Cách tính tuổi vào lớp 1 theo quy định mới nhất

Tuổi của học sinh vào lớp 1 hiện nay được quy định như thế nào? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau đây của Hoatieu để nắm được cách tính tuổi vào lớp 1 theo quy định mới nhất.

1. Cách tính tuổi vào lớp 1

Tại Điều 33 Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định về tuổi của học sinh tiểu học như sau:

- Tuổi của học sinh vào học lớp một là 06 tuổi và được tính theo năm.

- Trẻ em khuyết tật, kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, trẻ em ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em ở nước ngoài về nước, con em người nước ngoài học tập, làm việc ở Việt Nam có thể vào học lớp một ở độ tuổi cao hơn so với quy định nhưng không quá 03 tuổi.

- Trường hợp trẻ em vào học lớp một vượt quá 03 tuổi so với quy định sẽ do trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định.

Như vậy, thông thường, trẻ em 6 tuổi sẽ được học lớp 1 và được tính theo năm. Tuy nhiên, với một số trường hợp đặc biệt thì có thể học muộn hơn.

Công thức để tính năm vào lớp 1 sẽ là: Năm sinh của bé vào lớp 1 + 6 = Năm vào học lớp 1.

Ví dụ: Bé A sinh ngày 20/11/2015. Năm 2015 + 6 = 2021. Như vậy, đến năm học 2021 - 2022, bé A có thể vào học lớp 1.

2. Học sinh lớp 1 được chọn trường ở đâu?

Quyền của học sinh tiểu học được quy định tại Điều 35 Điều lệ trường tiểu học như sau:

“a) Được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân; được học ở một trường, lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học thuận tiện đi lại đối với bản thân trên địa bàn cư trú.

b) Học sinh được chọn trường học hoặc chuyển đến học trường khác ngoài địa bàn cư trú, nếu trường đó có khả năng tiếp nhận.

c) Học sinh trong độ tuổi tiểu học từ nước ngoài về nước, con em người nước ngoài học tập, làm việc tại Việt Nam, trẻ em vì hoàn cảnh khó khăn chưa được đi học ở nhà trường nếu có nguyện vọng chuyển đến học trong một trường tiểu học thì được hiệu trưởng tổ chức khảo sát trình độ để xếp vào lớp phù hợp.

d) Học sinh khuyết tật được học hòa nhập ở một trường tiểu học; được đảm bảo các điều kiện để học tập và rèn luyện; được học và đánh giá theo kế hoạch giáo dục cá nhân của học sinh."

Như vậy, theo quy định trên, học sinh tiểu học nói chung và học sinh lớp 1 nói riêng được lựa chọn học ở một trường trên địa bàn cư trú (thường trú hoặc tạm trú).

Tuy nhiên, ở các thành phố lớn, do dân số quá đông đúc nên việc có sổ tạm trú KT3 không giúp trẻ chắc chắn có một “suất” tại trường tiểu học công lập.

Ngoài ra, nếu mong muốn, học sinh cũng có quyền chuyển đến trường tiểu học ngoài địa bàn cư trú. Tuy nhiên, việc chuyển đến trường khác không phải nơi cư trú có được chấp nhận không là tùy thuộc vào khả năng tiếp nhận nhà trường.

3. Học sinh tiểu học được rút ngắn, học vượt lớp

Theo quy định tại Điều 35 Điều lệ trường tiểu học, học sinh tiểu học có quyền:

- Được học rút ngắn thời gian thực hiện chương trình, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định, học kéo dài thời gian, học lưu ban.

- Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học.

Như vậy, nếu học sinh có điều kiện thể lực tốt về cân nặng, chiều cao,... và phát triển trí tuệ sớm thì phụ huynh có thể yêu cầu nhà trường xem xét để được rút ngắn thời gian thực hiện chương trình học, học vượt lớp.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 217
0 Bình luận
Sắp xếp theo