Có nên tiêm vaccine sinopharm?

Có nên tiêm vaccine sinopharm? Sinopharm là một loại vaccine vừa được nhập về Việt Nam. Loại vaccine này đang gây nên làn sóng tranh cãi về độ an toàn của nó. Vậy, có nên tiêm vaccine sinopharm hay không? Cùng Hoatieu.vn tìm hiểu nhé

1. Vaccine Sinopharm

Vaccine Sinopharm là vaccine được nghiên cứu và sản xuất bởi Viện Nghiên cứu Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Sinopharm (Trung Quốc), đây là vaccine được sản xuất bằng công nghệ bất hoạt. Sinopharm (hay Tập đoàn Y Dược Trung Quốc) là đơn vị sản xuất vaccine lớn nhất Trung Quốc, có hơn 1.500 công ty con và hơn 200.000 nhân viên trải rộng khắp toàn cầu. Năm 2020, đơn vị này được xếp hạng 145 trong danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới, với thu đạt hơn 70 tỷ đô la Mỹ.

Ngày 7/5/2021, vắc xin Sinopharm được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) với hiệu quả bảo vệ lên đến 78.2%, đây cũng là vắc xin đầu tiên sử dụng công nghệ bất hoạt được đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO.

Bộ Y tế cũng đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ngày 3/6.

2. Độ an toàn của vaccine Sinopharm

Độ an toàn của vaccine Sinopharm

Thử nghiệm giai đoạn 3 quy mô lớn ở nhiều quốc gia cho thấy, tiêm đủ 2 liều vắc xin Sinopharm cách nhau 3-4 tuần có hiệu quả chống lại nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng là 79%, giảm xuống còn 73,5% với các trường hợp không có triệu chứng. Tác dụng phát huy 14 ngày sau khi tiêm liều thứ 2. Hiệu quả của vắc xin trong việc ngăn ngừa nhập viện là 79%.

Dù vậy, dữ liệu về độ an toàn của vắc xin với những người trên 60 tuổi không có nhiều do tỷ lệ người tham gia thử nghiệm ở nhóm tuổi này thấp.

Thực tế, không có vắc xin nào đảm bảo an toàn và hiệu quả 100%. Theo tiêu chuẩn của WHO, vắc xin có hiệu quả trên 50% đã có thể sử dụng.

3. Có nên tiêm vaccine sinopharm?

Giữa tình trạng khan hiếm vaccine và dịch bệnh đang diễn biến nhanh như hiện nay, việc tiêm vaccine covid là một biện pháp giúp ngăn chặn dịch bệnh, đảm bảo sự an toàn của bản thân.

Vaccine sinopharm đã được thử nghiệm và chứng minh có giá trị trong việc giảm và ngăn chặn bệnh dịch

=> Các bạn nên tiêm chủng khi đến lượt.

4. Những điều cần biết trước khi tiêm vaccine Sinopharm

4.1 Vaccine sinopharm tiêm cho ai?

Theo Quyết định số 3326 ngày 6/7/2021 về việc điều chỉnh phân bổ vaccine phòng Covid-19 đợt 6, Bộ Y tế chỉ định tiêm vaccine Sinopharm cho các nhóm như sau:

Đối với 7 tỉnh biên giới phía Bắc, gồm: Người dân sống ở các xã biên giới với Trung Quốc; Người có nhu cầu trao đổi, hoạt động thương mại, dịch vụ với Trung Quốc. Riêng 4 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang tổ chức tiêm thêm cho công dân Trung Quốc trên địa bàn.

Đối với 27 tỉnh, gồm: Công dân Trung Quốc sống và làm việc trên địa bàn (theo tỉnh/ cụm tỉnh); Danh sách đối tượng tiêm chủng do Đại sứ quán Trung Quốc cung cấp cho các địa phương sau khi các tỉnh gửi danh sách đầu mối liên hệ. Các địa phương không cần tiến hành rà soát và lập danh sách đối tượng.

Lưu ý: Vaccine Sinopharm được khuyến cáo cho nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Chưa có nhiều nghiên cứu, dữ liệu đánh giá sự an toàn cho người trên 60 tuổi tiêm vaccine sinopharm

4.2 Những người chống chỉ định tiêm vaccine Sinopharm

Những đối tượng sau không được tiêm vaccine sinopharm:

Nhóm trì hoãn tiêm chủng là người đang mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được; những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù; hoặc người trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon ≥ 2 mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày), hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; người đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng; phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.

Chống chỉ định tiêm cho người có tiền sử phản vệ từ độ hai trở lên với bất kỳ dị nguyên nào; hoặc người có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất dị ứng các thành phần của vaccine.

4.3 Những lưu ý khi tiêm vaccine Sinopharm

Vaccine Sinopharm được chỉ định cho người từ 18 tuổi trở lên. Người tiêm sẽ được tiêm mỗi liều 0,5 ml vào bắp. Lịch tiêm gồm hai mũi, cách nhau 21-28 ngày. Nếu liều thứ hai bị trì hoãn quá 4 tuần thì cần được tiêm trong thời gian sớm nhất có thể.

Khuyến cáo hiện nay của Bộ Y tế là ưu tiên sử dụng cùng một loại vaccine phòng Covid-19 để tiêm đủ hai liều cho cùng một đối tượng.

Tương tự các loại vaccine Covid-19 khác, khi tiêm vaccine Sinopharm, những người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính đã điều trị ổn định phải được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng tại bệnh viện, hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu. Bạn không được tự ý ngừng thuốc đang điều trị vì lý do tiêm vaccine Covid-19. Ngày đi tiêm, bạn cần đem toa thuốc và bệnh án đang điều trị để được bác sĩ tư vấn cụ thể.

5. Những phản ứng sau khi tiêm vaccine Sinopharm

Phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19 bất hoạt ghi nhận được hầu hết là nhẹ đến trung bình và tồn tại trong thời gian ngắn. Trong đó, các phản ứng tại chỗ tiêm rất phổ biến là đau, số ít người tiêm bị đỏ, sưng, cứng, ngứa.

Phản ứng toàn thân rất phổ biến là đau đầu. Phản ứng phổ biến là sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, ho, khó thở, buồn nôn, tiêu chảy, ngứa.

Các phản ứng không phổ biến là chóng mặt, chán ăn, đau hầu họng, khó nuốt, chảy nước mũi, táo bón, quá mẫn cảm.

Ngoài ra, một số phản ứng hiếm gặp có thể xảy ra là hôn mê, buồn ngủ, khó ngủ, hắt hơi, viêm mũi họng, nghẹt mũi, khô họng, cúm, giảm cảm, đau chân tay, đánh trống ngực; đau bụng, phát ban, niêm mạc da bất thường, mụn trứng cá, bệnh nhãn khoa, tai; khó chịu, nổi hạch.

Những phản ứng sau tiêm rất hiếm gặp (dưới một trên 10.000 liều) là ớn lạnh, rối loạn chức năng vị giác, mất vị giác, dị cảm, run, rối loạn chú ý; chảy máu cam, hen suyễn, kích ứng cổ họng, viêm amidan, khó chịu, cổ đau, đau hàm, u cổ, loét miệng, đau răng, rối loạn thực quản; viêm dạ dày, đổi màu phân, bệnh nhãn khoa, mờ mắt, kích ứng mắt; đau tai, căng thẳng, tăng huyết áp, hạ huyết áp, tiểu tiện không tự chủ, chậm kinh nguyệt.

Trên đây Hoatieu.vn đã trả lời câu hỏi Có nên tiêm vaccine sinopharm? Sinopharm là một loại vaccine khá mới lạ với người dân. Cũng giống như những loại vaccine trước, vaccine Sinopharm gặp phải những ý kiến trái chiều về hiệu quả cũng như độ an toàn của nó. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn trong đại dịch, các bạn nên đi tiêm nếu đến lượt mình, không nên kén chọn mà bỏ lỡ thời cơ thích hợp

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn

Các bài viết liên quan:

Đánh giá bài viết
2 4.162
0 Bình luận
Sắp xếp theo