Động viên giáo viên tham gia ý kiến góp ý sách giáo khoa mới lớp 2, lớp 6

Những điều cần biết về thẩm định sách giáo khoa mới lớp 2, lớp 6

Rút kinh nghiệm từ bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều còn quá nhiều "sạn", với bộ sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 sắp đưa vào sử dụng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thêm các kênh lấy ý kiến góp ý. Dư luận đang đặt câu hỏi lớn về việc công tác này cần tiến hành ra sao để đạt hiệu quả, tránh đi vào “vết xe đổ” của bộ sách giáo khoa lớp 1?

1. Động viên giáo viên tham gia ý kiến

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, hiện công tác thẩm định sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới đã được thực hiện xong vòng 1. Các tác giả cũng đã chỉnh sửa và Hội đồng đã bắt đầu thu sách để chuẩn bị triển khai thẩm định vòng 2.

Nói về điểm mới của quá trình thẩm định sách lần này so với bộ sách lớp 1, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết thêm, lần này, Bộ GD&ĐT yêu cầu các thành viên Hội đồng thẩm định tập trung vào việc trao đổi và tăng cường thảo luận, thậm chí có thể tranh luận giữa các tác giả với Hội đồng thẩm định.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Bộ GD&ĐT đang lên phương án mở rộng nhóm những người góp ý bản mẫu sách giáo khoa. “Bộ cũng tính đến việc đăng lên mạng bản thảo sách giáo khoa để xin ý kiến góp ý đa chiều từ giáo viên, cán bộ quản lý, nhà khoa học và người dân. Trên cơ sở phản hồi nhận được, Bộ sẽ nghiên cứu và đề ra giải pháp phù hợp”, ông Độ nói.

“Dự kiến việc trưng cầu ý kiến được thực hiện trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT tương tự như quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật với hi vọng tránh được những điều đáng tiếc xảy ra”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định.

Với chủ trương của Bộ trong việc lấy ý kiến rộng rãi về bộ sách giáo khoa lớp 2, lớp 6, ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng của Bộ GD&ĐT, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1 lập ra để “gác cổng”, xem xét nhưng vẫn để sai sót thì với bộ sách giáo khoa lớp 2, 6 cần mở rộng lấy ý kiến đông đảo của giáo viên, nhất là những giáo viên đang giảng dạy để có những ý kiến có giá trị.

Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng lo ngại khi hiện có thực tế là đa số các giáo viên ngại nói ra những điều họ suy nghĩ, đặc biệt là những ý kiến mang tính phản biện. Do vậy, để huy động được đội ngũ này Bộ GD&ĐT phải động viên được đội ngũ thầy cô giáo tham gia phản biện, trường hợp các giáo viên vẫn ngại ngần thì cần có công văn yêu cầu các thầy cô giáo góp ý thẳng thắn về nội dung của các bộ sách.

Dù ủng hộ việc lấy ý kiến rộng rãi công luận song GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, việc lấy ý kiến chỉ nên tập trung, chú trọng vào các chuyên gia, nhà khoa học và những giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy, ý kiến người dân được xem là một kênh tham khảo.

Sở dĩ như vậy là do giáo viên là người trực tiếp giảng dạy, có kiến thức về lĩnh vực chuyên môn, am tường tâm lý học, giáo dục học do vậy việc góp ý sẽ sát với thực tế. “Còn với ý kiến công luận, đây là một kênh tham khảo bởi nếu lạm dụng sẽ xảy ra tình trạng “loạn” ý kiến”, chuyên gia cho hay.

Ngoài việc huy động ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên theo Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, việc xây dựng nội dung sách giáo khoa lớp 2 cần có sự liên kết với bộ sách giáo khoa lớp 1 bởi vì nếu không sẽ xảy ra tình trạng “cơm tẻ trộn cơm nếp”.

2. Chú ý quá trình thực nghiệm

Rút kinh nghiệm từ bộ sách giáo khoa lớp 1 vừa qua, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng cần triển khai dạy thực nghiệm rộng rãi trong khoảng thời gian từ 6 đến 8 tháng để có đánh giá cụ thể từ phía các cơ sở giáo dục, học sinh và giáo viên.

Góp ý vào quá trình thực nghiệm ông Phạm Tất Dong đề xuất, thực nghiệm cần phải chọn mẫu thực nghiệm với số lượng đảm bảo có thể đánh giá chính xác. Khu vực thực nghiệm phải đại diện của từng vùng miền, từ thành phố tới vùng nông thôn, miền núi và hải đảo. Ngoài ra, thực nghiệm cần phải đa dạng về chất lượng để có sự đánh giá phổ quát và có thời lượng thực nghiệm phù hợp.

Chung quan điểm về việc cần triển khai dạy thực nghiệm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu , Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, việc thực nghiệm đối với bất cứ một công trình khoa học nào trước khi đưa vào thực tế là rất quan trọng.

Đầu tiên là tiến hành thực nghiệm khoa học trong phòng thí nghiệm, sau đó đến thực nghiệm ứng dụng (trên phạm vi hẹp rồi rộng hơn có ngẫu nhiên, so sánh) đến khi đủ độ an toàn mới đưa vào áp dụng đại trà. Bởi chỉ qua quá trình dạy thực tế mới phát hiện ra những sai sót, chính giáo viên sẽ đóng góp ý kiến về chương trình. Nhà xuất bản sẽ ghi nhận những ý kiến đó, chỉnh sửa lần cuối trước khi áp dụng vào việc dạy.

“Các bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 vừa qua được quy định dạy thử nghiệm 10% số tiết học của mỗi môn học, sau khi được Hội đồng thẩm định thông qua là áp dụng đại trà. Như vậy đã bỏ qua giai đoạn thực nghiệm ứng dụng, tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh vấn đề bất cập và khó chỉnh sửa khi đã ứng dụng trên diện rộng”, GS Nguyễn Lân Hiếu nêu.

Một số ý kiến chuyên gia khác cho rằng, để chuẩn bị cho việc triển khai sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 trong năm học tới thì không chỉ sửa phần “ngọn”, tức là sửa sách giáo khoa như hiện nay, mà cần phải sửa từ “gốc”, nghĩa là phải sửa chương trình, sửa chuẩn đầu ra và cả quy trình thẩm định sách. Điều này phải xuất phát từ điều tra thực tế, xem xã hội chấp nhận chuẩn đầu ra như thế nào.

Nguồn: Báo Hải quan

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 1.122
0 Bình luận
Sắp xếp theo