7 điều cần biết về giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH

Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội (BHXH) - loại giấy mà người lao động nào cũng cần biết đến để bảo vệ quyền lợi của bản thân mình trong việc hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội cụ thể là chế độ ốm đau và chế độ thai sản.

1. Hướng dẫn mới về cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho F0

Hiện nay, sau thời gian điều trị, người lao động chỉ được cấp giấy xác nhận đã hoàn thành thời gian cách ly và điều trị F0 tại nhà chứ không được cấp giấy nghỉ hưởng BHXH. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động.

Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời như sau:

Bộ Y tế nhận được phản ánh của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc một số cơ sở y tế đã cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và giấy tờ khác để làm căn cứ hưởng BHXH đối với người lao động điều trị COVID-19 không đúng quy định.

Ngoài ra, Bộ cũng nhận được ý kiến của một số Sở Y tế, tập thể, cá nhân đề nghị hướng dẫn việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với F0 điều trị tại nhà; đề nghị Bộ Y tế xem xét công nhận "giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly của chính quyền địa phương" cấp có giá trị để làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ BHXH hoặc đề nghị Bộ Y tế công nhận các giấy tờ, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đã cấp cho người điều trị COVID-19 do các cơ sở điều trị người mắc COVID-19 cấp không đúng quy định...

Sau khi xem xét, Bộ Y tế cho biết, căn cứ theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 4 Điều 100 Luật BHXH thì người lao động điều trị ngoại trú phải có Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Hiện nay, các văn bản luật chưa có quy định dùng giấy tờ khác để thay thế Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Đồng thời, chưa có quy định chấp nhận những giấy tờ cấp chưa đúng quy định của pháp luật vẫn có giá trị để cơ quan BHXH làm cơ sở quyết hưởng chế độ BHXH đối với người lao động.

Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH gặp một số vướng mắc. Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Bộ Y tế đang nghiên cứu, đề xuất các nội dung chưa được quy định trong các văn bản Luật để báo cáo, đề xuất với Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị Quyết để giải quyết các vấn đề nêu trên.

Hiện nay, trách nhiệm của Sở Y tế thành phố cấp quyết định cách ly và giấy hoàn thành cách ly chữa trị sau khi F0 khỏi bệnh.

Bộ Y tế cũng đang khẩn trương phối hợp với cơ quan và các đơn vị có liên quan xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT để đảm bảo các quy định phù hợp tình hình thực tế. Dự kiến Thông tư sẽ được ban hành vào tháng 2/2022.

Trong thời gian chờ các Văn bản được các cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện đúng các quy định của pháp luật về cấp và quản lý Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

2. Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH là gì?

Giấy chứng nhận nghỉ việc là loại giấy do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp cho người lao động tham gia BHXH, là một trong những căn cứ để người lao động nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau và chế độ thai sản khi người lao động thực hiện việc điều trị ngoại trú.

3. Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH dùng để làm gì?

Căn cứ quy định tại các Điều 100 và Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì Giấy chứng nhận nghỉ việc là một trong những thành phần hồ sơ để giải quyết chế độ BHXH cho người lao động, bao gồm 02 chế độ sau:

- Chế độ ốm đau: Người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

- Chế độ thai sản: Lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, người lao động thực hiện biện pháp tránh thai phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với trường hợp điều trị ngoại trú.

4. Cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH phải đáp ứng những yêu cầu nào?

Giấy Chứng nhận nghỉ việc được cấp bởi người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động bởi Bộ Y tế và đã đăng ký mẫu dấu, chữ ký với cơ quan BHXH.

Việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Thông tư 56/2017/TT-BYT, bao gồm:

- Do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động cấp. Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo phân công của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó;

- Phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

- Phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ trưởng Bộ Y tế.

5. Người lao động đi khám được cấp bao nhiêu Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH?

Căn cứ theo quy định tại các Khoản 2 và 3 Điều 20 Thông tư 56/2017/TT-BYT thì:

- Một lần khám chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.

- Trường hợp người lao động trong cùng một thời gian được hai, ba chuyên khoa của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau khám và cùng cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thì chỉ được hưởng một trong những giấy chứng nhận có thời gian nghỉ dài nhất.

- Trường hợp khám nhiều chuyên khoa trong cùng một ngày tại cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì chỉ cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

- Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phải là pháp nhân thì người hành nghề phải đăng ký mẫu chữ ký với cơ quan BHXH.

6. Trường hợp nào được cấp lại Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH?

Căn cứ Điểm a Khoản 5 Điều 26 Thông tư 56/2017/TT-BYT thì các trường hợp được cấp lại Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH bao gồm:

- Bị mất, bị hỏng;

- Người ký các giấy chứng nhận không đúng thẩm quyền;

- Việc đóng dấu trên các giấy chứng nhận không đúng quy định;

- Có sai sót về thông tin được ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Trường hợp cấp lại phải đóng dấu "Cấp lại" trên Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

7. Mẫu Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH

Mẫu Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH được quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT.

Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bhxh

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Bảo hiểm của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 525
0 Bình luận
Sắp xếp theo