức lương tính đóng.

Do điểm tính tỷ lệ lương hưu khác nhau giữa nam và nữ nên khi áp dụng quy định được nghỉ hưu có lương (khi đóng BHXH tối thiểu 15 năm), dự luật bổ sung thêm cách tính tỷ lệ lương hưu với nam từ 15 tới dưới 20 năm.

Cụ thể, tới tuổi nghỉ hưu, nam đóng BHXH từ 15 tới dưới 20 năm sẽ được nhận lương hưu theo số năm đóng, mỗi năm đóng được tính bằng 2,25% bình quân tháng lương tính đóng BHXH. Nếu nam có 15 năm đóng BHXH, lương hưu được nhận tương đương 33,7% tiền lương tháng tính đóng. Sau đó, mỗi năm đóng cộng thêm 2,25% cho tới năm thứ 20 (đạt 45% tiền lương tính đóng); từ năm đóng thứ 21 trở đi, mỗi năm người lao động đóng BHXH đóng được cộng thêm 2% vào lương hưu.

Xem chi tiết nội dung tại Dự thảo tờ trình xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trong file tải về.

2. Trường hợp duy nhất được hưởng lương hưu khi đóng BHXH đủ 15 năm

Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội được sửa đổi một số Điều bởi Bộ luật Lao động năm 2019, quy định một trường hợp duy nhất đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu như sau:

Điều 219 Bộ Luật lao động 2019:

“Điều 54. Điều kiện hưởng lương hưu

.......

3. Lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động thì được hưởng lương hưu.

Như vậy người đóng BHXH đủ 15 năm muốn hưởng lương hưu phải có thêm hai điều kiện sau:

1 - Là lao động nữ làm cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

2 - Đủ tuổi nghỉ hưu: Nghỉ hưu vào năm 2021 phải từ là đủ 55 tuổi 04 tháng; Nghỉ hưu ở những năm sau đó thì mỗi năm tăng thêm 04 tháng cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Nếu chưa đủ 20 năm đóng BHXH mà không thuộc trường hợp này, người lao động muốn hưởng lương hưu khi đủ tuổi có thể đi làm và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện để tích lũy đủ 20 năm.

3. Đóng BHXH được 15 năm thì đến tuổi nghỉ hưu có được hưởng lương hưu không?

Theo Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019, người lao động đủ tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu.

Theo đó, Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, từ ngày 1/1/2018, quy định mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau:

- Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm.

- Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75% tiền lương tháng đóng BHXH.

Khoản 4 Điều 2 Luật BHXH quy định, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.

Về phương thức đóng BHXH tự nguyện, người tham gia có thể lựa chọn một trong các phương thức đóng hằng tháng, đóng 3 tháng/lần, 6 tháng/lần, 12 tháng/lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau (nhưng không quá 5 năm).

Ngoài ra, người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm có thể đóng BHXH tự nguyện một lần cho những nằm còn thiếu.

Về mức đóng, Luật BHXH quy định mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.

Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Như vậy, sau khi người lao động hết tuổi lao động và không tham gia BHXH bắt buộc nữa thì có thể tham gia BHXH tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm để được nhận lương hưu.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
8 2.083
0 Bình luận
Sắp xếp theo