Chỉ cá nhân "được phép mới ra đường" ở Hà Nội sau 6/9

Hà Nội xây dựng phương án giãn cách sau 6/9

Trước những lo ngại ảnh hưởng kinh tế xã hội nếu giãn cách xã hội trong một thời gian dài, TP Hà Nội đã yêu cầu siết chặt công tác phòng chống dịch. Yêu cầu chỉ cá nhân "được phép mới ra đường".

Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có văn ban chỉ đạo các cơ quan liên quan về việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 9 và các tháng cuối năm 2021. Theo đó cần tập trung cao độ trong các nhiệm vụ sau đây:

Chấn chỉnh ngay những tồn tại, hạn chế trong phòng dịch

Nội dung công văn thể hiện, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố đang diễn biến rất phức tạp, khó lường; còn phát sinh nhiều ca mắc mới trong cộng đồng tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện ổ dịch mới; trong khi đó nếu kéo dài giãn cách xã hội gây nhiều hệ lụy tác động tới nền kinh tế, xã hội.

Vì vậy, Hà Nội yêu cầu các sở, ban ngành, cơ quan liên quan coi công tác chủ động tấn công, dập dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu hiện nay; phải quyết tâm chiến thắng dịch bệnh cao nhất với phương châm "khóa nhanh, xóa gọn vùng đỏ, mở rộng, bảo vệ vững chắc vùng xanh".

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trước hết, Hà Nội yêu cầu rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn và tại các đơn vị; rà soát, khắc phục ngay hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Trong đó, phải tăng cường mật độ kiểm tra đột xuất, kiểm tra công vụ về công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, đơn vị; kiểm tra việc chuẩn bị các khu cách ly của cấp quận, huyện, thị xã; thực hiện tốt quan điểm lấy xã, phường là "pháo đài", người dân là "chiến sỹ", là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch và xác định "chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân".

Xây dựng phương án siết chặt hơn sau ngày 6/9

UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu phương án, kịch bản phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 trên địa bàn theo phương châm siết chặt hơn, áp dụng một số biện pháp cao hơn đối với những khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, khu vực "vùng đỏ", "vùng da cam".

Đối với khu vực "vùng xanh", giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt từng phương án để tổ chức sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ sản xuất hàng hóa cho khu vực "vùng đỏ", "vùng da cam", bảo đảm khoa học, chặt chẽ, phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch; từ đó xây dựng kế hoạch, phương án tại các khu đông dân cư, nhiều ngõ ngách, địa bàn phức tạp, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh... để có kịch bản phòng, chống dịch chủ động.

Tiếp tục xét nghiệm diện rộng theo kế hoạch trên toàn thành phố, nâng cao năng lực xét nghiệm, ưu tiên xét nghiệm cho các khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly "nhóm đỏ" (tần suất 2-3 ngày/lần); tại các khu vực có nguy cơ cao "nhóm da cam" (tần suất 5-7 ngày/lần); song song với việc ưu tiên xét nghiệm theo hộ gia đình tại các "nhóm xanh" cũng cần thực hiện nhanh chóng, kịp thời để bảo vệ và dần mở rộng "nhóm xanh".

Chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, ưu tiên tiêm ngay vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng có nguy cơ cao, hộ gia đình tại các khu vực đông dân cư, ngõ/hẻm giáp ranh ổ dịch nhằm tăng cường miễn dịch cộng đồng cho người dân trong vùng nguy cơ cao.

Quản lý theo nguyên tắc "người ở vùng nào thì ở vùng đó"

Hà Nội cũng yêu cầu lực lượng Công an TP tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của người dân; quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn; hướng dẫn cụ thể và cấp giấy đi đường cho các đối tượng, phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn thành phố (trong đó bao gồm hoạt động chính trị, ngoại giao, dịch vụ công ích thiết yếu, công vụ, phòng chống dịch; khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng của người dân…).

Tổ chức quản lý chặt chẽ và thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện "được phép mới ra đường", "ai ở đâu thì ở đó", "người ở vùng nào thì ở vùng đó".

UBND TP Hà Nội cũng đề nghị tập trung chỉ đạo xây dựng các "pháo đài" phòng, chống dịch là các xã, phường, thị trấn; thực hiện giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách xã hội phải thực hiện nghiêm ngặt; bảo đảm việc cung ứng, cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong khu vực thực hiện giãn cách, nhất là ở nơi phong tỏa, cách ly; đẩy mạnh triển khai các mô hình "ngõ, xóm tự quản về phòng, chống dịch Covid-19".

Đặc biệt, để thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa bàn, xem xét phê duyệt phương án hoạt động cho các doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp trực thuộc sản xuất an toàn theo nguyên tắc "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến", trong đó phải cam kết toàn bộ công nhân phải được tiêm vắc xin và xét nghiệm nhanh Covid-19 âm tính…

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 1.973
0 Bình luận
Sắp xếp theo