Chỉ thị 18/CT-TTg năm 2017 về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em

Chỉ thị 18/CT-TTg năm 2017 - Tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em

Chỉ thị 18/CT-TTg năm 2017 về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 16 tháng 05 năm 2017. Nội dung chi tiết mời các bạn tham khảo.

Tư vấn về hình phạt tội hiếp dâm trẻ em

Các trường hợp được xác định là trẻ em bị xâm hại tình dục

Từ 1/7, đăng ảnh trẻ em trên 7 tuổi lên mạng phải xin phép

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 18/CT-TTgHà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 2017

CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC, XÂM HẠI TRẺ EM

Thời gian vừa qua, các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Để tăng cường giải pháp phòng, chống và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại và bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em và kịp thời can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại;

b) Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội tổ chức thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; triển khai theo thẩm quyền việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại;

c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

2. Bộ Công an

a) Chỉ đạo công an các cấp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; rà soát hồ sơ, xử lý dứt điểm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em đang tồn đọng, chưa xử lý kịp thời; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài hoặc không xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em;

b) Hướng dẫn công an các cấp quy trình, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh đối với hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; các biện pháp điều tra thân thiện đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại tình dục; nâng cao năng lực, kỹ năng cho lực lượng công an các cấp về điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhà trường thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em; rà soát các tiêu chuẩn trường học bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tăng cường giáo dục kiến thức về giới và kỹ năng phòng tránh bạo lực, xâm hại trẻ em cho giáo viên và học sinh; chủ động phát hiện các trường hợp học sinh có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc xử lý, điều tra, bảo vệ trẻ em.

4. Bộ Y tế

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về giám định pháp y đối với trẻ em bị xâm hại tình dục, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ưu tiên tiếp nhận, điều trị, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại; nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ y tế trong việc chăm sóc, tư vấn sức khỏe đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

5. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; hướng dẫn gia đình kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan báo chí ưu tiên việc phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; phát hiện, lên án các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.

7. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ở địa phương;

b) Xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em;

c) Chỉ đạo triển khai thực hiện Luật trẻ em và các văn bản hướng dẫn, ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo đảm việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại;

d) Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc để xảy ra tình trạng không xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn; không kịp thời hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.

8. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao

a) Chỉ đạo Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp tiếp nhận, giải quyết kịp thời, xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; rà soát hồ sơ, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em để xử lý dứt điểm, không để tồn đọng, kéo dài;

b) Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật đối với các điều của Bộ luật hình sự quy định về xâm hại tình dục trẻ em để giải quyết vướng mắc trong công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với loại tội phạm này

9. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và toàn xã hội lên án mạnh mẽ, kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.

10. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và các tổ chức xã hội tiếp nhận, thu thập thông tin về các hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, kịp thời chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền để can thiệp, xử lý; tư vấn, tham gia hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, đôn đốc, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị./.

Đánh giá bài viết
1 256
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo