Điểm mới về trợ cấp nhà giáo nghỉ hưu

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định chế độ trợ cấp đối với giáo viên nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Dự thảo Nghị định thay thế Quyết định 52/2013/QĐ-TTg quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu vẫn đang trong thời gian lấy ý kiến đóng góp.

1. Những giáo viên nào sẽ được hưởng trợ cấp?

Theo đó, Dự thảo này đã bổ sung thêm các đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu so với quy định hiện hành tại Quyết định 52/2013/QĐ-TTg. Cụ thể, các đối tượng được hưởng thêm trợ cấp từ ngày Nghị định này có hiệu lực gồm:

1. Nhà giáo nghỉ hưu (bao gồm chủ nhiệm, phó chủ nhiệm nhà trẻ, giáo viên, giảng viên; nhà giáo được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm làm công tác quản lý ở các cơ sở giáo dục) khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm, tàu huấn luyện của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học công lập. (Đây là đối tượng đã được quy định trước đó tại Quyết định 52 và nay tiếp tục được kế thừa tại Dự thảo Nghị định).

2. Nhà giáo nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục tại cơ sở giáo dục bán công nhưng trước đó các nhà giáo này được điều động từ các cơ sở giáo dục công lập hoặc đang công tác tại cơ sở giáo dục công lập và cơ sở giáo dục công lập đó được cấp có thẩm quyền chuyển đổi thành cơ sở giáo dục bán công và được xếp lương theo bảng lương của ngạch viên chức ngành giáo dục. (Đây là đối tượng mới được bổ sung thêm tại Dự thảo).

3. Nhà giáo nghỉ hưu khi làm công tác giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập được cấp có thẩm quyền cử làm chuyên gia giáo dục ở ngoài nước, khi hết thời gian làm chuyên gia về nước thì nghỉ hưu ngay. (Đây là đối tượng mới được bổ sung thêm tại Dự thảo).

4. Nhà giáo nghỉ hưu có thời gian tham gia dạy ở các lớp học được tổ chức tại các đơn vị thanh niên xung phong hoặc các đơn vị vũ trang khác mà chưa hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước dành cho thanh niên xung phong hoặc lực lượng vũ trang. (Đây là đối tượng mới được bổ sung thêm tại Dự thảo).

5. Nhà giáo có thời gian là quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu sau đó chuyển ngành về công tác giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập khi nghỉ hưu là giáo viên, trong lương hưu có phụ cấp thâm niên lực lượng vũ trang nhưng không có phụ cấp thâm niên nhà giáo. (Đây cũng là đối tượng mới được bổ sung thêm tại Dự thảo).

Như vậy, nếu nội dung này tại Dự thảo Nghị định được thông qua thì kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực sẽ có thêm nhiều nhà giáo nghỉ hưu được hưởng thêm trợ cấp.

Cũng theo Dự thảo này, mức trợ cấp một lần bằng tiền đối với các đối tượng trên được tính như sau:

Số tiền trợ cấp = (lương hưu tháng x 10%) x số năm được tính trợ cấp

Trong đó:

- Lương hưu tháng là mức lương hưu của tháng đang hưởng tại thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành.

- Số năm được tính trợ cấp là tổng thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành trong các cơ sở giáo dục và thời gian tham gia giảng dạy trong lực lượng thanh niên xung phong đã được tính hưởng chế độ hưu trí (nếu không liên tục thì được cộng dồn), không kể thời gian đã tính hưởng phụ cấp thâm niên của lực lượng vũ trang trong lương hưu.

- Nếu có tháng lẻ từ 3 tháng đến 6 tháng được tính tròn là nửa năm; từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng được tính tròn là 1 năm.

2. Giáo viên đã từ trần, thân nhân được hưởng trợ cấp

Đây là một nội dung hoàn toàn mới được đưa vào dự thảo.

Theo đó, nếu giáo viên đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo quy định nêu trên nhưng chưa được giải quyết mà từ trần từ ngày 01/01/2012 trở đi thì một trong những thân nhân sẽ được hưởng trợ cấp.

Thân nhân của người từ trần được hưởng thay theo thứ tự: Vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi; Bố đẻ, mẹ đẻ; Hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp.

Căn cứ để tính trợ cấp đối với thân nhân giáo viên là mức lương hưu của giáo viên đang hưởng tại tháng liền kề trước khi từ trần.

Hiện nay dự thảo Nghị định này đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến. HoaTieu.vn sẽ cập nhật nhanh nhất nội dung Nghị định khi được chính thức thông qua.

Mời các bạn tham khảo thêm:

Đánh giá bài viết
1 339
0 Bình luận
Sắp xếp theo