Cho vay tiền bằng miệng, không trả có đòi được không?

Hiện tượng cho mượn, vay tiền phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, cho vay tiền mà đến hạn người ta không trả thì phải làm thế nào? Vì thấu hiểu nỗi băn khoăn đó, Hoatieu.vn chia sẻ đến bạn bài viết: Cho vay tiền bằng miệng, không trả có đòi được không?

1. Giao dịch dân sự là gì?

Căn cứ quy định tại Điều 116 Bộ luật dân sự 2015 thì giao dịch dân sự được hiểu là:

Điều 116. Giao dịch dân sự

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Như vậy, hợp đồng vay tiền được coi là một giao dịch dân sự.

2. Hợp đồng vay tài sản là gì?

Căn cứ quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 thì Hợp đồng vay tài sản được hiểu như sau:

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Cho vay tiền bằng miệng, không trả có đòi được không?

3. Vay tiền bằng miệng không trả có kiện đòi được không?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”.

Như vậy, vay tiền cũng được coi là hoạt động xác lập giao dịch dân sự vay tài sản. Theo đó, hình thức giao dịch dân sự bao gồm:

Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

Như vậy, mặc dù là cho vay tiền bằng lời nói thì vẫn được pháp luật công nhận là một giao dịch dân sự, có hiệu lực trên thực tế. Nếu đến hạn mà người đó không trả, bạn vẫn có thể làm đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để giải quyết và bảo vệ quyền lợi cho mình.

Do đó, nếu không đòi được, bạn hãy làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người đó cư trú. Về hình thức đơn khởi kiện tuân thủ theo Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:

“Điều 189. Hình thức, nội dung đơn khởi kiện

4. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

c) Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;

d) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);

đ) Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;

e) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

g) Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);

i) Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện."

Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải lưu lại tài liệu chứng cứ để chứng minh người đó có vay tiền của mình như đoạn chụp tin nhắn điện thoại, ghi âm lời nói, email, hóa đơn, tài khoản ngân hàng...

Trên đây là ý kiến tư vấn cá nhân của Hoatieu.vn. Mời các bạn tham khảo thêm một số bài viết hữu ích khác như: Cách viết hợp đồng cho vay tiền, Điều kiện ngân hàng cho vay vốn hiện nay từ chuyên mục Hỏi đáp pháp luật của trang Hoatieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 111
0 Bình luận
Sắp xếp theo