Đi làm sớm có được hưởng chế độ thai sản không?

Đi làm sớm có được hưởng chế độ thai sản không? Chế độ đi làm sớm trong thời gian nghỉ thai sản được quy định như thế nào? Đây là câu hỏi được rất nhiều chị em phụ nữ quan tâm, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu kĩ hơn về vấn đề này.

Thai sản là một chế độ đối với người lao động nữ khi sinh con và đủ điều kiện đóng bảo hiểm theo quy định. Người lao động vẫn được hưởng các chế độ nghỉ và làm việc trở lại sau khi nghỉ thai sản. Tuy nhiên pháp luật cũng quy định cụ thể thời gian tối thiểu thai sản được nghỉ khi sinh con để đảm bảo sức khoẻ.

1. Nghỉ thai sản bao lâu thì đi làm được?

Pháp luật quy định nghỉ thai sản cũng là một trong những quyền lợi của lao động nữ, tuy nhiên rất nhiều người không hiểu rõ những quy định này cũng như không được hưởng đầy đủ những quyền lợi mà mình được hưởng.

Tại Điều 40 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời hạn nghỉ thai sản như sau:

Điều 40. Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con

1. Lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 04 tháng;

b) Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.

2. Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này.

Trả lời cho câu hỏi trên, theo quy định lao động nữ được nghỉ thai sản là 6 tháng, khi nghỉ thai sản đủ 4 tháng trở lên, lao động nữ có thể đi làm lại nhưng phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.

2. Đi làm sớm có được hưởng chế độ thai sản không?

Pháp luật cho phép người lao động nữ nghỉ thai sản 06 tháng nhưng cũng có nhiều trường hợp đi làm sớm hơn thời gian được nghỉ. Trong trường hợp này, pháp luật đã đưa ra quy định người lao động đi làm sớm vẫn được hưởng trợ cấp thai sản cho đến hết thời kỳ thai sản là 6 tháng bên cạnh tiền lương của những ngày làm việc sớm đó.

Căn cứ vào Khoản 4 Điều 139 Bộ luật lao động 2019 như sau:

Điều 139. Nghỉ thai sản

4. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, Khoản 2 Điều 40 Luật bảo hiểm xã hội 2014 cũng quy định:

2. Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này.

3. Đi làm trong thời gian nghỉ thai sản có được trả lương?

Dựa trên những phân tích ở mục 2 nêu trên và điều luật được trích dẫn trong mục 2, lao động nữ đi làm sớm hơn thời gian được nghỉ thai sản theo quy định vẫn được người sử dụng lao động trả lương tương ứng với số ngày đi làm.

4. Nghỉ thai sản đi làm sớm có phải đóng BHTN?

Căn cứ vào Quyết định số 595/QĐ-BHXH ban hành quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế quy định về việc đóng bảo hiểm khi lao động nữ đang trong thời kì thai sản nhưng đi làm sớm như sau:

Điều 42. Quản lý đối tượng

6.3. Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng BHXH, kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ và đơn vị phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN.

Theo quy định trên, lao động nữ đang trong thời kì nghỉ thai sản nhưng đi làm sớm thì sẽ phải đóng BHTN kể từ thời điểm bắt đầu đi làm lại.

5. Giấy xác nhận đủ sức khỏe đi làm sớm

Pháp luật quy định khi lao động nữ quay trở lại công ty đi làm sớm trong thời kỳ thai sản thì cần có sự đồng ý của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, tùy theo từng đơn vị và trường hợp thực tế của lao động nữ mà Công ty yêu cầu phải có giấy xác nhận sức khỏe. Khi đó các bạn cần đi khám sức khỏe (chính là giấy khám sức khỏe) để có căn cứ chứng minh kèm xác nhận của bác sĩ để đảm bảo bản thân đủ sức khỏe để trở lại công việc sau thời gian nghỉ thai sản.

Bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu thêm về giấy khám sức khỏe tham khảo bài viết Hoatieu.vn:

Mua bán giấy khám sức khỏe 2023 có bị phạt? 

6. Tình huống thực tế

Hỏi:

Tôi là lao động nữ, mới sinh con nhưng con được 2 tháng thì mất. Trước khi sinh con tôi đi làm và đóng bảo hiểm đến tháng sinh luôn. Vậy, nếu sau khi con tôi mất mà tôi đi làm ngay thì có được hưởng chế độ thai sản không?

Đi làm sớm có được hưởng chế độ thai sản không

Trả lời:

Căn cứ Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về thời gian hưởng chế độ khi sinh con:

“1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

3. Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều này; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.”

Do đó, theo quy định trên thì con từ 2 tháng tuổi trở lên mà bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết nhưng thời gian nghỉ không vượt quá 06 tháng. Trong trường hợp của bạn, bạn có nói bạn tham gia bảo hiểm đến khi sinh con và sau khi sinh con 2 tháng thì con bạn mất do vậy bạn đã nghỉ được 2 tháng chế độ thai sản và sau khi con chết bạn sẽ được nghỉ thêm 2 tháng thai sản nữa. Tuy nhiên, bạn lại muốn đi làm sớm, nên bạn phải thỏa mãn điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:

“1. Lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 04 tháng;

b) Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý .

2. Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này.“

Như vậy, bạn mới nghỉ thai sản 2 tháng nên chưa đủ điều kiện để đi làm sớm theo quy định. Vì thế nếu bạn nhất định đi làm thì bạn không được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn theo quy định.

7. Sau khi nghỉ thai sản lao động nữ được trực đêm hay không?

Theo quy định tại khoản 1 điều 37 Bộ luật lao động 2019 quy định:

Điều 137. Bảo vệ thai sản

1. Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây:

a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;

b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.

Như vậy thì nếu như người sử dụng lao động yêu cầu người sau khi thai sản mà có con dưới 12 tháng tuổi đi trực ca đêm là không được phép.

Nhưng nếu như người lao động đồng ý và xin đi làm thì được phép. Tuy nhiên người lao động nữ cần lưu ý việc đi làm ca đêm sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người lao động nữ sau khi sinh con. Đây là chế độ bảo vệ lao động nữ khi đủ sức khoẻ mới được đi làm.

Và trong quy định bảo vệ thai sản cũng quy định lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc thì được điều chuyển sang công việc khác nếu cần thiết để không ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động. Cùng với đó là người lao động nữ cũng không bị sa thải hay bị đơn phương huỷ bỏ hợp đồng trong thời gian thai sản mà khi hết hợp đồng được ký hợp đồng mới.

Vì thế người lao động nữ sau khi nghỉ thai sản yên tâm về việc bản thân vẫn được bảo vệ và có công việc sau khi đi làm trở lại.

Trên đây, Hoatieu.vn đã phân tích và giúp bạn đọc tìm hiểu về Đi làm sớm có được hưởng chế độ thai sản không? Bài viết chỉ mang tính tham khảo, tùy tình huống thực tế có các căn cứ pháp lý khác, nên sẽ có sự sai biệt với nội dung giới thiệu trên.

Mời bạn đọc tham khảo các bài viết liên quan tại mục Là gì? mảng Hỏi đáp pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
35 5.365
0 Bình luận
Sắp xếp theo