Đi khám bệnh quên mang theo BHYT thì có được thanh toán không?

Thẻ bảo hiểm là giấy tờ quan trọng đối với người sử dụng khi đi khám bệnh để hoàn tất các thủ tục thanh toán của bảo hiểm. Vậy đi khám bệnh quên mang theo BHYT thì có được thanh toán không? Đây là vấn đề được nhiều độc giả quan tâm Hoatieu xin chia sẻ trong nội dung bài viết sau đây.

1. Khám bện quên thẻ BHYT có được thanh toán chi phí khám bệnh?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi bổ sung 2014) thì:

Người tham gia bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh; trường hợp thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế cùng với giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó; đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế.

Nếu quên mang theo thẻ BHYT có nghĩa là bạn không thực hiện đúng theo quy định trên nên bạn phải tự thanh toán các khoản chi phí khám bệnh tại bệnh viện.

Theo quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì đối với trường hợp này có thể đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú để yêu cầu thanh toán trực tiếp.

Mức thanh toán trực tiếp của bảo hiểm y tế được quy định tại Điều 30 Nghị định 146/2018/NĐ-CP như sau:

Thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế nhưng tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú và tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh nội trú.

Hồ sơ đề nghị thanh toán trực tiếp được quy định tại Điều 28 Nghị định 146/2018/NĐ-CP gồm:

+ Các giấy tờ là bản chụp (kèm theo bản gốc để đối chiếu) gồm:

- Thẻ bảo hiểm y tế, giấy chứng minh nhân thân;

- Giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của lần khám bệnh, chữa bệnh đề nghị thanh toán.

+ Hóa đơn và các chứng từ có liên quan.

Nơi nộp hồ sơ được quy định tại Điều 29 Nghị định 146/2018/NĐ-CP: cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú.

Do đó, Không mang theo thẻ BHYT khi đi khám bệnh thì bạn vẫn được BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh nhưng ở mức thấp hơn. Cụ thể nếu bạn khám, chữa bệnh ngoại trú thì mức thanh toán tối đa bằng 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám, chữa bệnh. Nếu bạn khám, chữa bệnh nội trú thì mức thanh toán tối đa bằng 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện. Do đó khi đi khám chữa bệnh thì bạn hãy mang theo thẻ BHYT nhé!

2. Trẻ em dưới 6 tuổi khi đi khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT không?

Căn cứ Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định như sau:

Trẻ em dưới 6 tuổi đến khám bệnh, chữa bệnh chỉ phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế. Trường hợp trẻ chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế thì phải xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh; trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định này và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.

3. Từ ngày 1/6/2021 đi khám bệnh không cần mang thẻ bảo hiểm y tế

Bắt đầu từ ngày 1-6, người dân được sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trên ứng dụng VssID - ứng dụng bảo hiểm xã hội (BHXH) trên nền tảng thiết bị di động do ngành BHXH Việt Nam thiết lập để đi khám chữa bệnh, thay vì phải xuất trình thẻ BHYT giấy như trước đây.

Đây là một trong những khâu cải cách thủ tục hành chính của ngành BHXH đem lại nhiều thuận lợi cho người dân khi tiết kiệm thời gian đăng ký khám chữa bệnh, không sợ quên mang thẻ BHYT, chứng minh nhân dân hay không còn nỗi lo mất thẻ, thẻ bị hỏng...

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Hỏi đáp pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
5 728
0 Bình luận
Sắp xếp theo