Điểm mới của Luật sửa đổi Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức

Luật sửa đổi luật cán bộ công chức và luật viên chức đã chính thức được Quốc hội thông qua. Theo đó sẽ có nhiều chính sách mới đối với người lao động, công chức viên chức được áp dụng khi luật có hiệu lực thi hành. Sau đây là một số điểm mới nổi bật của Luật sửa đổi luật cán bộ công chức và luật viên chức HoaTieu.vn đã tổng hợp xin chia sẻ đến các bạn.

Chiều 25/11/2019, với 88,2% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chính thức được thông qua với nhiều điểm mới đáng chú ý.

1/ Công chức nghỉ hưu có thể bị kỷ luật “xóa tư cách chức vụ”

Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật sửa đổi lần này là việc bổ sung thêm 01 hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Đặc biệt nhấn mạnh việc sau khi đã nghỉ việc, nghỉ hưu, cán bộ, công chức vẫn có thể bị xử lý bằng hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm”.

Theo đó, tại khoản 7 Điều 1 Luật này nêu rõ, sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy vào tính chất, mức độ sẽ phải chịu một trong các hình thức xử lý kỷ luật là: Khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.

Đặc biệt, việc xử lý kỷ luật này gắn với hệ quả pháp lý tương ứng của hành vi vi phạm.

Như vậy, có thể thấy, quan niệm “hạ cánh an toàn” trước đây bắt đầu từ 01/7/2020 sẽ hoàn toàn bị loại bỏ. Đồng thời, quy định này cũng thống nhất và đồng bộ với những văn bản quy phạm pháp luật khác như Quy định số 102-QĐ/TW và Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành…

2/ Chính thức bỏ chế độ “biên chế suốt đời” với viên chức

Không chỉ tác động mạnh mẽ đến tầng lớp cán bộ, công chức mà dự án Luật này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến viên chức. Một trong số đó là quy định về 02 loại hợp đồng làm việc. Theo đó, viên chức vẫn thực hiện 02 loại hợp đồng là không xác định thời hạn và xác định thời hạn.

Đối với hợp đồng không xác định thời hạn hay còn gọi là “chế độ biên chế suốt đời” của viên chức sẽ không còn được áp dụng với các đối tượng mới được tuyển dụng từ ngày 01/7/2020.

Như vậy, căn cứ khoản 2 Điều 2 sửa đổi, bổ sung Điều 25 Luật Viên chức hiện hành, việc thực hiện hợp đồng loại không xác định thời hạn chỉ còn được áp dụng với 03 trường hợp:

- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020;

- Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức;

- Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Có thể thấy quy định này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như đồng bộ với những văn bản khác về công tác cán bộ hiện nay…

3/ Kéo dài thời hạn hợp đồng làm việc của viên chức lên 60 tháng

Không chỉ sửa đổi, bổ sung hợp đồng làm việc không xác định thời hạn mà đối với loại hình hợp đồng còn lại, cũng tại khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung lần này thời hạn thực hiện hợp đồng sẽ bị kéo dài từ 36 tháng như quy định hiện nay lên đến 60 tháng.

Đây là loại hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng, áp dụng với những người mới trúng tuyển viên chức.

Đặc biệt: Trước khi hết hạn 60 ngày, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải ký tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng với viên chức. Trong đó, nếu viên chức đáp ứng đầu đủ các yêu cầu và đơn vị còn nhu cầu thì bắt buộc phải ký tiếp hợp đồng. Ngược lại, nếu từ chối thì phải có văn bản nêu rõ lý do vì sao.

Có thể thấy, việc kéo dài thời hạn này tạo điều kiện cho viên chức được làm quen và phát huy được khả năng của mình trong công việc.

4/ Thêm trường hợp được tuyển dụng vào công chức

Điều 37 Luật Cán bộ, công chức hiện nay quy định việc tuyển dụng công chức được thực hiện qua hình thức thi tuyển. Trong đó, chỉ nêu 01 trường hợp duy nhất được xét tuyển là người có phẩm chất, trình độ và năng lực, cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo...

Trong khi đó, khi Luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thì ngoài thi tuyển, Luật còn bổ sung thêm hình thức xét tuyển với các trường hợp:

- Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ;

- Người có tài năng.

Không chỉ vậy, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức còn có thể tiếp nhận các trường hợp:

- Viên chức đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập;

- Cán bộ, công chức cấp xã;

- Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân; người làm công tác cơ yếu;

- Người đang giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp Nhà nước: Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng trong doanh nghiệp Nhà nước…

- Người đã từng là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển về làm việc tại các cơ quan, tổ chức khác.

Có thể thấy, trước đây, các hình thức thi tuyển, xét tuyển hay tuyển dụng đặc biệt nêu trên chỉ được quy định tại các Thông tư 03/2019/TT-BNV, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP... mà chưa được luật hóa. Hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung này đã mở rộng “cánh cổng” bước chân vào công chức đối với nhiều người.

5/ Công khai kết quả đánh giá cán bộ ở nơi làm việc

Đây là một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua.

Theo đó, căn cứ vào kết quả đánh giá, cán bộ vẫn được phân loại thành 04 mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Hoàn thành tốt nhiệm vụ; Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và Không hoàn thành nhiệm vụ (Quy định tại khoản 3 Điều 1 sửa đổi Điều 29 Luật Cán bộ, công chức).

Kết quả này được lưu vào hồ sơ cán bộ, thông báo đến người được đánh giá và công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ này công tác. Ngoài ra, nếu 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cán bộ vẫn bị miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ.

Như vậy, có thể thấy việc đánh giá cán bộ hoàn toàn phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, được thực hiện một cách công khai, minh bạch.

6/ Đánh giá viên chức thông qua công việc, sản phẩm cụ thể

Bên cạnh cán bộ, công chức, nội dung đánh giá viên chức cũng được sửa đổi trong kỳ họp thứ 8 này.

Nếu như trước đây, Điều 41 Luật Viên chức nêu rõ, việc đánh giá viên chức chỉ được xem xét ở kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết; thái độ phục vụ nhân dân… thì nay đã được quy định rõ theo từng công việc, sản phẩm cụ thể.

Đồng thời, mỗi ngành nghề lại có đặc thù riêng nên sẽ áp dụng một tiêu chuẩn với nội dung khác nhau khi đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ.

Do đó, với quy định đánh giá viên chức dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với vị trí việc làm và thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể đã tạo sự rõ ràng, thuận lợi hơn…

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

Tham khảo thêm

Đánh giá bài viết
1 110
0 Bình luận
Sắp xếp theo