Chính sách lao động và giáo dục có hiệu lực từ giữa 02/2018

Tổng hợp chính sách lao động và giáo dục có hiệu lực từ giữa 02/2018

Giữa tháng 2 năm 2018, nhiều chính sách mới về lao động – tiền lương, giáo dục chính thức có hiệu lực. Trong đó nổi bật là: Ban hành danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo; Quy định đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp vừa học vừa làm...

1. Điểm mới về danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Nội dung này được đề cập tại Thông tư 36/2017/TT-BLĐTBXH về Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng (Danh mục)

Theo đó, Danh mục có những điểm mới sau:

- Mã ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng gồm 07 chữ số thay vì 08 chữ số theo quy định hiện hành;

- So với Danh mục hiện hành (45 ngành, nghề), Danh mục mới bổ sung thêm 72 ngành, nghề mới làm tăng số lượng ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm lên 117;

- Danh mục mới được chia theo từng lĩnh vực đào tạo và từng nhóm ngành, nghề thay vì chỉ nêu tên ngành, nghề như quy định hiện hành.

Thông tư 36/2017/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 12/02/2018 thay thế Thông tư 20/2014/TT-BLĐTBXH.

2. Trường trung cấp chuyên nghiệp không còn phải thực hiện công khai

Ngày 28/12/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (quy chế)

Theo đó, trường trung cấp chuyên nghiệp không còn thuộc đối tượng phải thực hiện công khai theo quy chế mới.

Bên cạnh đó, ngoài cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, quy chế mới bổ sung thêm các đối tượng phải thực hiện công khai gồm:

- Cơ sở giáo dục chuyên biệt;

- Trường phổ thông dân tộc nội trú;

- Trường phổ thông dân tộc bán trú;

- Trường cao đẳng sư phạm;

- Trường trung cấp sư phạm.

Nội dung phải thực hiện công khai bao gồm:

- Cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế;

- Điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục;

- Thu chi tài chính.

Xem chi tiết tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 13/02/2018 và thay thế Thông tư 09/2009/TT-BGDĐT.

3. Thời gian đào tạo theo niên chế hệ vừa làm vừa học không quá 2 lần hệ chính quy

Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 31/2017/TT-BLĐTBXH về quy định đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học (trừ ngành sư phạm).

Theo đó, thời gian khóa học đối với hệ vừa làm vừa học trình độ cao đẳng, trung cấp được quy định như sau:

- Đào tạo theo niên chế thì tổng thời gian khóa đào tạo (từ khi khai giảng đến khi bế giảng) tối đa không quá 2 lần so với thời gian khóa đào tạo chính quy cùng ngành, nghề, trình độ theo quy định;

- Đào tạo theo phương thức tích lũy mô - đun hoặc tín chỉ thì thời gian khóa học là thời gian người học tích lũy đủ số lượng mô - đun hoặc tín chỉ quy định trong chương trình đào tạo cùng ngành, nghề, trình độ.

Thông tư 31/2017/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 12/02/2018; các khóa đào tạo được tuyển sinh và khai giảng trước ngày này được tiếp tục thực hiện cho đến khi kết thúc khóa.

4. Thu hồi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm của giáo viên sơ cấp có hành vi gian lận

Thông tư 38/2017/TT-BLĐTBXH quy định về chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ sơ cấp; mẫu chứng chỉ, mẫu bản sao; quản lý phôi và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp có hiệu lực ngày 12/02/2018.

Theo đó, người đứng đầu các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp ra quyết định và thực hiện việc thu hồi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp trong các trường hợp sau:

- Người được cấp chứng chỉ bị phát hiện có hành vi gian lận trong học tập, thi hoặc trong việc làm hồ sơ để được cấp chứng chỉ;

- Chứng chỉ bị tẩy xóa;

- Người được cấp chứng chỉ cho người khác sử dụng chứng chỉ của mình.

Đánh giá bài viết
1 54
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo