Đáp án Cuộc thi tìm hiểu 80 năm lịch sử vẻ vang Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk

Cuộc thi tìm hiểu 80 năm lịch sử vẻ vang Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (23/11/1940 – 23/11/2020) diễn ra từ ngày 3-2-2020 đến ngày 15-9-2020. Sau đây là đáp án gợi ý của cuộc thi, mời các bạn tham khảo.

Thể lệ Cuộc thi tìm hiểu 80 năm lịch sử vẻ vang Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (23-11-1940 – 23-11-2020) rất đơn giản, khuyến khích nhiều thành phần tham gia gửi bài.

Bài dự thi tìm hiểu 80 năm lịch sử vẻ vang Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk

Câu 1: Người dự thi hãy trình bày các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp tiêu biểu trước năm 1940 ở Đắk Lắk?

1. Cuộc khởi nghĩa do N’Trang Gưh lãnh đạo (1887-1913)

N’Trang Gưh là người dân tộc Êđê, tên thật là Y Gưh H’Đớk, sinh năm 1845, tại buôn Čuah Kplang, nay thuộc xã Buôn Čuah (Krông Nô, Đắk Nông). Năm 1887, quân xâm lược Xiêm, Miến Điện được sự hậu thuẫn của thực dân Anh xâm phạm lãnh thổ của Đắk Lắk. N’Trang Gưh đã lãnh đạo 25 buôn, với 600 đồng bào người Bih dũng cảm chặn đánh quân xâm lược, giành chiến thắng oanh liệt, tiêu diệt gần hết quân địch trên cánh đồng buôn Phôk, buôn Tuôr( ), buộc chúng phải rút chạy khỏi Đắk Lắk.

Tháng 3-1900, quân Pháp do tên công sứ Buốc-Gioa (Bourgeois) đánh chiếm các buôn người Bih ở hạ lưu sông Krông Ana và Krông Nô (Krông Knô) bị nghĩa quân N’Trang Gưh bắn chết hụt, buộc phải bỏ chạy khỏi buôn Tuôr. Trước khi bỏ chạy chúng còn đốt trụi buôn Trấp, buôn Čuah quê hương của N’Trang Gưh. Năm 1901, sau khi củng cố lực lượng, nghĩa quân đã vượt sông Krông Knô tiến công tiêu diệt toàn bộ lính Pháp tại đồn buôn Tuôr. Sau đó, nghĩa quân lần lượt hạ tiếp các đồn khác của Pháp ở các buôn như Djiêng, Djou, Phity, Tinh…

Từ năm 1901-1913, quân Pháp liên tục mở nhiều cuộc hành quân khá quy mô nhằm tiêu diệt nghĩa quân. Do thế giặc quá mạnh, thủ lĩnh N’Trang Gưh đã kêu gọi nhân dân chuyển buôn vào rừng sâu, bất hợp tác với Pháp. Năm 1914, do trong hàng ngũ nghĩa quân có người phản bội, địa điểm đóng quân của N’Trang Gưh bị tiết lộ nên ông bị thực dân Pháp bắt và giết hại.

2. Cuộc khởi nghĩa do Ama Jhao lãnh đạo (1889-1905)

Ama Jhao tên thật là Y Yên Ayŭn, sinh năm 1840 tại buôn Tung (Có tài liệu cho là buôn Kô Tam, thành phố Buôn Ma Thuột). Ama Jhao là một tù trưởng giàu có, uy tín của ông nổi lên mạnh mẽ và lan sang những vùng khác. Nhận thấy tầm ảnh hưởng to lớn của Ama Jhao, thực dân Pháp đã tìm mọi cách lôi kéo, hăm doạ, nhưng Ama Jhao vẫn phản kháng và quyết tâm chuẩn bị khởi nghĩa.

Năm 1890, Ama Jhao tổ chức mai phục một toán quân Pháp trên đường từ Củng Sơn (huyện Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên) tiến lên chiếm Buôn Ma Thuột. Tại Ea Yông, toán quân này bị nghĩa quân chặn đánh dữ dội, buộc phải rút chạy. Năm 1901, Ama Jhao dẫn đầu một đoàn các tù trưởng, già làng xuống Phú Yên phản đối việc mở đường, tự tiện sáp nhập đất đai của người Êđê vào Lào. Sau đó, Ama Jhao đã tăng cường liên kết với các tù trưởng khác như Ama Gơm, Ama Hap, Ama Dak, Ama Jak chỉ huy, đồng thời hưởng ứng các cuộc khởi nghĩa khác đang nổi lên lúc đó của N’Trang Gưh, Ôi H’Mai và MaDla… tạo thành mạng lưới chống Pháp rộng khắp vùng Tây Nguyên, gây cho giặc Pháp rất nhiều khó khăn. Thực dân Pháp treo thưởng cho bất cứ ai giết hoặc chỉ điểm nơi ở của Ama Jhao. Tháng 1-1905, qua tin mật báo, quân Pháp bao vây và bắt được Ama Jhao. Chúng tra tấn ông rất tàn bạo, Ama Jhao mất vào tháng 3-1905.

3. Cuộc đấu tranh do Ôi H’Mai và MaDla lãnh đạo (1901-1922)

Ôi H’Mai và MaDla là thủ lĩnh của người Êđê Mdhur vùng M’Đrắk, Cheo Reo, Krông Búk, Krông Pắc, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa từ năm 1901-1922.

Trước việc quân Pháp ngang nhiên lập đồn ở buôn của mình, tháng 7-1901, Ôi H’Mai, Ôi H’Phai cùng 40 nghĩa quân tấn công tiêu diệt đồn Ea H’ly, giết chết tên chỉ huy người Pháp và gần hết toán lính khố xanh. Sau thất bại này, quân Pháp bắt đầu cử những đơn vị lớn hơn tiến hành lùng sục nghĩa quân khắp nơi nhưng không có kết quả. Năm 1905, Ôi H’Mai lâm bệnh và mất ở Ea H’ly. Ôi H’Phai và những người khác tiếp tục chiến đấu đến tháng 3-1909 thì bị địch bắt. Sau khi cuộc khởi nghĩa của Ôi H’Mai và các đồng đội của ông thất bại, MaDla, tù trưởng Buôn MaDla tiếp tục đứng lên lãnh đạo khởi nghĩa, phong trào lan rộng khắp vùng M’Đrắk, xuống Củng Sơn, qua Cheo Reo và phía Krông Pắc. Tháng 6-1920, MaDla bị bắt và giết hại. Phong trào kéo dài đến năm 1922 mới chấm dứt.

4. Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của giới công chức, viên chức Buôn Ma Thuột (1925-1926)

Y Jút H’Wing là một nhân sĩ trí thức người Êđê, ông sinh năm 1888 tại buôn Kram, xã Ea Tiêu (nay thuộc huyện Cư Kuin, Đắk Lắk). Cha của ông là Y Chăm đã từng tham gia phong trào khởi nghĩa của N’Trang Gưh và bị bắt. Ông học qua các trường sơ học Buôn Ma Thuột, trung học Khải Định. Năm 1916, tốt nghiệp trung học, Y Jút về dạy ở trường Pháp-Êđê ở Buôn Ma Thuột. Đầu năm 1925, Y Jút H’Wing và Y Út Niê bí mật tổ chức ám sát tên công sứ Pháp Léopold Sabatier nhưng không thành công.

Đầu tháng 10-1925, ông lãnh đạo đông đảo học sinh và giáo viên trường Pháp-Êđê biểu tình, viết đơn kiện gửi đến Toàn quyền Đông Dương và Khâm sứ Trung Kỳ, Tổng Thanh tra Đông Dương tố cáo những hành vi tội ác của Léopold Sabatier (L.Sabatier). Kết quả là chính quyền thực dân buộc phải chuyển L.Sabatier khỏi Đắk Lắk và ít lâu sau trả L.Sabatier về nước.

5. Cuộc khởi nghĩa do N’Trang Lơng lãnh đạo (1912-1935)

N’Trang Lơng sinh năm 1870 là tù trưởng của bộ lạc Biệt sống ở Bu N’Trang, một làng M’Nông thuộc khu vực sông Đăk Rtih ở phía bắc cao nguyên M’Nông (nay thuộc tỉnh Đắk Nông).

Trước cảnh thực dân Pháp xâm lược, áp bức buôn làng, N’Trang Lơng đã đứng lên tập hợp lực lượng khởi nghĩa, có lúc lực lượng nghĩa quân lên đến 5.000 người, thanh thế của N'Trang Lơng vang dội khắp miền Nam Tây Nguyên.

Cuộc khởi nghĩa do N’Trang Lơng lãnh đạo kéo dài từ năm 1912-1935, ông cùng nghĩa quân đã ghi bao chiến công oanh liệt, tấn công và làm vô hiệu hóa nhiều đồn bốt của địch, tiêu diệt hàng trăm lính Pháp, trong đó có những tên sĩ quan sừng sỏ như Henri Maitre, Trul Fet, Gatille, Margad, Levily More, Leconte... giải phóng vùng cao nguyên M’Nông rộng lớn.

Giữa tháng 5-1935, quân Pháp tập trung lực lượng lớn, từ ba hướng Thủ Dầu Một đánh lên, từ Campuchia đánh sang, từ Đắk Lắk đánh xuống, tập trung tiến công đại bản doanh của nghĩa quân. Liên tục bị vây hãm, một số tù trưởng đầu hàng, một số khác hy sinh hoặc bị bắt. Lương thực, vũ khí, quân số của nghĩa quân tại vùng căn cứ Nâm Nung thiếu thốn nghiêm trọng. Quân Pháp lập thêm nhiều đồn bốt như đồn Hăngrimét, đồn Boukok và nhiều căn cứ vệ tinh bao vây vùng căn cứ Nâm Nung, tiếp tục siết chặt vòng vây đối với nghĩa quân. Trong một trận chiến đấu không cân sức, N'Trang Lơng bị trọng thương và mất vào cuối tháng 5-1935.

Câu 2: Người dự thi hãy trình bày quá trình thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk? Ý nghĩa sự kiện này đối với phong trào cách mạng của tỉnh?

1. Quá trình thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Đắk Lắk

Nhà đày Buôn Ma Thuột (trước đây có lúc gọi là nhà tù Ban Mê Thuột), do thực dân Pháp thiết lập trong những năm 1930 - 1931, với mục đích chính là để đày ải và thủ tiêu tù chính trị ở các tỉnh Trung Kỳ. Sau năm 1930-1931, chúng đày lên Buôn Ma Thuột 30 chiến sĩ cộng sản. Từ năm 1932, thực dân Pháp xây cất thêm và mở rộng quy mô nhà đày. Đến năm 1936, thực dân Pháp chuyển số tù còn sống sót ở nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị) đến Buôn Ma Thuột, Nhà đày Buôn Ma Thuột từ đó trở thành một nhà đày lớn của Pháp ở Đông Dương.

Phong trào cách mạng trong nước càng phát triển, càng thôi thúc những chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước bị giam cầm trong Nhà đày Buôn Ma Thuột tăng cường đoàn kết đấu tranh, địch càng khủng bố giết hại tù chính trị, cuộc đấu tranh trong Nhà đày càng diễn ra quyết liệt. Các chiến sĩ cách mạng vừa đấu tranh trực diện với kẻ thù, vừa đẩy mạnh tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tổ chức vượt ngục, nhen nhóm gây dựng cơ sở Đảng.

Cuối năm 1940, một số chiến sĩ cộng sản trong Nhà đày (khoảng 10 đồng chí) thành lập chi bộ Đảng Cộng sản . Với các ký hiệu và tên gọi khác nhau, chi bộ được tổ chức hoạt động và phát triển đội ngũ đảng viên của mình theo Chính cương, Điều lệ Đảng và tự xác định phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Là hạt nhân tổ chức và lãnh đạo toàn thể tù nhân đấu tranh bảo vệ quyền lợi vật chất và tinh thần của tù chính trị, là lực lượng nòng cốt duy trì, củng cố các tổ chức của tù nhân.

- Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cho Đảng, chuẩn bị lực lượng cán bộ lãnh đạo phong trào quần chúng khi thoát khỏi cảnh lao tù.

- Tìm cách liên lạc để tổ chức vận động cách mạng ở thị xã Buôn Ma Thuột.

- Tổ chức các cuộc vượt ngục, đưa cán bộ về cho Đảng. Bồi dưỡng lý luận cách mạng và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng cho những người sắp hết hạn tù để trở ra hoạt động cách mạng.

2. Ý nghĩa của sự kiện thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Đắk Lắk

- Thống nhất sự lãnh đạo của Đảng trong Nhà đày. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, các chiến sỹ cộng sản đã kế thừa, phát triển về tổ chức, hình thức đấu tranh của các thời kỳ trước đó, trên một quy mô rộng lớn và quyết liệt hơn, mục tiêu đấu tranh cũng cụ thể và cao hơn, đem lại kết quả lớn hơn.

- Từ Chi bộ cộng sản đầu tiên đã gieo mầm, tạo những hạt giống đỏ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk. Nhiều nhân sĩ, trí thức, công chức là người dân tộc thiểu số làm việc cho chính quyền thực dân đã được những người cộng sản giáo dục, cảm hóa thành những cán bộ cách mạng, theo Đảng, theo Bác Hồ, có uy tín lớn đối với nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng như các đồng chí Y Blốk Êban, Y Bih Alê Ô, Y Yôn (Minh Sơn)...

- Là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước chuyển mình trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc tại tỉnh Đắk Lắk. Sự thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk là nhân tố quyết định đến thắng lợi trong cuộc vận động giải phóng dân tộc, góp phần đưa Cách mạng Tháng Tám - 1945 tới thành công ở Đắk Lắk.

Câu 3: Người dự thi cho biết từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã trải qua bao nhiêu kỳ đại hội? Thời gian, địa điểm tổ chức các kỳ đại hội? Nêu tên các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy qua các thời kỳ?

1. Các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk

1.1. Đại hội lần thứ I (tháng 8-1960):

Đầu năm 1960, để tăng cường sự lãnh đạo phong trào cách mạng ở các địa bàn phía Nam tỉnh Đắk Lắk, Liên khu ủy V quyết định chia tỉnh Đắk Lắk thành 4 đơn vị riêng: B3, B4, B5, B6, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Liên tỉnh 4 và Liên khu ủy V . Khu ủy tăng cường nhiều cán bộ lãnh đạo và lực lượng cho các đơn vị (B) ở phía Nam.

Tháng 8-1960, được sự chỉ đạo của Liên khu ủy V, tỉnh Đắk Lắk triệu tập Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I (Hội nghị đại biểu được cấp trên chuẩn y như Đại hội) tại vùng căn cứ Cư Jú-Dliêya phía Bắc của tỉnh. Dự Đại hội có 50 đại biểu được bầu từ các huyện và các cơ quan của tỉnh.

Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) về đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam: "Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân...”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 13 đồng chí, đồng chí Nguyễn Hồng Ưng (Vũ Anh Ba) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 12-1960, đồng chí Nguyễn Tuấn (Ama Đăng) làm Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Nguyễn Hồng Ưng nhận công tác khác.

1.2. Đại hội lần thứ II (Đại hội đại biểu Đảng bộ B3, tháng 8-1963; Đại hội đại biểu Đảng bộ B5, tháng 1-1965):

- Đại hội B3: Tháng 8-1963, Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (B3) họp tại Ea Drăh, vùng căn cứ Cư Jú-Dliêya phía Bắc của tỉnh. Đại hội kiểm điểm tình hình lãnh đạo của tỉnh trong thời kì địch chuyển sang chiến lược chiến tranh đặc biệt và đề ra phương hướng nhiệm vụ trung tâm là phát động quần chúng phá kìm, phá ấp, giành lại quyền làm chủ vùng nông thôn. Đại hội cũng đặc biệt nhấn mạnh đến công tác xây dựng Đảng, tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong Đảng bộ, khắc phục tư tưởng của một bộ phận đảng viên ngại gian khổ, co thủ rụt rè, tập trung cho công tác tiến công ra phía trước.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk khóa II, đồng chí Nguyễn Xuân Nguyên (Nguyễn Liên, Mười Nguyên) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

- Đại hội B5: Tháng 1-1965, Hội nghị đại biểu Đảng bộ B5 họp tại Jiê Yuk (nay thuộc xã Đắk Phơi, huyện Lắk) được cấp trên chuẩn y như Đại hội. Đại hội kiểm điểm tình hình từ khi hợp nhất hai đơn vị B5, B6 và đề ra nhiệm vụ mới, trọng tâm là đẩy mạnh phát động quần chúng, phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng nông thôn.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ B5 gồm 11 đồng chí, đồng chí Nguyễn Xuân Nguyên (Nguyễn Liên, Mười Nguyên) được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.

1.3. Đại hội lần thứ III (tháng 7-1966):

Sau 5 năm chia tách thành các đơn vị B3, B4, B5, B6, tình hình và phong trào cách mạng của các đơn vị đã phát triển tương đối đều, vùng giải phóng được mở rộng và nối liền. Để thống nhất sự chỉ đạo trong toàn tỉnh, tháng 10-1965, Khu uỷ V quyết định hợp nhất B3, B5 lại thành tỉnh Đắk Lắk do đồng chí Nguyễn Xuân Nguyên làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 7-1966, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III được triệu tập tại Ea Play, xã Đắk Tuôr (nay là xã Cư Pui, huyện Krông Bông) vùng căn cứ phía Nam của tỉnh. Đại hội đánh giá những thắng lợi đã giành được trong năm 1965-1966, kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng bộ; đề ra những vấn đề trọng tâm cần nắm vững trong chỉ đạo kháng chiến.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa III, đồng chí Nguyễn Xuân Nguyên (Nguyễn Liên, Mười Nguyên) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

1.4. Đại hội lần thứ IV (tháng 4-1969):

Tháng 4-1969, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV họp tại buôn M’Năng Dơng (nay thuộc xã Yang Mao, huyện Krông Bông), vùng căn cứ phía Nam của tỉnh. Đại hội xác định nhiệm vụ trọng tâm là: chống bình định, giành và giữ dân vùng nông thôn; củng cố và mở rộng vùng giải phóng; phát triển thực lực cách mạng ở thị xã, thị trấn nhằm đánh bại căn bản kế hoạch bình định của địch trên địa bàn tỉnh, góp phần làm thất bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Khóa IV, đồng chí Nguyễn Xuân Nguyên (Nguyễn Liên, Mười Nguyên) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 5-1969, Thường vụ Khu uỷ V quyết định điều động đồng chí Võ Trung Thành (Năm Vinh) làm Bí thư Tỉnh uỷ thay đồng chí Nguyễn Xuân Nguyên về Khu V nhận công tác mới.

1.5. Đại hội lần thứ V (tháng 10-1971):

Tháng 10-1971, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ V họp tại buôn H’Ngô, xã Cư Đrăm (nay thuộc xã Hòa Phong, huyện Krông Bông), vùng căn cứ phía Nam của tỉnh. Đại hội tổng kết các mặt hoạt động của Đảng bộ trong ba năm chống chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" và xác định nhiệm vụ công tác trước mắt là chuẩn bị tốt mọi điều kiện để thực hiện thành công cuộc tổng tiến công chiến lược năm 1972 trên địa bàn tỉnh, góp phần làm thất bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa V gồm 31 đồng chí, đồng chí Huỳnh Văn Cần được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

1.6. Đại hội lần thứ VI (tháng 9-1973):

Tháng 9-1973, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI họp tại buôn Ea M’Dlan vùng căn cứ Cư Jú-Dliêya phía Bắc của tỉnh. Đại hội đề ra phương hướng và nhiệm vụ hoạt động trong thời gian tiếp theo là: Đẩy mạnh tiến công và nổi dậy, kiên quyết đánh bại một bước quan trọng kế hoạch "bình định, lấn chiếm" của địch, mở rộng vùng giải phóng, làm chủ vùng tranh chấp, đưa phong trào vùng địch hậu lên một bước cao hơn, nhằm làm rối loạn hậu phương địch. Ra sức xây dựng thực lực cách mạng về mọi mặt; tăng cường công tác xây dựng Đảng, chú trọng công tác cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở, cán bộ hoạt động hợp pháp. Tất cả những nhiệm vụ đó là nhằm tạo ra điều kiện và thời cơ sẵn sàng phối hợp chiến trường chung, tranh thủ giành thắng lợi cao hơn.

Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa VI gồm 27 đồng chí, đồng chí Huỳnh Văn Cần tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 5-1975, đồng chí Nguyễn Xuân Nguyên được phân công về làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.

1.7. Đại hội lần thứ VII (vòng 1 tháng 11-1976; vòng 2 tháng 6-1977):

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ VII (vòng 1) diễn ra từ ngày 12 đến ngày 21-11-1976 tại thị xã Buôn Ma Thuột. Tham dự Đại hội có 261 đại biểu đến từ 11 đảng bộ trực thuộc, đại diện cho hơn 12.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Trong thời gian Đại hội, các đại biểu thảo luận và đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III trình Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng; Dự thảo Điều lệ Đảng (sửa đổi). Đại hội đã bầu 10 đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng.

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ VII (vòng 2) diễn ra từ ngày 13-6-1977 đến 19-6-1977, tại thị xã Buôn Ma Thuột. Tham dự Đại hội có 252 đại biểu đại diện cho các đảng bộ trong toàn tỉnh. Đại hội quyết định phương hướng, nhiệm vụ chung đến năm 1980 là: “Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động để tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng. Xây dựng tỉnh Đắk Lắk thành một tỉnh có cơ cấu nông-lâm-công nghiệp, vững mạnh về chính trị, kinh tế, quốc phòng”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa VII gồm 39 đồng chí, trong đó có 35 đồng chí là ủy viên chính thức, 04 đồng chí là ủy viên dự khuyết. Đồng chí Trần Kiên (Nguyễn Tài) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

1.8. Đại hội lần thứ VIII (tháng 11-1979):

Đại hội đại biểu Đảng bộ Đắk Lắk tỉnh lần thứ VIII diễn ra từ ngày 07 đến ngày 10-11-1979, tại thị xã Buôn Ma Thuột. Tham dự Đại hội có 351 đại biểu đến từ 16 tổ chức đảng bộ trực thuộc. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ chung trong những năm 1980-1981 là: “Nắm vững chuyên chính vô sản, xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tăng cường đoàn kết các dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý chí cách mạng tiến công, tinh thần tự lực tự cường, tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, tập trung đẩy mạnh công cuộc xây dựng, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, đẩy mạnh sản xuất, ổn định và bảo đảm đời sống nhân dân; đẩy mạnh tấn công truy quét bọn phản động, tăng cường an ninh quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; kiên quyết đấu tranh khắc phục những mặt tiêu cực trong hoạt động kinh tế và xã hội; ra sức xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng; tích cực đưa tỉnh ta tiến lên thành một tỉnh có nền công, nông, lâm nghiệp phát triển, làm tròn nghĩa vụ hậu phương và căn cứ cho cả nước và nghĩa vụ quốc tế được giao”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa VIII gồm 43 đồng chí, trong đó có 40 đồng chí uỷ viên chính thức và 03 đồng chí ủy viên dự khuyết. Đồng chí Y Ngông Niê Kdăm được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.

1.9. Đại hội lần thứ IX (vòng 1 tháng 01-1982; vòng 2 tháng 3-1983):

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (vòng 1) diễn ra từ ngày 08 đến ngày 16-01-1982. Tham dự Đại hội có 366 đại biểu chính thức thay mặt cho hơn 7.500 đảng viên thuộc 19 Đảng bộ trực thuộc.

Đại hội đã thảo luận, góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo về công tác xây dựng Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khoá IV trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V. Đại hội đã bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội lần thứ V của Đảng gồm 13 đồng chí, trong đó có 01 đồng chí dự khuyết.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (vòng 2) diễn ra từ ngày 05 đến ngày 09-3-1983. Tham dự Đại hội có 372 đại biểu chính thức đại diện cho gần 9.000 đảng viên của 20 đảng bộ trực thuộc trong tỉnh. Đại hội xác định phương hướng, nhiệm vụ trong 3 năm từ 1983-1985 là: “Phát huy mạnh hơn nữa quyền làm chủ của tập thể nhân dân lao động, tăng cường hơn nữa chuyên chính vô sản, động viên toàn Đảng bộ, quân, dân trong tỉnh đẩy mạnh ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng văn hoá, trong đó cách mạng khoa học là then chốt, đẩy mạnh công cuộc xây dựng phát triển kinh tế-xã hội theo hướng xây dựng tỉnh nhà thành một tỉnh có cơ cấu kinh tế công- nông- lâm nghiệp hợp lý. Tổ chức lại sản xuất, sắp xếp lại nền kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất có trọng điểm, ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân và đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu. Kiên quyết đánh bại kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, tăng cường củng cố an ninh - quốc phòng, nêu cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu đánh bại mọi hành động xâm lược của kẻ thù, bảo vệ tổ quốc. Tiếp tục phát triển vững chắc sự nghiệp văn hoá - xã hội. Ra sức xây dựng Đảng bộ vững mạnh về mọi mặt, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo, bảo đảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của tỉnh và làm tròn nghĩa vụ quốc tế được phân công”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa IX gồm 45 đồng chí, trong đó có 41 đồng chí là ủy viên chính thức và 04 đồng chí là ủy viên dự khuyết, đồng chí Y Ngông Niê Kdăm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

1.10. Đại hội lần thứ X (tháng 10-1986):

Từ ngày 09 đến ngày 14-10-1986, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X được tiến hành tại thị xã Buôn Ma Thuột. Tham dự Đại hội có 400 đại biểu chính thức, thay mặt cho hơn 10.000 đảng viên của 24 tổ chức Đảng trực thuộc Tỉnh ủy. Đại hội quyết định phương hướng và nhiệm vụ trong những năm 1986 – 1991 của tỉnh là: “Nắm vững đường lối và các quan điểm cơ bản của Đảng, ra sức phấn đấu đến mức cao nhất với tinh thần tự lực, tự cường, tính năng động, sáng tạo, phát huy triệt để các nhân tố cách mạng nội tại, khai thác và huy động mọi tiềm năng, mọi nguồn dự trữ sẵn có để tạo ra một thay đổi to lớn trong tình hình mọi mặt của tỉnh, đưa sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trong tỉnh phát triển với thắng lợi ngày càng to lớn hơn”.
Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa X gồm 55 đồng chí (trong đó có 45 đồng chí ủy viên chính thức, 10 đồng chí ủy viên dự khuyết), đồng chí Huỳnh Văn Cần được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.

1.11. Đại hội lần thứ XI (Vòng 1 tháng 4-1991; vòng 2 tháng 1-1992):

- Từ ngày 22 đến 25-4-1991, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (vòng I) được tiến hành tại thị xã Buôn Ma Thuột. Tham dự Đại hội có 292 đại biểu chính thức, thay mặt cho 16.298 đảng viên thuộc 26 đảng bộ trực thuộc. Đại hội có góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII: Báo cáo chính trị; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000; Báo cáo sửa đổi điều lệ Đảng. Với tinh thần đổi mới, dân chủ, Đại hội đã sôi nổi thảo luận và thống nhất cao với các văn kiện đã trình bày. Đại hội bầu đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh tham dự Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng gồm 15 đồng chí.

- Từ ngày 08 đến ngày 11-01-1992, tại thị xã Buôn Ma Thuột, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (vòng 2) được tiến hành. Tham dự Đại hội có 292 đại biểu chính thức, thay mặt cho 16.509 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội xác định mục tiêu tổng quát trong những năm 1991 – 1995 là: “Phát huy tinh thần độc lập tự chủ, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết toàn Đảng bộ, quân dân các dân tộc trong tỉnh, quyết tâm vượt qua khó khăn thử thách trong vài năm đầu, ổn định chính trị, cố gắng tự cân đối đáp ứng được nhu cầu tiền vốn, vật tư, giữ vững sản xuất, tạo thế chủ động và tranh thủ vốn đầu tư từ bên ngoài để phát triển nhanh hơn ở những năm sau nhằm ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bước đầu tạo được tích lũy từ nội bộ nền kinh tế, góp phần kìm chế và đẩy lùi lạm phát, củng cố và giữ vững quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội”.

- Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI gồm 47 đồng chí. Đồng chí Huỳnh Văn Cần tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Đến giữa nhiệm kỳ đồng chí Huỳnh Văn Cần được Trung ương điều động nhận nhiệm vụ khác, đồng chí Ama Pui (Y Liă Mjâo) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

1.12. Đại hội lần thứ XII (tháng 5-1996):

Từ ngày 07 đến ngày 10-5-1996, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ XII. Tham dự Đại hội có 292 đại biểu, thay mặt cho 16.298 đảng viên của 26 đảng bộ trực thuộc. Đại hội xác định phương hướng và mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế-xã hội trong 5 năm từ 1996-2000 là: “Tăng cường khối đoàn kết nhân dân các dân tộc, phát huy mạnh mẽ tinh thần cách mạng, ý chí tự lực tự cường, khơi dậy các nguồn lực trong tỉnh kết hợp với mở rộng hợp tác kinh tế với bên ngoài để đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nâng cao đời sống và dân trí, thu hẹp sự chênh lệch giữa các vùng, các tầng lớp dân cư. Giữ vững ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, củng cố an ninh biên giới và tăng cường khả năng phòng thủ. Tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Ra sức phấn đấu xây dựng tỉnh thoát ra tình trạng là một tỉnh nghèo, chuẩn bị điều kiện để phát triển nhanh hơn vào những năm đầu thế kỷ XXI”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa XII gồm 49 đồng chí, đồng chí Mai Văn Năm được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ. Đến tháng 9-1999, Trung ương điều động đồng chí Mai Văn Năm nhận nhiệm vụ tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đồng chí Nguyễn An Vinh được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

1.13. Đại hội lần thứ XIII (từ ngày 31-1 đến ngày 02-02-2001):

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII diễn ra từ ngày 31-1-2001 đến ngày 02-2-2001 tại thành phố Buôn Ma Thuột. Tham dự Đại hội có 349 đại biểu, đại diện cho hơn 17.000 đảng viên của 23 Đảng bộ trực thuộc. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ trong 5 năm từ 2001-2005 là: “Bảo đảm tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao và ổn định trên cơ sở phát huy nội lực, khơi dậy tiềm năng to lớn của địa phương, kết hợp với việc tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài, tăng cường hợp tác đầu tư, từng bước mở rộng thị trường nước ngoài, tiếp tục phát triển mạnh nông sản xuất khẩu đi đôi với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, dịch vụ, trong đó trọng tâm là công nghiệp chế biến nông-lâm sản. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với môi trường, thực hiện tốt các vấn đề xã hội; xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; xây dựng Đảng và cả hệ thống chính trị vững mạnh.

Phấn đấu đến năm 2010 đưa Đắk Lắk trở thành một tỉnh có kinh tế phát triển đạt mức trên trung bình của cả nước; có nền văn hóa tiên tiến và giữ được bản sắc dân tộc; xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa XIII gồm 47 đồng chí , đồng chí Y Luyện Niê Kdăm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

1.14. Đại hội lần thứ XIV (tháng 12-2005):

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV được tiến hành từ ngày 12-12-2005 đến ngày 14-12-2005 tại thành phố Buôn Ma Thuột. Tham dự Đại hội có 299 đại biểu đại diện cho gần 32.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội xác định phương hướng trong 5 năm 2006-2010: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khắc phục mọi khó khăn thách thức, huy động và sử dụng tốt các nguồn lực, khai thác có hiệu quả các tiềm năng để tập trung đẩy mạnh công nghiệp hoá- hiện đại hoá, phát triển đô thị và nông thôn. Phấn đấu tăng trưởng kinh tế với nhịp độ nhanh và bền vững. Gắn phát triển kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Phát triển văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo quốc phòng- an ninh”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV gồm 48 đồng chí, đồng chí Niê Thuật được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

1.15. Đại hội lần thứ XV (tháng 10-2010):

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 – 2015 được tiến hành từ ngày 01 đến ngày 03-10-2010 tại thành phố Buôn Ma Thuột. Tham dự Đại hội có 299 đại biểu, đại diện cho gần 32.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội xác định phương hướng trong 5 năm 2010-2015: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ gắn với sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường sinh thái; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự - an toàn xã hội. Xây dựng Dak Lak trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên và đóng vai trò quan trọng đưa Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XV gồm 55 đồng chí. Đồng chí Niê Thuật tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 9-2015, đồng chí Niê Thuật được Trung ương điều động về làm Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đồng chí Êban Y Phu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.

1.16. Đại hội lần thứ XVI (tháng 10-2015):

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 được tiến hành từ ngày 12 đến ngày 14-10-2015 tại thành phố Buôn Ma Thuột. Dự Đại hội có 352 đại biểu đại diện cho 64.358 đảng viên toàn Đảng bộ. Đại hội xác định mục tiêu tổng quát trong những năm 2015-2020 là: “Xây dựng Đảng bộ trong sạch, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo môi trường đầu tư thông thoáng để huy động tối đa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; từng bước đầu tư hoàn thiện, đồng bộ kết cấu hạ tầng; phát triển kinh tế bền vững, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh, duy trì trật tự an toàn xã hội; xây dựng Đắk Lắk phát triển toàn diện, tạo nền tảng để sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của vùng Tây Nguyên”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 56 đồng chí. Đồng chí Êban Y Phu tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 7-2019 đến nay, Bộ Chính trị điều động, chỉ định đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Êban Y Phu nghỉ hưu.

2. Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy qua các thời kỳ

- Đồng chí Phan Kiệm (1920-1998); Bí thư Ban Cán sự Đảng từ năm 1945-1946.

- Đồng chí Nguyễn Khắc Tính (1920-2008), Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh từ năm 1947-1949.

- Đồng chí Lê Vụ (1923-1990), Bí thư Tỉnh ủy năm 1949; từ năm 1951-1952.

- Đồng chí Trương Quang Giao (1910-1983), Bí thư Tỉnh ủy năm 1950.

- Đồng chí Lê Văn Nhiễu (1920-1976), Bí thư Tỉnh ủy từ năm 1952-1954.

- Đồng chí Trương Quang Tuân (1923-1959), Bí thư Tỉnh ủy từ năm 1955-1959.

- Đồng chí Nguyễn Hồng Ưng (1922-1996), Bí thư Tỉnh ủy từ năm 1959-1960, Bí thư Tỉnh ủy Khóa I.

- Đồng chí Nguyễn Tuấn (sinh năm 1926), Bí thư Tỉnh ủy Khóa I, (từ năm 1960-1962).

- Đồng chí Nguyễn Xuân Nguyên (1922-2009), Bí thư Tỉnh ủy Khóa II (từ năm 1963-1966), Khóa III (từ năm 1966-1969), Khóa IV (từ năm 1970-1971), Khóa VI (từ năm 1975-1977).

- Đồng chí Võ Trung Thành (1924-1982), Bí thư Tỉnh ủy Khóa IV (từ năm 1969-1970).

- Đồng chí Huỳnh Văn Cần (1927-2018), Bí thư Tỉnh ủy Khóa V (từ năm 1971-1973), Khóa VI (từ năm 1973-1975), Khóa X (từ năm 1986-1992), Khóa XI (từ năm 1992-1994).
- Đồng chí Trần Kiên (1920-2004), Bí thư Tỉnh ủy Khóa VII (từ năm 1977-1979).

- Đồng chí Y Ngông Niê Kdăm (1922-2001), Bí thư Tỉnh ủy Khóa VIII (từ năm 1979-1983), Khóa IX (từ năm 1983-1986).

- Đồng chí Ama Pui (1932-2005), Bí thư Tỉnh ủy Khóa XI (từ năm 1994-1996)

- Đồng chí Mai Văn Năm (sinh năm 1948), Bí thư Tỉnh ủy Khóa XII (từ năm 1996-1999)

- Đồng chí Nguyễn An Vinh (sinh năm 1940), Bí thư Tỉnh ủy Khóa XII (từ năm 1999-2001).

- Đồng chí Y Luyện Niê Kdăm (sinh năm 1943), Bí thư Tỉnh ủy khóa XIII, (từ năm 2001-2005).

- Đồng chí Niê Thuật (sinh năm 1956), Bí thư Tỉnh ủy Khóa XIV (từ năm 2005-2010), Khóa XV (từ năm 2010-2015).

- Đồng chí Êban Y Phu (sinh năm 1959), Bí thư Tỉnh ủy Khóa XV (năm 2015), Khóa XVI (từ năm 2015-2019).

- Đồng chí Bùi Văn Cường (sinh năm 1965), Bí thư Tỉnh ủy Khóa XVI (từ năm 2019 đến nay).

Câu 4: Người dự thi hãy trình bày những thắng lợi tiêu biểu của phong trào cách mạng tỉnh Đắk Lắk từ năm 1940 đến năm 1975, dưới dự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh? Nêu tóm tắt diễn biến, kết quả và ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10-3-1975)?

1. Những thắng lợi tiêu biểu của phong trào cách mạng tỉnh Đắk Lắk dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh (1940-1975)

1.1. Khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945:

Tháng 9-1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Sau khi tham gia chiến tranh, chính phủ phản động Pháp đã thi hành chính sách phát xít, huỷ bỏ các quyền tự do, dân chủ, đàn áp phong trào cộng sản và phong trào dân chủ ở Pháp cũng như ở các nước thuộc địa. Ở Đông Dương, chúng thực hiện phát xít hoá bộ máy cai trị và thẳng tay bắn giết, tù đày các chiến sĩ cộng sản. Ngày 22-6-1940, Pháp đầu hàng phát xít Đức. Lợi dụng tình thế đó, phát xít Nhật nhảy vào xâm lược Đông Dương. Nhiệm vụ trực tiếp và cấp bách của cách mạng Việt Nam lúc này là phải tập trung mọi lực lượng để đánh Pháp, đuổi Nhật giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Nhà đày Buôn Ma Thuột cũng chịu tác động trực tiếp của tình hình chính trị Đông Dương và thế giới. Số lượng tù nhân tăng lên nhanh chóng, do địch chuyển nhiều đoàn tù từ các tỉnh miền Trung lên. Đồng thời, họ cũng bị khủng bố, đàn áp dã man hơn, nhiều thành quả giành được trong cuộc đấu tranh ở thời kỳ Mặt trận dân chủ cũng bị cắt xén, xoá bỏ từng bước. Do đó, nhiều vấn đề mới đặt ra thuộc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong tình hình mới cần được tù nhân thảo luận, quán triệt nhằm đi đến thống nhất ý chí và hành động trong nhà đày.

Cuối năm 1940, một số tù nhân cũ và mới liên hệ với nhau lập một tổ chức bí mật gọi là lực lượng trung kiên. Những người tham gia lực lượng này đều hoàn toàn tự nguyện và phải có đủ những tiêu chuẩn nhất định. Tiêu chuẩn cơ bản, số một là phải thực hiện đúng Điều lệ Đảng, tự nguyện suốt đời hy sinh cho chủ nghĩa cộng sản.

Tuy không gọi là chi bộ đảng, nhưng lực lượng này trên thực tế đã đóng vai trò một chi bộ cộng sản. Việc chi bộ của Đảng ra đời đã thống nhất sự lãnh đạo của Đảng trong Nhà đày, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc vận động cách mạng ở Đắk Lắk phát triển mạnh mẽ hơn.

Tháng 5-1945, các cơ sở của Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc phát triển khá rộng rãi, để đảm bảo sự lãnh đạo tập trung thống nhất, Hội nghị thành lập Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh được tổ chức. Hội nghị đã đề ra một số chủ trương, công tác chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Ngày 17-8-1945, tỉnh bộ Việt Minh Đắk Lắk quyết định khởi nghĩa giành chính quyền ở các đồn điền CADA, cây số 24 và đồn điền cây số 07. Tối ngày 19-8-1945, tại nhà số 57 Lý Thường Kiệt, thị xã Buôn Ma Thuột, Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh triệu tập hội nghị khẩn cấp để nghe thông báo tình hình khởi nghĩa ở các tỉnh bạn và quyết định thời điểm giành chính quyền ở cấp tỉnh.

Ngày 22-8-1945, Ban lãnh đạo lâm thời tỉnh họp Hội nghị mở rộng, Hội nghị quyết định tổng khởi nghĩa ở thị xã Buôn Ma Thuột và cả tỉnh vào 24-8-1945. Lệnh khởi nghĩa được truyền về cơ sở. 15 giờ, ngày 24-8-1945, cuộc mít tinh giành chính quyền diễn ra trọng thể tại sân vận động thị xã Buôn Ma Thuột. Tham dự mít tinh có lực lượng vũ trang của các đồn điền, nhân dân lao động trong và ngoài thị xã, thanh niên, học sinh, viên chức, nhân sĩ trí thức các dân tộc và toàn bộ lực lượng bảo an binh có vũ trang khoảng 500 binh lính. Đặc biệt, có hơn 3.000 đồng bào các dân tộc Êđê, M’Nông, Gia Rai từ các buôn làng ven thị xã tham gia. Một đại biểu của Việt Minh bước lên lễ đài, tuyên bố xoá bỏ chế độ thống trị của Nhật và tay sai, thành lập chính quyền của nhân dân lao động, kêu gọi quần chúng các dân tộc nhiệt liệt hưởng ứng chương trình của Việt Minh, ủng hộ chính quyền cách mạng, tích cực tham gia xây dựng cuộc sống mới. Uỷ ban nhân dân Cách mạng lâm thời ra mắt đồng bào, cuộc mít tinh nhanh chóng biến thành cuộc tuần hành qua các đường phố của thị xã.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân các dân tộc thành công rực rỡ, nhân dân trong tỉnh phấn khởi, hân hoan đón chào Cách mạng Tháng Tám thành công.

1.2. Kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954):

Sau khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám cho đến khi bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược, nhân dân các dân tộc Đắk Lắk chỉ có một trăm ngày hoà bình để xây dựng chế độ mới, Đảng bộ đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh phát huy nhiệt tình cách mạng, thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước để củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng kinh tế, văn hoá và an ninh-quốc phòng, chống giặc đói, giặc dốt, đồng thời anh dũng chiến đấu chặn từng bước tiến của quân Pháp, góp phần làm phá sản chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp, bảo toàn lực lượng để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Sau khi Đắk Lắk bị chiếm đóng, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo xây dựng cơ sở chính trị trong vùng địch hậu, phát động chiến tranh du kích, từng bước biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta, đi đôi với lãnh đạo hoạt động tác chiến tiêu hao, tiêu diệt địch để phối hợp với các chiến trường.

Đầu năm 1947, theo quyết định của Ban Chấp hành Đảng bộ miền Nam Trung Bộ, Ban Cán sự Đảng tỉnh Đắk Lắk được thành lập với ba đồng chí: Nguyễn Khắc Tính làm Bí thư, Ama Khê, Nguyễn Trọng Ba làm ủy viên. Ban Cán sự Đảng tỉnh Đắk Lắk ra đời, đánh dấu một bước ngoặt trong phong trào kháng chiến của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, từ đây các cơ quan, chính quyền, các tổ chức quần chúng và lực lượng vũ trang cũng dần được hình thành.

Đến cuối năm 1949, ta đã khôi phục được các cơ quan lãnh đạo về mặt Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, củng cố căn cứ bàn đạp ở phía tây Phú Yên; gây dựng lại cơ sở ở các xã phía Đông bắc huyện M’Đrắk, hai bên bờ sông Ba, ở Cheo Reo từ đèo Tân Á trở xuống, một số xã Đông đường 14 thuộc Buôn Hồ (xã Krông Năng, Krông Búk, Ea Drông, Ea Drăng…). Xây dựng được một số vùng lõm làm căn cứ đứng chân ngay trong vùng địch, hình thành một số vùng tương đối liên hoàn tranh chấp giữa ta và địch.

Liên Khu ủy cũng chú trọng tăng cường cán bộ cho Đắk Lắk, Ban Cán sự tỉnh từ 7 đồng chí tăng lên 11 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 5 đồng chí là: Trương Quang Giao, Lê Vụ, Y Wang, Nguyễn Tuấn và Đoàn Khuê.

Trong đợt hoạt động Hè năm 1950, ở hướng Nam Tây Nguyên ta mở chiến dịch Nguyễn Huệ. Trong chiến dịch Nguyễn Huệ, các lực lượng của ta đã đánh địch 15 trận, trong đó có 8 trận lớn, có trận thắng lớn giòn giã như trận Ma Rik, tiêu diệt được 2 chỉ huy Pháp, 14 lính Âu-Phi, 120 lính ngụy, làm bị thương và bắt sống gần 60 tên, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng của địch. Với chiến dịch Nguyễn Huệ ta đã đặt được nền móng đầu tiên cho việc xây dựng một khu du kích, mở đường xây dựng một khu căn cứ địa trên vùng địch hậu Đắk Lắk.

Thời kỳ năm 1951-1953, các lực lượng của ta đã dần lớn mạnh với sự phát triển của các phong trào quần chúng, chiến tranh du kích. Trong chiến dịch Đông-Xuân năm 1953-1954, phối hợp với quân và dân Bắc Tây Nguyên và các chiến trường trong cả nước, quân và dân Đắk Lắk cũng đồng loạt nổ súng tấn công địch, góp phần đập tan cuộc hành quân Atlante, làm cho một bộ phận quan trọng của kế hoạch Nava thất bại.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07-5-1954 đã tiếp thêm sức mạnh cho toàn quân, toàn dân trên cả nước, trong đó có quân và dân Đắk Lắk. Phối hợp với các lực lượng ở chiến trường Pleiku, quân ta đã chặn đánh và tiêu diệt quân địch rút chạy ở đèo Cư Drê, cắt đứt đường 14. Cùng với hoạt động quân sự, ta chủ trương đẩy mạnh các hoạt động vũ trang tuyên truyền, phát động quần chúng nổi dậy. Từ Buôn Hồ, Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn, Đắk Mil, Lắk, cơ sở của ta phát triển rất mạnh, phía bắc ta đã bắt liên lạc được với cơ sở tỉnh Gia Lai-Kon Tum, phía Tây Nam với cơ sở của Đông Campuchia, phía Đông Nam với cơ sở của Lâm Đồng.
Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ngày 01-8-1954 là ngày chính thức đình chiến. Tuân thủ những điều khoản đã quy định trong nội dung Hiệp định, tỉnh cử phái đoàn do đồng chí Nguyễn Khắc Tính làm trưởng đoàn cùng với phái đoàn đối phương ký vào biên bản bàn giao, tất cả các lực lượng của ta đang hoạt động ở Đắk Lắk đều rút về địa điểm tập kết.

Trải qua 9 năm liên tục chiến đấu, quân và dân Đắk Lắk đã vượt qua nhiều hy sinh, gian khổ, góp phần đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, giải phóng quê hương, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của cả nước.

1.3. Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975):

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Mỹ đã nhanh chóng gạt Pháp đưa Ngô Đình Diệm về nước lập chính phủ bù nhìn, âm mưu thôn tính miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và tiền đồn chống cộng ở khu vực Đông Nam Á.

Ở Đắk Lắk từ cuối năm 1954, số cán bộ được phân công ở lại miền Nam lần lượt lên bám lại các địa bàn, tiếp tục nắm dân, tuyên truyền giáo dục nhân dân, giữ phong trào liên tục ngay từ đầu không bị gián đoạn trong giai đoạn mới, đẩy mạnh phong trào đấu tranh yêu cầu đối phương thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Giai đoạn từ năm 1954-1960, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã tích cực lãnh đạo thực hiện công tác xây dựng và phát triển cơ sở cách mạng, liên tục giữ vững và phát triển phong trào cách mạng, tiến đến phong trào Đồng khởi cuối năm 1960. Đến năm 1961, đợt nổi dậy giải phóng nông thôn tiếp tục diễn ra trên khắp các địa bàn trong tỉnh, ta đã giành quyền làm chủ nhiều vùng rộng lớn, giữ được thế đấu tranh hợp pháp cho quần chúng nhân dân.

Trong thời kỳ địch dồn dân, lập ấp chiến lược (1961-1965), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Đắk Lắk đã kiên trì bám ấp, bám dân, vận dụng phương châm hai chân, ba mũi giáp công, phát động cao trào tấn công nổi dậy, phá ấp chiến lược từ năm 1964-1965, phá âm mưu vũ trang của địch, giải phóng đại bộ phận nông thôn trong tỉnh, cả vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và vùng đồng bào Kinh, dinh điền, đồn điền, với những phương thức và cách làm rất linh hoạt, độc đáo, sáng tạo, góp phần làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ- ngụy.

Trong thời kỳ chống chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ (1965-1968), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân dân Đắk Lắk đã vượt qua nhiều gian khổ ác liệt, thực hiện nhiệm vụ chống càn quét, lấn chiếm, xây dựng bảo vệ căn cứ và vùng giải phóng, đẩy mạnh công tác vùng địch và các hoạt động vũ trang, giữ vững thế chủ động tấn công địch, đồng thời tiếp tục được duy trì phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân.

- Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968:

Tháng 01-1968, Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khóa III) chủ trương mở cuộc Tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt trong Tết Mậu Thân nhằm tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận ngụy quân, ngụy quyền, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân; tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, đánh vào các cơ quan đầu não, giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán với ta.

Triển khai kế hoạch hoạt động trước Tết Mậu Thân nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của địch. Ở các huyện nông thôn, ngày 22-1-1968 bộ đội tỉnh và huyện tấn công vào quận lỵ Lạc Thiện diệt một số địch. Ở Buôn Hồ lực lượng ta đánh các ấp buôn Trinh, buôn A Nua, ấp Cuôr Đăng và phục kích đánh địch ở đèo Hà Lan trên đường 14.

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương, của Khu ủy V và mặt trận Tây Nguyên, từ đêm 30 đến hết mùng 4 Tết Mậu Thân 1968, ta đã tổng tấn công vào thị xã Buôn Ma Thuột, đánh vào các mục tiêu quan trọng như Ty Ngân khố, Toà Thị chính, Đài phát thanh Buôn Ma Thuột, Trường huấn luyện nghĩa quân, Tiểu khu bảo an, sân bay Hoà Bình… chiếm lĩnh được nhiều mục tiêu quan trọng trong thị xã. Kết quả trong đợt tấn công nổi dậy Mậu Thân 1968 ở Đắk Lắk ta đã diệt và làm tan rã 2.000 tên địch, bắt 85 tên, có 3 tên Mỹ, tiêu diệt 01 tiểu đoàn và 01 đại đội địch, bắn cháy 150 xe quân sự, 13 xe M113, 04 khẩu pháo, 12 kho xăng dầu, đạn dược.

Phối hợp với cuộc tấn công quân sự ở thị xã, tại một số đường phố của thị xã Buôn Ma Thuột, quần chúng được cán bộ cơ sở chuẩn bị trước đã xuống đường chiếm trụ sở thôn ấp, xé cờ và khẩu hiệu của địch, treo cờ cách mạng, rải truyền đơn, dán khẩu hiệu, lùng bắt bọn ác ôn, kêu gọi binh lính đầu hàng.

Cùng với cuộc tiến công diễn ra sôi nổi ở Buôn Ma Thuột thì ở các huyện cũng đồng loạt nổ ra tấn công địch, đồng thời phối hợp nhịp nhàng giữa tấn công quân sự với tấn công binh vận và phong trào nổi dậy của quần chúng, giữa nông thôn và đô thị đưa hàng vạn quần chúng nổi dậy với khí thế rất sôi nổi và quyết liệt. Quần chúng nhân dân các huyện H4, H5, H9, H10 gồm trên 18.000 người cùng với nhân dân các huyện khác trong tỉnh như ở cánh Bắc với trên 6.000 người, phần lớn là đồng bào các dân tộc ở huyện H3, H4, H5; cánh phía Nam có 2.500 người cả đồng bào Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số ở H10 và vùng ven H6; cánh phía đông trên 9.000 người, gồm đồng bào Kinh ở các khu dinh điền giải phóng và đồng bào các dân tộc ở H8, H9… cùng chuẩn bị cờ, khẩu hiệu, với khí thế hiên ngang, bất khuất tiến về thị xã Buôn Ma Thuột đấu tranh chính trị với địch.

Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 là một thắng lợi quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Đắk Lắk. Mặc dù Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 ở Đắk Lắk không đạt được đầy đủ mục tiêu đã đề ra, nhưng thắng lợi của Tết Mậu Thân về trình độ tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy và ý chí quyết tâm, tinh thần chiến đấu hy sinh dũng cảm, kiên cường, bất khuất của quân và dân các dân tộc trong tỉnh sẽ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt mà Đảng bộ, quân và dân Đắk Lắk đã góp phần vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc.

Từ sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, ta liên tục giữ vững thế chủ động tiến công địch. Phong trào du kích, công tác phát động quần chúng diệt ác, phá kìm trong tỉnh có bước phát triển mới. Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, Đảng bộ đã tích cực lãnh đạo quân và dân trong tỉnh đấu tranh chống địch bình định, lấn chiếm, phá hoại Hiệp định Pa-ri, giữ vững thế tấn công địch, củng cố, mở rộng các căn cứ và vùng giải phóng.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk tháng 3-1975

Cuối năm 1974, ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn tuy thất bại nặng nề, những vẫn còn ngoan cố, đẩy mạnh bình định, lấn chiếm, chống phá cách mạng, nhưng thế và lực của địch ngày càng suy yếu, các lực lượng cách mạng ở miền Nam tiếp tục giành nhiều thắng lợi. Tháng 10-1974, Bộ Chính trị họp nhận định tình hình và thời cơ chiến lược mới. Hội nghị khẳng định: “Mỹ đã rút khỏi miền Nam thì khó có khả năng đưa quân trở lại và dù chúng có can thiệp đi nữa cũng không thể cứu vãn nguy cơ sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn”. Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 đến 1976 và chọn Tây Nguyên làm hướng tấn công chủ yếu trong năm 1975.

Từ ngày 18-12-1974 đến ngày 08-01-1975, Bộ Chính trị họp (mở rộng) soát xét tình hình địch, ta ở miền Nam và sau chiến thắng Phước Long (ngày 6-1-1975), Bộ Chính trị quyết định: “Tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ Trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà”. Bộ Chính trị còn dự kiến: “Nếu thời cơ đến vào đầu năm hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Cũng thời gian này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của Chiến dịch Nam Tây Nguyên.

Việc lấy Buôn Ma Thuột làm mục tiêu quyết chiến trong mùa xuân 1975 có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng. Buôn Ma Thuột là thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk và cũng là thị xã đầu tiên của Tây Nguyên. Đây là một đô thị có giá trị lớn về chiến lược, không những đối với Tây Nguyên mà cả miền Nam. Đánh chiếm Buôn Ma Thuột sẽ tạo ra bàn đạp giải phóng toàn bộ Tây Nguyên, uy hiếp đồng bằng ven biển miền Trung, mở ra hướng tiến công quan trọng vào Sài Gòn.

Để chuẩn bị cho giải phóng Buôn Ma Thuột, Trung ương chi viện cho Đắk Lắk Sư đoàn 10, Sư đoàn 316, Trung đoàn 95B, Trung đoàn đặc công 198, Trung đoàn 25, Tiểu đoàn 196 công binh và bộ binh, pháo binh. So sánh tương quan lực lượng lúc bấy giờ, quân ta hơn hẳn quân địch về số lượng, chất lượng và thiết bị, bố trí thế trận liên hoàn và hiểm hóc, hình thành những “quả đấm” mạnh ở những khu vực tác chiến then chốt của chiến dịch. Được Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo, với sự chi viện dồi dào của hậu phương lớn, cán bộ, chiến sỹ các đơn vị chủ lực và địa phương đều phấn khởi, tin tưởng, quyết tâm, hăng hái lập công. Về lực lượng của địch, trước ngày ta nổ súng có khoảng 10.000 tên cả chủ lực, bảo an, cảnh sát và dân vệ, có Sư đoàn 23 với hàng trăm cố vấn Mỹ và mạng lưới đồn bốt dày đặc kiên cố.

Phối hợp với kế hoạch quân sự, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk tiến hành nhiều phiên họp ra nghị quyết và bàn các biện pháp phối hợp với đòn tiến công của bộ đội chủ lực. Tỉnh ủy đã quán triệt cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, trước hết là các cấp ủy đảng, phương hướng, nhiệm vụ của tỉnh trước thời cơ lịch sử. Xác định kế hoạch tiến công và nổi dậy trong toàn tỉnh, đặc biệt là trên các địa bàn trọng điểm: Buôn Ma Thuột, Đức Lập (Đắk Min), Cẩm Gar-Thuần Mẫn (Ea H’Leo), Đức Xuyên, Lạc Thiện (Lắk). Đồng thời, dự kiến và có kế hoạch hướng phát triển theo các trục đường số 14, 21 (nay là Quốc lộ 26) khi có thời cơ thuận lợi. Củng cố và phát huy vai trò của các đội vũ trang công tác, khôi phục và mở rộng các cơ sở quần chúng, tạo hành lang và bàn đạp cho các vùng sâu, vùng yếu, vùng tiếp cận đô thị. Tỉnh ủy Đắk Lắk và thị xã Buôn Ma Thuột đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ dân vận, phát động quần chúng áp sát vào thị xã để làm nhiệm vụ tiếp tế, tải thương, dẫn đường liên lạc, làm công tác vận động binh lính, gọi hàng, trình diện, phục vụ chiến đấu và nổi dậy của quần chúng với khẩu hiệu hành động là “Tất cả cho phía trước, tất cả để giành thắng lợi”.

Để tạo bí mật bất ngờ cho trận quyết chiến chiến lược ở Buôn Ma Thuột, từ đầu năm 1975, bộ đội chủ lực của ta ở Tây Nguyên đã tiến hành một kế hoạch nghi binh rất tài tình, thu hút sự chú ý, đối phó của địch ở bắc Tây Nguyên. Cuối tháng 2-1975, Sư đoàn 968 đánh tiêu diệt chốt Mỹ, bức rút Đồn Tám và một số cứ điểm ở tây Pleiku, uy hiếp các quận lỵ Thanh An, căn cứ Thanh Bình. Ở phía đông An Khê, ngày 4-3-1975 Sư đoàn 3 của Quân khu V cắt đường 19 và đánh tiêu diệt một số vị trí của địch từ An Khê đến Bình Khê. Cho đến đầu tháng 3-1975, địch vẫn chưa phát hiện ta sẽ tấn công Buôn Ma Thuột, chúng còn đưa Trung đoàn 45 ở Đắk Lắk ra Pleiku đối phó với hoạt động của chủ lực ta ở bắc Tây Nguyên.

Sáng 05-3-1975, Trung đoàn 25 cắt đường 21 (nay là Quốc lộ 26) trên đoạn Cư Kúc; ngày 08-3-1975 Trung đoàn 48 đánh chiếm quận lỵ Thuần Mẫn và căn cứ Cẩm Ga cắt đứt đường 14, diệt một tiểu đoàn bảo an, bắt sống 120 tên, thu 200 súng.

Ngày 09-3-1975, ta đã triển khai lực lượng, cài xong thế chiến lược và chiến dịch kết hợp với chiến trường, ta đánh quận lỵ Đức Lập, nghi binh bao vây đánh vào Pleiku, Kon Tum, cắt đường 19 tạo ra chia cắt Tây Nguyên với đồng bằng, chia cắt phía Nam với phía Bắc, hoàn toàn bao vây, cô lập thị xã Buôn Ma Thuột.

Đúng 2 giờ 03 phút, sáng ngày 10-3-1975, từ các hướng, quân ta nổ súng tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Mở đầu, đặc công đánh sân bay thị xã, đánh khu Kho Mai Hắc Đế, lực lượng bộ binh đánh sân bay Hòa Bình; cùng thời gian này hỏa tiễn H12, ĐKB và các cụm pháo tập trung bắn vào Sư bộ 23 của địch. Sáng ngày 10-3, ở hướng bắc, bộ binh ta có xe tăng phối hợp đánh vào Ngã Sáu và đánh chiếm Tiểu khu Buôn Ma Thuột. Hướng tây bắc, lực lượng ta tiêu diệt Sở chỉ huy khu Kho Mai Hắc Đế, đánh chiếm các cứ điểm Cư Êbuôr, Cư Dluê… phá hệ thống cứ điểm án ngữ vòng ngoài thị xã. Ở hướng Tây quân ta đánh chiếm doanh trại Tiểu đoàn Quân y và áp sát căn cứ Sư bộ 23. Ở hướng Nam, ta đánh vào Khu Hành chính, Khu Tiếp vận, Sở Thú y, Ty Ngân khố, Khu cư xá Sĩ quan và đánh chiếm quận lỵ Hòa Bình.

Ngày 11-3-1975, bộ binh, xe tăng và trọng pháo của ta tập trung đánh vào Sư bộ 23, địch chống trả quyết liệt, nhưng đến 10 giờ quân ta đã làm chủ các mục tiêu, chiếm lĩnh Sư bộ 23, bắt sống tên tỉnh trưởng Đắk Lắk và đại tá sư đoàn phó Sư 23 ngụy, lực lượng ta đã làm chủ hoàn toàn thị xã.

Ngày 12-3-1975, ta tiến quân tiêu diệt căn cứ 45 ngụy, đánh địch ở Cư Bao, Đạt Lý, giải phóng Buôn Hồ.

Ngày 13-3-1975, ta giải phóng Châu Sơn, diệt địch cứ điểm Cư M’Gar phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tỉnh đánh chiếm và làm chủ quận lỵ Lạc Thiện. Trong khi bộ đội đánh chiếm thị xã, các đội công tác chính trị của tỉnh cũng như các phường trong nội tuyến, phát động quần chúng ổn định tư tưởng, sửa chữa điện nước, làm công tác tiếp quản, thành lập Uỷ ban quân quản ở các địa phương, giữ vững trật tự an ninh, bảo đảm sinh hoạt bình thường cho nhân dân.

Ngày 14-3-1975, ta tấn công hậu cứ Trung đoàn 53 khu sân bay Hoà Bình và giải phóng Buôn Đôn, quét sạch căn cứ FULRO ở Tây Nguyên.

Ngày 17-3-1975, quân chủ lực mở trận đánh quyết định vào Phước An, tiêu diệt và bắt sống gần hết mấy ngàn tên địch, giải phóng Phước An. Ngày 18-3-1975, Trung đoàn 25 đã ngăn chặn và đánh trận cuối cùng, tiêu diệt tàn quân của Sư đoàn 23 tháo chạy ở vùng Cư Kúc, thị xã Cheo Reo, tiêu diệt cơ quan hành chính tiểu khu Phú Bổn. Cũng trong ngày 18-3-1975, Uỷ ban quân quản thị xã Buôn Ma Thuột được thành lập ra mắt tại Đình Lạc Giao do đại tá Y Blốk Êban làm Chủ tịch.

Ngày 19-3-1975 đến 21-3-1975, quân ta đánh chiếm quận lỵ Khánh Dương truy quét sạch quân địch co cụm ở đây, tiêu diệt và làm tan rã Lữ đoàn dù 3 ngụy, chiếm lĩnh đèo Phượng Hoàng mở đường cho quân ta tiến xuống tỉnh Khánh Hòa.

Sau khi tiêu diệt lực lượng địch, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, Tỉnh ủy đã lãnh đạo các huyện sử dụng lực lượng địa phương phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kềm, truy quét tàn quân địch. Đến ngày 24-3-1975, tỉnh Đắk Lắk hoàn toàn được giải phóng.

Chỉ 20 ngày trong tháng 3-1975 lịch sử (từ ngày 05 đến ngày 24-3-1975), quân chủ lực đã đánh đòn quyết chiến chiến lược, diệt và làm tan rã toàn bộ quân chủ lực phòng ngự và rút chạy của Quân đoàn 2 ngụy cùng với toàn bộ binh khí kỹ thuật trên địa bàn Đắk Lắk và Tây Nguyên, hỗ trợ và tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt bọn địch ở cơ sở, phát động quần chúng nổi dậy làm chủ và giải phóng hoàn toàn 3 đơn vị hành chính cấp tỉnh của địch là Đắk Lắk, Quảng Đức, Phú Bổn với khoảng 400.000 dân.

Phối hợp với quân chủ lực, các lực lượng vũ trang tỉnh, huyện, đội vũ trang công tác của tỉnh đã đánh địch 99 trận, diệt 329 tên, bắt 1.013 tên; bắt gọn Ban chỉ huy quận Lạc Thiện. Diệt và làm tan rã 3 tiểu đoàn bảo an, 2 tiểu đoàn FULRO, 50 trung đội nghĩa quân và toàn bộ lực lượng phòng vệ dân sự, thu 13.000 súng, 4 pháo 105mm…

2. Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975)

Chiến thắng Buôn Ma Thuột và đánh bại quân địch phản kích chiến dịch đã đẩy ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn đến tình trạng hỗn loạn, tan rã, buộc địch phải rút khỏi Tây Nguyên, đánh dấu bước suy sụp mới của Mỹ-ngụy, mở ra bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của cục diện quân sự, chính trị ở Miền Nam. Buôn Ma Thuột từ trận tiến công có ý nghĩa chiến dịch trở thành một thắng lợi chiến lược.

Thắng lợi to lớn, toàn diện của trận Buôn Ma Thuột đã tạo ra đột biến về chiến lược, tạo ra thế và lực mới để ta giành thắng lợi từ bộ phận đến giành thắng lợi hoàn toàn, xuất hiện thời cơ chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam nhanh hơn, chín muồi hơn. Đó là cơ sở để Đảng ta bổ sung quyết tâm chiến lược, rút ngắn thời gian kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong 2 năm xuống còn 55 ngày đêm, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các hướng chiến trường nắm thời cơ huy động toàn bộ lực lượng, mở ra chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau 30 năm chiến tranh ác liệt, đầy gian nan thử thách, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta bền bỉ kháng chiến, nay được giải phóng, thực sự thoát khỏi cảnh nước mất nhà tan, lầm than nô lệ, đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. Trong một thời gian ngắn, trước sức tấn công mãnh liệt và quật cường, quân và dân ta đã làm cho toàn bộ cơ đồ chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ - Ngụy xây dựng ròng rã 20 năm ở Đắk Lắk đã hoàn toàn sụp đổ.
Chiến thắng Buôn Ma Thuột mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một khúc ca hùng tráng, một chiến thắng oanh liệt, là niềm vinh dự và tự hào to lớn của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Đắk Lắk.

Câu 5: Người dự thi hãy nêu một số thành tựu nổi bật trên lĩnh vực kinh tế – xã hội của tỉnh Đắk Lắk sau 45 năm giải phóng (từ 1975 đến nay)?

Sau 45 năm giải phóng, nhất là gần 35 năm đổi mới, Đắk Lắk đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt nhiều thành tựu quan trọng làm thay đổi sâu sắc đời sống xã hội.

Sau ngày giải phóng, nền kinh tế của tỉnh rất khó khăn, hậu quả chiến tranh để lại rất nặng nề; cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, lạc hậu. Tổng sản phẩm xã hội năm 1978 mới chỉ có 197,630 triệu đồng. Năm 1976, vốn đầu tư xây dựng cơ bản 16,995 triệu đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội đạt 44,573 triệu đồng; diện tích lúa nước năm 1976 là 8.653 ha, lúa rẫy 50.979 ha, sản lượng 117.708 tấn. Diện tích cà phê (1978) 8.768 ha, sản lượng 18.282 tấn tươi. Sau 45 năm giải phóng, vốn đầu tư toàn xã hội có sự phát triển vượt bậc với 56.250 tỷ đồng; huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 33.795 tỷ đồng; vốn đầu tư xây dựng cơ bản 4.379 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn ước thực hiện 75.047 tỷ đồng; diện tích cây cà phê 203.063 ha, sản lượng ước đạt 478.000 tấn, lúa nước 104.803 ha, sản lượng 692.140 tấn; tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm 2019 ước đạt khoảng 1.270.183 tấn; từ tỉnh thiếu lương thực đến nay, lương thực bình quân đầu người đạt 659kg/người.

Cơ sở hạ tầng từ chỗ gần như không có gì, đến nay hệ thống giao thông đường bộ, đường không khá thuận lợi, với sân bay Buôn Ma Thuột và hệ thống các đường quốc lộ 14, 26, 27, 29 kết nối Đắk Lắk với các tỉnh trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và cả nước. Hệ thống giao thông đến các huyện, xã ngày càng được cải tạo, nâng cấp, với 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm; cải tạo, nâng cấp nhựa hoặc bê tông hóa các tuyến đường tỉnh đạt 95,17%; các tuyến đường huyện đạt 85%; các tuyến đường xã và liên xã đạt 49%; 100% xã có điện lưới quốc gia, 98% thôn, buôn có điện, trong đó 98,5 % số hộ được dùng điện; đầu tư xây dựng được 233 dự án/công trình cho vùng đồng bào DTTS với tổng mức đầu tư 950,948 tỷ đồng; có 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2019 đạt 16.500 tỷ đồng; sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò quan trọng, chiếm chiếm 71,67% trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành.

Về y tế, sau giải phóng, đội ngũ y bác sỹ toàn tỉnh chỉ có 155 người, với 12 cơ sở khám chữa bệnh (gồm 03 bệnh viện, 07 bệnh xá, 01 nhà điều dưỡng, 01 trại phong), với 932 gường. Đến nay, toàn tỉnh có 226 cơ sở y tế, 6.660 nhân viên y tế, với 5.893 giường bệnh. Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được duy trì thực hiện tốt. Năm 2019 đã khám cho 3.819.542 lượt người, điều trị nội trú 317.840 lượt người và phẫu thuật cho 77.458 lượt người; xã hội hóa trong lĩnh vực y tế có chuyển biến tốt, nhiều cơ sở y tế ngoài công lập hoạt động có hiệu quả đã góp phần tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; 6,83 bác sỹ/1 vạn dân, 27 gường bệnh/1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 87,6% dân số.

Về giáo dục, sau giải phóng chỉ có trường 137 trường (115 trường cấp I, 21 trường cấp II, 01 trường cấp III), với 1.260 giáo viên, với 1.409 lớp, 65.000 học sinh. Đến nay, toàn tỉnh có 1.027 trường (trong đó: Mầm non: 323 trường; Tiểu học: 425 trường, THCS: 227 trường; THPT: 52 trường), với 28.302 giáo viên (phổ thông 22.174, mầm non 6.128); với 15.652 lớp (12.242 lớp phổ thông, 3.410 lớp mẫu giáo), có 08 trường trung cấp (280 giáo viên, 3.116 học sinh), 06 trường cao đẳng (509 giáo viên, 3.352 sinh viên), 02 trường đại học (668 giảng viên, 11.501 sinh viên). việc xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các cấp học được quan tâm đẩy mạnh; trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 46,5%.

Về thông tin liên lạc, sau giải phóng mới chỉ có 25km đường dây điện thoại, 250 máy điện thoại, Đến nay, đã phủ sóng điện thoại toàn tỉnh, với 1.931.851 thuê bao điện thoại , tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động 71,18%, internet 821.387 thuê bao, tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet đạt 42,11% số hộ, tỷ lệ người sử dụng internet đạt 42,83%.

Về thiết chế văn hóa, sau giải phóng chỉ 01 thư viện, 01 nhà văn hóa, 10 đội chiếu bóng. Đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao khá đồng bộ, toàn tỉnh có có 03 nhà văn hóa cấp tỉnh, 13 trung tâm văn hóa cấp huyện; 49 nhà văn hóa cấp xã; 585 buôn có nhà văn hóa cộng đồng; 12 thư viện và một số nhà truyền thống trong các cơ quan, đơn vị; 100% trường học có thư viện và 3 địa điểm chiếu phim do các doanh nghiệp đầu tư trong các siêu thị, có 14 đội chiếu bóng lưu động; 01 sân vận động có khán đài; 58 nhà thi đấu, nhà tập luyện đa năng; 190 sân bóng đá 11 người; 270 sân bóng đá mini; 184 sân cầu lông; 870 sân bóng chuyền; 22 sân bóng rổ; 62 sân quần vợt; 16 bể bơi; 06/15 huyện có Trung tâm thể dục thể thao.

Về quốc phòng - an ninh, sau ngày giải phóng, bên cạnh việc khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, tỉnh vừa tập trung chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, vừa phải đẩy mạnh công tác đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO; đồng thời chiến đấu và chiến thắng âm mưu xâm lấn, diệt chủng của bọn Pôn Pốt - Iêng Xary, góp phần bảo vệ vững chắc biên giới và làm tròn nghĩa vụ quốc tế, giúp bạn giải phóng tỉnh Mondunkiri - Campuchia... Lực lượng vũ trang từng bước được xây dựng chính quy, hiện đại, có bản lĩnh chính trị vững vàng và nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện các phương án, kế hoạch tác chiến và thường xuyên huấn luyện, sẵn sàng trong mọi tình huống. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường công tác vận động quần chúng; đấu tranh làm thất bại nhiều âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền để chống phá chế độ và nhân dân ta.

Về quan hệ đối ngoại, sau giải phóng tỉnh chủ yếu quan hệ, hợp tác với các nước thuộc khối các nước xã hội chủ nghĩa; đến nay, tỉnh đã đa dạng hóa, đa phương hóa mối quan hệ quốc tế với các địa phương nước ngoài, các đối tác, tổ chức quốc tế. Tiếp tục giữ vững, phát triển mối quan hệ đối ngoại với các tỉnh thành trong và ngoài nước, thúc đẩy hòa bình, hữu nghị, hợp tác; phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững và đảm bảo chủ quyền, an ninh biên giới Quốc gia.

Về hệ thống chính trị, sau ngày giải phóng, công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị các cấp luôn được quan tâm. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp được nâng lên; phương thức lãnh đạo từng bước được đổi mới, là nhân tố quyết định của mọi thắng lợi. Năm 1975, Đảng bộ tỉnh chỉ có 216 tổ chức cơ sở đảng với hơn 2.400 đảng viên, đến nay Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk có 20 đảng bộ trực thuộc (trong đó 15 đảng bộ huyện, thị xã, thành phố; 01 đảng bộ khối; 03 đảng bộ lực lượng vũ trang và 01 Đảng bộ cơ sở Trường Đại học Tây Nguyên), với 783 tổ chức cơ sở đảng (410 đảng bộ và 373 chi bộ); có 05 đảng bộ bộ phận và 5.353 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, với tổng số 80.214 đảng viên. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở từng bước được củng cố và kiện toàn. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp có tiến bộ. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có nhiều hoạt động hướng về cơ sở khá phong phú, gắn liền với lợi ích của nhân dân, tạo được các phong trào hành động cách mạng thiết thực.

Năm 2004, tỉnh Đắk Lắk tách thành hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, dân số của tỉnh Đắk Lắk hiện nay trên 1.919.147 người, với 49 dân tộc anh em. Những thành tựu kinh tế-xã hội đạt được trong 45 năm, từ 1975 đến nay là vô cùng to lớn. Từ một tỉnh miền núi nghèo nàn, lạc hậu với kinh tế nông nghiệp thô sơ, đến nay, Đắk Lắk đã trở thành một tỉnh khá của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Đó chính là nền tảng cho những chặng đường tiếp theo đưa Đắk Lắk tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Câu 6: Người dự thi hãy nêu cảm nhận bản thân về truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng bộ tỉnh qua 80 năm hình thành và phát triển (không quá 3000 từ).

Qua 80 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ Đắk Lắk đã từng bước đi lên đưa nhân dân thoát khỏi cảnh đói nghèo, cơ cực và cũng đã định hướng cho nhân dân đi theo con đường XHCN mà Đảng đã đề ra.

Trong 80 năm đó, Đắk Lắk đã chiến đấu chống lại 2 thế lực xâm lược lớn là: Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Với tính thần chiến đấu ngoan cường cùng với sự tuyên truyền tư tưởng cách mạng đến từng tầng lớp nhân dân có hiệu quả đã góp phần vào việc giải phóng tỉnh Đắk Lắk nói riêng và giải phòng miền Nam thống nhất đất nước nói chung (vào ngày 30-4-1975)

Khi chiến tranh đã đi qua, với tính thần quyết tâm đưa Đắk Lắk đi lên trở thành một tỉnh giàu có, phát triển thì mỗi đảng viên, mỗi chi bộ Đảng trong toàn tỉnh đã có những ý kiến, chính sách đúng đắn giúp cải thiện đời sống của nhân dân, giúp nhân dân ấm no, thoát khỏi cảnh nghèo nàn-lạc hậu.

Là một người con Đắk Lắk, được sinh ra và lớn lên từ mảnh đất này, tôi hiểu những khó khăn, những thử thách mà quê hương tôi phải trải qua với bản lĩnh tuyệt vời ấy.

Bố tôi, năm nay 84 tuổi, ông không phải là một nhà thơ, cũng không phải là một nhà lí luận phê bình, ông chỉ là một chiên sĩ cộng sản, một người con Đắk Lắk yêu quê hương mình tha thiết. Khi tôi đọc những vần thơ của bố tôi làm, tôi thấy sự cháy bỏng trong tình yêu của ông đối với Đảng, lòng biết ơn vô hạn với cánh mạng. Đó là sự phấn khởi, hân hoan khi nhìn quê hương đang ngày dần thay da đổi thịt.

Bố tôi thường kể cho tôi nghe về quê hương mình, sau mỗi câu chuyện bao giờ bố tôi cũng kết thúc: Nhờ vào Đảng đây con a!

Tôi vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, được làm một người con của mảnh đất Đắk Lắk anh hùng. tôi nguyện hết sức, hết lòng phụng sự Tổ Quốc, phục vụ nhân dân, nguyện đem sức mình đóng góp vào công cuộc xây dựng nước nhà nói chung và huyện nhà nói riêng ngày thêm giàu đẹp.

Đánh giá bài viết
31 21.508
0 Bình luận
Sắp xếp theo