Điểm mới nổi bật của Bộ Luật dân sự 2015

Điểm mới nổi bật của Bộ Luật dân sự 2015

Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 quy định nội dung một chủ thể có quyền trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác. HoaTieu.vn xin giới thiệu tới các bạn những điểm mới nổi bật của Bộ Luật dân sự 2015, mời các bạn tham khảo và cập nhật thông tin cùng chúng tôi.

Nghị quyết 02/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính

Quyết định 243/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật dân sự

Bộ luật Dân sự (BLDS) là đạo luật rất quan trọng của mỗi quốc gia, có tác động trong việc điều chỉnh các mối quan hệ cơ bản của xã hội, mỗi công dân, các gia đình, cơ quan, tổ chức. Từ ngày 01/01/2017, BLSD 2015 chính thức có hiệu lực thi hành. HoaTieu.vn xin giới thiệu những điểm mới nổi bật được quy định tại BLDS 2015.

Điểm mới nổi bật của Bộ Luật dân sự 2015

Cho phép chuyển đổi giới tính

Đây là điểm mới nổi bật tại BLDS 2015 được cộng đồng người dân quan tâm rất nhiều.

  • BLDS 2015 đã cho phép chuyển đổi giới tính đối với những người đã định hình, hoàn thiện về giới tính. Theo đó, việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
  • BLDS quy định, việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của Luật nên phải tới khi có luật về chuyển đổi giới tính thì các cá nhân mới được thực hiện quyền này.

Ngoài ra, đến ngày 01/01/2017 nếu Quốc hội vẫn chưa ban hành luật chuyển đổi giới tính thì quyền chuyển đối giới tính này của nhiều người vẫn bị "treo".

Dành riêng một mục đề quy định về quyền hưởng dụng

Theo BLSD 2015 thì quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định. Quyền này được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc. Quyền hưởng dụng được xác lập từ thời điểm nhận chuyển giao tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. Quyền hưởng dụng đã được xác lập có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do luật quy định nhưng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên nếu người hưởng dụng là cá nhân và đến khi pháp nhân chấm dứt tồn tại nhưng tối đa 30 năm nếu người hưởng dụng đầu tiên là pháp nhân. Người hưởng dụng có quyền tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng.

Pháp nhân được làm người giám hộ

Trước đây, BLDS 2005 quy định chỉ có cá nhân mới được phép làm người giám hộ, tuy nhiên BLDS 2015 mở rộng việc giám hộ không chỉ là cá nhân mà còn là pháp nhân.

Pháp nhân có đủ các điều kiện sau có thể làm người giám hộ:

  • Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ.
  • Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

Quy định rõ về lãi suất theo thỏa thuận

BLSD 2015 quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

  • Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
  • Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản

Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý. Hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;
  • Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;
  • Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;
  • Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;
  • Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

Trong trường hợp không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án:

  • Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;
  • Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
  • Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.

Thứ tự ưu tiên thanh toán trong thừa kế

BLDS mới bổ sung điểm mới về các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự. Theo đó, thứ tự được ưu tiên thanh toán như sau: Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng còn thiếu; Chi phí cho việc bảo quản di sản; Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ; Tiền công lao động; Tiền bồi thường thiệt hại; Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước; Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân; Tiền phạt và các chi phí khác.

Những quyền riêng tư sẽ áp dụng từ 1/1/2017

Quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng, quyền bảo vệ bí mật gia đình hay được yêu cầu tòa án tuyên bố thông tin tiêu cực về mình là không đúng sự thật... đã được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015, có hiệu lực từ 1/1/2017.

Bộ Luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ 1/1/2017 dành riêng một mục với 15 điều quy định chi tiết về những quyền nhân thân. Theo đó, quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan. Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự... phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý.

Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình:

Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình phải được người và gia đình đó đồng ý. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân cũng được bảo đảm an toàn và bí mật.

Khi ký hợp đồng, các bên không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng.

Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

Bộ Luật Dân sự 2015 nêu rõ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên.

Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào, phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thông tin đó thì phải hủy bỏ.

Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu, người bị đưa tin có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng. Ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin xấu, người bị đưa tin còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Nếu ai sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Những trường hợp không cần sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ mà vẫn được sử dụng gồm: Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Theo điều 32, người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại.

Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể

Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.

Khi phát hiện người bị tai nạn, bệnh tật mà tính mạng bị đe dọa, người phát hiện có trách nhiệm hoặc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có điều kiện cần thiết đưa ngay đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi gần nhất. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Việc gây mê, mổ, cắt bỏ, cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người, thực hiện kỹ thuật, phương pháp khám, chữa bệnh mới trên cơ thể người, thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất cứ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải được sự đồng ý của người đó và phải được tổ chức có thẩm quyền thực hiện.

Việc khám nghiệm tử thi được thực hiện trong hai trường hợp sau. Thứ nhất, khi có sự đồng ý của người đó, cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên hoặc người giám hộ nếu không có ý kiến của người đó trước khi chết. Thứ hai, theo quyết định của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp luật quy định.

Quyền chuyển đổi giới tính

Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi.

Quyền xác định lại giới tính

Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.

Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Đánh giá bài viết
1 917
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo