Cảnh sát cơ động có được giữ xe không?

Khi tham gia giao thông, có trường hợp bạn gặp cảnh sát cơ động xử phạt vi phạm giao thông. Tuy nhiên, để nắm rõ hơn thẩm quyền xử phạt của CSCĐ? CSCĐ có được tạm giữ xe không? Hoatieu.vn sẽ cung cấp cho bạn những thông tin liên quan trong bài viết dưới đây.

1. CSCĐ có quyền giữ xe không?

Hiện nay, tình trạng vi phạm luật giao thông đường bộ diễn ra rất phổ biến. Nhưng nhiều người tham gia giao thông chưa nắm được việc lực lượng nào có quyền tạm giữ xe của mình. Trong trường hợp vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ mà bị cảnh sát cơ động xử lý vi phạm, CSCĐ có quyền tạm giữ xe vi phạm không?

Tại Khoản 3 điều 74 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định:

Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại các điểm, khoản, điều của Nghị định này...

Và căn cứ Điểm a, điểm b Khoản 32 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định:

1. Để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền được phép tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2, khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) đối với những hành vi vi phạm được quy định tại các điều, khoản, điểm sau đây của Nghị định này...

2. Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định tại Nghị định này theo quy định tại khoản 6, khoản 8 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2020)...

Như vậy, có thể thấy, người có thẩm quyền được phép tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt hoặc để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ xử phạt có bao gồm cả cảnh sát cơ động.

=> Để ngăn chặn việc vi phạm hành chính, CSCĐ có quyền tạm giữ phương tiện giao thông của người vi phạm.

CSCĐ có được tạm giữ phương tiện không?

2. Lấy lại xe bị tạm giữ như thế nào?

Xe bị tạm giữ sẽ được chuyển đến bãi/kho lưu trữ. Thời hạn tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ.

Thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn đối với những vụ việc có thêm tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày tạm giữ phương tiện.

Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 138/2021/NĐ-CP quy định về việc trả lại phương tiện giao thông bị tạm giữ, người đến nhận lại phương tiện bị tạm giữ cần mang theo một số giấy tờ quan trọng như:

  • Biên bản tạm giữ xe.
  • Quyết định trả lại phương tiện giao thông bị tạm giữ của người có quyền ra quyết định tạm giữ để người tạm giữ phương tiện có thể kiểm tra và thực hiện việc trao trả phương tiện bị tạm giữ.
  • Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân

Lưu ý: Người đến nhận lại phương tiện bị tạm giữ phải là người vi phạm hoặc chủ sở hữu phương tiện bị tạm giữ hoặc đại diện tổ chức vi phạm hành chính đã được ghi trong quyết định tạm giữ phương tiện. Nếu người khác đến nhận thay phải có văn bản ủy quyền.

3. Thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông của CSCĐ

CSCĐ được trao quyền xử phạt vi phạm giao thông, tuy nhiên CSCĐ không phải lực lượng có chức năng chuyên trách trong đảm bảo an toàn giao thông như cảnh sát giao thông.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP, CSCĐ có thẩm quyền xử phạt một số hành vi vi phạm giao thông đường bộ với các loại phương tiện gồm xe ô tô, xe máy, xe máy chuyên dùng, máy kéo...

Cụ thể để biết CSCĐ được bắt những lỗi gì 2024, mời bạn đọc tham khảo bài Thẩm quyền xử phạt giao thông của cảnh sát cơ động 2024

4. Những cảnh sát nào có quyền xử phạt vi phạm giao thông?

Hiện có rất nhiều lực lượng tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Vậy theo quy định các lực lượng này có thẩm quyền được phép xử phạt vi phạm giao thông không?

Các lực lượng có quyền xử phạt vi phạm giao thông gồm:

  1. Lực lượng Cảnh sát giao thông được quyền xử phạt tất cả các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
  2. Thanh tra giao thông đường bộ có quyền dừng phương tiện giao thông đang lưu thông để ngăn chặn các hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ. Lực lượng này chỉ được dừng phương tiện khi phát hiện có dấu hiệu hoặc đã có hành vi vi phạm xảy ra và có quyền xử phạt theo thẩm quyền.
  3. Các lực lượng Cảnh sát khác và Công an cấp xã có thể được huy động và phối hợp với CSGT để tuần tra và kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định. Các lực lượng này bao gồm công an xã, phường, thị trấn và các lực lượng cảnh sát khác như cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát bảo vệ và cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội. Trong trường hợp lực lượng này tuần tra và kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có sự đi cùng của CSGT, nếu phát hiện vi phạm hành chính, họ sẽ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho các hành vi thuộc thẩm quyền.

Ngoài ra, lực lượng dân phòng có nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng cảnh sát điều tiết giao thông, có quyền yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm và báo cáo với UBND và công an phường để xử lý theo quy định của pháp luật đối với những người vi phạm trật tự công cộng, trật tự xây dựng, an toàn giao thông. Lực lượng này không có quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Mời bạn đọc tham khảo thêm bài viết Thẩm quyền xử phạt giao thông của cảnh sát cơ động 2024

Trên đây, Hoatieu.vn đã giới thiệu cho bạn đọc các quy định của pháp luật về Cảnh sát cơ động có được giữ xe không? Mời các bạn tham khảo các bài viết khác tại mục Hỏi đáp pháp luật

Đánh giá bài viết
1 725
0 Bình luận
Sắp xếp theo